Menu Close

uNAVSA – Tài năng & Bản lĩnh một thế hệ gốc Việt

Những tiếng cười reo hò hét cổ vũ những màn văn nghệ trẻ trung, sinh động làm náo nhiệt cả thính phòng rộng lớn. Chỉ vài phút sau, cũng cùng một cử tọa và không gian đó, cả đại sảnh bỗng thinh lặng chú dõi theo những chia sẻ, tâm tình đầy ý nghĩa của các diễn giả, từ các thành viên chấp hành đến những người trẻ sinh ra hay lớn lên tại đất nước Hoa Kỳ này và đang thành công trong lãnh vực nào đó. Tài năng, bản lĩnh, đầy tri thức và ý thức cội nguồn, đó là nhận định của chúng tôi khi có cơ hội được gặp và nghe giới trẻ gốc Việt xứng đáng cho chúng ta kỳ vọng vào một thế hệ đại diện cộng đồng trong tương lai tại Đại Hội Liên Hội Sinh Viên Bắc Mỹ lần thứ 11 tổ chức từ ngày 24-27 Tháng Bảy vừa qua tại Dallas, Texas.

alt

Các sinh viên trong đêm văn nghệ đại hội – Ảnh Phước Trần

Chúng tôi đến dự đêm khai mạc của Đại Hội Liên Hội Sinh Viên Bắc Mỹ (The Union of North American Vietnamese Student Association-uNAVSA) lần thứ 11 được tổ chức đêm Thứ Năm 24 Tháng Bảy tại đại sảnh khách sạn Hilton Anotole chỉ cách trung tâm Dallas vài phút, trong tư cách khách mời và để bày tỏ sự ủng hộ đến hoạt động của uNAVSA lần đầu được tổ chức tại Dallas. Không ngờ đại hội đã cho tôi sự phấn khởi và thú vị để quay lại với những người bạn trẻ này trong những hoạt động tiếp theo. Và đi từ sự ngạc nhiên này đến những ngưỡng mộ khác, khi đại hội đã cho tôi một cái nhìn rõ hơn chân dung của một lớp sinh viên gốc Việt tiêu biểu của người Việt hải ngoại, mà bấy lâu nay tôi chỉ có dịp tiếp xúc với các cá nhân hay hội sinh viên Việt Nam tại các địa phương riêng rẽ. Về sự chuẩn bị, cách tổ chức, nội dung chương trình cho đến những phong cách lãnh đạo, điều hành và tất nhiên, những sinh hoạt vui nhộn, trẻ trung luôn đầy ắp tiếng cười của họ. Khi phần lớn các thành viên tham dự đại hội kỳ này là những sinh viên trên dưới tuổi đôi mươi hay đã ra trường vài năm, chưa quá tuổi 30. Tôi đã nghe giới thiệu và được đọc về họ trước những ngày đại hội.Nhưng có lẽ đến khi dự phần vào không khí của đại hội tụ tập gần năm trăm sinh viên và các chuyên viên trẻ gốc Việt xuất sắc từ hàng trăm đại học khắp Hoa Kỳ và Canada tụ về, mới thấy rằng đại hội không chỉ là những ngày hè vui thú, đáng nhớ trong cuộc đời một sinh viên mà còn là một cơ hội học hỏi đầy giá trị cho một thế hệ lãnh đạo trẻ gốc Việt trong tương lai. Và ước gì không chỉ bốn hay năm trăm sinh viên đang tham dự đại hội mà là bốn, năm ngàn sinh viên gốc Việt khác cũng được có những trải nghiệm quý giá đó trong một đại hội được tổ chức công phu, chu đáo và đầy giá trị như vậy.

alt

Đạo diễn Frank Huỳnh (đầu từ trái), tác giả kịch bản Kavi Vũ (thứ ba từ trái) cùng toàn ban kịch nghệ uNAVSA – Ảnh Phước Trần

Đêm khai mạc, bước chân vào đại sảnh, ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là, đây không phải là tổ chức của một giới trẻ “Mỹ” trong hình hài Á Châu mà chúng ta vẫn thường gặp nơi phần lớn những thanh thiếu niên gốc di dân sinh ra và lớn lên tại Mỹ, mà họ là những thanh niên gốc Việt có nền tảng và ý thức cội nguồn mạnh mẽ, có sự am hiểu và gắn bó với văn hóa và cộng đồng người Việt ở mức độ cao, nếu không muốn nói là khá sâu sắc đến từng những chi tiết nhỏ. Từ một rừng áo dài trong đêm khai mạc, những vũ điệu múa quạt hay trống cơm trong áo bà ba cho đến bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa được cất vang đêm khai mạc và những lời cảm tạ quan khách bằng tiếng Việt sành sỏi trước một số khách ít oi thuộc các tổ chức cộng đồng, giới truyền thông Việt Ngữ và những nhà bảo trợ địa phương. Mà chương trình lại là cho một thế hệ mà văn hóa bản xứ và Anh ngữ mới đúng là của họ. Nhưng những điều này xem ra chỉ về mặt tổ chức, điều đáng ghi nhận chính là nhận thức và tâm cảm của họ qua chủ đề và những đề tài hội thảo tại kỳ đại hội thứ 11 này. Với chủ đề “Cùng Vươn Cánh Bay” (Together, Let’s Fly) được nhắc và lặp lại như một khẩu hiệu, một phương châm chính yếu cho đại hội kỳ thứ 11. Họ xác định những thách đố và cơ hội không chỉ cho thế hệ trẻ gốc Việt mà của cả cộng đồng gốc Việt nói chung, để bay đến một kỷ nguyên mới mà một số trội bật trong số họ sẽ là những người cùng bước ra để nhận lãnh trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Chính vì vậy mà hàng chục đề tài hội thảo và tranh luận đều đặt trên ba nội dung chính yếu như tôi luyện cá nhân (Honing in on the individual), xác định mục tiêu và kế hoạch thực hiện (Flying to Our Destination), cũng như một ý hướng xây dựng cộng đồng (The sense of Community).

alt

Vũ điệu quạt và nón lá – Ảnh ĐYT

Tôi bắt đầu quen mặt và thuộc tên vài khuôn mặt lãnh đạo Liên Hội và cho kỳ đại hội này. Đó là một Chủ Tịch Nguyễn Lan Anh đến từ Virginia bị khan giọng cho những đôn đáo của mình. Đó là một Elizabeth Nguyễn và Thy Bùi cư ngụ ngay tại Dallas-Fort Worth, là hai trưởng ban tổ chức kỳ này đã cùng các giám đốc đồng sự như Alyssa Corso, Lê Anh Thư, Crystal Huỳnh, Conrad Alagaban… để cùng sắp đặt công việc. Đó là một Lê Quỳnh Anh nhỏ nhắn đến từ Boston nhưng đã tìm những bảo trợ được xem là thành công nhất từ trước đến nay cho uNAVSA, mà thoạt đầu chúng tôi ngỡ cô phải ngụ ở ngay Dallas để kiếm được những nhà bảo trợ địa phương như State Farm, hệ thống nhà hàng Cindi’s Restaurant, công ty Luraco, chợ Hiệp Thái, Nha Học Chánh Dallas… Đó là một ban đạo diễn và soạn kịch tài năng thật bất ngờ như Frank Huỳnh, Kavi Vũ, Annie Phượng Hoàng và Tina Li qua vở thoại kịch Anh ngữ “Những độc thoại (ở) tiệm nail: Những Lời Vô Ngôn” (The Nail Salon Monologues: Unspoken Words) rất xuất sắc và đầy ý nghĩa. Nghe ban tổ chức bảo rằng, số thành viên thiện nguyện tham gia BTC lên đến 70 người để chu toàn nhiệm vụ được giao.

alt

Ban Tổ Chức kỳ đại hội uNAVSA 11 – Ảnh ĐYT

Có lẽ phải dành vài lời cho vở thoại kịch “Những độc thoại (ở) tiệm nail: Những Lời Vô Ngôn” trong đêm văn nghệ được dàn dựng độc đáo và trọn vẹn từ nội dung, ý nghĩa cho đến diễn xuất và âm nhạc của ban kịch uNAVSA. Câu chuyện lấy bối cảnh là một tiệm nail, nơi mà những nhìn nhận khác biệt giữa một người con trai sinh ra tại Mỹ với một người mẹ và những người thợ làm việc cật lực để kiếm tiền của bà, đã làm anh thiếu đi lòng thông hiểu với mẹ, với người chung quanh, cho đến khi anh nghe được những câu chuyện và hoàn cảnh của mỗi người, để rồi nhìn nhận ra sự thiếu sót của chính mình và chỉ ra cả sai lầm của những người đối diện. Sự khác biệt đến từ cái văn hóa khép kín, nén lấy những tiếng độc thoại, những lời vô ngôn với chính mình mà lẽ ra phải là một sự đối thoại để thông hiểu lẫn nhau. Vở kịch quả xuất sắc, cho dù nếu tôi có lặp lại điều này một hay nhiều lần nữa. Lời thoại sâu sắc ý nghĩa, diễn viên nhập trọn vai như những kịch sĩ chuyên nghiệp, những chi tiết sống thực và chính xác trong nghề nail, trong cách suy nghĩ, hành xử từ người thợ đến khách hàng cứ như họ từng sống và làm việc trong môi trường như vậy. Nó làm cả khán phòng cười ồ, rồi lắng đọng, và chảy nước mắt. Rồi lại bật cười. Ngỡ rằng ban kịch nghệ phải đến từ cùng một trường đại học hay ngụ chung một thành phố, một tiểu bang để có thể tập dượt với nhau nhuần nhuyễn như vậy, té ra hỏi Kavi Vũ, tác giả của vở kịch đến từ Atlanta, mới biết họ đến từ mọi vùng nước Mỹ. Họ tập kịch với nhau bằng webcam qua internet. Đêm trước ngày diễn, ban kịch phải diễn tập lại đến tận 4 giờ sáng. Tôi lặp lại suy nghĩ của mình với mấy vị khách đi cùng rằng, vở kịch này xứng đáng để được biết đến, được giới thiệu ở mức độ sân khấu quy mô vì cả mặt kịch nghệ và những thông điệp của nó, để thế hệ đi trước có thể nhìn nhận lại chính mình và hiểu được những suy nghĩ từ thế hệ tiếp nối. Những lời vô ngôn cần được nói ra, bằng sự chân tình và thái độ tích cực mà chính lớp trẻ này đã đặt ra.

alt


Đinh Yên Thảo và Giám đốc vận động tài chánh Lê Quỳnh Anh

Có thể có người sẽ hỏi tôi rằng liệu tôi có quá lời khi dành những tâm tình đầy phấn khích này cho những sinh viên hay chuyên gia trẻ gốc Việt trong kỳ đại hội Liên Hội Sinh Viên Bắc Mỹ này không? Thú thật là không. Bởi vì tôi biết rằng tôi chưa nói hay viết đủ về họ, mà chắc chắn sẽ còn quay lại cùng những người bạn trẻ này trên những kỳ báo trong tương lai. Đơn giản vì tôi tin rằng, những câu chuyện của họ sẽ mang lại cho chúng ta sự hy vọng, niềm lạc quan về một thế hệ gốc Việt bản lĩnh và tài năng trong tương lai. Ít ra với riêng tôi, khi viết những hàng chữ này.


ĐYT – Dallas 28/7/2014