Menu Close

Xứ tuyết

Cách đây gần bốn mươi năm, khi nói đến Mỹ Quốc, người Việt nói chung thường liên tưởng đến những địa danh có tên quen thuộc như California, New York, hay Florida. Nhưng Minnesota thì kể như bù trớt, hổng biết nó ở chỗ nào trên bản đồ nước Mỹ. Vậy mà khi chân ướt chân ráo tỵ nạn đến Hoa Kỳ, tui bị trùm “pông-sô” (sponsor) tuốt luốt trên Bắc Mỹ. Ba tháng sau, mùa Đông tới mới kinh hoàng biết đó là XỨ TUYẾT.

Khoảng thời gian 1975, ra đường hổng thấy người đồng hương nào mà toàn là con cháu của dân Vikings (người Mỹ ở Minnesota đa số là gốc dân Bắc Âu Scandinavian). Cái nhà thờ trùm “pông-sô” tui thấy tội nghiệp nên mò mẫm ở đâu ra địa chỉ của vài người Việt tỵ nạn khác dẫn tới nói chuyện cho dzui. Gia đình thứ nhứt là hai vợ chồng người Việt… gốc Hoa và mấy đứa con nhỏ. Gia đình thứ nhì là “ba anh lính Nhảy Dù lâm nạn” của QL/VNCH. Dòm mặt ba anh này hiền khô như con nít, (mà tui cũng đâu có hơn gì, đi mua thuốc lá bao giờ cũng bị hỏi ID) nói chuyện luôn luôn xưng em, đúng như cách xưng hô của binh sĩ phe ta thể hiện tình “thày trò” người trên kẻ dưới. Hỏi han dăm ba câu mới biết hóa ra ba anh vừa mới được bổ sung vào đơn vị Nhảy Dù thì phe ta “tan hàng khó kiếm.” Thời đó phe ta lêu bêu, ngơ ngác, rách mướp như thú hoang lạc đàn, như chim vỡ tổ. Gặp nhau mừng rỡ  nói “chiện xưa” cho ấm lòng chiến hữu, không có đứa nào “đẻ ở kho đạn Long Bình.” Mấy tháng sau gặp lại ba anh lính Nhảy Dù là lúc “thầy trò” tình cờ làm “chung tần số,”  làm thợ đổ kẹo ở Powell’s Candy Company.  “Trò” thì ú ớ không biết tiếng Anh nên ngồi assembly line gói kẹo chung với mấy grand-moms người bản xứ già cúp bình thiếc. “Thầy” thì nhờ biết nói tiếng Anh bằng… tay nên được đứng máy nấu syrup đổ xuống từng dưới cho mấy tay thợ hộ pháp da trắng cắt ra làm kẹo. Ba anh lính nhảy dù thì lúc nào cũng “hồn nhiên như bầy trẻ nít”.

alt

 Mịa kiếp, hồi còn ở quân trường, phe ta huấn luyện mình theo phong cách của một hiệp sĩ Tây phương thời xưa, thuộc con nhà dòng dõi quý tộc, “Lúc nào cũng mang trên nhung phục một huy hiệu biệt cách.” Rồi nào là bài học “Mưu Sinh Thoát Hiểm,” “the Codes of Conduct” các cái v.v. để biết hành xử khi sa vào tay giặc, mà đếch có chuẩn bị tâm tư cho anh em cái “scenario”. Một ngày đẹp trời “An Officer And A Gentleman” (1) lưu lạc đến một phương trời xa lạ, đột nhiên trở thành một tay thợ đổ kẹo, hay một tên rửa bát quét nhà, khi nói chuyện phải có tay chân “tiếp ứng,” ngô nghê đíu giống con giáp nào. Đánh giặc hổng sợ chết, nhưng cái màn tráo căn cước “đột xuất” này thì thiệt là kinh hoàng như một cơn ác mộng có thiệt!

Vào giai đoạn đầu của năm 1975, bà con tỵ nạn gặp nhau hàn huyên, chỉ loanh quanh ba cái đề tài làm sao “trúng tuyển” được cái bằng lái xe. Và sau nữa dành dụm đủ tiền để mua một cái xe hơi thuộc loại thổ tả, rỉ sét để đi làm. Hổng chừng hồi xưa bọn Mã Viện qua nước ta trấn ếm ra sao mà giờ đây phe ta, cả binh đoàn bỗng chốc hóa thành “thợ vịn” (assembler) hay quét nhà (janitor), thiệt lảng nhách! Tay nào may mắn hơn vớ được cái job làm gác dan vào “giờ nghĩa địa” (graveyard shift), một mình một cõi, không có sếp nào dòm ngó. Hổng ai mơ tưởng làm giàu hay làm… ông Nghị (Councilman) để “vẻ vang dân Việt” gì sất cả. Còn chuyện đi học Đại Học thì không ai dám nghĩ đến. Cứ nhìn thấy cái tiền đình uy nghi bề thế của University of Minnesota bên West Bank cạnh giòng sông Mississippi là tự nhiên thấy mình trở nên nhỏ bé, thừa thãi và quê kệch trên campus. Mấy tháng sau thư đi tin lại mới hay có một “thẩm quyền” 3 sao (2) bên Canada cũng làm nghề rửa chén trong một nhà hàng Chinese restaurant nào đó. Mừng quá vì được an ủi dzậy là mình “ngon” hơn ổng rồi. Nhưng nghĩ lại như thế đúng là tổ tiên của bọn bành trướng phương Bắc hồi xưa đã gửi thầy địa lý qua trấn yểm nước ta.

Thủ phủ của Minnesota có tên là Twin Cities, gồm có thành phố Saint Paul và Minneapolis ngăn cách bằng con sông Mississippi, phe ta bèn dịch Twin Cities là Song Thành. Dân bản xứ phân biệt sắc thái của Saint Paul như là một thành phố cổ kính, còn Minneapolis là một thành phố mới phát triển. Nói tóm lại Saint Paul là thành phố cũ, còn Minneapolis là tân. Nhưng phe ta thời đó phân biệt hai thành phố này bằng “chỉ số”: Bên Saint Paul là 100%, còn Minneapolis là 50%. Cái gì kỳ cục, khó hiểu dzậy?

Cái xứ tuyết buồn thí mịa, mùa Đông cuối tuần phe ta đếch biết đi đâu. Người bản xứ có vô số trò chơi mùa Đông như trượt tuyết, lái snowmobile, chơi bowling, đi săn hay đi câu cá (ice fishing). Phe ta lếch nghếch mới đến tỵ nạn từ chiến trường Việt Nam nên đành chun dzô mấy cái topless bars trên con đường chính Hennepin ở Dowtown Minneapolis uống bia giải sầu. Hồi đó trên bốn vùng chiến thuật, hang cùng ngõ hẻm nào mình cũng mò dzô, nay có mỗi cái Song Thành này là chiện nhỏ. Mày mò ít lâu phe ta mới biết bên Saint Paul cũng có “sân chơi” dzậy. Mà bên Saint Paul thành phố cổ kính nhưng chơi ngon hơn à nhe, mấy em “nghệ nhân” thoát y tới 100%, trong khi bên Minneapolis luật thành phố chỉ cho phép 50% thôi. Có nghĩa là phần dưới vẫn phải còn một mảnh xiêm y. Tuy nhiên vẫn có “nghệ nhân” biết chơi “lách,” phần dưới vưỡn còn một mảnh xiêm y nhỏ xíu nhưng bằng ni-lông trong suốt. Hay thiệt! Từ đó cuối tuần, thầy trò “đến hẹn lại lên.” Anh em nào muốn coi show trình diễn trên sân khấu “wành tráng” kiểu “Tình Vào Đông” thì qua Saint Paul, còn muốn học ESL “đàm thọi” Anh ngữ “One-On-One” (một cô, một trò) thì qua Minneapolis. Học nói tiếng Anh chỉ có tiến bộ khi biết thực hành thường nhật. Cứ nói đại đi, đừng mắc cỡ, trật trúng gì cũng được. Phe ta hầu hết là con bà phước, có quen người Mỹ nào đâu để tập nói tiếng Anh. Nhưng tình cờ nhờ đi coi show “Lap Dance” mà phe ta đã có dịp thực tập English One-On-One thực tế, hấp dẫn và “phê” hơn phương pháp Inh-lít-pho-tu-đê của Giáo Sư  Nguyễn Ngọc Linh. Người ta học Anh ngữ có trường lớp đàng hoàng tính bằng semester, còn phe ta học Anh ngữ với các “cô gíáo” tóc vàng, mắt xanh mặc quần áo “con nhà nghèo” thì tính bằng… bản nhạc. Tay nào khá hơn, biết thủ thỉ với cô giáo rằng mình là Vietnamese Veteran đến từ chiến trường Vietnam thì sẽ được cô giáo chiêu đãi đặc biệt hơn, cho “học” lâu hơn. Có khi cô còn canh me giùm mình, bỏ qua hết mấy bản nhạc ngắn, đợi mấy bản nhạc dài trổi lên mới bắt đầu dạy. Có điều học đàm thoại Anh ngữ kiểu này rất là “khẩn trương,” rất…”căng,” không còn dùng tay để diễn tả được nữa, vì hai bàn tay bấy giờ đã được trả lại nhiệm vụ cơ hữu làm…”tiền sát viên,” nghiên cứu địa hình, vị trí đối phương.

alt

Bảo Huân

Nhờ học tiếng Anh theo phương pháp “con nhà nghèo” này mà chẳng bao lâu tui đã có đủ vốn liếng Anh ngữ ba rọi để chấp nhận Minnesota làm quê hương. Minnesota viết tắt khi đề bao thư trước phần Zip Code là MN. Đặc điểm về địa lý của tiểu bang có tới hơn 10,000 cái hồ lớn nhỏ, nên trên bảng số xe hơi có ghi dòng chữ 10,000 lakes. Dân tỵ nạn liền chuyển ra tiếng Việt là “xứ vạn hồ.” Mùa Đông nơi đây rất  khắc nghiệt, có khi hàn thử biểu xuống dưới mức độ âm là chuyện thường (30 độ F = 0 độ C). Khi có gió mạnh (windchill effect) trời lạnh xuống còn -70F thật là kinh dị. Không gian như đóng băng, khứu giác kể như tê dại. Những lúc như thế, nửa đêm bà con phải thức giấc ra ngoài “start” cái xe, để máy chạy khoảng 10 phút thì sáng ra mới hy vọng đề xe đi làm được. Nhưng bù lại nơi đây có 4 mùa rõ rệt. Mùa Thu quyến rũ và rực rỡ hơn thơ của Lưu Trọng Lư nhiều. Còn mùa Đông thì khỏi nói, sau khi tuyết rơi nhìn cảnh vật quả là “Wonderland.” Tuyết phủ trắng đẹp não nùng như cảnh thần tiên. Cảnh vật và không gian như thoát thai từ những bản nhạc Giáng Sinh ngoại quốc nổi tiếng thuở nào; linh động và huyền diệu hơn những tấm thiệp Giáng Sinh rẻ tiền có rắc kim tuyến hồi học tiểu học tui thường lưu giữ, ước mơ có ngày được nhìn thấy. Nay cảnh thật mùa Đông của niềm ước mơ tuổi nhỏ đã hiện ra trước mắt, nhưng trong một hoàn cảnh oái oăm, đổi lại quê hương cũ và kỷ niệm xưa nay đã mất.

Với tiểu bang có 4 mùa rõ rệt như MN, những ai thích chưng diện không cần phải làm dáng hay “xì-tin” làm chi. Vì quần áo bấy giờ không những đã làm đẹp con người mà còn phù hợp với thời tiết. Sau một thời gian định cư ở MN, đa số người Việt tỵ nạn cảm thấy không thích hợp với Xứ Tuyết nên dần dần bỏ đi về miền nắng ấm. Đồng thời những biến động về chính trị trên thế giới đã tạo thêm một lớp người tỵ nạn mới đến định cư tại MN như người Somali và Hmong. Những khu chung cư rẻ tiền ở Minneapolis ngày xưa người Việt tỵ nạn quy tụ, nay đã được người tỵ nạn Somali đến cư ngụ. Và ngày nay, người Hmong ở MN đang chiếm số lượng đông nhất (so với các sắc dân thiểu số khác từ miền Đông Nam Á) và họ có cả một nữ Nghị Sĩ gốc Hmong trong chính quyền Tiểu bang MN.

Trong phim “Dances With Wolves” tài tử Kevin Costner đóng vai một sĩ quan Bắc Quân Union thời lập quốc, tình nguyện một mình một ngựa ra trấn đóng nơi  tiền đồn hẻo lánh miền Viễn Tây. Có một cảnh trong phim, Kevin Costner nói chàng tình nguyện ra trấn thủ nơi biên cương “frontier” xa hút này vì chàng muốn tận mắt chứng kiến miền Viễn Tây hoang vu, nguyên thủy trước khi nó không còn nữa. Bấy giờ một anh Da đỏ bạn đồng hành gật gù, nhìn lên trời đầy sao đêm lấp lánh phán rằng, “you” nói đúng à nha. Sau này “tụi nó” (they) sẽ kéo đến đông lắm, nhiều lắm! Nhiều như những vì sao trên trời.

Có lúc tui cũng có cảm tưởng mình như anh chàng lính Union trong phim “Dances With Wolves.” Nhưng là một tên lính bất đắc dĩ đi khai phá biên cương “Frontier” của người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ.

G