Cô bạn gái của em ngay từ đầu đã thú nhận (một cách vui vẻ) là cổ không biết nấu ăn. Bạn bè của em ai cũng biết điều này nhưng cũng không ai quan tâm, thậm chí còn khen em “may mắn” khi có nàng fiancee xinh đẹp. Mẹ của em khi biết “tài” cô bạn thì phán một câu “Cái bếp là mồi lửa của hạnh phúc gia đình. Không nấu không nướng, đi ăn tiệm cả đời sao. Làm sao mà ấm áp?” (em chỉ chép mang máng, không đúng nguyên văn lời mẹ). Còn 2 năm nữa chúng em làm đám cưới. Nhiều lời bàn ra tán vào nghe riết cũng… nhức đầu. Em rất thương yêu cô ấy cho dầu cổ không sờ tay vào bếp, nhưng liệu tụi em có thể “hạnh phúc” lâu dài như mẹ em “dọa” hay không, TTVV?
Chuyện nội trợ lâu nay chẳng đóng một vai trò nào trong tình yêu nam nữ. Từ trước đến nay có cả hàng ngàn cuốn sách viết về tình yêu nhưng dường như chẳng có cuốn nào đề cập đến một mối tình mà trong đó chàng yêu nàng vì tài nấu ăn hay chàng bỏ rơi nàng vì món dưa cải không đúng điệu.
Romeo bất chấp sự hiềm khích giữa hai dòng họ để chết mê chết mệt Juliette chắc chắn không phải vì món chả cá của nàng.
Trong thực tế, khi các chàng trai rinh được người trong mộng về nhà đều gần như không có cơ hội thưởng thức tài bếp núc của người bạn đời. Bởi so với không khí lãng mạn của thời kỳ yêu đương thì chuyện ăn uống thuộc về lãnh vực nhỏ như con thỏ. Thứ hai, đó là thời gian họ đang hăng hái chiếu cố các nhà hàng và chẳng ai buồn khảo sát việc nấu nướng của nàng, người ta yêu nhau bằng thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác chứ mấy ai yêu nhau bằng… vị giác!
Chỉ đến khi thành vợ thành chồng hẳn hòi thì người ta mới tá hỏa nhận ra không phải ngày nào cũng có thể dẫn xác đến nhà hàng. Việc nấu nướng vốn xa lạ với đời sống tình yêu lại trở nên thân thiết trong đời sống vợ chồng. Nó thiết thân, thường trực hơn thứ gì hết. Người vợ nhan sắc tầm tầm có thể “cải thiện” bằng nghệ thuật trang điểm. Người vợ kém ăn nói sẽ an toàn với châm ngôn “im lặng là vàng”. Còn người vợ không biết nấu nướng không thể sửa chữa bằng cách dốc nguyên hũ đường vào nồi thịt kho tàu!
Lúc đó nhiều người dễ nghiệm ra một chân lý rằng, hạnh phúc gia đình không chỉ tan vỡ vì thiếu thủy chung hay xung đột tính cách mà hoàn toàn có thể xuất phát từ… bàn ăn!
Túm lại, theo TTVV, chúng ta – trong đó có Fang – hoàn toàn có thể hạnh phúc với một người vợ không biết nấu ăn, nếu sau đó người vợ tìm cách biết những điều mình chưa biết hoặc chính người chồng là một đầu bếp thượng hạng!

Bảo Huân
Câu hỏi kỳ này
Anh ấy đang bảo lãnh em sang Mỹ, em rất lo lắng cho tương lai của mình, vì công việc của em là kế toán gần 10 năm nay, nhưng qua Mỹ thì nghe nói phải học lại từ đầu và tuổi của em chắc khó mà đi học nổi (năm nay 29 tuổi), nhất là ảnh quyết định phải có con sớm (ảnh 41).
Khi bàn tính về việc làm, cuối cùng, ảnh chọn cho em nghề nail. Ảnh nói nghề này học nhanh, người Việt mình khéo tay dễ có tiền mà dì của ảnh có một tiệm cứ thiếu thợ hoài. Ảnh sẽ gởi ở đó làm cho đến khi có bằng. Rồi ảnh gởi cho em một mớ dụng cụ để thực tập và tài liệu tiếng Việt để tìm hiểu trước.
Em lên mạng search thêm tư liệu thì thấy nhiều bài viết có vẻ hơi “đả kích” người làm nail và nhiều câu chuyện lùm xùm quanh họ. Em cũng đâm lo. Mẹ em thì bảo nghề nào cũng nghề, lương tâm trong sáng là được. TTVV có ý kiến gì về công việc tương lai của em không?
(Thủy Tiên, Gò Vấp)