Nếu cho rằng một bản nhạc hay là bệ phóng đưa nhân loại lên đến tuyệt đỉnh tinh thần, giúp họ trở nên cao quý, biết xác định phẩm chất, củng cố niềm tin vào sức mạnh nội tâm, vào sứ mệnh riêng khi sống trong cõi đời này; chắc chắn “We Shall Overcome – Chúng Ta Sẽ Vượt Qua” là ca khúc bất hủ đứng đầu danh sách những ca khúc hay nhất của thế kỷ 20 nói riêng, của cõi người ta nói chung. “We Shall Overcome” được đánh giá là giai điệu loan truyền hòa bình công lý, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại – quan trọng đến nỗi người ta cho rằng bài hát đã làm thay đổi khuôn mặt của thế giới. Ban đầu “We Shall Overcome” là bản thánh ca do Mục Sư Charles Tindley sáng tác, được hát trong giáo đường của người da đen ở tiểu bang Philadelphia vào năm 1901; nội dung nói đến nỗ lực vươn lên sự tốt đẹp bằng trái tim nhân ái của con người, với sự trợ giúp của Thiên Chúa để vượt qua từng nỗi thống khổ có trong đời. Thập niên 1960 thế giới biết đến ca khúc “We Shall Overcome” qua phong trào đấu tranh Nhân Quyền của Hoa Kỳ, và “Chúng Tôi Sẽ Vượt Qua” được xem là một trong số những bài ca phản kháng mạnh mẽ nhất. Từ ngày đó cho đến hôm nay, nơi nào có người đấu tranh cho nhân quyền, công lý, bình đẳng, tự do và hạnh phúc, nơi đó âm vang giai điệu “We Shall Overcome.”
Sau cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ [1861-1865], mặc dù chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ, người Mỹ da đen vẫn phải làm việc vất vả trên những cánh đồng trồng bông và thuốc lá. Trong những tháng năm khốn khó đói rét, ca khúc “We Shall Overcome” được hát vào cuối mỗi ngày đình công, để thêm sức mạnh tinh thần cho công nhân nhà máy thuốc lá của Hoa Kỳ ở tiểu bang South Carolina vào năm 1945.
Thập niên 1950 “We Shall Overcome” trở thành thông điệp mang tính chính trị, là bài hát hào hùng của những người đấu tranh dân sự, tìm kiếm sự bình đẳng cho những người Mỹ da đen bằng phương pháp bất bạo động.
Tháng 8 năm 1963, nữ ca sĩ lừng danh Joan Baez đứng đầu 300,000 người đồng ca “We Shall Overcome,” trong cuộc biểu tình “Freedom March On Washington 1963” – một cuộc biểu tình dân sự lớn nhất thế kỷ 20 – đòi hỏi việc làm, sự hòa hợp trong trường học, chống kỳ thị người Mỹ da đen tại Hoa Kỳ. Chính trong cuộc biểu tình này, Mục Sư Martin Luther King đã đọc bài diễn văn nổi tiếng “I Have A Dream” nói về giấc mơ hòa hợp giữa người Mỹ da đen và người Mỹ da trắng.
Năm 1969 tại Woodstock Festival, Joan Baez một lần nữa hát “We Shall Overcome” trước 500,000 khán giả, biến ca khúc này thành bài hát của phong trào hippy – một phong trào ca ngợi lối sống của những người không tuân theo những gì do xã hội áp đặt, nhưng luôn tôn trọng và đề cao những tư tưởng về hòa bình, tự do và hạnh phúc.
Năm 1972 Tổng Thống Lyndon Johnson dùng câu “We Shall Overcome” để đối thoại với toàn thể dân chúng Hoa Kỳ, sau cuộc biểu tình bạo động “Bloody Sunday” đòi quyền dân sự, hợp pháp hóa nhiều quyền lợi cho người da đen.
Năm 1995 nhiều giáo đường trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ hát vang ca khúc “We Shall Overcome,” sau vụ đánh bom khủng bố tại Oklahoma.
Năm 2007 trong nhà nguyện Unitarian Universalist ở Burlington, mọi người nắm tay nhau hát “We Shall Overcome,” để chia sẻ sự cảm thông và sự đau buồn vì chiến tranh ở Dafur, Sudan.
Từng câu từng chữ đơn giản của ca khúc “We Shall Overcome”
“We shall overcome
We shall overcome
We shall overcome, some day.
Oh, deep in my heart,
I do believe
We shall overcome, some day.
We’ll walk hand in hand,
We’ll walk hand in hand,
We’ll walk hand in hand, some day.”
Trở thành sức mạnh vô biên, không chỉ giúp người Mỹ da đen vượt qua những bi kịch bằng sức mạnh đoàn kết và tâm hồn trong sáng, mà còn giúp các dân tộc đang bị bạo lực áp bức vững tin rằng cộng đồng thế giới đứng bên cạnh họ, hát vang “Chúng Ta Sẽ Vượt Qua” để nền hòa bình tự do hạnh phúc thạnh trị trên toàn thế giới.
Giờ đây ước mơ hòa hợp dân tộc của Mục Sư Martin Luther King đã trở thành sự thật, khi ông Barack Hussein Obama – người Mỹ da đen đầu tiên – trở thành Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1 năm 2009. Ca khúc “We Shall Overcome” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được hát tại Ấn Độ, trong phong trào chống kỳ thị ở Châu Phi, Tiệp Khắc, và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Hiện nay khi cần một ca khúc để tố cáo những cảnh bất công, bài hát “We Shall Overcome” vẫn mang tính thời sự, và là chất giải độc hữu hiệu đối với sự thất vọng, khi đứng trước những điều bất công trên thế giới.

Tổng Thống Barack Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng Thống Joe Biden và Tiến sĩ Jill Biden cùng khoác tay hát “We Shall Overcome,” trong buổi lễ tưởng niệm Martin Luther King Jr. ở Washington, DC, Chủ Nhật 16-10- 2011– NGUỒN MICHELLEPICTURES.COM