Dư luận thế giới đến nay vẫn còn xôn xao quanh sự kiện chuyến bay Malaysia Airlines MH17 bị trúng hỏa tiễn tan xác trên không phận đông Ukraine hôm 17-7-2014, giết hại toàn bộ 298 người cả hành khách lẫn phi hành đoàn.

Đối với hãng hàng không Malaysia Airlines đúng là… họa vô đơn chí. Mới 4 tháng trước, chuyến bay Flight 370 đã mất tích trên Ấn Độ Dương, đến nay vẫn bặt tăm. Trong 3 năm trước đó, hãng triền miên khủng hoảng tài chánh, lỗ lã chừng $1.3 tỉ. Malaysia Airlines có thể lâm cảnh khánh tận, nhất là trong trường hợp hành khách tránh bay vì sợ hãi. Tuy nhiên, vụ này vượt ngoài số phận của riêng Malaysia Airlines, có ảnh hưởng đến bang giao thế giới.
Đoàn xe tang chở thi hài các nạn nhân Malaysia Airlines MH17 về đến phi trường Eindhoven, Hà Lan. Ảnh REUTERS/Francois Lenoir
Chuyện nổ lớn khi các tay súng ly khai người Nga dính líu trực tiếp trong vụ bắn hạ phi cơ với một hệ thống hỏa tiễn do nước Nga chế tạo. Ngay lập tức, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh mạnh mẽ chỉ trích nước Nga đã yểm trợ, cả cố vấn lẫn quân viện, để các phiến quân người Nga ly khai trên lãnh thổ đông Ukraine bắn hạ hàng không dân dụng. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói các bằng chứng thu thập tại hiện trường chuyến bay Malaysia Airlines MH17 rơi cho thấy quân đội Nga đã trang bị hỏa tiễn tầm trung cho các phiến quân. Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Michael Fallon thẳng thừng gọi Tổng Thống Nga Vladimir Putin là “kẻ đỡ đầu cho khủng bố.” Tổng Thống Ukraine Petro Poroshenko cũng gọi đây là một vụ khủng bố, nhưng dùng lời lẽ nhún nhường hơn khi đề cập đến nước Nga, kêu gọi họ và “thế giới văn minh” đứng về phía Ukraine để chống khủng bố.
Cuối năm ngoái, xứ Ukraine lâm khủng hoảng chánh trị, với cựu Tổng Thống thân Nga bị Quốc Hội phế truất. Nước Nga… ngư ông đắc lợi, nhân lúc đục nước đã mau lẹ sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của họ. Vì nước cờ này, nước Nga ngày càng bị cô lập, với Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương thiết lập nhiều biện pháp cấm vận. Tuy nhiên, tầm mức rộng lớn và cường lực mạnh mẽ của cấm vận vẫn còn hạn chế, đa phần vì sự miễn cưỡng của Âu Châu. Liên Âu không ít lần từ chối áp đặt cấm vận mạnh mẽ hơn lên điện Kremlin vì lo ngại phải chịu nhiều thiệt hại do có nhiều liên hệ kinh tế với Nga từ trước đến nay. Người Đức không muốn mất nguồn khí gas nhập cảng từ Nga. Anh Quốc muốn tiếp tục dòng tiền chảy từ Nga vào thị trường tài chánh London. Còn Pháp vẫn muốn triển khai các hợp đồng bán chiến cụ tối tân trị giá nhiều tỉ Mỹ kim cho Putin.
Các viên chức Mã Lai bên xác Malaysia Airlines Flight 17 nằm lại trong vùng Donetsk, đông Ukraine, hôm Thứ Tư 23-7-2014. Ảnh AP Photo/Dmitry Lovetsky
Đáng nói là, trước khi chiếc phi cơ Boeing 777-200ER đâm xuống đất, cướp đi sanh mạng 298 con người vô tội, cuộc xung đột võ trang tại đông Ukraine giữa phe thân Nga và chánh phủ quốc gia Ukraine có nguy cơ… chìm xuồng trước công luận thế giới. Binh sĩ chánh phủ không hẳn chiếm được thế thượng phong trên chiến trường. Nước Nga và Vladimir Putin vừa quân viện võ khí tối tân cho các tay súng gốc Nga chống trả, vừa thúc đẩy thỏa hiệp ngừng bắn nhằm bảo toàn thực tế các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine đã nằm trong tầm kiểm soát của phiến quân. Chiến lược cấm vận Nga toàn diện của Hoa Kỳ bớt hữu hiệu khi các nước Âu Châu khư khư bảo vệ tư lợi kinh tế gắn với Moscow.
Tuy nhiên, mọi chuyện đang có vẻ xoay chiều mau chóng sau khi chuyến bay Malaysia Airlines MH17 bị bắn hạ với hỏa tiễn Made in Russia. Theo chân Hoa Kỳ, Âu Châu lập tức mở rộng cấm vận kinh tế, đặc biệt nhắm vào các viên chức Nga cao cấp thân cận với Putin. Liên Âu cũng đang cân nhắc đưa các nhóm người Nga ly khai ở đông Ukraine, trong đó có “Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk” (Donetsk People’s Republic) vào danh sách các tổ chức khủng bố bất hảo. Một nhóm chuyên gia Liên Âu đang âm thầm soạn thảo những bước kế tiếp nhằm đoạn tuyệt mọi giao hảo giữa Nga và thị trường tài chánh Âu Châu.
Phái đoàn Thanh sát viên quốc tế đến nơi chuyến bay Malaysia Airlines Flight 17 bị bắn rớt trong vùng do các tay súng ly khai người Nga kiểm soát. Ảnh AP Photo/Vadim Ghirda
Đến nay, các tỉ phú Nga là một trong những giới chịu thiệt hại nặng nề nhất trong chiến dịch cấm vận của Tây Phương, bị lỗ lã nhiều tỉ Mỹ kim. Theo khảo sát Bloomberg Billionaires Index, từ sau vụ Putin thôn tính bán đảo Crimea đến nay, giới siêu giàu có người Nga đã mất mát trên $16 tỉ, khoảng chừng 7% tài sản của họ. Đơn cử đại công ty OAO Novatek, một nhà sản xuất khí gas có các dự án tái tài trợ với kỹ nghệ nhà băng Hoa Kỳ, bị cấm cửa khiến cổ phiếu rớt điểm 8%, và công ty mất giá trên $3 tỉ chỉ trong vòng 2 ngày. Các nhà đầu tư người Nga trong hai kỹ nghệ tài chánh và kỹ thuật, là hai lãnh vực có các liên hệ chặt chẽ nhất với thế giới Tây Phương, tỏ vẻ quan ngại nhiều nhất. Tuy nhiên, ngay tại nước Nga, họ im hơi lặng tiếng, vì sợ bị nhà cầm quyền Kremlin gây thêm khó dễ.
Đang lúc các căng thẳng lên mức cao nhất, một thăm dò dân ý của chính hãng Gallup danh tiếng vừa mới ghi nhận uy tín của Tổng Thống Nga Vladimir Putin đối với dân chúng quốc nội lên cao đến mức kỷ lục 83% (để so sánh, Tổng Thống Barack Obama chỉ được lòng 42% dân chúng Hoa Kỳ trong thăm dò mới nhất). Uy tín Putin tại nước Nga tăng 30 điểm so với năm ngoái lúc chưa xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này không khó lý giải trong khung cảnh chủ nghĩa dân tộc lên cao tại Nga, mà Putin lại vừa “Trả Lại Crimea Cho Đất Mẹ” không cần một tiếng súng nổ. Ông Putin cũng không ngớt hô hào đẩy nhanh cường lực cho nước Nga để đối kháng với NATO.
Có thể thấy từ giữa thập niên 1990, lúc Liên Bang Sô Viết sụp đổ, và nước Nga trở lại với cộng đồng thế giới, chưa bao giờ quan hệ của họ với Hoa Kỳ và Tây Phương xuống mức thấp nhất như hiện nay. Các nước cờ đơn phương và liều lĩnh của Putin gây phương hại cho nhãn hiệu “Liên Bang Nga” trên trường quốc tế, và làm cho các đại công ty ngoại quốc đang cộng tác với họ càng thêm e dè. Putin quay sang ký kết với Trung cộng hợp đồng cung cấp khí gas trong vòng 30 năm trị giá $400 tỉ. Con số khổng lồ đó vẫn bất khả thay thế tổng trị giá thương mại mỗi năm với Liên Âu ($461 tỉ) và Hoa Kỳ ($38 tỉ).
Biểu tình bài Nga và Putin trước Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm 17-7-2014. Ảnh Basri Sahin/Anadolu Agency/Getty Images
Không ít dư luận đánh giá Tổng Thống Putin lỡ thế trèo lưng cọp, tiến thoái lưỡng nan. Lá bài dân tộc quá khích, cũng như đánh giá nhẹ phản ứng của Hoa Kỳ và Tây Phương của ông Putin ngày càng đẩy nước Nga vào thế khó. Nếu giờ đây nhân nhượng với Hoa Kỳ và Tây Phương, Putin sẽ bị các phần tử dân tộc cực đoan tại Nga… làm gỏi. Ngược lại, nếu Putin tiếp tục chánh sách đương đầu với Tây Phương, nước Nga khó tránh cảnh bị dồn vào chân tường, càng thêm cô lập kinh tế lẫn chánh trị trên trường quốc tế. Sau vụ thôn tính Crimea, nước Nga đã bị hất cẳng khỏi nhóm cường quốc kỹ nghệ G-8 (Group of Eight). Nay Úc Châu có thể rút lời mời ông Putin đến dự Hội nghị thượng đỉnh khối G-20 tổ chức tại Brisbane vào tháng 11 tới. Và tuy thời gian còn đến 4 năm, nhưng hiện đã có những bàn tán đòi tước quyền tổ chức giải vô địch đá banh thế giới World Cup 2018 của nước Nga.
Sắp tới, rất có thể Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ cộng tác, mở cuộc quân viện trực tiếp, giúp cho chánh phủ Ukraine tái chiếm những vùng lãnh thổ mất an ninh, mấy tháng qua đã rơi vào tay phiến quân thân Nga. Mọi công ty Tây Phương có thể bị cấm tiệt không được đầu tư vào kỹ nghệ dầu hỏa và khí đốt của nước Nga. Đây sẽ là đòn chí tử cho Putin vì kỹ nghệ năng lượng “heo vàng” này lệ thuộc hoàn toàn vào các đầu tư tài chánh và kỹ thuật của thế giới Tây Phương. Phía Hoa Kỳ cũng đã cắt bỏ mọi liên lạc, cộng tác về quân sự với Nga. Và Âu Châu chắc cũng sắp cấm chỉ mọi cộng tác quân sự với nước này, khởi sự với việc NATO đình chỉ buôn bán, chuyển giao võ khí và các kỹ thuật quốc phòng hiện đại cho Nga.
Tổng Thống Barack Obama họp với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia bàn thảo tình trạng Ukraine. Ảnh White House / Pete Souza
TD