Hai tháng qua, quan hệ Việt – Trung, xung quanh vụ giàn khoan 981 cò cưa, đã không ngừng xấu đi. Trung Quốc càng ngày càng ngang ngược. Thủ đoạn rất ‘4 không tốt, 16 chữ không vàng’. Việt Nam trước sau chỉ nhẫn nhịn đến mức khó hiểu. ‘Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông’ được coi là mấu chốt của sự việc. Trung Quốc bảo ba thứ này là của ‘ngộ’. Việt Nam bảo không phải của ‘nị’. Hai bên thi nhau trưng bằng cớ, đấu võ mồm. Nhưng từ góc độ quan sát, người ta thấy bằng chứng hai bên đều chỉ có một phần sự thật, mà một phần sự thật thì không thể là sự thật. Vậy sự thật ở đâu? Có lẽ phải chờ tòa án quốc tế điều tra, mới trả lời được.
Nhắc lại một chút
Hai quần đảo trên biển Đông, thuộc quyền kiểm soát, khai thác của Việt Nam mà không gặp bất kỳ tranh chấp nào của các nước láng giềng, ít ra là từ thời nhà Nguyễn, thế kỷ XVII. Năm 1954, khi Việt Nam tạm chia đôi thành hai miền Nam – Bắc, theo hiệp định Genève, phần lãnh thổ, lãnh hải từ vĩ tuyến 17 vào Nam (bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa) thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Phần từ vĩ tuyến 17 ra Bắc thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong thời gian này, cụ thể là năm 1956 và 1974, Trung Cộng dùng sức mạnh chiếm trọn hai phía đông- tây Hoàng Sa. Sang năm 1975 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Nước Việt Nam chính thức mang tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sách báo trong nước không nhắc gì về sự chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa rất anh dũng của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Nhà nước cũng không đứng ra thay mặt quốc dân đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa. Thừa thắng xông lên, năm 1988, Trung Quốc lại đưa quân ra đánh úp bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Trong cuộc đọ sức ngắn ngủi, ba tầu chiến của Việt Nam bị bắn chìm, gần 70 lính hải quân Việt Nam thiệt mạng. Báo chí trong nước lại im lặng. Nhà nước cũng im lặng. Và người dân tiếp tục mù tịt về cuộc hải chiến thảm khốc ở Trường Sa. Được đà, năm 2013, 2014, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông với đường 10 đoạn hình lưỡi bò, cho xây dựng thành phố Tam Sa (gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam), mở các tua du lịch, xây sân bay, khuyến khích di dân, cho mua bán đất trên đảo, dựng giàn khoan 981… gây thiệt hại đáng kể về người về của cho ngư dân và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Phản ứng sau vụ Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp biển đảo Việt Nam
Phản ứng khác biệt
Trước tình hình này, người dân trong nước rất hoang mang, không biết phản ứng thế nào cho phải. Làm ngơ cho Trung Quốc hoành hành thì ‘chỉ có trâu chó mới thế’. Xuống đường biểu tình chống ‘tầu khựa’, lập tức bị bắt! Đập phá tan hoang công ty của ‘chúng nó’, bị xử tù! Thậm chí ngồi nhà giương cái biểu ngữ con con ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’ cũng bị bắt! Một người dân Sài Gòn đã nảy sáng kiến chơi chữ bằng cách trương hai tấm bảng ‘Mất nước là chết’ và ‘Nước nhà không bán, chỉ mời lấy thảo’ trên đôi thùng nước anh gánh vào công viên Tao Đàn phân phát cho những người đi tập thể dục sáng dù sau đó bị bảo vệ công viên hoạnh họe, xua đuổi, bị công an ‘mời về phường làm việc. Có lẽ thấy thú vị về cách thể hiện lòng yêu nước ngộ nghĩnh của anh, nên dù World Cup đang mùa cao điểm, nhiều thanh niên sinh viên đã hưởng ứng phong trào xách ấm xuống đường dựng bảng ‘Không bán nước’ thay vì chúi mũi say sưa ‘ăn bóng đá, ngủ bóng đá’.

Hưởng ứng phong trào ‘không bán nước’
Mỗi ngày xem ti vi, đọc báo thì tin tức được thiên hạ chú mục nhất không phải là kỳ thi Đại học sôi nổi của hàng triệu sĩ tử cả nước, cũng không phải là World Cup một mất một còn mà là tình hình Biển Đông căng thẳng. Phản ứng của họ khá giống nhau: thương ngư dân Miền Trung yếu thế, căm giận Trung Quốc, thấy nhục quốc thể, muốn cảnh sát biển Việt Nam thay vì ‘ôm cái loa chạy vòng vòng như gà mở cửa mả thì phải làm cho mạnh, cho tới’… Quanh bàn cà phê vỉa hè, một bác xe ôm, sau khi chê ‘mấy chả hèn thấy mẹ!’ đã lúng túng khi bị hỏi ngược ‘vậy cho anh làm Tổng Thống, anh làm sao’. Tui kiện liền, liên kết liền! Kiện, thì mấy ổng cũng đang xủ quẻ coi hung kiết để chuẩn bị kiện. Còn liên kết, anh tính liên kết ai? Với Phi nè, Nhật Bản nè, Mỹ nè. Liên kết đông, Trung Quốc sẽ không dám ăn hiếp’. Anh ít học mà còn biết vậy, thông thái cỡ Tổng, Thủ lẽ nào không biết. Biết sao họ không làm? Không phải không làm, mà làm không được! Tại sao không được? Là tại … Cứ mở internet, vặn đài quốc tế, là nghe hết về bang giao Trung- Việt, từ thời cách mạng Việt Nam còn phôi thai, phải nương dựa, nhờ vả Trung Quốc đủ thứ. Dựa riết, nhờ riết, đâm lún sâu, đổ nợ. Giấy nợ ràng ràng, chứng cớ đầy đủ. Bởi vậy, bây giờ dù muốn xù, cũng không dám, không thể xù nợ….’ Cứ thế, từ chuyện Hội nghị Thành Đô, Gặp gỡ Bắc Kinh, mất thác Bản Giốc, ải Nam Quan, vịnh Bắc Bộ, tới chuyện năm 2020 Việt Nam sẽ thành một tỉnh Trung Quốc với giá 2 tỷ đô la Mỹ, người bán là A, B, C…được dân cà phê vỉa hè truyền tai nhau, mắt lấm lét, miệng thở dài.
Như để minh chứng thêm cho những tin động trời nọ, ngày 9 tháng 6 qua, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ông Vương Minh, Phó Đại sứ Trung Quốc đã chính thức đệ trình Tổng Thư ký LHQ, một văn bản kiến nghị về hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc, đề nghị phổ biến cho 193 nước thành viên LHQ, trong văn bản kiến nghị đó nêu những chứng cớ cụ thể về việc Bắc Việt chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên giấy trắng mực đen (qua công hàm năm 1958, sách giáo khoa lớp 9, báo Nhân Dân…), và do vậy, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trên biển Đông chỉ cách Hoàng Sa của Trung Quốc 32 hải lý là hoàn toàn hợp pháp.
Phần nhà nước Việt Nam, trong cố gắng bác bỏ ‘những luận điệu vu cáo’ của Trung Quốc, đã liên tục trưng bày hàng trăm thư tịch, bản đồ Việt- Hoa cổ, bản đồ do các nhà hàng hải phương Tây vẽ, để chứng thực hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của mình. Mới đây, trong cuộc hội thảo quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa tổ chức ở Đà Nẵng vào ngày 20 Tháng 6, quy tụ hơn 100 học giả trong và ngoài nước, một lần nữa, các bằng chứng về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam- các bản đồ hàng hải, châu bản triều Nguyễn, sắc phong (do các họ tộc huyện đảo Lý Sơn giữ kỹ) lại được trưng ra. Đầu Tháng 7, sau kỳ họp lần thứ 7 quốc hội thứ XIII, ‘tứ trụ triều đình’ là các ông Hùng- Dũng- Sang- Trọng, với tư cách đại biểu quốc hội, đã trấn an dư luận bằng cách chia nhau đi thăm, nói chuyện với cử tri Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Sài Gòn, khẳng định đường lối chung: Vừa giữ gìn tình hữu nghị lâu đời với nhân dân Trung Quốc, vừa kiên quyết chống mọi mưu toan áp đặt chủ quyền sai trái ở Biển Đông của nhà nước Trung Quốc, lại vừa vực dậy nền kinh tế trong nước, chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất là nổ ra chiến tranh Trung- Việt.
Tóm lại…
Tình hình hiện nay là vậy. Người dân trong nước, mười người hết tám đang chật vật, lo lắng, nghi ngại và mệt mỏi hơn bao giờ hết. Nhìn về quá khứ, thế kỷ XIII, thế kỷ XV, thế kỷ XVIII, so sánh với hiện tại, họ thấy mình không có cái cha ông từng có. Nhìn về tương lai, chỉ thấy viễn cảnh mù mịt, hãi hùng. Nhìn trước mắt, trùng trùng nỗi lo đói cơm rách áo. Mấy ngàn năm nay, dân tộc Việt đã căng mình chống lụt bão, hạn hán, giặc ngoài thù trong liên tục. Đang mùa World Cup, T. Tr, một bình luận viên thể thao, đã ví von cục diện bang giao Việt Trung như trận cầu giữa hai đội Trung Quốc- Việt Nam. Cầu thủ Trung Quốc cao lớn, khỏe mạnh, chơi lấn lướt, không ngại ‘đốn giò’. Cầu thủ Việt Nam thấp nhỏ, yếu tấn công, yếu phòng thủ, sợ va chạm, đã vài lần đá phản lưới nhà, có dấu hiệu bán độ. Bán độ ư, tội không phải thường đâu!
Lời vua Lê Thánh Tông từng bảo bầy tôi: ‘Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ. Ngươi phải cương quyết tranh biện, chớ cho họ (Tàu) lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di’.

Phạm Thanh Nghiên hưởng ứng phong trào ‘không bán nước’