Menu Close

Tiễn vong!

Chúng lại mang thêm hai ba cái giàn khoan nữa, lăm le cắm vào biển Việt Nam!

Người sống cũng như người chết đều uất. Tôi nghĩ sao nói vậy nghen, các vị anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo nếu biết chuyện này hẳn là các Ngài cũng muốn sống dậy, đánh thêm năm bẩy trận nữa cho chúng nó biết thế nào là “Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.”

Bọn Bắc kinh kia ơi, chúng mày hỗn láo quá!

Lâu nay nghĩ vậy, nhưng sáng nay tôi lại đổi ý, tôi không căm hờn bọn giặc Khựa đến vậy, mà tôi nghĩ như thế này.

Nếu mai này dưới suối vàng, có dịp gặp vong linh các vị Mao Sếnh Sáng, Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình… thì tôi sẽ vái mấy vái, kính cẩn mà thưa rằng: “Đa tạ quý vị tiên sinh!”

Nghe vậy là bạn quạu rồi kìa!

Ớ, khoan, khoan… Chớ vội kết án tôi là phản quốc, là manh tâm tư thông với địch. Tài hèn sức mọn, chí cùn, lại nhát như cáy, tôi có đâu dám làm chuyện tày đình.

Bạn nè, vui lòng bình tĩnh cái đã, đọc câu chuyện dưới đây đi, rồi bạn sẽ hiểu tấm lòng tôi thiết tha đến non sông biết là dường nào…

Chuyện thế này nghen. Cô vợ mới cưới của tôi rất mê phim hành động, còn gọi là phim action. Với nàng, phim hay là phải có màn đổ máu, chém giết, bắn súng đùng đùng, thây người ngã như rạ. Còn phim nào không đổ máu thì nàng cho là không phải là phim hay, mà là phim dở ẹc; thậm chí phim vậy không phải là phim, mà là… cuộc đời thật. Tôi phải đưa nàng đến một rạp chiếu bóng ở gần nhà mỗi tuần ba lần vào buổi tối. Cứ mỗi lần xem xong một phim, nàng lại giật mình thon thót trong giấc ngủ, thỉnh thoảng lại tỉnh giấc giữa khuya, đánh thức tôi dậy bằng những tiếng kêu ú ớ thất thanh. Bộ phim gần đây nhất đã tác động đến nàng mạnh đến nỗi khi về nhà nàng tuyên bố, “Đêm nay chúng ta sẽ không ngủ, thức tới sáng luôn nghen!”

Tôi ngạc nhiên, “Thế cứ ngồi như thế này à?”

“Anh yêu, đừng để em thức một mình. Anh đừng ngủ! Đừng ngủ nhé!”

“Thôi được, anh ngồi với em một lát.” Vợ tôi đẹp lắm nên tôi luôn luôn chiều chuộng nàng.

Hai vợ chồng ngồi im một lúc. Bỗng nhiên nàng ghé vào tai tôi, run run, thì thầm, “Anh có nghe thấy gì không? Có ai gõ vào cửa sổ nhà mình. Đúng, có ai đang gõ nhè nhẹ vào cửa sổ kìa.”

Tôi cũng lắng nghe rồi đáp, “Không phải ai gõ đâu em à. Đấy chỉ là tiếng mưa thôi.”

Nàng thở dài, lặng thinh một lát rồi hỏi, “Anh này, xưa nay anh có kẻ thù nào không?”

“Lại còn kẻ thù nào nữa?” Tôi hỏi lại.

“Hồi mình chưa cưới nhau, em để ý thấy một tên nọ ở Nha Trang. Cái tên độc ác, thâm hiểm ấy có cái sẹo vắt ngang trán, ở cách nhà anh 3 căn đó. Hắn luôn luôn theo dõi anh, luôn luôn tìm thời cơ thuận tiện để trả thù anh.”

“Anh nhớ thằng Lúa em nói rồi. Nó bị bò đá trúng mặt thành sẹo, có liên quan gì tới anh đâu. Anh chưa làm điều gì hại ai cả, vậy thì người ta hãm hại anh để làm gì? Anh làm chó gì có kẻ thù cơ chứ…” Tôi vừa ngủ gật vừa trả lời.

Nàng thở dài thất vọng. Dăm phút sau lại hỏi, “Hình như ông nội anh chết trong một tình huống rất bí ẩn thì phải?”

“Ông nội anh ấy à? Ông đã nhiều năm bị đau thận, mổ ba lần, và thậm chí bị cắt một bên thận. Sau lần mổ cuối ấy, các bác sĩ nói ông cụ không còn được bao lâu nữa đâu. Ấy thế mà ông sống thêm được ba năm nữa mới quy tiên, hưởng thọ đến tám mươi chín tuổi.”

“Như vậy là ông cụ chết bình thường thôi à?”

“Rất bình thường.”

Một lát sau, nàng lại nói, “Lúc chúng ta từ rạp chiếu bóng đi về, có một gã nào đó đội mũ phớt, đeo kính gọng tròn, bám sau ta đến tận nhà. Anh có để ý thấy không?”

“Không. Anh có thấy ai đâu!”

“Chẳng nhẽ anh không nhận thấy à? Em còn thấy hắn để tóc dài cột thành đuôi ngựa, có râu quai nón, có lẽ là râu giả. Hắn mặc áo khoác da đen…”

“À, là ông Bảy râu kẽm, hàng xóm của mình. Em không biết đấy thôi, ông này hiền queo à! Tối nay ổng cũng đi xem phim, ngồi ở hàng ghế trên mình.”

“Ra là bác hàng xóm à? Thế mà em cứ tưởng…” Nàng lại thở dài thất vọng. Đột nhiên, nàng nghiêng đầu, ra vẻ chăm chú lắng nghe. “Này, đó kìa, đó kìa… Anh có nghe thấy gì không?”

“Nghe thấy cái gì nữa đây?” Tôi oải quá, cố tình hỏi nàng bằng giọng ngái ngủ.

“Ở trên kia! Đó…” Nàng giơ tay chỉ lên trần nhà, “Có tiếng gì như tiếng chai lọ vỡ và tiếng ai kêu cứu.”

“Thôi đi bà ơi! Bà lắm óc tưởng tượng quá!” Tôi  chịu hết nổi, lớn giọng cằn nhằn.

“Không, không phải em tưởng tượng…” Nàng run rẩy nói, “Rõ ràng em vừa nghe thấy có tiếng ai rú như bị cắt cổ họng…”

“Ống nước kêu đấy. Nó bao giờ cũng kêu u u khi hàng xóm mở vòi nước.”

Nàng không cãi lại, trầm tư, lặng thinh. Được một lát, khi thấy tôi sắp ngủ gật, nàng liền hích cùi chỏ vào sườn tôi.

“Như vậy là anh tin rằng không có ai gõ vào cửa sổ nhà ta à?”

“Đừng hỏi vớ vẩn nữa. Ai lại rỗi hơi trèo lên rồi gõ vào cửa sổ tầng 14 cơ chứ!”

Nàng hỏi tiếp, “Anh cũng tin rằng anh không có kẻ thù à, ngay cả hồi ở Nha Trang à?”

“Moi đâu ra một đứa kẻ thù cho em vui lòng bây giờ trời ạ?”

“Thế, thế… ông nội anh thật sự chết vì già à?”

“Nói rồi! Ông đau thận!”

“Còn cái gã khả nghi đi theo chúng ta chỉ là bác hàng xóm về cùng đường thôi à?”

“Chứ còn gì nữa?!”

“Và, cách đây một phút, ở tầng trên ta không có tiếng đổ vỡ kêu gào gì à?”

“Tiếng ống nước ở tầng thứ 15 đó thôi!”

“Ôi, trời ơi…! Cõi đời này sao mà buồn tẻ thế! Chẳng có một chuyện gì sôi động cả. Chẳng lẽ cuộc đời chỉ cứ tối ăn vào, sáng lại xả ra thế này thôi à? Không có chút action nào cả cho lên máu chút chơi à?” Vợ tôi tuyệt vọng, gào lên, “Em chán quá! Em đi ngủ vậy!” Nói xong, 3 phút sau nàng ngáy như sấm, bỏ tôi thao thức trong tuyệt vọng!

Kể chuyện đó, tôi muốn nói thêm chút ý này. Mấy ngàn năm nước Việt lúc nào cũng lệ thuộc vào ngoại bang, không lệ thuộc toàn phần thì cũng lệ thuộc vài phần. Không bị đô hộ thì cũng nơm nớp sợ bị đô hộ. Không chiến tranh thì cũng chuẩn bị chiến tranh. Vì thế ngày xưa dân Việt ai cũng là, ai cũng sẽ là, những chiến binh thiện chiến khi đất nước cần. Rồi, vậy là tương đối bình yên gần 35 năm, kể từ cuộc chiến tranh sau cùng với Trung Quốc năm 1979. 35 năm là hơn 1/3 thế kỷ, khá dài, tính ra cũng 3 thế hệ trưởng thành tiếp theo nhau. Thỉnh thoảng, hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, VN cũng có đánh nhau với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, nhưng nhà nước giấu nhẹm không cho dân biết. Việc không biết tới chiến tranh khiến người ta quên mất cách mở chốt lựu đạn bằng răng, cách hô xung phong, cách cắm lưỡi lê vào ngực giặc, cách đánh xáp lá cà, cách đào hào cắm chông, cách siết cò súng AK-47, M16… mà lại rất quen với cách tham nhũng, hối lộ, cách nhận phong bì, cách đưa phong bì, cách làm hợp đồng ma, cách tạo đối tác ảo, cùng mọi cách sống tha hóa khác, và… cách nhậu. Giờ đây, trong quán xá ở mọi góc phố thì tiếng “dô…dô…dô!” huyên náo hơn tiếng quân reo ngoài mặt trận. Ngoài đường thì váy ngắn chân dài, vú đùi tấp nập hơn lính mặc đồng phục đi duyệt binh. Vào những trang mạng xã hội thì cũng lại thấy hình mấy ông to béo mỡ màng đang nâng ly chúc tụng nhau thành đạt giàu có, cứ nhìn mấy ông to bà lớn trong chính quyền thì biết tôi không nói sai; cũng lại thấy các chàng thơ với nàng thơ phun châu nhả ngọc những vần thơ tình hắt hiu, ỏn ẻn… thơ mộng đến phát ngấy.

Hễ cái gì lâu ngày không sử dụng thì sẽ thui chột. Các tính chất anh hùng, dũng cảm, hiên ngang, bất khuất nếu không dùng đến cũng rỉ sét, tiêu hao, hư hỏng, lụn bại theo thói đời dễ dãi, nhất là trong một chế độ nuôi dưỡng sự dối trá để ăn theo quá khứ. Vì thế, tôi xin đa tạ các vị Mao Sếnh Sáng, Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình… gì gì đó. Nhờ vong linh các vị này mà dân Việt thoát khỏi cái cảnh đời buồn tẻ vô vị, tối ăn vào sáng lại xả ra, chẳng có chút action gì cả, như lời vợ tôi nói vậy.

Cám ơn mấy vong rồi. Thôi, tiễn vong!

ND