
Tôi vừa thực hiện một chuyến đi hào hứng và lý thú miền Đông Hoa Kỳ. Nơi tôi đến là Lancaster, Pennsylvania, cách Toronto hơn 700km, khoảng 8 giờ lái xe với vận tốc cho phép. Lê Chiếu, bạn tôi ở Lancaster, đưa tôi đi thăm viếng Washington DC, Falls Church Virginia. Sáng ngày hôm sau, lấy xa lộ I-83 trên đường về lại Lancaster, chúng tôi ghé vào Welcome Center thuộc quận hạt York của tiểu bang Pennsylvania để xả hơi. Chúng tôi thấy nơi đó có trưng bày một chiếc mô tô hiệu Harley-Davidson nên dòm ngó trầm trồ.
Bà nhân viên làm việc ở đó khuyên chúng tôi nên đến viếng xưởng ráp chỉ cách đó mươi phút lái xe để xem cho biết. Bà nói hãng chế tạo xe mô tô Harley-Davidson có bốn xưởng ráp tại Hoa Kỳ; trong số đó, xưởng ở York, Pennsylvania là tân tiến hiện đại nhất. Và tour đi xem xưởng ráp này được đánh giá tốt nhất trên toàn nước Mỹ, hấp dẫn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhất là những người thích xe mô tô. Nghe vậy, chúng tôi thích lắm.
Ngày xưa sống ở Sài Gòn trước 1975, tôi chỉ có lái xe gắn máy các hiệu Honda, Suzuki và Yamaha toàn cỡ nhẹ 50cc. Thời đó xe gắn máy hiệu Harley-Davidson hiếm ai chạy vì nó vừa cồng kềnh về trọng lượng vừa nặng nề cho túi tiền. Ngày nay tôi nghe nói ở Việt Nam, giới nhà giàu sắm xe mô tô Harley-Davidson hàng độc hạng nặng 1600cc, giá lên tới cả trăm ngàn đô Mỹ, còn mắc hơn xe hơi xịn.
Cơ sở hãng Harley-Davidson ở York, PA sơn trắng trông mới toanh với bãi đậu xe mênh mông. Bên trong mọi thứ đều sạch sẽ sáng rực và bóng lộn. Nhân viên mặc đồng phục áo màu cam tiếp đón khách rất ân cần nồng hậu. Thật may mắn, chúng tôi đi tour nhằm buổi sáng ngày Thứ Hai, một ngày thường trong tuần và vào giờ làm việc cao điểm, các công đoạn sản xuất hoạt động nhộn nhịp. Chúng tôi chứng kiến tận mắt những người thợ chuyên nghiệp điều khiển rô bô, máy điện toán, dụng cụ tối tân, lắp ráp, hàn và sơn các bộ phận rời vào khung sườn trơ trọi, từ vè, bình xăng, bánh xe, yên xe, tay lái… cho đến lúc kiểm soát phẩm chất, chạy thử, và sau cùng là gói ghém đóng thùng để xuất xưởng.
Bắt đầu mùa xuân, xưởng nhận được nhiều đơn đặt hàng nên dây chuyền sản xuất hoạt động nhộn nhịp. Các ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy cũng có tour nhưng không bảo đảm dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục ở nhịp độ nhanh.
Đây mới đúng là “behind the scenes”, những cảnh trí xảy ra đàng sau hậu trường. Tôi nói như thế là vì khách đi tour thăm xưởng “được yêu cầu”, cách nói lịch sự của “bị bắt buộc” phải để lại máy ảnh bên ngoài xưởng. Sau khi “tịch thu” máy ảnh của khách xong, nhân viên hướng dẫn mặc đồng phục màu cam của hãng Harley-Davidson phát cho mỗi người cặp loa tai (earphones) và kính bảo vệ mắt (goggles) để tai khỏi bị tiếng ồn tra tấn và mắt khỏi bị mảnh vụn văng trúng, dù chỉ là phòng hờ thôi.
Khách tham dự tour chỉ dành cho người lớn. Nếu là trẻ em thì phải từ 12 tuổi trở lên. Có người, do không biết trước điều lệ bắt buộc là phải mang giày chứ không được đi dép, đành bị từ chối và không được đi tour thăm xưởng. Trước tiên khách được mời ngồi để xem video chiếu trên màn ảnh lớn 10 phút giới thiệu qua lịch sử và tiến trình phát triển của hãng. Bà hướng dẫn viên trông tuy lớn tuổi, già cỡ tôi, nhưng rất hoạt bát nhanh nhẹn và nói ào ào thuộc lòng như cháo. Bà làu làu giải đáp mọi thắc mắc. Tôi đoán chắc bà làm công việc này thâm niên lắm rồi.
Dự tour miễn phí 45 phút này tôi thấy đã quá đủ, không cần phải đi thêm tour cao cấp hơn tỉ mỉ hơn và phải trả 38 Mỹ kim gồm tiền thuê giày có mõm bọc thép bảo vệ các ngón chân, áo che màu cam và kéo dài trong hai giờ, coupon dùng để mua quà lưu niệm tại gift shop, một tấm hình chụp nguyên nhóm đứng nơi trạm đầu tiên là trạm khung xe có huy hiệu Harley-Davidson. Hình được phát ra cho mọi người sau khi xong tour, và đó là tấm hình duy nhất được phép chụp trong xưởng.
Toán đi tour của chúng tôi gồm 8 người, xếp hàng một đi bộ theo bà hướng dẫn viên trong lối có vạch vàng. Đến trước mỗi khu vực có đánh số, toán dừng lại để vừa quan sát vừa nghe giải thích qua loa tai. Cơ xưởng quả thật rất tối tân, hầu hết công việc lắp ráp đều tự động hay vận hành bằng máy móc không cần đến sức người. Thợ có máy điện toán, chỉ cần nhìn vào màn hình theo dõi và gõ phím để điều khiển những cánh tay máy rô bô. Sự có mặt và dòm ngó của toán “khách tham quan” chẳng gây phiền hà gì cho những người thợ đang làm việc. Có khi họ còn cười chào nữa.
Dây chuyền lắp ráp vận hành hoàn hảo và đáng thán phục. Tôi phục sự nhịp nhàng và làm việc thuần thục của những người thợ. Họ làm việc có vẻ thoải mái quá chứ chẳng thấy căng thẳng áp lực gì cả. Trong cơ xưởng cũng có gắn đèn kiểm soát lưu thông tại các ngã tư. Người đi bộ hoặc các xe chạy bằng bình điện (chở các bộ phận rời từ nhà kho đến các khâu sản xuất hoặc đưa phần xe vừa ráp một bộ phận đến khâu kế tiếp) cũng tuân theo đèn báo xanh đỏ để đi hoặc dừng lại.
Tôi nghĩ cho dù bạn là một người yêu thích xe mô tô Harley-Davidson hay không, bạn sẽ khoái tour du lịch này. Tôi cũng không ngờ một chuyến thăm xưởng giá trị như vậy mà lại hoàn toàn miễn phí. Tôi thấy phòng trưng bày xe mẫu và hình ảnh ghi lại lịch sử hơn 100 năm của công ty cũng giống như là một viện bảo tàng. Du khách lại còn được tự do ngồi lên những xe mẫu để chụp ảnh. Tất cả đều không tốn tiền.
Gian hàng bán kỷ vật lưu niệm Harley-Davidson
Đối với tôi, đây quả thật là một chuyến thăm viếng nhà máy đầy thú vị. Đặc biệt cám ơn bạn tôi là Lê Chiếu, một tay mê nhiếp ảnh, nên tôi đã có được những bức ảnh đẹp như bạn đọc thấy trong bài phóng sự này.
Địa chỉ Harley-Davidson Vaughn L. Beals Tour Center: 1425 Eden Rd York, PA 17402, USA.
Trung tâm đón khách đi tour viếng xưởng được đặt tên của Vaughn L. Beals, cựu chủ tịch từ 1981 đến 1996, để vinh danh người đã có công hiện đại hóa công ty.
PH