Trăng tròn đến và đi mỗi tháng, nhưng vầng trăng khổng lồ hay Siêu Trăng chỉ xuất hiện mỗi năm một lần. Đây là thời gian vị trí Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất. Theo lời giải thích của các nhà thiên văn, tuy Mặt Trăng xoay chung quanh Trái Đất, nhưng vì Trái Đất không nằm ngay trung tâm của vòng quay, nên sẽ có lúc mặt trăng quay gần Trái Đất nhất, cũng như sẽ có một lúc khác lại quay xa Trái Đất nhất. Khi Mặt Trăng ở xa Trái Đất nhất, sẽ xuất hiện nhỏ hơn Siêu Trăng khoảng 12%. Nói theo một cách khác Mặt Trăng quay chung quanh Trái Đất theo quỹ đạo Ellip, vì thế có lúc rất xa và có lúc rất gần Trái Đất. Như vậy theo mỗi chu kỳ của quỹ đạo, Mặt Trăng và Trái Đất sẽ ở gần nhau nhất, tại một thời điểm nào đó, mặc dù không đồng nhất về thời gian khi đối chiếu giữa năm này với năm khác. Có năm xuất hiện hai hiện tượng Siêu Trăng, có năm không có Siêu Trăng nào. Cho dẫu xuất hiện chỉ một lần hay hơn một lần, các nhà khoa học hoàn toàn có thể tính được thời gian Siêu Trăng đến. Rất nhiều người đã chụp được những tấm ảnh Siêu Trăng thật đẹp. Theo kinh nghiệm của một số nhiếp ảnh gia, thời điểm được cho là tốt nhất để có thể ghi lại hình ảnh “super moon” là lúc rạng đông – khi trời vừa hửng sáng. Mặc dù khuôn trăng kỳ vĩ chưa thật tròn, nhưng sẽ hiện ra sát với đường chân trời. Hình ảnh này xuyên qua các rặng cây hay nhà cửa, tạo thành một ảo giác độc đáo hơn dưới mắt nhìn của người đời. Siêu Trăng thường có màu vàng hoặc màu đỏ, còn được gọi là Mặt Trăng Máu hay Huyết Nguyệt. Siêu Trăng đã đang được quan sát và mô tả từ hàng ngàn năm. Những tấm hình hay những bức tranh mô tả hình ảnh của Siêu Trăng, là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Thời Trung Cổ bầu trời được hiểu như là một tàn cây trên trái đất cố định. Người ta hình dung ánh sáng mặt trời và mặt trăng di chuyển trên không, tạo thành những phản quang tuyệt đẹp trong vũ trụ.
Trước và sau khi Siêu Trăng xuất hiện luôn có lời đồn dễ sợ, cảnh báo những thảm họa mang bóng dáng của ngày tận thế. Đối với những ai thiên về thuyết Khải Huyền của Kinh Thánh, sự hiếm hoi khi quỹ đạo Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất khoảng 356,577 kilômét – trong khi khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng đến Trái Đất khoảng 384,000 kilômét – điều này thật sự đồng nghĩa với thảm họa của thiên tai. Người xưa nói khi Siêu Trăng xuất hiện, các tàu bè hay thuyền buồm hoặc bất kỳ một phương tiện giao thông nào đó không may mắn, sẽ bị mất tích trong một thời gian nhất định. Có thể dùng tàu Titanic làm thí dụ. Nếu để ý người ta sẽ thấy trong phim Titanic, mặt trăng sáng và lớn hơn bình thường rất nhiều. Từng có những giả thuyết nói rằng, lúc đó quái vật Godzilla tỉnh thức đi vào giữa các tảng băng và con tàu, khiến Titanic đụng phải những gai nhọn trên lưng Godzilla, vì thế bị đắm. Tưởng cũng nên biết những quái vật trong huyền thoại như Godzilla, tắc kè khổng lồ…v.v… là do Siêu Trăng tái hiện.
Hiển nhiên là thủy triều sẽ dâng cao và hạ thấp hơn bình thường khi có Siêu Trăng, nhưng các nhà khoa học hoài nghi những luận điểm nói về việc núi lửa sẽ phun mạnh hơn, và sẽ có các trận động đất với cường độ cao khi Siêu Trăng xuất hiện. Nhiều người còn tin rằng Siêu Trăng sẽ phá hủy Trái Đất, nhưng các nhà khoa học bác bỏ luận điểm này. Họ khẳng định Siêu Trăng không ảnh hưởng bất cứ điều gì đến quỹ đạo bay trong Trái Đất, cũng không hề khiến nhân loại bị rối loạn tâm lý, phát điên giết người hay thực hiện những tội ác khác theo cái nhìn đầy mê tín, huyễn hoặc, không có căn cứ xác thực. Siêu Trăng có thể khiến thủy triều thay đổi đôi chút, nhưng không gây ra thảm họa thiên nhiên như nhiều “chiêm tinh gia” suy đoán. Thông thường Siêu Trăng chỉ khiến mực nước biển thay đổi khoảng 2.54 centimetres. Siêu Trăng xuất hiện trong mùa đông có kích thước lớn hơn. Trái Đất gần Mặt Trời nhất vào Tháng Mười Hai, điều này đồng nghĩa với lực hút của Trái Đất kéo Mặt Trăng đến gần Trái Đất hơn. Đây là lý do Siêu Trăng kỳ vĩ, ảo diệu phi thường khi xuất hiện giữa đêm đông.

Siêu Trăng tại Grand Canyon – PHOTO JASON HINES
Những lời đồn đãi kỳ lạ đáng sợ về Siêu Trăng, vốn tập trung vào một hiện tượng gọi là “điểm cận địa” của Mặt Trăng. Vệ tinh tự nhiên của Trái Đất không quay chung quanh địa cầu theo quỹ đạo hình tròn, mà theo hình bầu dục. Khi đến điểm cận địa – tức là điểm gần Trái Đất nhất – Mặt Trăng sẽ sáng và to hơn trên khung trời đen thẫm. Khi đi đến “điểm viễn địa” – tức là điểm xa Trái Đất nhất – Mặt Trăng mờ nhạt có vẻ nhỏ hơn so với bình thường. Mỗi một năm hiện tượng cận địa sẽ xuất hiện một lần. Nhưng có những năm điểm cận địa trùng với đêm trăng tròn – một sự kết hợp lạ lùng chỉ xảy ra trong khoảng từ hai hay ba năm / một lần. Mặc dù các nhà khoa học khẳng định: Vị trí của Mặt Trăng hết sức gần với Trái Đất không hề gây ảnh hưởng gì đến cư dân trên hành tinh xanh, cũng chẳng thể ngăn cản những tin đồn lan tràn trên Internet, mà tác giả chính là các nhà khoa học nghiệp dư nặng lòng hoài nghi. Họ dẫn chứng rằng những lần Mặt Trăng đến gần Trái Đất nhất – gọi vắn tắt là hiện tượng Siêu Trăng – trong những năm 1955, 1974, 1992, và 2005, khi đó thời tiết đột nhiên biến đổi khác thường.
– Năm 1955: Ngày 25 tháng 5 năm 1955, trận cuồng phong cấp F5 khủng khiếp xảy ra, khiến hơn một nửa dân số của thành phố Udall thuộc tiểu bang Kansas bị thiệt mạng. Tổng số nạn nhân thiệt mạng vì cơn lốc xoáy thổi vào tiểu bang Texas, Oklahoma và Kansas là 102 người. [1] Cơn lốc xoáy này xảy ra trước khi Siêu Trăng xuất hiện khoảng 10 ngày [Siêu Trăng xuất hiện ngày 05 tháng 06 năm 1955]. Australia cũng phải hứng chịu trận lũ lụt Hunter Valley xảy ra vào tháng 02 năm 1955, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, 58 ngôi nhà bị cuốn trôi theo giòng nước, 103 căn nhà khác bị hư hại. Chỉ riêng ở Maitland 2,180 căn nhà bị nhận chìm trong biển nước. [1]
– Năm 1974: Ngày 28 tháng 12 năm 1974, một ngày trước khi có hiện tượng Siêu Trăng, trận động đất mạnh 6,2 độ Richter khiến thung lũng Hunza, vùng Hazara và Swat của Pakistan bị cô lập. Có ít nhất 5,300 người thiệt mạng, 17,000 người bị thương. Ngôi làng có tên Pattan đã gần như bị phá hủy hoàn toàn. [2] Tháng 12 năm 1974 thành phố Darwin nước Úc bị siêu bão Tracy càn quét phải gánh chịu một trận lũ lụt lớn, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại ước tính lên đến 837 triệu Úc Kim [3]. Năm 1974, nước Mỹ cũng phải chứng kiến số lượng cơn lốc xoáy kỷ lục lên đến 148 lần ở 13 tiểu bang Illinois, Indiana, Michigan, Ohio, Kentucky, Tennessee, Alabama, Mississippi, Georgia, North Carolina, Virginia, West Virginia, và New York. Chỉ trong vòng 18 giờ liên tục, 148 trận cuồng phong đã khiến 319 người thiệt mạng, 5,484 người bị thương, ước tính thiệt hại hơn $600 triệu Mỹ kim. [4]
– Năm 1992: Giữa tháng 06 năm 1992, từ ngày 14 đến ngày 18, vùng Colorado và Idaho của Hoa Kỳ phải gánh chịu tổng cộng 170 trận cuồng phong khủng khiếp cấp F5. Tuy chỉ có 1 người thiệt mạng, nhưng thiệt hại về vật chất lên tới $242 triệu Mỹ kim. Cũng trong năm 1992 – từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 – cơn lốc xoáy lại xảy ra ở khu vực phía Đông và Tây miền Trung nước Mỹ, gây thiệt hại hơn $300 triệu Mỹ kim. Hậu quả của cơn lốc xoáy ở các tiểu bang Alabama, Georgia, Indiana, Kentucky, Maryland, Mississippi, North Carolina, Ohio, South Carolina, Tennessee, Texas, và Virginia, khiến 26 người thiệt mạng, 641 người bị thương [5]. Ngày 13 tháng 04 năm 1992, thành phố Chicago phải chịu cảnh lụt lội kỷ lục vì cơn đại hồng thủy tràn đến mang theo khoảng 250 triệu gallons nước, tương đương với 950,000 mét khối nước. Ước tính thiệt hại vật chất là $1,94 tỷ Mỹ kim [6].
– Năm 2004: Ngày 26 tháng 12 năm 2004, trận động đất mạnh 9,3 độ Richter gây ra hàng chuỗi đợt sóng thần chết người ở vùng biển Ấn Độ Dương. Những cơn sóng thần cao 30 mét cuồn cuộn tiến về các bờ biển Indonesia (chủ yếu ở Aceh), Sri Lanka, India (chủ yếu ở Tami Nadu), Thái Lan, Maldives, Somalia, là thảm họa thiên nhiên khủng khiếp thứ hai trong lịch sử nhân loại, đã khiến ít nhất 280,000 người thuộc 14 quốc gia bị thiệt mạng và mất tích. Ước tính tổng thiệt hại của cộng đồng thế giới lên đến $14 tỷ Mỹ kim. Chỉ hai tuần trước khi Siêu Trăng xuất hiện vào tháng 1 năm 2005, thảm họa sóng thần nói trên đã xảy ra [7].
Đọc qua những thảm họa thiên nhiên nói trên, liệu cõi người ta có nên tin giả thuyết: “Siêu Trăng” là điềm báo bất tường cho Trái Đất? Theo chuyên gia Pete Wheeler thuộc Trung Tâm Thiên Văn Vô Tuyến Quốc Tế, những gì Trái Đất trải nghiệm trong lúc chờ đón Siêu Trăng, chỉ là “thủy triều thấp hơn và cao hơn so với mực nước biển bình thường.” Ông kết luận Siêu Trăng “chẳng có gì để phải lo lắng” [8], và không tin khí hậu sẽ biến động trước hay sau hiện tượng Siêu Trăng. Trong khi đó nhà khoa học David Reneke nhận định: Những nhà lý luận nghiệp dư luôn nhìn ra mối liên hệ giữa một thảm họa thiên nhiên với thời điểm nào đó, rồi đổ lỗi cho Siêu Trăng. David Reneke cho rằng: Nếu cố gượng ép, người ta gần như có thể kết hợp trình tự thời gian với bất kỳ thảm họa tự nhiên, hay bất kỳ sự kiện nào đó hiển hiện giữa trời đêm. Ngày xưa một số người từng cho rằng khi các hành tinh nối kết thẳng hàng, sẽ đẩy mặt trời ra xa. Nhưng điều này không hề xảy ra. Các nhà chiêm tinh đã cường điệu vấn đề trong suốt thời gian dài.
Có thể kết luận, Super Moon – Siêu Trăng ở chừng mực nào đó vẫn là một điều bí ẩn đối với nhân loại.
[1]. [2]. [3]. [4].[5]. [6]. [7]. [8] : nguồn internet