Menu Close

Những tấm thiệp viết tay

Kể chuyện giễu hằng đêm giúp vui bá tánh là một nghề kiếm tiền khá khá nhất là những danh hài tên tuổi, có tiết mục riêng trên đài truyền hình, họ ẵm vài chục triệu mỗi năm để làm công việc ấy. Mới đây khi ông Jimmy Fallon mang việc “gửi thiệp cảm ơn” làm đề tài giễu cợt thì bá tánh có dịp nhắc đến một thói quen xa cũ. Nhắc lại chỉ để bùi ngùi, tiếc nuối một mỹ tục đang đi vào quên lãng: Thói quen viết thư và viết thiệp cảm ơn!

Thủa xa xưa ấy khi trẻ em còn tập viết, viết làm sao cho ngay hàng thẳng lối, chữ o tròn quả trứng, chữ i thẳng đứng cây gậy, chữ in, chữ thảo… và bắt đầu là những tấm thiệp vẽ tay với mấy chữ nguệch ngoạc rồi đến những tấm thiệp gửi cho thân nhân; viết thư cảm ơn mỗi lần được tặng quà. Một công đôi việc, phụ huynh dạy con trẻ biết cám ơn khi được đối xử tử tế và dạy cả thói quen lịch sự khi giao tiếp. Và chữ viết còn là một hình ảnh của người viết, trông chữ đoán người.

Rồi máy móc dần dần thay thế bút mực, người ta dùng máy chữ, dùng “word processor” thay cho việc viết tay kẻo vị nào chữ viết như rồng bay hay gà bới thì bá tánh đọc không ra. Máy móc thì rõ ràng, chữ nào ra chữ ấy, dứt khoát hơn. Và khi điện thư ra đời thì việc “viết” tay trở thành quá khứ. Hầu như ai cũng dùng bàn phím, gõ lóc cóc hay bấm nút điện thoại di động. Người ta trở nên “ngắn gọn” hơn nữa với các ký hiệu, lối viết tắt để chuyển đạt ý tưởng, từ lời thương nhớ đến câu nhắc nhở, chuyện trò, tán dóc hay đùa giỡn.

Ấy là chuyện thư từ, chúc tụng, góp vui chia buồn cũng trở thành các món điện tử, thiệp điện tử, hình ảnh điện tử; ta chỉ có thể ngó mà không được sờ mó chi ráo. Bấm mấy cái nút là hình ảnh hiện ra hay biến mất, muốn giữ thì cứ gửi vào kho… ảo, nằm trong mây (cloud) đâu đó! Tiện lợi lắm nên chẳng mấy ai dùng thiệp in trên giấy nữa. Hầu như 100% những người trẻ đều dùng điện thư và thiệp điện tử. Họ mang kè kè bên mình những vật dụng điện tử, nên giấy bút bỏ đi biền biệt. Phen này Hallmark và các công ty bán thiệp sập tiệm và những nghệ sĩ trang trí thiệp sắp thất nghiệp đến nơi?!

Chữ viết tay không còn cần thiết nữa nhưng còn chữ ký thì sao? Ta không thể “ký” tên theo lối chữ in mà phải “ký” theo lối chữ thảo và bút mực sắp trở thành của thừa, đồ phế thải ngoại trừ khi cần ký tên? Nhưng hình như chữ ký kia cũng sắp sửa được thay thế bằng chữ ký điện tử (electronic signature)? Sự việc ấy khiến Dế Mèn đoán rằng lối viết chữ thảo chắc sắp chết queo rồi? Và việc dùng chữ viết, đúng ra là chữ ký, để thẩm định mức thay đổi của sự phối hợp các cử động từ ngón tay và não bộ [chứng Alzheimer hay Parkinson tạo ra sự thay đổi chữ viết, chữ ký rất rõ ràng] chắc cũng sắp đi vào viện bảo tàng để đứng xếp hạng chung với những kỹ thuật y học cổ đại khác?

Các trường tiểu học đang sôi nổi thảo luận việc huấn luyện trẻ em tập viết. Có nhà giáo dục cho rằng nên duy trì môn học ấy, giữ những giờ học tập viết chữ thảo (cursive) để học sinh có thể dùng bút mực khi cần thiết. Nhưng cũng có nhà giáo dục cho rằng bút mực chẳng còn cần thiết nữa vì người ta sẽ sử dụng điện thoại di động vào… mọi việc, khi trả tiền (electronic wallet) cũng như lúc trình giấy tờ tùy thân (identification card); cứ xòe cái màn hình nhỏ xíu của điện thoại di động ra là xong tất! Khi không cần thiết thì việc tập viết trở thành phí phạm thời giờ, các giờ học kia có thể dùng vào những phần huấn luyện, dạy dỗ khác!

Bộ Giáo Dục Huê Kỳ chưa có quyết định chính thức nên các trường học tùy nghi, có trường tiếp tục môn tập viết, có trường bỏ quách! Câu chuyện “viết tay” âm thầm tiếp diễn cho đến khi danh hài James Fallon đem việc viết thiệp cảm ơn vào chương trình giúp vui để đùa giỡn thì nó trở thành đề tài để bàn tán.

Thói quen viết thiệp cảm ơn là một thói quen đẹp, một mỹ tục mà giới chế tạo và buôn bán thời trang vẫn duy trì. Đây là điều dễ hiểu vì kỹ nghệ “làm đẹp” thì người trong nghề để tâm đến những thứ họ cho là đẹp mắt, đẹp lòng; do đó viết tay thiệp cảm ơn mỗi lần những nhân vật quan trọng tham dự các buổi trình diễn. Họ dùng loại giấy dày và mịn, loại bút chảy mực đều đặn giúp nét chữ đều và phụng múa rồng bay; in hệt như ngày xưa các cụ đồ lựa chọn bút lông và mực Tàu!

Sau ngành thời trang là ngành “nhân sự”, các cơ sở cố vấn hay làm công việc thuê mướn nhân viên, đều lên tiếng ủng hộ việc viết thiệp cảm ơn. Họ biểu rằng đây là một thói quen lịch sự và cũng là một cử chỉ tự “quảng cáo”, chứng tỏ sự “khác người” để được chú ý và được cảm tình. Thí dụ? Giữa 200 mẩu điện thư cảm ơn sau cuộc phỏng vấn thì tấm thiệp viết tay kia sẽ nổi bật, sẽ đứng riêng một mình và được chú ý!

Thói quen “đẹp” tất nhiên là được những tay “dạy phép lịch sự” hoan hô. Nổi tiếng nhất trong giới “dạy lịch sự” là bà Emily Post, còn có tên là “Miss Manner”, cho rằng phép lịch sự không có tuổi tác, ở thời đại nào cũng thế, cách cư xử lịch sự vẫn được cổ võ và khen ngợi. Người lịch sự luôn đạt được những “lợi nhuận” không tên dù không trông chờ.

Các nhà tâm lý xã hội thì phân tích theo một khía cạnh khác, họ “ngâm cú” rồi kết luận rằng sự biết ơn (qua lời cảm tạ), theo chữ nghĩa của khoa học nhân văn là “gratitude intervention”, gia tăng sự tự tin, phấn khởi, giảm áp lực của đời sống và khiến người ta ăn ngon ngủ yên hơn so với những kẻ không nhận ra sự may mắn hoặc biết tri ân xã hội, nôm na là người “bạc bẽo” thường đòi hỏi vô lối (thế gian phải cung cấp phương tiện, trợ giúp hay phục vụ mình).

Họ còn đi xa hơn một bước nữa mà ước đoán rằng người bỏ thời giờ viết thiệp cảm ơn khi được đối xử tử tế là những người vui vẻ và quảng giao, thích hợp nhanh chóng với xã hội chung quanh! Theo ông Martin Nowak, Director of Harvard’s Program for Evolutionary Dynamics, “cám ơn” là một cách nhìn nhận sự tử tế đã nhận được, căn bản của việc giao tiếp. Nhìn nhận một hành động tử tế cũng là cách khuyến khích người ta tiếp tục hành xử tử tế! Ngược lại, việc tỏ lộ thái độ tẩy chay, lạnh nhạt, làm lơ, không chấp nhận một việc làm tệ hại cũng là cách nhắc nhở người xấu thói nên chấm dứt cách hành xử không đẹp.

Trường phái tự xưng là “ngắn gọn” hay “giản dị” tất nhiên không cùng quan điểm. Họ cho rằng bỏ thời giờ viết thiệp cám ơn là phí phạm vô lối, vẽ vời, khách sáo hay “rách việc”! Biết ơn ai thì cứ “để bụng” là đủ?! Do đó, một điện thư, một tín hiệu với vài ba hình tượng gửi qua mạng ảo mênh mông xem ra quá dư thừa! Ta không cần sờ mó mảnh giấy “màu mè” nào để biết rằng [cử chỉ đẹp] được nhìn nhận.

Theo thống kê, ngày nay bá tánh dùng điện thư để giao thiệp buôn bán làm ăn (90%) trong khi 100% những người trẻ thế hệ “millennium” sử dụng điện thư cho mọi tình huống. Tạm hiểu là dù có tiếc nuối thời xa xưa thế nào đi nữa, chữ viết tay, bút viết, giấy mực sẽ trở thành hiếm hoi và sẽ đi vào quên lãng.

Riêng Dế Mèn, ngẫm nghĩ lẩn thẩn rồi so sánh thủa cổ nhân dùng hình vẽ, ký hiệu để ghi chép vì con người chưa có chữ viết. Dần dà, ký hiệu biến dạng từ từ và trở thành chữ viết, giúp con người ghi chép dữ kiện, mô tả cảm xúc, kể chuyện… Rồi ngày nay, chữ viết cũng từ từ biến dạng, hóa thân thành… ký hiệu (emoticons), người ta dùng hình vẽ, hình chụp để diễn tả cảm xúc… Thế là con người sắp đi hết một vòng tròn, bắt đầu từ hình vẽ và ký hiệu và vòng vo thế nào rồi cũng trở về chỗ cũ như thủa ban sơ?

alt

TLL