Seattle, Washington – Lúc 1 giờ 30 ngày Thứ Bảy tại hội trường thư viện công cộng Public Library of Seattle đã có buổi ra mắt bộ sách “Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt” của Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng. Đông đảo đồng hương và báo chí địa phương đến tham dự. Sau nghi thức chào quốc kỳ, ông Trưởng Ban tổ chức, Kiến Trúc Sư Hy Văn chào mừng quan khách và cám ơn sự ủng hộ nồng nhiệt của đồng hương. Tiếp theo MC Thu Hương giới thiệu nhà văn Nguyễn Tường Thiết nói cảm nghĩ về công lao hoàn thành bộ từ điển của Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng. Sau hết nhà văn Lê Hữu nói về nội dung bộ từ điển với công trình nghiên cứu đầy công phu và chính xác về nguồn gốc ngôn ngữ Việt. Phần phụ diễn văn nghệ do Ca Sĩ Hoàng Trọng Minh với nhạc phẩm “Tình Ca” của Nhạc Sĩ Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi…” Sau hết, Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng chia sẻ những thắc mắc của đồng hương về tiếng Việt với nhiều điều rất lý thú.

BS Nguyễn Hy Vọng mạn đàm với quan khách.
Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng đã đưa nhiều ví dụ của ngôn ngữ Việt về nguồn gốc trùng giống với nhiều quốc gia Đông Nam Á, cho thấy sự giao thoa văn hóa cũng ảnh hưởng không nhiều thì ít theo chiều dài của lịch sử, dù là người Việt, hay Khmer, Thái, Lào, Chàm, Miến Điện, Mã Lai, Indonesia, v.v… Tiếng Việt của người Việt vốn có chung nguồn gốc với các thứ tiếng khác ở Đông Nam Á, thuộc họ Nam Á khá lớn, trải từ bắc Ấn Độ, một phần Miến Điện, vùng Nam Trung Quốc, một phần Malaysia, phần lớn Cambodia và phần lớn Việt Nam. Cách đây khoảng 6,000 năm, khu vực rộng lớn này vẫn còn nói chung một thứ ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ Nam Á hay Nam Phương. Cùng với thời gian, các ngôn ngữ họ Nam Á dần dần tách ra thành những nhóm riêng biệt, trong đó có tiếng Việt. Ngữ pháp của tiếng Việt, Khmer, Lào, Thái… không khác nhau mấy, cũng có cách cấu tạo từ giống nhau, hoặc hình thức lấp láy giống nhau.