Menu Close

New Orleans – Con đê bên dòng Mississippi

alt

Kiến trúc Creole

Xe chạy ngang khu phố Bourbon nghẹt người, tôi nghe cô bé gái con chủ nhà kể cùng các cô bé khác đang ngồi chung xe phía sau về vụ “shooting” ở đây mà cô xem được trên TV vài ngày trước. Thời đại thông tin, ai bảo trẻ nhỏ chỉ chơi game, khi mà tin tức thời sự cũng có thể (vô tình) đập vào mắt một cô bé mới 8 tuổi như vậy. Quả thật, vài ngày trước khi tôi ghé thăm New Orleans thì truyền hình, báo chí cũng đưa tin một thanh niên Việt Nam đã đấu súng với một thanh niên khác như trong phim cao bồi miền viễn Tây sau một cuộc cự cãi bình thường, làm tử thương một cô sinh viên và bị thương khoảng đâu chín người vô tội khác, phần lớn cũng là du khách phương xa ghé thăm New Orleans. Bắn nhau xảy ra hàng ngày khắp mọi nơi, nhưng xảy ra ngay khu phố du lịch nổi tiếng của New Orleans thì nếu Thống Đốc của tiểu bang Louisiana này có hốt hoảng, điều thêm hàng trăm vệ binh đến bảo vệ và yêu cầu sự giúp đỡ khẩn cấp từ cảnh sát liên bang, cũng là điều dễ hiểu. Dù vậy, du khách vẫn “nơ-pa”, tin tức rầm rộ ắt họ phải biết nhưng cũng chắc chẳng ai chú ý hay sợ hãi gì. Vẫn cứ “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” ngay chính con đường có bắn nhau này chỉ vài ngày trước.

alt

Hoàng hôn trên dòng Mississippi

alt


Cafe Du Monde

alt


Bếp Cafe Du Monde
 

Thật ra tôi chẳng hề muốn chở con nhỏ đi ngang con đường khét tiếng ăn chơi, có đầy quán bar, vũ trường cùng nhiều thứ “hấp dẫn” khác cho thanh niên tại thành phố này. Nhưng cứ chạy theo đuôi xe của anh bạn đi trước dẫn đường ghé đến quán cà-phê Du Monde, có thể hoặc anh đang chạy theo máy GPS chỉ đường mà cũng có thể anh muốn “giới thiệu” con đường Bourbon “lồng đèn đỏ treo cao” với những người đến New Orleans lần đầu đang ngồi trong xe anh. Tôi ghé lại quán cà phê Du Monde bởi thói quen và những cái bánh beignet thơm ngon nóng hổi hơn là loại cà phê sữa đá, dù hương vị dẫu có lạ nhưng cứ nhàn nhạt làm sao. Thua xa ly cà phê sữa đá chủ nhà khoản đãi – cũng được pha từ cà phê Du Monde trong lon thiếc vàng quen thuộc. Quán này chỉ có cà phê “frozen” đá bào là ngon, nếu bạn có dịp ghé đến. Kể cũng lạ, biết bao văn nhân nghệ sĩ ghé đến cà-phê Du Monde rồi viết dăm tản mạn về nó, thế là mỗi người vô tình góp vào một ít cho tên tuổi Du Monde thêm phần “chói lọi” nếu nhắc đến New Orleans. Người chưa biết thì ghé ngang cho biết, người biết rồi thì cũng ghé đến như thói quen. Mà cái quán cà phê thì luôn đông cứng, khách ngồi san sát và sàn nhà thì bột đường vương vãi trắng xóa, còn muốn sử dụng nhà vệ sinh thì cứ phải đợi hàng mươi phút.

Không kể chưa phải lúc nào ghé đến cũng được vào ngồi ngay. Nhưng thú thật, nếu có trở lại New Orleans lần tới thì tôi biết mình cũng sẽ lại ghé đến quán cà-phê này. Một phần thói quen, phần thì vì không khí nhộn nhịp của khu trung tâm này. Trước cửa quán hầu như luôn tấp nập du khách, có những họa sĩ vẽ tranh lề đường, có những nghệ sĩ hè phố ngồi đánh đàn, thổi saxophone hay gõ thùng gõ trống vui nhộn. Nhưng cũng có khi còn là ký ức, là kỷ niệm, là những vật đổi sao dời. Tôi ghé đây lần đầu cùng Nguyên Nhi và Phạm Chi Lan khi nụ cười còn tươi. Chỉ vài năm thôi mà bây giờ cả hai người bạn đều đã trở về một nơi khởi đầu mơ hồ nào đó. Rất xa.

Tôi vào tận bếp để chụp vài tấm hình, cà phê Du Monde cứ như một tiệm cà phê Việt Nam. Những nhân viên phục vụ nói cười râm ran bằng tiếng Việt, xem tiếng Mỹ là thứ… ngoại ngữ phụ nào đó. Đã có người từng hỏi tôi rằng có phải tiệm cà phê này của người Việt hay không, khi họ thấy có quá nhiều nhân viên phục vụ gốc Việt. Tôi trả lời rằng quán cà phê này “danh tiếng” vì nó có đó hơn 150 năm nay, tự thân nó đã là… lịch sử với thời gian như vậy. Khách vào đây kêu cà phê và beignet, thì người phục vụ tự mình vào trong lấy bánh, pha cà phê, rót nước, tự đến quầy để trả tiền trước rồi thu lại tiền từ khách sau. Tôi đùa với vài người bạn đi cùng là, nếu có khách “ăn quỵt” thì những người phục vụ có mà “khóc” vì tiệm đã tính tiền của họ. Té ra đó là những câu chuyện có thật và xảy ra chẳng phải không thường xuyên. Bắt chuyện cùng anh T.-một nhân viên gốc Việt đã phục vụ tại tiệm hơn hai năm đang hút thuốc nghỉ giải lao phía ngoài, anh bảo chỉ riêng ca ngày thì đã có đến hơn ba chục nhân viên người Việt làm việc, già trẻ lớn bé – làm toàn thời gian hay sinh viên làm thêm giờ đều có đủ. Anh kể có khách vào uống cà-phê ăn bánh rồi viện cớ không biết quán chỉ nhận tiền mặt, phải sang bên kia đường rút tiền mặt, nhưng rồi kéo nhau đi luôn. Có khách vào kêu thêm bánh nhưng khi bưng ra thì bảo đã no hay ngán, trong khi người nhân viên phục vụ đã trả tiền trước cho phần khách gọi. Du khách chắc hiếm có ai làm vậy nếu không phải là số tiền tip để lại còn rộng rãi hơn so với bình thường. Nếu có xảy ra chắc chỉ với khách “nội địa” ngay chính New Orleans mà theo như anh bảo, “nói ra thì mang tiếng kỳ thị”. Nhưng ai chẳng biết tiếng những chàng “bựa” New Orleans này. Nếu nhớ lại tình trạng hỗn độn tại thành phố này sau cơn bão Katrina năm nào thì ai mà không hiểu. Đủ sắc dân đổ về đây thì ít nhiều (mà chắc là không ít) cũng có điều bất toàn, bất trắc. Như bữa tối ngồi nhìn qua cửa kính nhà hàng, cả nhóm lớn bé chúng tôi được dịp xem một sô truyền hình Cops sống thực và miễn phí khi hai cảnh sát chận bắt và còng tay một thanh niên da đen buôn ma túy ngay trước mặt mọi người. TV ra sao thì cảnh bên ngoài xảy ra cũng y vậy. Cũng vùng vằng, chống cự, cũng cố nuốt phi tang chứng cứ và bị bẻ ngoặt tay, đè lên đầu xe cảnh sát. Cũng có thêm xe cảnh sát rú còi đến tiếp ứng. Nhưng cũng chẳng sao, nó chẳng làm ai ngạc nhiên hay sợ hãi. Đơn giản là chúng ta chưa chứng kiến những cảnh tượng tương tự ngay chính thành phố mình ở nên cứ tưởng nơi này khác với nơi kia, chỗ này bình yên hơn chốn khác. Nên du khách vẫn cứ ùn ùn đổ về New Orleans. Dịp lễ hội Mardi Gras hay những ngày hội nhạc Jazz khó mà tìm ra khách sạn trống chỗ nếu không đặt phòng từ trước. Còn đọc tin tức, thấy không ít tài tử Hollywood và nhạc sĩ tên tuổi có nhà ở New Orleans, nên tôi suy đoán (tầm xàm) rằng New Orleans thích hợp cho giới… giang hồ cần sa hoặc những người có tâm hồn nghệ sĩ. Còn lại là thường dân như tôi, như bạn (quả huề vốn).

alt

Tác phẩm Before I die tại khu bảo tàng nghệ thuật

Nếu bạn nhận xét rằng New Orleans dường như mang màu sắc của một thành phố Âu Châu hay chí ít cũng là một thành phố Caribbean nào đó, hơn là một thành phố đặc trưng của Mỹ thì óc nhận xét của bạn có phần “tinh tế” giống… nhiều người khác. Cứ đến khu French Quarter hay các khu lân cận bạn sẽ thấy những kiến trúc khác biệt với kiểu kiến trúc truyền thống tại Mỹ. Nền văn hóa Creole tạo ra những kiến trúc Creole xây nhà mái hiên có trụ và ban-công phía ngoài. Người Creole tạo ra nền ẩm thực Creole có vị cay cay khác lạ. Bữa đầu đến New Orleans, chủ nhà đãi cho món gumbo đặc trưng xứ Louisiana thay cho tô phở hay tô bún của người Việt. Không biết học từ ai, nhưng tôi nghĩ món gumbo nấu lỏng như súp của chị là kiểu Creole chứ không phải kiểu Cajun đặc hơn, dù món ăn hai nền văn hóa này cũng na ná cho những tay mơ như tôi. Vì những điều này tôi học từ những cuộc ngao du đó đây cùng sách vở chứ chẳng phải là kẻ sành ăn, cho dù thỉnh thoảng vẫn ăn trưa với những đồng nghiệp của mình tại các tiệm Cajun hay Creole trong vùng.

alt

Buổi tối, chúng tôi ra bờ đê con sông Mississippi ngồi hóng gió, chờ đến giờ xem đốt pháo bông. Đến sớm nhưng bờ đê đã đầy người. Có vẻ nhiều gia đình hay bạn bè đã ra đây picnic từ bao giờ. Mùi thịt nướng tỏa thơm cả… con đê, chẳng biết có nướng theo kiểu Creole, Cajun hay Mỹ, Mễ gì không, chỉ biết chúng tôi vừa ăn tối xong lại thấy bụng cồn cào. Gió sông Mississippi thổi vào làm dịu cái nóng những ngày đầu Tháng Bảy. Ngồi trên bờ đê, giá nhìn sang không thấy những tòa cao ốc sáng rực bên kia phố, dám có người trong chúng tôi mơ màng đến dòng sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng gì đó và nghêu ngao “ngày lấy chồng, em đi qua con đê, con đê mòn lối cỏ về…” lắm. Vậy đó, bất kể New Orleans hay bất cứ nơi nào ta ghé qua, cứ thoát khỏi đời sống thường nhật thì cũng có những giây phút bất chợt làm mình lãng đãng như vậy. Kìa! Pháo bông đã mở màn. Rực sáng cả dòng sông Mississippi.

ĐYT