
Trên màn ảnh TiVi hiện ra vườn tiêu Bưng Kè (Xuyên Mộc) xanh tốt. Chủ nhân, là một người đàn ông trạc ngoài năm mươi tuổi, đang bận rộn chăm cây. Theo tính toán của ông, vườn tiêu sáu năm tuổi này có năng suất 5 ký/cây. Giá thành hiện nay, một ký tiêu 200,000 đồng, 5 ký nhân 200,000 đồng, vị chi 1,000,000 đồng. Mỗi cây tiêu, năm hái một lần. Trừ chi phí tưới nước, phân thuốc, công thu hái, làm cỏ hết 200,000 đồng, thì 100 cây tiêu cũng đem về tám chục triệu đồng chắc cú. Từ cây tiêu, nhiều nhà tầng mọc lên, nhiều tiện nghi hiện đại, đắt tiền được mua sắm, nhiều ‘nái xề’ nâng cấp thành ‘lady’, nhiều Hai Lúa thành đại gia, nhiều con trai học đại học Sài Gòn, nhiều con gái gả được chỗ giầu….

Sau bão, chặt luôn vườn cao su chuyển sang trồng tiêu
Vì thế, với người Bưng Kè, chuyện thời sự hàng ngày không phải Biển Đông, World Cup, chứng khoán, lụt lội… mà là chuyện cây tiêu. Và ‘tiêu’ thì đi đôi với tiền, thành tiền tiêu (tiền thu từ tiêu) và tiêu tiền (hưởng thụ đồng tiền do tiêu mang lại). Nói hơi nịnh một chút, thì Bưng Kè, vùng đất ma thiêng nước độc của huyện Xuyên Mộc ngày nào đã ‘vàng hóa’. Người Bưng Kè đói khó ngày nào, nay đã đổi đời tỷ phú, triệu phú.

Đúng lúc phơi phới tương lai như thế, đùng một cái, tiêu Bưng Kè thi nhau… chán sống. Từ cầu 3 dài xuống cầu 6, vào sâu trong núi, mới mùa trước những vườn tiêu tràn trề sinh lực, đem về bạc tỷ cho chủ nhân nay chỉ còn trơ lại những trụ gòn chờ đốn về làm củi. Anh Thực, từng ba lần ‘đốn củi’ bất đắc dĩ, nói ví von: Nếu ở con người, trước khi chết vì thất tình hay nợ nần, sẽ khóc lóc bơ phờ, bỏ ăn bỏ ngủ. Đằng này ‘thằng’ tiêu trước khi ‘tiêu’ vẫn vui vẻ bình thường. Ác nỗi, nó không chết một mình mà bắt theo vài chục cây lân cận hoặc luôn cả vườn. Thấy tiêu đổ bệnh chết nhanh nhiều chủ vườn nóng ruột, đã tới tiệm thuốc bảo vệ thực vật với tình cảm của người mẹ có con thập tử nhất sinh chạy tìm bác sĩ. Trên TiVi, cô phóng viên trẻ vào vai nông dân mua thuốc chữa bệnh tiêu chết nhanh. Người bán, sau khi nghe kể bệnh, đã mau mắn đưa ba chai thuốc, dặn dò cách sử dụng. Phát hiện ra máy quay phía sau, anh ta giựt vội một chai thuốc mà trước đó anh quảng cáo là thần dược. Vào một cửa hàng khác, phóng viên được tiếp thị thuốc ‘A Ri Phốt’ của Nhật Bản đặc trị bệnh tiêu chết nhanh, kèm theo hai loại thuốc khác giúp tăng sức đề kháng cho cây. Để tăng uy tín, người bán chỉ rõ tên công ty sản xuất, ngày sản xuất, địa chỉ, số phone nhà sản xuất in trên bao bì. Theo đó, cô phóng viên quay số phone. Đầu dây không có tín hiệu! Cô lên quận Gò Vấp- Sài Gòn tìm, thì gặp… quán trọ, tiệm buôn.

Đào trụ tiêu. Một việc làm vất vả thường được làm vào mùa mưa (đất mềm, dễ đào)
Tiêu mới ra trái bói, còn ít nhưng cũng phơi, cũng đảo
Hỏi những nơi này, không ai biết gì về cái gọi là công ty thuốc bảo vệ thực vật A, B, C. Trở lại Bưng Kè, tìm ông Chủ tịch Hội Nông Dân Xã, trưng những thuốc đã mua trên địa bàn, hỏi ông về công dụng. Ông khẳng định, thuốc không đúng bệnh. Người bán đã ‘vẽ’. Người mua mất tiền oan. Về loại A Ri Phốt được quảng cáo là thần dược trị bệnh tiêu chết nhanh của Nhật Bản, ông một mực thở dài lắc đầu…
Cũng ‘được lên sóng’ VTV1, trong phóng sự về thuốc bảo vệ thực vật giả hại tiêu Bưng Kè, là ông Chủ Tịch Xã. Ông thừa nhận bệnh tiêu chết nhanh trong thời gian qua ở Bưng Kè là có. Và để giúp đỡ nông dân, Xã đã mời nhiều đoàn từ các trường Đại học Nông nghiệp, Công ty thuốc bảo vệ thực vật về trực tiếp tư vấn, bán thuốc trị bệnh tiêu cho nông dân. Còn thuốc trôi nổi, thuốc giả ở các tiệm trong xã, cán bộ không phát hiện trong các đợt kiểm tra, nên không “xử lý” được.
Trả lời vậy vừa cho thấy xã không thiếu trách nhiệm, vừa không đập bể nồi cơm của ai, không khiến ai phải mất mặt, mất chức! Chung quy chỉ người trồng tiêu là ‘thiệt thà, thẳng thắn thường thiệt thòi’. Sau khi loạt bài phóng sự phát ba ngày liên tiếp trên TiVi, hệ thống bán lẻ thuốc bảo vệ thực vật ở Bưng Kè hoạt động có phần dè dặt hơn, ‘lương tâm’ hơn. Người mua cũng thưa thớt hơn. Chỉ cây tiêu là vẫn ‘vui ở buồn về’ không hẹn trước.

Bị mưa bão, tiêu úng chết cả vườn, nhà cửa khánh kiệt, người cũng muốn …tiêu