Một bạn đọc viết thư hỏi tác giả Peggy Post của sách “Excue Me, But I was Next…”: Thưa cô, chính mắt tôi nhìn thấy một ông khách hàng hắt hơi xì mũi vào bàn tay. Một vài phút sau, ông chủ của tôi giới thiệu tôi với ông khách ấy. Thật sự tôi không muốn bắt tay ông ta chút nào cả nhưng rồi tôi cũng phải bắt. Có cách nào để tránh không, thưa cô?
Trả lời: Không đâu, thưa ông. Ông đã hành động đúng. Tất nhiên là sau đó ông sẽ phải vào restroom rửa tay bằng xà phòng và nước nóng. Nếu ông không bắt tay, người khách hàng ấy sẽ nghĩ ông là người bất lịch sự hoặc có vấn đề gì đó, và boss của ông sẽ mất mặt với khách hàng cũng như sẽ bực bội vì ông. Tuy nhiên trong giao tiếp xã hội, đôi khi ông cũng có được một chút tự do để tránh cái bắt tay – ông có thể viện cớ rằng mình cũng đang bị cảm cúm, đó là một lý do chính đáng để tránh bắt tay người khách, miễn là ông phải thành khẩn xin lỗi và giải thích.
Bảo Huân
Những tiếp xúc thân thể ở một vài xứ khác
Khi đi du lịch, dù ngắn ngày, ở các nước khác, việc giao tiếp bằng tay chân là điều quan trọng và đôi khi cũng nhiều thách thức. Do đó bạn cần có một vài hiểu biết để ứng dụng cho xứng hợp.
– Giữ khoảng cách giữa mình và người. Điều này quan trọng lắm đấy. Đứng quá gần, người ta sẽ khó chịu, mà quá xa sẽ khiến họ có cảm tưởng mình kỳ thị hay không muốn tiếp xúc thân ái. Người Bắc Mỹ và Châu Âu rất thoải mái khi hai bên cách nhau khoảng 3 feet. Người Nhật và một vài sắc dân Châu Á muốn cách xa hơn, nhưng nói chung hầu hết các dân tộc thích gần gũi, thân tình.
– Bắt tay nhau. Với dân Bắc Mỹ và Châu Âu, một cái bắt tay chặt là cách chào nhau được coi là thích hợp. Châu Á và Trung Đông thì hơi khác, với họ việc bắt tay có hơi mới mẻ, chỉ nắm nhẹ thôi chứ không siết chặt, nếu bạn quá nồng nhiệt siết tay người ta quá chặt sẽ bị coi là muốn gây hấn. Ở những xứ Hồi Giáo, nhớ chớ có cầm tay phụ nữ vì đó là điều xúc phạm. Ở Pháp phụ nữ cũng như đàn ông bắt tay nhau thoải mái.
– Cúi đầu chào. Ở Nhật và một vài xứ Châu Á, cúi đầu chào được coi như cái bắt tay. Để phân thứ bậc, ở Nhật có lệ là người dưới cúi đầu chào người trên trước mà cúi đầu cho thật thấp. Người Ấn Độ và Thái Lan thì chắp tay lại chào kính như khi tế lễ.
– Sờ và cầm tay. Dân Bắc Mỹ không chuộng hình thức này, nhưng người Mỹ La Tinh và nam Châu Âu thường làm. Nếu một người bản địa dùng ngón tay đụng vào người bạn để lưu ý hay cầm lấy tay bạn khi chuyện trò thì đừng xem đó là cử chỉ xúc phạm. Ở Trung Đông, Nam Á và những quốc gia vùng đảo Thái Bình Dương, chủ nhà có thể cầm tay bạn lúc sánh vai đi. Bạn đừng nên phật ý vì điều này nhưng cũng xin đừng nên cao hứng bắt chước người ta.
Bảo Huân
MH – theo Excuse Me But I Was Next