Ngày nay, ngoài probiotics có trong yogurt và các phụ dược, bạn còn thấy nó ở nhiều nơi khác, như kem đánh răng, chocolate, nước trái cây, cereal… và được quảng cáo là “good bacteria (vi khuẩn tốt)”
Tuy nhiên, đưa probiotics vào thực phẩm không đương nhiên làm cho thực phẩm đó lành mạnh hơn, có phẩm chất tốt hơn hoặc đáng dùng hơn. Có khi lợi ích của probiotics được thổi phồng hơn thực tế, khiến cho người tiêu dùng đổ xô tìm mua. Theo số liệu của một tạp chí, mức tiêu thụ các sản phẩm có probiotics năm 2013 tại Mỹ đã lên đến 1 tỷ đô la.
Để phân biệt hư thực giữa thực tế và quảng cáo, sau đây là một số điều nên biết trước khi mua probiotics trong thực phẩm hoặc trong các phụ dược.
1. Chưa được quy định rõ rệt giống như thuốc
Probiotics trong các phụ dược thường khá an toàn, không cần được sự chấp thuận của FDA (Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm) trước khi đưa ra thị trường, cũng như phải qua các thử nghiệm khắt khe về tính an toàn và hiệu quả như đối với dược phẩm.
Tuy các nhà sản xuất không thể quảng cáo trị được bệnh nếu không được FDA chuẩn thuận, nhưng họ thường nói mơ hồ về sản phẩm của họ như: “tăng cường hệ thống tiêu hóa” chẳng hạn. Thêm nữa, trong các sản phẩm bày bán, không cần phải ghi số lượng các vi khuẩn, hoặc mức độ tối thiểu cần có.
2. Có thể có phản ứng phụ nhẹ
Một số người dùng các phụ chất có probiotics lần đầu thấy có triệu chứng đầy hơi ít ngày, nhưng những triệu chứng này nếu có cũng nhẹ và thường sau một vài ngày thì hết.
3. Không phải thực phẩm có probiotics nào cũng như nhau
Thực phẩm làm từ sữa có nhiều probiotics nhất, và số vi khuẩn sống có trong những thức ăn này khá tốt.
Muốn có thật nhiều vi khuẩn tốt trong một suất ăn (serving) nên chọn thứ yogurt có dán nhãn “live and active cultures: men sống và hoạt động)”. Những thực phẩm giàu probiotics khác: kefir (thức uống có sữa lên men) và phó mát lâu năm (như cheddar, Gouda, Parmesan và Swiss).
Rồi có những thực phẩm nhảy vào toa tầu probiotics, tuy không được cấy hoặc lên men tự nhiên nhưng cũng có thể có vi sinh vật sống, như nước trái cây, cereal và snack bar.
Tuy đa số probiotics có trong thực phẩm đều an toàn đối với nhiều người nhưng điều đáng ngại là khi dùng thực phẩm đó thì còn các vi sinh vật hay không, vì đôi khi chúng đã bị hư, không còn hoạt động hữu hiệu nữa, do đó không lợi ích cho sức khỏe.
4. Có thể không ai dùng cũng an toàn
Có một số người tuyệt đối nên tránh những thực phẩm hoặc phụ chất có probiotics. Đó là những người có hệ thống miễn nhiễm bị yếu (như bệnh nhân ung thư đang được hóa trị), người được cấy ghép nội tạng, và người có bộ phận ruột hoặc bao tử bị cắt đi do bệnh tật.
Ngoài ra, người đang nằm bệnh viện, người có valve tim bất thường hoặc cần giải phẫu valve tim, cũng nên tránh dùng probiotics vì có nguy cơ dễ bị nhiễm trùng.
5. Chú ý đến ngày hết hạn
Vi sinh vật sống thường được bày bán trên kệ ngắn ngày, do đó nên tiêu thụ trước ngày hết hạn sử dụng để có kết quả tối đa. Để tránh cho các sản phẩm này mất đi hiệu lực, nhãn dán trên thực phẩm hoặc website của nhà sản xuất thường chỉ dẫn cách thức lưu giữ cho đúng cách. Một số phụ chất cần phải để trong tủ lạnh, hoặc để trong nhà với nhiệt độ bình thường, hoặc để nơi mát và không có ánh sáng.
6. Đọc kỹ nhãn ghi
Số lượng probiotics trong thực phẩm thường không được ghi rõ. Nhãn ghi thành phần có thể cho biết giống, loại và hạng thứ của vi sinh vật, nhưng không cho biết số lượng là bao nhiêu. Nên theo các chỉ dẫn về liều lượng uống, thời gian và cách lưu giữ.
7. Giá cả thường cao
Probiotics là một trong những phụ dược về sữa có giá cao nhất, khoảng hơn $1 một ngày. Giá cao không nhất thiết là có phẩm chất tốt hoặc do một nhà sản xuất có tiếng làm ra.
8. Lựa thứ vi sinh vật cần cho tình trạng sức khỏe
Đối với những người đang tìm cách dùng probiotics để giúp ngừa hoặc trị bệnh, nên tìm hiểu thêm, đặc biệt là trong các tạp chí uy tín chuyên về y học có đăng các nghiên cứu về vấn đề này và trình bày những kết quả tốt. Dùng đúng các sản phẩm được giới thiệu trong những cuộc nghiên cứu đó, với liều lượng và thời gian cần thiết như đã được mô tả.
