Những cái ống đu đủ được rót đầy dầu, đầu ống được nhét kín bằng nùi giẻ, châm lửa, thế là đã có những bó đuốc dù chập chờn nhưng cũng đủ soi sáng con đường đất lồi lõm quanh co, một bên là rừng cây giá tỵ, một bên là dòng sông La Ngà. Đoàn người ra đi. Không biết họ đi đâu giữa đêm khuya, nhưng khi nghe những tiếng bàn cãi xôn xao những địa danh xa xôi: Ca-mơ-run, Ác-hen-ti-na, Cô-lum-bi-a, Bờ-ra-din thì biết ngay là họ đi xem bóng đá. Họ là khoảng vài chục người đàn ông, thanh niên và trẻ con, không có đàn bà. Trong số đó thế nào cũng có Mát-thao, một tay chơi. Hắn là người gốc Hoa, rất ngưỡng mộ cầu thủ Matthaus của đội tuyển Đức. “Chỉ có Mát-thao mới trị được Ma-ra-đôn-na. Cú đó mà để cho Mát-thao sút là chắc ăn. Mát-thao chuyền bóng là hết biết…” Đấy là những lời lẽ hắn tôn vinh thần tượng của mình. Thế rồi người ta gọi luôn hắn là Mát-thao, còn tên thật của hắn là gì thì không ai biết. Bà chủ quán tạp hóa dặn chồng: “Cái thằng Mát-thao, nợ cũ chưa trả, sáng nay lại đến mua chịu một ký gạo, hai lạng cá khô, gói bột giặt, nửa lít nước mắm. Từ nay nó đến mua chịu đừng bán nữa nhá!”

Đó là thập niên 80, xã Thanh Sơn, một xã nghèo nhất của tỉnh Đồng Nai nằm bên bờ sông La Ngà, không điện nước, không trạm y tế, trường học chỉ có cấp 1. Mấy trăm nóc nhà chỉ có một nhà có cái ti-vi trắng đen, chạy bằng bình ác- quy. Đến mùa bóng đá, ông chủ nhà trịnh trọng mở tủ lấy cái ti-vi mua với giá hai chỉ vàng để trên cái ghế trước sân rộng. Thế là xóm trên xóm dưới, tấp nập trẻ con người lớn tưng bừng kéo đến như trong ngày hội lớn. Ai cũng mang theo một cái quạt, ai không có quạt thì một cành cây còn nguyên lá để xua đuổi lũ muỗi rừng. Bà chủ nhà kiếm thêm thu nhập bằng cách nấu một nồi bún riêu, vài gói thuốc lá, thùng mì ăn liền, chiếc xe nước mía quay tay ở đâu cũng được đẩy tới.
Máu cờ bạc và óc quân sự nổi lên. “Bắt Ác-hen-ti-na, chấp nửa trái, hai gói mì, mười điếu dét” “Bắt Đức, hiệp một, hai tô bún riêu, hai ly nước mía.” “Dàn hậu vệ Đức năm nay quá yếu, hay bị hở sườn…” “Cờ-lít-man phải đá lùi xuống…” “Ma-ra-đôn-na mà bị khóa chặt thì Ác-hen-ti-na tiêu luôn…” Người ơi là người, vui quá là vui.
Trận đấu bắt đầu, tiếng la hét trộn lẫn với những tiếng chửi thề rất hồn nhiên: “ĐM, sút được rồi, sút đi!” “Vậy mà sút không vô thì đừng đá bóng nữa, về giặt quần cho vợ đi…” “Hừ! thằng không ai kèm thì không chuyền lại chuyền đâu đâu…” “Thằng này hay để mất bóng quá, nó vừa đá vừa ngủ hay sao á…” “Coi chừng việt vị… Thấy chưa việt vị rồi!” “ĐM, hổng có việt vị, trọng tài thiên vị thì có…” Tiếng hít hà tiếc rẻ khi đối diện với thủ môn mà cầu thủ lại sút ra ngoài, trái tim khán giả như muốn nhảy ra khỏi ngực khi bóng dội xà ngang, phang cột dọc. Nhưng lên cao trào nhất là khi bóng vào lưới. “Mày cương hả, cho mày chết nè!” “Đã quá! Đã quá!” “Là lá la…Tình yêu nào không lừa dối…” “Hai tô bún riêu mười điếu dét chung ngay giờ giải lao nghen con…” Tiếng hò reo lan ra mãi tận bờ sông. Chủ nhà phải lên giọng kẻ cả trấn áp, đứa nào la to là đuổi về. Cũng có lúc cái đám đông náo nhiệt ấy im phăng phắc, nín thở, chỉ còn nghe tiếng muỗi vo ve. Đó là lúc trên màn hình thủ môn cũng đang nín thở trước trái phạt đền.
Mát-thao không bao giờ tham gia vào cái ban hợp xướng ầm ỹ thô tục ấy cả. Hắn trầm ngâm như một nhà chiến lược mà không cầm quân, chăm chú nhìn đấu pháp của hai đội, đánh giá từng cầu thủ. Người ta nói rằng hắn cũng từng cá độ nhưng mà cá lớn lắm chứ không phải mấy gói mì, dăm điếu thuốc như mọi người. Hắn cá độ bạc triệu, cá hàng chỉ vàng, với những chủ tiệm vàng ở ngoài Định Quán kia. Không biết thắng thua ra sao, nhưng người ta thấy có khi hắn rủng rỉnh xu hào, vung tay ăn nhậu liên miên, có khi vêu mỏ nhặt từng tàn thuốc lá gọi là “dế nhủi”. Có người nói rằng cái nhà hắn xây được là do cá độ bóng đá, lại có người nói rằng hắn đã phải cầm sổ đỏ cái nhà để chung độ. Thật hư thế nào không ai biết. Trong trận đấu hắn thường ngồi yên trầm ngâm, nhưng hễ thần tượng của hắn có bóng là hắn đứng dậy, chống hai tay xuống đầu gối, hai mắt trợn lên nhìn vào màn hình, căng thẳng. Cầu thủ sút hỏng là hắn ôm ngực quỵ xuống đau đớn.
Có lần, trận đấu đang gay go thì ti-vi bị hỏng, mất hình, mọi người la ó, chủ nhà nổi giận tắt luôn, đuổi hết, mọi người hậm hực thắp đuốc đi về. Còn hắn, hắn không về nhà, mà chạy ngay ra bờ sông, cởi hết đồ, trần truồng bì bõm lội xuống, một tay cầm quần áo đưa lên cao cho khỏi bị ướt, một tay quạt nước bơi sang bờ của xã bên kia. Tôi đứng bên này, dưới ánh trăng mờ tỏ, giữa dòng nước cạn gập ghềnh những tảng đá, một bóng người nhấp nhô. Lúc ấy tôi thấy, con người ấy cũng vất vả, cũng tài tình không kém cầu thủ dắt bóng trên sân. Khác là trận đấu này chỉ có một con người với dòng nước, và chỉ có một khán giả dõi mắt trông theo. Tới bờ, hắn mặc vội quần áo vào, tất tả chạy đến nhà người quen vào xem ké mấy phút cuối của trận đấu.
Hết World Cup, đời sống miền quê lắng lại, trôi đi trong buồn tẻ. Tôi sống ở đó mấy năm, chứng kiến 2 mùa bóng xôn xao náo nhiệt. Vùng quê lừ đừ thay đổi. Những cái ti-vi đen trắng làm hết nhiệm vụ, người ta đổi sang ti-vi màu. Giờ, mọi người không cần tụ lại một nhà giàu nào đó để xem ké mà rủ nhau ra quán, gọi ly cà phê hay chai bia, vừa xem vừa tha hồ hò hét mà không ai ngăn cản. Nhân vật của tôi, Mát-thao, biến mất khỏi vùng lúc nào tôi không để ý. Mà chắc cũng không mấy ai để ý ngoài bà chủ quán nếu hắn chưa trả hết nợ.
Những người giàu sang, quyền thế tôi chẳng mấy khi để ý; mặc, đời mình mình sống, nhưng cứ nhìn các cầu thủ đuổi theo trái bóng là tôi thấy được cái tẻ nhạt của đời mình, mơ ước giá mà mình được như họ. Họ, hết vinh rồi tới nhục, hết thắng rồi tới thua, hôm nay ở châu Âu, mai ở châu Mỹ, mốt ở châu Phi, còn mình quanh quẩn mãi trong những chuyện kiến chẳng thèm bu, ruồi không muốn đậu, khi cám cảnh, thều thào hát nhảm câu của ông Trịnh, “Làm sao em biết đời sống buồn tênh?”*
Xem xong trận chung kết đêm nay, nước Đức lại vô địch. Tôi lẩn thẩn tự hỏi không biết cựu cầu thủ Matthaus lừng lẫy giang hồ giờ như thế nào, còn ông Mát- thao của tôi thì còn sống hay đã chết, giờ trôi dạt nơi đâu?