Menu Close

Nostalgia và tử phương

Tôi tha phương đúng 9 tháng tròn, có những đêm nằm mộng vẫn nói tiếng Việt, có những ngày ngồi ngắm mưa phùn miệng còn vị bánh xèo má đúc trên đầu lưỡi. Nếu để thỏa mãn cái thèm đó mà ra Guillotiere với hy vọng ăn một trận cho đỡ nhớ quê thì chắc chắn sẽ hụt hẫng. Tôi không phải là đàn ông, nhưng tôi đồ rằng cái sự hụt hẫng ấy cũng giống như khi một người đàn ông hứng tình, nhớ người yêu mà phải đi mua dâm. Nó thỏa mãn đó, nhưng nó cũng hụt hẫng đó, vì nó tương tự như làm tình mà không phải làm tình. Như đàn ông nhiều lúc đi mua dâm, tôi nhiều lúc cũng chấp nhận đi Guillotiere ăn tô phở mà cọng phở khô cứng, ăn tô bánh canh mà bánh canh trơn tuột, dai dai nhưng lại vô vị để rồi khi ăn xong, mới thấy tiếc cho cái miệng mình biết bao nhiêu.

Bữa nay, tôi lại đi mua dâm cho cái miệng của mình bằng một tô bún bò Huế. Trong mấy tiệm ở Guillotiere thì tiệm Minh Huy là bán ít dở nhứt, quán cũng sạch sẽ và lỗ tai không bị áp bức vì Đan Trường, Hồng Ngọc linh tinh. Ngồi xuống ghế đợi mười lăm phút thì tô bún cũng xuất hiện với mớ thịt heo, một ít bò nạm, nửa lát giò be bé với mớ nước lèo mặn ơi là mặn cùng một tô rau sống theo phong cách universal, nghĩa là dù ăn với phở hay bánh canh, ăn với bún bò hay bún riêu thì cũng vẫn là dĩa rau đó, chẳng khác gì cái sạc điện thoại đa năng bán ở Guillotiere để sạc cho cả hàng Samsung, Sony lẫn Nokia…

15 phút chờ, 20 phút ăn đủ để tôi nghe những chuyện tào lao ở bàn kế bên giữa hai người đàn ông tuổi tầm 60, một người trong số đó tôi đã gặp vài lần trong tuyến Metro D với mái đầu bạc và cái túi xách màu đỏ quảng cáo cho Rhône Express. Cả buổi, ông tóc bạc mang túi đỏ là người nói chính: “Anh nhớ cái thằng gì mà con út của dì Linh không? Thằng gì mà ra đón mình hôm bữa đó.” “Thằng Tùy.” “Ờ, đúng rồi, thằng Tùy. Mỗi lần về quê là kêu nó ra chở. Thằng đó chơi ngon, ở VN mà làm ăn được là giỏi.” Cô phục vụ mang ra một chai vin rosé, ông tóc bạc túi đỏ nói ngọt xớt: “Cảm ơn em!” rồi ông chuốc rượu cho bạn. “Ở đây ngồi thoải mái, nhậu thoải mái, em kêu bò bảy món cho anh ăn rồi đó. 7 món ăn xả láng luôn. Uống đi anh, uống đi.” Nhà hàng đem ra một cái nồi bé tí cho món bò nhúng giấm, 1 dĩa 6 miếng thịt bò nướng và giải thích rằng “đây là bò nướng mỡ chài, bò nướng ngũ vị và bò nướng lá lốt, vậy là hết 4 món nhe anh!”

Nostalgia1

Tôi nhắn tin cho thằng bạn: “Tau nhớ Việt Nam quá!” Nó trả lời: “Rồi mày sẽ sớm có việc, sẽ về Việt Nam như mày muốn, đừng buồn.” Tôi bảo nó: “Tau không buồn. Nostalgia không thể gọi là buồn được. Nostalgia phải được gọi là đẹp!”

 “Ăn đi anh, ăn đi anh. Bữa nay euro ăn 32 ngàn đồng Việt Nam rồi, mình cầm tiền về xài xả láng anh ơi.” “Ah bon?” “Đúng rồi, VN mình khôn quá sức, làm vậy du lịch nhiều, năm vừa rồi có cả triệu lượt khách.” “Vợ em sao rồi?” “Nó ung thư, giờ thì theo bác sĩ thôi. Ờ, mà không sao, bên đây có chánh phủ lo hết, nghĩ gì. Mà anh biết vì sao em đi Maroc không, vì bên đây chặt thuế kinh quá, giàu nghèo chi cũng đánh hết, em đi Maroc làm ăn tránh thuế. Mà anh đi Dubai chưa? Thằng lớn nhà em ở Dubai. Ui cha, giàu ghê gớm, Dubai nhà cửa dát vàng. Em cần đi là thằng con mua cái vé 400 đồng gửi qua cho em là em đi thôi. Có điều ở Dubai thì mình phải nói tiếng Ăng-lê chớ không như bên đây. Mà Dubai cũng như Việt Nam mình. Ăn đi anh. Dubai ở trung tâm thì giàu ơi là giàu mà ra ngoài thì cũng nghèo ơi là nghèo. Anh nhớ hồi mình ở Gò Vấp không, ra đàng thấy người ta nghèo quá trời, vậy mà dzô Diamond Plaza thấy giàu quá sức. VN mình chừ cũng giàu nhiều rồi. Ăn đi anh, bò bảy món ở đây ngon nhứt Lyon.”

Tôi ăn xong tô bún mắm, kêu ly nước dừa đông lạnh có mùi thơm thơm như xà bông. Không phải tiệm ẩu đâu nhưng chẳng hiểu sao nước dừa đông lạnh bên đây cứ có mùi như vậy, dù tự mình mua ngoài siêu thị đem về. Như mọi lần, tôi thấy tiếc cho cái miệng mình nhưng cái bụng cũng có phần thỏa mãn. Chiều nay, lẽ ra đi tiệc quốc khánh nước Pháp ở trung tâm tiếng Pháp tôi học, nhưng thôi, tôi quyết định ở nhà và cho mình tắm nỗi hoài hương.

Tôi mở album Hà Thanh cho giọng hát trong vắt của bà vang khắp tầng trên căn nhà. Tôi xuống bếp ngồi lựa hột nén, hơn phân nửa đã chuyển qua màu xanh và ra rễ, sắp mọc mầm vì đã trải qua hơn 3 tháng từ dạo thằng Út gửi bưu điện qua cho tôi. Tôi đặt củ nén bé tí lên lòng bàn tay, ngắm cái rễ vừa nhú ra của nó, nghe Hà Thanh hát rằng: “Sông Hương lững lờ, xứ Huế đẹp yêu kiều…”

Bữa tối nay, tôi quyết định cho cái miệng mình được làm tình đúng nghĩa với mắm. Tôi ra vườn lặt sạch đám hành lá thay vì bứt vài cọng như mọi hôm, giã những 15 củ nén thay vì 5 củ như mọi lần và hào phóng múc những 4 muỗng mắm cái để làm món bún mắm Quảng Nam. Kỳ thực, món này, người ta phải ăn kèm với cả chả que và thịt heo luộc, hoặc ngon nữa là luộc 1 trái mít non xắt nhỏ, giã đậu phộng rắc lên trên. Nhưng tôi không làm món cầu kỳ đó, phần vì lười biếng, phần vì làm chả phải tốn mấy ngày, mít non thì tất nhiên là không có, phần vì tôi muốn làm thứ mắm cái đơn giản mà năm xưa má hay làm cho tụi tôi ăn. Đó là khử dầu phộng, bỏ củ nén vô, đổ mắm cái vô nồi rồi pha thêm ít nước sôi, thả lá nén thiệt nhiều cho ngập hết trong mắm và dầu. Tôi thay lá nén bằng lá hành thơm nên cũng không khác vị đi mấy.

Bữa nay Lyon mờ sương, trời buồn, ngồi ăn bún mắm ngó ra La Duchère lẻ loi, tôi nhớ lại bữa hôm qua đi với thằng bạn. Nó chịu trách nhiệm đón tôi từ trạm xe bus và xách bịch mắm. Tôi giải thích cho nó rằng mắm là cá cơm tươi trộn với muối, để phơi nắng thiệt lâu rồi đem ra ăn thôi. Mắm có mùi đặc biệt lắm, người thích sẽ nói thơm, người ghét sẽ nói hôi. Cũng như phô mai vậy thôi, mày đi xa sẽ muốn ngửi một miếng Camembert, 1 miếng Comté, còn tau chỉ muốn được ngửi một hũ mắm. Mắm nặng mùi hơn Camembert nhiều. Nó nói mày làm tau tò mò quá, tau muốn ngửi, và nó mở hũ mắm ngửi thử. Nó nói đúng là có mùi cá thiệt. Tôi nói mùi của mắm là mùi hương của cái chết, parfum de la mort. Nó nói tên mày là mùi hương của hoa lan, vậy nếu parfum de la mort thì tiếng Việt phải gọi là gì? Tôi trả lời: chắc là Tử Phương vậy.

Trên phòng khách, Hà Thanh ca rằng: “… ra miền thùy dương xưa trăng nước còn mộng mơ, nghe tiếng chuông chùa bên dòng Hương giang lững lờ, bến cũ cây đa nay còn thắm bao tình thơ…”

PTLP –  Lyon 11 tháng 7