Menu Close

Dư âm World Cup 2014

alt

Xe bus chở đội Đức khải hoàn giữa vòng vây khán giả Berlin.

Kỳ World Cup mới nhất tổ chức tại Brazil đã kết thúc. Khi các cầu thủ Đức giơ cao cúp vàng vô địch, vui say trong men chiến thắng, cũng là lúc người ta bắt đầu nhìn lại những được mất sau 4 tuần tranh tài, những ngôi sao thất sủng, những cơn mưa bàn thắng, sự trỗi vượt của vùng CONCACAF, thành công của Đức Quốc, và hướng cả về tương lai với các World Cup tại Nga 2018 và Qatar 2022.

Giải đấu này có thể là một trong những World Cup nhiều bất ngờ nhất. Trong khi Chile, Colombia, Algeria… là bất ngờ thú vị, thu phục nhiều cảm tình, thì nhiều tên tuổi lớn lâu nay để lại thất vọng ê chề. Có lẽ một trong những thất bại cay đắng nhất chính là Anh Quốc (trái với dự báo của Trẻ trước thềm World Cup). Người Anh chỉ được vỏn vẹn 1 điểm tại vòng nhóm (1 hòa 2 thua) là kết quả tệ hại nhất xưa nay. Cùng Nhóm D với Anh, người Ý cũng bị loại từ rất sớm với thành tích chỉ 1 thắng 2 thua. Cú ngã ngựa của Tây Ban Nha ở Nhóm B già nua dù thảm thiết nhưng có thể dự đoán trước, nhất là khi Chile đã trình diễn quá hay. Ngoài những hảo vọng nơi một chân sút như Cristiano Ronaldo, Bồ Đào Nha trên thực tế Nhóm G chỉ là con cọp giấy, bị Hoa Kỳ đánh phủ đầu, và cũng chẳng nhỉnh hơn Ghana bao nhiêu. Trước Algeria ngổ ngáo ở Nhóm H, một anh hào khác của Âu Châu là nước Nga, từng đoạt ngôi á quân Euro 1988, cũng đành bó tay. Tính chung lại, có đến 3 trong 4 nhà đương kim vô địch thế giới những kỳ World Cup gần đây nhất đã phải khăn gói ra về ngay từ vòng nhóm (Pháp Quốc tại kỳ World Cup 2002, Italy năm 2010, và Tây Ban Nha năm 2014). Ngược lại với những thất vọng, World Cup tại Brazil vừa ghi dấu một bất ngờ thú vị. Các đại diện làng đá banh Âu Châu đến nay đã thắng 3 kỳ World Cup liên tiếp, là điều chưa từng xảy ra trước nay (Ý năm 2006, TBN năm 2010, và Đức năm 2014).

alt

Không bay bướm lả lướt hay lạm dụng tiểu xảo, nhưng tiền vệ Đức Thomas Mueller, phải, lại hiệu quả chết người, ghi đến 5 bàn thắng tại Brazil lần này. ẢNH AP PHOTO/MARTIN MEISSNER

Thất bại của Anh, Ý, Brazil, và kể cả vài đội banh ít tăm tiếng hơn cũng hé lộ thực tế các đội banh dựa vào tài nghệ của các siêu sao chưa chắc là thượng sách. Tiền vệ Andrea Pirlo hay tiền đạo Mario Balotelli đã không thể cứu con thuyền Italy chìm đắm. Tiền vệ Steven Gerrard và Wayne Rooney quanh năm suốt tháng chinh chiến trên đấu trường English Premier League mạnh nhất thế giới, cũng đã tan chảy mau chóng dưới mặt trời nhiệt đới ở Brazil. Các đội banh Phi Châu như Cameroon với ngôi sao Samuel Eto’o, Bờ Biển Ngà có mặt chiến binh Didier Drogba, cũng không thể tạo đột biến trong cảnh đơn thương độc mã. Trong 4 siêu sao chói lọi trước thềm World Cup 2014, dựa trên màn trình diễn ở các câu lạc bộ và những hợp đồng kỷ lục, là Lionel Messi (Argentina), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Luis Suarez (Uruguay) và Neymar (Brazil), thì Suarez… cạp người ta đến nỗi bị trục xuất khỏi World Cup và treo giò 4 tháng, Ronaldo bị loại ngay từ vòng nhóm không kèn không trống, còn Neymar chấn thương giữa chừng. Chỉ duy nhất Messi phần nào đáp trả được trông đợi của người hâm mộ, nhưng ngay cả như vậy cũng không đủ để đánh bại một đội banh đồng đều, dựa trên kỷ luật và sức mạnh tập thể như Đức Quốc. Thành công của người Đức tại World Cup 2014 tái xác nhận các siêu sao chưa hẳn bảo đảm cho một đội banh giật cúp vàng vô địch thế giới. Các đội banh chơi hay, chiếm nhiều cảm tình của khán giả tại World Cup 2014 cũng thường không có ngôi sao đáng kể nào trong đội hình như Mexico, Chile, Colombia, Costa Rica, Hoa Kỳ…

alt

Hình ảnh 16 cú cứu thua của thủ thành Hoa Kỳ Tim Howard trong trận banh vòng 16 thua Bỉ Quốc 1-2 tại World Cup 2014.

Không phụ thuộc vào các ngôi sao, nhưng với chiến thuật hợp lý, phong cách tấn công miệt mài, các đội banh World Cup 2014 đã tung lưới nhiều kỷ lục 171 lần. Đội Đức dẫn đầu với 18 bàn thắng, cao nhất kể từ thành tích tương tự của Brazil tại World Cup  2002. Trên bình diện châu lục, nếu Phi Châu trung bình, Á Châu thảm bại (cả 4 đội đều đội sổ từ vòng nhóm: Úc ở Nhóm B, Nhật Bổn ở Nhóm C, Iran ở Nhóm F, và Nam Hàn ở Nhóm H), và Âu Châu lần đầu tiên vô địch trên đất Nam Mỹ, thì làng đá banh Trung Bắc Mỹ CONCACAF chứng tỏ sức mạnh trỗi vượt. Ngoại trừ Honduras quá yếu không đủ sức lật ngược thế cờ trước Pháp, Thụy Sĩ, và Ecuador của Nhóm E, cả 3 đội banh còn lại đều thành công đáng kể. Mexico xứng đáng loại Hà Lan từ vòng 16. Costa Rica lần đầu vào tứ kết, cũng chỉ chịu dừng bước trước Hà Lan sau loạt đá penalty may rủi. Và Hoa Kỳ, dù ra về từ vòng 16, nhưng có thể là đội banh mang dáng dấp người Đức đậm nét nhất, với lối chơi đồng đội công thủ toàn diện, hứa hẹn tương lai xán lạn.

alt

World Cup 2014 là kỷ niệm đáng quên cho các siêu sao như Cristiano Ronaldo (phải).

Chính HLV nhà tân vô địch Đức Quốc ông Joachim Löw cũng thừa nhận thành công hôm nay đã được bắt đầu từ những thay đổi nền móng 10 năm trước với HLV Jurgen Klinsmann, nay là HLV đội banh Mỹ Quốc. Chiến thắng của Đức Quốc khó gọi là bất ngờ. Họ đã về thứ ba tại World Cup 2006 và 2010, là á quân Âu Châu liên tiếp tại Euro 2008 và Euro 2012. Cuối cùng người Đức cũng bước lên đỉnh cao thế giới tại World Cup 2014, và có thể vừa mở ra một thời kỳ bá chủ làng banh thế giới trong nhiều năm tới. Trong đội hình Đức có nhiều cầu thủ trẻ, vẫn còn trong độ tuổi chín muồi khi World Cup 2018 diễn ra: tiền vệ trụ Bastian Schweinsteiger lúc đó sẽ 33 tuổi; thủ thành Manuel Neuer, 32; trung vệ Mats Hummels, 29; tiền vệ Thomas Müller, 28; tiền đạo Mario Götze người ghi bàn thắng vàng trong trận chung kết thắng Argentina 1-0 mới chỉ bước sang 26 tuổi… Chưa kể làng đá banh Đức Quốc có một hệ thống huấn luyện cầu thủ trẻ hoàn hảo, thường xuyên cho ra lò nhiều chân sút thượng thặng.

alt

Khán giả đam mê đá banh vẫn còn phải chứng kiến nhiều màn đóng kịch khó thương trên đấu trường World Cup 2014. Một trong những kịch sĩ tai tiếng nhất là tiền vệ Hà Lan Arjen Robben (giữa).

Có thể thấy Đức Quốc thừa sức bảo vệ ngôi vô địch trên đất Nga, và điều này đưa ta đến các World Cup trong tương lai, nhất là Qatar 2020. Tốn kém kỷ lục từ việc tổ chức World Cup tại Brazil có lẽ cũng khiến giới tỉ phú dầu hỏa Trung Đông này hồi hộp không ít. Con số công quỹ Brazil dồn vào World Cup ít nhất là $14 tỉ. Với xứ Qatar vùng vịnh, chỉ riêng chi phí xây vận động trường và khách sạn đã lên đến $16 tỉ. Nhưng vì là một vùng sa mạc hoang vu, sẽ cần xây mới nhiều cơ sở thể thao, dịch vụ, đường sá… dự trù tốn kém cho Qatar không dưới $200 tỉ–cao gấp 50 lần kỳ World Cup Nam Phi năm  2010, và 10 lần nhiều hơn ngân quỹ nước Nga chuẩn bị cho World Cup 2018. Trong kế hoạch của Qatar thậm chí có đề án xây mới hoàn toàn một thành phố tân lập tên là Lusail City tốn kém $45 tỉ và một hệ thống xe điện chi phí $15 tỉ. Đội banh quốc gia Qatar là một anh tí hon trên làng đá banh thế giới, và họ  hầu như không có cơ hội thu lợi tài chánh từ World Cup 2022. Nhưng đây là quốc gia với thu nhập trung bình đầu người trên $100,000 mỗi năm, vào bậc nhất thế giới, mang tham vọng lên uy tín lẫn ảnh hưởng trên trường thế giới. Chiến lược của Qatar sẽ thành công hay không chỉ có thời gian biết được.

alt

Sau Thế Vận Hội mùa đông Sochi 2014, nước Nga sẽ tiếp tục chi nhiều tỉ Mỹ kim chuẩn bị cho World Cup 2018. Trong ảnh là sơ đồ phác họa Vận động trường Yekaterinburg Stadium sau khi tái thiết. 13 trong 16 sân banh World Cup 2018 sẽ được xây mới hoàn toàn.

TTD