Menu Close

Cơn mưa biền và đêm

Cơn mưa biển ập đến thật nhanh, chúng tôi chạy trốn không kịp. Vừa chạy tôi vừa cởi cái áo gió trùm lên đầu Di. “Giữ đầu tóc không ướt là tốt rồi. Còn áo quần ướt chút đỉnh cũng không sao. Đẹp như Di thì không chừng càng ướt càng thấy đẹp” “Gớm, người đâu mà lợi dụng mọi cơ hội để dụ dỗ” vừa chạy Di vừa trả lời, hơi thở bị đứt quãng. “Ơ hay, nình bà con gái kỳ lạ thật. Không khen thì quẹo đeo, nghe khen cứ giả bộ”. Di bất chợt dừng lại. Tưởng giận, tôi tiếp: “Mình thiệt tình mà. Đẹp thì nói đẹp chứ có nịnh ai bao giờ”. Di cười: “Chạy hết nổi. Mệt quá.

Thôi đứng lại chịu ướt cho… tình.” “Ừa, ướt càng tình chứ sao. Trong phim muốn có cảnh tình tứ đạo diễn thường cho ôm nhau dưới mưa mà” “Di mệt rồi. Đi chậm thôi nhưng Hải đừng lợi dụng phim”. “Đâu có lợi dụng. Thiệt mà” Di chưa kịp phản ứng, tôi quàng tay ôm Di. Đặt một nụ hôn nhẹ lên môi. Di không tránh. Những giọt mưa chen vào giữa nụ hôn. Tôi hỏi: “Di thấy mưa biển ngọt hay mặn” Vén mái tóc cho gọn để giấu kín dưới áo phông “biết âm mưu Hải rồi. Có trả lời cách nào cũng không khỏi bị Hải xiên xẹo”. Tôi cười “thiệt, hỏi thiệt mà”, “bi chừ Di nói mặn, Hải sẽ nói tại tình đã mặn nồng. Di nói ngọt, Hải sẽ nói ngọt ngào như trái chín tình yêu. Di nói như nước uống, Hải sẽ nói đời thiếu nước thì khô hạn, thấy chưa,Di đi guốc trong bụng”. “Hehe… như vậy là Di tự khai ra… chứ mình đâu có biết gì”.

alt

Bảo Huân

Không ngờ dấu chứng tình yêu lại đến thật nhẹ giữa một cơn mưa bất chợt sau gần hai năm chít chat phôn phiếc! Mà mưa biển, đến rồi qua thật mau. Còn tình yêu?

Chạy đến nhà vòm chúng tôi đứng nép vào một góc tránh gió tạt. Di không còn tự nhiên như lúc dưới mưa. Cô nàng cố giũ giũ vạt áo sơ mi mong manh mùa hè có hoa văn tím nhạt nhưng không thể nào giấu được làn da bên trong. Lạ. Mặc bikini ở biển hay ở hồ bơi thì thấy cũng bình thường nhưng khi áo ướt dính vào da bỗng có cái gì đó đẹp đến khó tả. Bản chất thiếu nữ e thẹn trong Di còn nguyên đó. Tôi gợi ý: “Hơi vắng nhưng đừng sợ. Mình chạy vội ra xe lấy cái túi đồ tắm quay lại ngay”, vừa nói tôi vừa lao đi. Từ bãi đậu xe quay lại thấy Di co ro nơi góc vắng bỗng dưng thấy có cái gì đó thật thương.

“Bây giờ mình ‘guard’ cho Di thay đồ, cứ dùng tạm đồ tắm của mình rồi trùm khăn lại cho đỡ lạnh. Cơn mưa dứt vù ra xe, ù về”. Di phân vân “kỳ, kỳ quá hà” Tôi cười “Không bơi dưới nước thì bơi trong xe. Bơi trong cái T-shirt của mình cũng có mùi biển mặn mà” Di trừng mắt “kỳ chết”, “có ai thấy đâu mà kỳ”. Tôi nắm tay “Đi. Vào đó thay nhanh, hay muốn bị cảm lạnh”.

Di ra, quấn cái khăn tắm quanh người. Cái quần tây trắng bây giờ là đôi chân thon nuột, lạc lõng giữa hai ống quần đùi thùng thình. Tôi cười, chọc “Bi chừ thì kẹt rồi. Che được chỗ nầy thì hở hở ở chỗ khác. Hết là thiếu nữ Ả Rập trùm kín mít rồi. Mà đàn ông Ả Rập thì hehe… dữ lắm”, “xì… Hải đâu có rậm râu mà đòi làm mấy ông Ả Rập”, “đưa mớ đồ ướt mình cầm cho” Di muốn níu lại. “Hehe… biết là toàn đồ tế nhuyễn nhưng mình không ngo ngọe đâu, nếu mình không cầm thì tay nào Di giữ khăn… che cho kín, còn tay nào giữ đồ”, tôi giả bộ nắn nắn dòm dòm. Mưa chợt nhỏ hạt chúng tôi vù ra xe. Chạm vào ghế bây giờ mới thấy lạnh. Di đưa cái áo phông cho tôi lót ngồi, vỗ vỗ “cứ lo chọc, còn mình nổi da gà” rồi tháo khăn đang quấn “để Di lau cho khô bớt”. Vừa lau vừa mắng “hư!”. Tôi giả bộ run. Di tưởng thật “thấy chưa” Tôi nhìn vào mắt Di “Không! Hổng phải run vì lạnh mà tại đàn ông Ả Rập ngồi bên người đẹp không mặc trang thiết bị”. Di đỏ mặt, đấm tôi khá đau “biết Hải hiền mà. Di đoán không sai. Nếu nghĩ Hải bợm thì chắc không bao giờ có cảnh nầy xảy ra”. Tôi hề hề… giấu xúc động. Cô bé nầy thông minh thiệt.

Căn apartment nhỏ của tôi ấm lên khi có Di. Bồn rửa mặt trong buồng tắm bỗng lỉnh kỉnh đồ tế nhuyễn. Tôi mân mê cái máy sấy tóc loại du lịch bé tí của Di “để mình phụ sấy cho”, “biết sấy không”, “dễ ẹc, không quăn thì cũng cháy… đơn giản thôi mà”. Đẩy tôi ra ngoài, Di đóng cửa lại “cái gì cũng xía vô”.

Người ta bảo đàn bà đẹp nhất là sau khi tắm, đúng vậy. Bộ đồ ngủ màu hồng có ren trắng và hai cái nơ nho nhỏ, mang đôi dép lẹp xẹp không đúng cỡ của tôi, trông vừa ngố vừa dễ thương chi lạ. Tôi ngưng làm bếp, sửa lại mắt kiếng, trố mắt nhìn. Di chen vào “không khê cũng khét, không mặn cũng nhạt, không cay cũng chua”. Tôi lườm “còn gì nữa, kể ra hết… kẻo tiếc” rồi tiếp “ngon thiệt à nghen, hổng có giỡn chơi đâu.

Đừng tưởng bở. Độc thân với hơn 30 năm kinh nghiệm trường đời, ‘chefcook’ hổng có bằng mô”, “ah, mới lọt lòng ra đã biết sống độc thân, biết ‘cook’ rồi, tài giỏi thiệt!” Di bĩu môi. Tôi cười khì khì, nói dóc thế nhưng khi có bàn tay Di xía vào mọi thứ bỗng ngăn nắp hơn. Thức ăn bày lên bàn đâu ra đó, cứ như một gia đình mới.

Bỗng dưng thèm cái không khí nầy, hết giỡn tiếp được, tôi hỏi: “Bao giờ Di xong”. “Còn một semester cuối”. “Rồi sao”. “Ba má Di cũng hỏi vậy”. “Di về hay ở”. “Di muốn về”. “Không thích đây”. “Thích chứ, ở một xứ văn minh nhất, ai mà không thích”. “Sao về”. “Hải nghĩ coi, ai học xong cũng tìm cách ở lại thì tương lai đất nước mình sẽ ra sao”. “Di thích nghi được với chế độ CS” “Không. Không phải không mà không thể chấp nhận. Nhưng chế độ sẽ qua đi còn đất nước vẫn nguyên đó”. Di tiếp “Không có chuyện gì to lớn nhưng mình về để làm những gì nhỏ nhất có thể, như gieo một hạt giống để có cây, có hoa, có quả”. “Thành rừng”. “Chuyện đó to lớn quá với Di. Chỉ mong nó có hoa, có quả đủ mừng. Cá nhân thì yên rồi nhưng hạnh phúc không thể chỉ riêng mình. Làm sao vui được khi ra đường nhìn quanh đâu đâu cũng thấy người cùng khổ”.

Tôi tựa ngửa ra sau thành ghế nhìn mông lên trần nhà. Chắc đây là lần đầu tiên Di thấy lạ sau gần hai năm trao đổi qua lại. Tôi và Di hiểu và tin ở nhau nhưng vừa nghe Di nói thoáng qua dự tính tôi thấy mình thua Di một quãng khá xa. Hơn hai mươi năm lớn lên tại đây tôi biết mình là ai nhưng chưa nghĩ đến sẽ làm gì ngoài việc tạo dựng căn bản cho chính mình. Di nhìn xa hơn. Xa hơn tôi nhiều. Yên lặng một lúc lâu, Di khều “Hải lạ quá hà. Khác hẳn chỉ trong tích tắc, sao vậy”. Tôi hỏi lại “đoán xem. Di thông minh mà”. Di rạng rỡ “lại nịnh nữa” Rồi dịu dàng “chuyện vô tình đụng đến nơi thầm kín nhất của Hải phải không”. Tôi nhìn sâu trong mắt Di “tin Di, quý Di và bi chừ phục nữa” Di mở to đôi mắt, cắn môi vừa có chút bướng bỉnh, vừa có chút dễ tin. Di đứng dậy đến sau lưng ghế, vòng tay quanh cổ tôi “Di hiểu mà và tin ở Hải nữa. Di xuống đây không phải liều và… nói thiệt, cũng… lãng mạn. Thế hệ tụi mình bị bật gốc khỏi nền văn hóa Việt nhưng biết Hải vẫn còn giữ cội nguồn, hiếm lắm. Di xuống như nối kết, một vòng tay. Xuống, như hành trình đối mặt chính mình để thêm chút tự tin”. Giữ hai bàn tay Di trên trái tim tôi đang đập nhanh. Tôi ngoảnh đầu nhìn lên với ánh mắt cám ơn. Di cúi xuống hôn nhẹ “cái nầy thì trao trọn cho Hải đó”. Tôi xúc động, đan mười ngón tay tôi với Di, đưa lên môi.

Đêm đã quá khuya. Thật ngạc nhiên vì thời gian trôi nhanh mà không biết đã nói với nhau những gì. Thấy Di thấm mệt, tôi đứng lên nắm tay Di “vào trong phòng mình ngủ đi. Phải dọn dẹp cả ngày hôm qua đó”, “còn Hải” “mình ngoài nầy”, “sao không đứa trên giường đứa dưới thảm”. Tôi vòng tay ôm Di, thì thầm nơi tai “sao Di ‘ngu quá’, mình đâu phải là thánh. Sức chịu đựng cũng có hạn thôi mà”.

Ngôn ngữ sắc cạnh của Di chợt biến mất, chỉ còn lại một Di thật bé bỏng “nhưng phòng lạ mà toàn mùi đàn ông, ngủ một mình Di chưa quen”, “thế thì Di lên giường, nằm im, kéo mền che tới cổ… còn mình ngồi bên cạnh hát như hát ru em… à ơi… ơi à… chịu hôn. Bài Ngậm Ngùi thơ Huy Cận Di biết chứ”. Chúng tôi hôn thật sâu, Di nũng nịu thật nhỏ “Di đang ở trong mơ”, “không, Di đang là công chúa ngủ trong rừng”… “Ngủ đi em, ngủ đi em mộng bình thường… ru em thắm thiết thùy dương đôi bờ… ” Đôi mắt to đen của Di cụp xuống, cuộn lại bình yên.

Tôi hình dung lại truyện L’étole của Alphonse Daudet đọc từ thời còn mài đũng quần trên ghế học trò. Câu chuyện của một cậu bé và một cô bé ngồi trên đồi nhìn sao đêm. Cô bé thì cứ hỏi huyên thuyên về truyện tích những ông sao, còn cậu thì say sưa kể. Kể đến khi nghe bên bờ vai mình trĩu nặng… mới hay “có một vì sao lạc đã tựa vào vai tôi mà ngủ”.

HPB