Menu Close

Kỳ thị?

Trong làng thể thao nhà nghề Hoa Kỳ, đặc biệt hai môn bóng bầu dục và bóng rổ, cầu thủ da đen chiếm ít nhất một nửa. Còn lại (hầu như) là cầu thủ da trắng. Cầu thủ gốc Nam Mỹ và nhất là gốc Á Châu hình như không có mấy ai. Không riêng gì dân mê hai môn bóng này, ngay cả những người ít quan tâm đến thể thao cũng nhận thấy điều đó. Vậy mà các nhà hoạt động nhân quyền ở Mỹ không bao giờ lên tiếng phản đối mấy ông bầu đã kỳ thị thế này thế kia, không tuyển thêm cầu thủ gốc Nam Mỹ và Á Châu. Lý do rất đơn giản là nếu nói ra thì người ta cười cho!

Trong thể thao nhà nghề, các ông bầu, tùy khả năng tài chính, bao giờ cũng cố gắng tìm những cầu thủ hay nhất để chơi cho đội mình. Ngay như ông bầu Donald Sterling của đội Los Angeles Clippers lâu nay tai tiếng nhiều về chuyện kỳ thị dân da đen mà vẫn tuyển rất đông cầu thủ da đen chơi cho đội mình. Cầu thủ da đen, nhất là trong bóng rổ, đa số chơi rất hay. Mấy ông bầu các đội banh đa số đều là dân da trắng. Nếu kỳ thị mà không tuyển các cầu thủ da đen thì chẳng khác nào tự làm yếu đội banh của mình. Giả sử có ông bầu nào đó chỉ tuyển cầu thủ toàn là dân da trắng và gốc Á Châu thì có lẽ khó mà thắng được trận nào. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, đa số người gốc Á Châu đều thua dân da trắng và da đen về thể lực cũng như năng khiếu cho hai môn thể thao này. Giả sử chính quyền Mỹ ra đạo luật bắt buộc các ông bầu phải tuyển cầu thủ gốc Á Châu theo đúng tỉ lệ phần trăm của dân số Hoa Kỳ thì chưa chắc đã có nhiều người dân gốc Á  muốn tham gia. Đơn giản vì chơi dở hơn nhiều người khác, không chỉ khán giả và đối thủ cười mình mà ngay cả đồng đội cũng… khinh mình luôn! Tính cạnh tranh khốc liệt trong thể thao nhà nghề sẽ loại bỏ nhanh chóng những cầu thủ kém khả năng.

Sự cạnh tranh này không chỉ có trong thể thao mà còn trên thương trường. Giống như một đội banh, một công ty không có đội ngũ nhân viên tốt hơn các công ty khác thì trước sau gì cũng sập tiệm. Đấy là nguyên nhân vì sao các công ty về kỹ thuật có đội ngũ nhân viên đa số là nam giới và là da trắng hoặc gốc Á Châu. Dĩ nhiên luôn có những trường hợp cá biệt mà phụ nữ hoặc sắc dân khác giỏi về kỹ thuật. Tuy nhiên, trong lãnh vực kỹ thuật, theo thống kê, những người chuyên và giỏi về ngành này phần đông vẫn là đàn ông, mà là đàn ông da trắng hoặc đàn ông gốc Á. Ở  cấp trung học thì đa số các học sinh da trắng và gốc Á châu thường giỏi toán hơn các học sinh thuộc sắc dân khác. Mà giỏi toán thì mới có khả năng giỏi kỹ thuật. Nếu không giỏi toán thì khỏi mơ mộng làm kỹ sư! Thành ra ở đại học, rất ít sinh viên da đen hoặc gốc Nam Mỹ  theo những ngành về kỹ thuật. Chính vì vậy mà các công ty muốn tuyển kỹ sư thuộc hai sắc dân ấy rất khó. Đấy là chưa nói tìm cho ra kỹ sư giỏi. Nếu nói rằng ông bầu đội banh này đội banh kia có đầu óc kỳ thị chủng tộc (như trường hợp ông Sterling) thì người ta có thể tin. Chứ bảo rằng những công ty như Google, Yahoo, Facebook, hoặc Twitter là kỳ thị chủng tộc thì ai mà nghe được?

Vậy mà ông Jesse Jackson, một chính trị gia lão thành của cộng đồng da đen, muốn mọi người nghĩ như thế. Ông đang vận động tạo áp lực để những công ty ấy phải cân bằng màu da trong đội ngũ nhân viên. Dĩ nhiên ông muốn các công ty này tuyển người ông muốn vào làm kỹ sư chứ không phải làm những chuyện như quét nhà dọn rác. Hiện giờ ông đang chọn công ty Twitter làm bàn đạp tấn công trước. Lý do là công ty này có đến hơn một phần tư khách hàng (sử dụng) là người da đen. Thành ra, theo ý ông, Twitter nên có tỉ lệ nhân viên là người da đen tương đương như vậy! Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang cố qua mặt các công ty Mỹ về internet. Ước muốn của ông rất đẹp, nhưng có lẽ họ thầm cảm ơn ông Jackson (vô hình trung?) đang giúp họ đạt được mục đích của mình.

Chính ông Jackson đã từng nói ông bầu Sterling là kỳ thị chủng tộc nhưng ông không bao giờ than phiền đội banh của ông Sterling (cũng như tất cả các đội banh khác) có quá nhiều cầu thủ da đen! Không biết ông có thấy kỳ khi chơi lá bài “kỳ thị” như thế?

alt