Trong trận bán kết, Brazil sụp đổ toàn diện, chịu thua tan tác trước Đức Quốc 1-7.
Đây là tỉ số có lẽ không ai có thể dự đoán được và sẽ còn là nỗi ám ảnh rất lâu đối với làng đá banh Brazil vốn thừa kiêu hãnh. Thế trận ngay từ đầu đã khởi đi bất lợi cho Brazil khi họ sớm chịu bị phá lưới từ phút 11. Các cầu thủ Brazil có vẻ bối rối, vẫn không thể bắt nhịp trận cầu trong 12 phút tiếp theo. Đôi lần các chân sút Brazil ráng lên banh nhưng cũng không gây mấy nguy hiểm cho khung thành đối phương. Trong khi đó, đội Đức điềm tĩnh tỉa banh khắp sân không khác gì phong cách Tây Ban Nha những ngày mạnh mẽ nhất. Đến phút 23, người Đức ghi bàn thứ hai, lập tức đội hình Brazil tan rã, lộ nhiều khoảng trống thênh thang, và các cầu thủ Đức không ai kèm, mặc tình muốn khuynh đảo thế nào mặc sức. Đến khi Đức tung lưới lần thứ ba, thủ thành Júlio César #12 đã giơ hai tay lên trời như thể muốn… đầu hàng. Tinh thần cầu thủ Brazil rệu rã tới mức, ngay sau cú đá giao banh, tiền vệ Fernandinho #5 lập tức để Toni Kroos #18 của Đức đoạt banh ngay trong chân, rồi tỉa banh đưa đến bàn thắng thứ tư. Rồi bàn thứ năm chỉ 3 phút sau đó. Trận bán kết của Brazil kể như kết thúc ngay từ phút 29.
1-0! Phút thứ 11. trung vệ David Luiz #4 kèm Thomas Muller #13 trong cú đá phạt góc, nhưng trong khi Muller len lỏi vào trong thì Luiz bị Miroslav Klose #11 cản, để Muller trống trải một mình đá nối tung lưới.
2-0! Phút thứ 23. Muller rê dắt banh trong vùng cấm địa, hút theo Marcelo #6. Hậu vệ phải Maicon #23 đứng trật chỗ, sau lưng Klose. Muller đẩy nhẹ banh qua Klose, người có đủ giờ đá mạnh lần đầu, banh dội ra, vẫn kịp đá bồi thêm lần nữa tung lưới.
Đây là kết quả thắng/thua chênh lệch lớn nhất trong vòng bán kết World Cup xưa nay và cũng là thất bại đậm đà nhất của đội banh quốc gia Brazil tính đến nay. Chiến bại này cũng cắt đứt mạch thắng trận 62 lần liên tiếp trên sân nhà (không kể thân hữu) của Brazil. Lần cuối họ thua trên sân nhà vào năm 1975 khi chịu thua Chile 1-3 trong giải Copa America – cũng tại chính vận động trường Belo Horizonte Stadium thua Đức Quốc lần này. Về phía Đức là đội banh đầu tiên tung lưới đến 7 lần trong một trận bán kết World Cup. Thành tích ghi trước 5 bàn trong chỉ 29 phút cũng mau hơn bất cứ đội nào khác trong lịch sử World Cup. Với 7 lần xé lưới Brazil, người Đức cũng lập kỷ lục tổng cộng số bàn thắng tại World Cup là 223 – vượt qua chính Brazil và Italy cùng 220 lần tung lưới. Chưa hết, tiền đạo Đức Miroslav Klose #11 ghi 1 bàn, trở thành chân sút tung lưới nhiều nhất trên đấu trường World Cup: 16 lần. Kỷ lục của anh vượt qua ngôi sao Brazil một thời Ronaldo (15 bàn thắng World Cup). Và ngày Chúa Nhật, đội Đức đá chung kết World Cup lần thứ 8 – cũng là thành tích chưa từng có đội banh nào đạt đến, kể cả Brazil.
3-0! Phút thứ 24. Bốn cầu thủ Đức trống trải không ai kèm tung đợt tấn công chết người. Mesut Ozil #8 đẩy banh ra góc cho Philipp Lahm #16. Lahm câu banh vô giữa cho Muller. Nhưng dù cho Muller với hụt banh, thì vẫn đến đúng tầm Toni Kroos #18 phía sau, đá thẳng băng tung lưới.
Thất bại chấn động của Brazil và hằng loạt kỷ lục World Cup hẳn để lại vô vàn nghi vấn, mà câu hỏi đầu tiên có lẽ là tại sao – WHY – vì đâu nên nỗi. Có phải đội Đức đá quá hay, hay là do Brazil chơi quá dỡ. Câu trả lời có lẽ là cả hai. Người Đức có thể nói đã đá một trận banh hoàn hảo. Mỗi cú đá công thành đều chính xác. Mỗi pha phối hợp giữa các cầu thủ đều khớp nhịp. Mỗi đường chuyền đều chính xác. Trước người Đức áp đảo đến mức khó tin, các chân sút Brazil phải chờ đến phút 51 mới có cú đá trúng khung thành lần đầu tiên. Nhưng thất bại 1-7 chánh yếu do tử huyệt nơi hàng phòng thủ. Brazil ít khi nào có hàng thủ giỏi, nhưng vì họ quá mạnh nên các đối thủ ít có cơ hội và thời gian khai thác điểm yếu này, ngoài vài lần hiếm hoi. World Cup 1982, Brazil chỉ cần một kết quả hòa 2–2 để vào bán kết, nhưng thủ thành kém và hậu vệ lỏng lẻo nên cuối cùng chịu thua Ý 2-3, bị loại. World Cup 1990, trận banh vòng 16 Brazil áp đảo Argentina suốt trận, bỏ lỡ cả chục cơ hội tung lưới, để rồi trong một giây chớp nhoáng, cái chân vàng của Maradona lợi dụng sơ hở của hàng phòng thủ Brazil, đã tỉa banh cho đồng đội lẹ làng tung lưới. Lần thua vỡ mặt này trách nhiệm cũng thuộc về hàng phòng thủ. Người ta sẽ còn nhắc nhiều về 29 phút đầu tiên mà Brazil đã bị lủng lưới 5 lần. Tuy nhiên, một đội banh bị dẫn trước 0-1 từ phút 11 không phải là hiếm thấy. Chính việc để thua liên tiếp 4 bàn trong vòng có 6 phút (phút 23 đến 29) bộc lộ rõ ràng nhất sự kém cỏi của hàng phòng thủ Brazil. Chính vì 6 phút đánh mất chính mình này mà thêm một lần nữa Brazil tan vỡ giấc mộng vàng ngay trên sân cỏ nhà.
5-0! Phút thứ 29. Đến lúc Khedira ghi bàn thứ năm, hàng phòng thủ Brazil hoàn toàn hỗn loạn. Hậu vệ phải Maicon lại vô đứng chính diện khung thành, trong khi trung vệ Luiz mất tích khỏi khung hình – và Brazil biến mất khỏi World Cup.
Sau trận banh, HLV đội Đức Joachim Löw đã lịch sự nói ông thông cảm với Brazil vì người Đức cũng từng thua ngay trên sân nhà tại vòng bán kết World Cup 2006 khi bị Italy đánh bại. Nhưng ông không nói về những dị biệt giữa hai trường hợp. Lần đó, Đức Quốc thua sau 2 hiệp phụ, và chỉ để lủng lưới lần đầu khi đồng hồ chỉ phút 118. Đội hình Đức tại World Cup 2006 lại vừa tái thiết, gồm nhiều cầu thủ trẻ, và không được kỳ vọng nhiều. Ngược lại, Brazil lần này binh hùng tướng mạnh, tư thế ứng cử viên số một, mà đã ngã ngựa thảm thiết khi trận cầu chưa đầy nửa giờ đồng hồ.
Người Brazil vẫn còn nói đến trận chung kết World Cup 1950 trên sân nhà, lúc họ để mất cúp vàng về tay Uruguay. Cái thua và cách thua trước Đức tại kỳ World Cup 2014 này, khán giả Brazil chắc chắn sẽ còn nhắc lại trong nhiều thế hệ nữa.
Nỗi buồn Brazil. Ảnh Mario Tama/Getty Images
TTD