Menu Close

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?

Thi sĩ Xuân Diệu, nổi tiếng về những bài thơ tình, có cái nhìn rất mơ hồ về tình yêu. Đại khái, đối với ông, nó giống như một buổi chiều gió thổi hiu hiu, mây bay nhè nhẹ, trời năng nắng xâm chiếm cả tâm hồn!  Không riêng gì Xuân Diệu, xưa nay chưa hề có ai định nghĩa được chính xác tình yêu là gì. Như một chuyện xảy ra mới đây ở tiểu bang Florida, càng khó biết làm sao cắt nghĩa được tình yêu.

alt

Peggy Klemm

Bà Peggy Klemm, tính theo tuổi “ta” cũng bảy mươi rồi. Vậy mà bà làm một chuyện… cổ lai hy giữa nơi công cộng. Chuyện bà làm, nói theo tiếng Anh thì hơi khó nói… chính xác. Không biết là bà “make love” hay “have sex”? Làm tình hay có… tình (dục)? Người làm chuyện ấy với bà là một đàn ông 49 tuổi, tên David Bobilya. Nếu bà lấy chồng sớm thì nhiều khi con của bà cũng bằng tuổi ông này. Thực sự thì bà lấy chồng đã… 50 năm nay, có 14 đứa cháu nội ngoại cả thảy. Trong khi tâm hồn và thể xác cả hai người đang được gió hiu hiu đưa đẩy thì cảnh sát chạy đến bắt chước làm… kỳ đà! Lúc ấy, áo của bà ngang rốn còn quần thì ngang mắt… cá chân. Bà đành chấp nhận tội danh “public sex” để hưởng mức án tối thiểu là 6 tháng tù.

Ở tòa, tại ghế bị cáo, bà ngước nhìn người chồng 50 năm của mình đang ngồi (xe lăn) phía dưới mà nghẹn ngào nói: “I love you”! Phải nói nhiều khi rất bực cái thứ tiếng Anh quá chung chung trong diễn đạt tình cảm. Không thể nào biết chính xác ý của bà như thế nào mà dịch. Em yêu anh? Tôi thương ông? “Yêu” hay là “thương”? Xưng “em” hay xưng “tôi”? Gọi bằng “anh” hay bằng “ông”? Thôi, cứ tạm gọi đó là “yêu”, còn chuyện xưng hô khỏi bàn. Như vậy, trong cảnh ngộ này, làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Có phải “chết trong lòng một ít”?

alt

David Bobilya

Người chồng của bà gần đây bị mất… một chân, bên trái, nên có lẽ nhận thì nhiều mà cho (bà) chẳng bao nhiêu chăng? Việc ông đến dự phiên tòa chứng tỏ ông không phụ hoặc thờ ơ chẳng biết (đoái hoài) gì đến bà. Ngoài ra, ông còn than phiền bản án dành cho bà quá nặng. Ông nói thêm rằng bà xứng đáng được cho cơ hội thứ nhì. Vì sao mà ông có thể bao dung, tha thứ dễ dàng cho bà được như vậy? Nhiều nhà báo tò mò, lò dò tìm hiểu nơi ăn chốn ở của họ. Đây là nơi dành cho những người đã nghỉ hưu, có tên là The Villages. Cách đây 25 năm chỉ khoảng 800 cư dân mà nay lên đến cả trăm ngàn người. Đặc biệt tỉ lệ giới tính ở đây rất chênh lệch: cứ 10 cụ bà chỉ có một cụ ông! Thành ra các cụ bà ăn rồi cứ lo… tập thể dục để cạnh tranh với nhau. Ai còn chồng mà quay lưng chỗ khác một chút là… mất! Bị các cụ bà khác… mượn liền. Như bà cụ Claire Tucci tiết lộ là ở đây tối nào cũng là tối… Thứ Bảy.

Có lẽ ở đời không cần phải thắc mắc tình yêu là gì. Cứ sống như các cụ ở đây, tận hưởng từng giây từng phút của cuộc đời. Một ngày mới bắt đầu là một ngày để yêu. Giống như ý thơ của Kahlih Gibran:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương
(Wake at dawn with a winged heart
Give thanks for another day of loving)

alt

Người chồng trả lời phỏng vấn