
Buổi sáng Tháng Bảy, dân Sài Gòn bàng hoàng nghe tiếng cưa máy của đội Công viên – Cây xanh đồng loạt rú lên, báo hiệu giờ lâm tử của hai hàng cây dầu quanh công trường Lam Sơn, phía trước Nhà Hát Lớn. Cư dân khu vực Lê Lợi – Đồng Khởi – Nguyễn Huệ dù đã được báo trước, cũng không khỏi ngẩn ngơ nuối tiếc khoảng trời có lá hoa hiếm hoi nằm giữa những trục đường quan trọng nhất Sài Gòn như trái tim giữa lồng ngực thành phố.
Nhiều người lái xe qua, thấy cảnh hạ cây hy hữu đã mau mắn rút máy ảnh “lưu dấu kỷ niệm”. Họ thậm chí bất chấp sự xua đuổi của thợ đốn cây đã rủ nhau “chụp hình lần chót với những cụ dầu”. Một chủ tiệm ảnh có cây bị cưa trước nhà đã đóng cửa tiệm, rồi bỏ đi như chạy vì “đau không chịu được”. Chị Ba Gốc Dầu bán bánh kẹp, khoai mì. Chú Tư Võ Tòng chạy xe ôm. Ông Lúc bán vé số, thuốc lá trước rạp Ê Đen… tất cả đều là người tứ xứ, dạt lên Sài Gòn, ‘đậu lại’ nơi đây từ mấy chục năm trước. Tán cây dầu xanh mát không chỉ là nhà của chim, của gió mà còn là nơi mưu sinh của họ, cùng họ nhìn ngắm những thay đổi chóng mặt của thành phố hơn ba trăm năm tuổi. Nay cây bị đốn, đường bị cấm, chuyện mưu sinh của họ không biết sẽ ra sao. Nguyên nhân đốn cây cấm đường, theo báo chí đưa tin là để làm nhà ga tầu điện ngầm.

Công trường Lam Sơn thời trước với hai hàng cây dầu cao vút
Dự trù, sau vài năm xây dựng một nhà ga sâu 40 mét, với bốn tầng hiện đại sẽ xuất hiện dưới lòng đất, nối Bến Thành với Suối Tiên dài hơn 20 cây số. Năm 2019 sẽ chạy thử chuyến metro đầu tiên. Năm 2020 sẽ chính thức giúp giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm trầm kha hiện tại.
Chuyện như thế là ích nước lợi dân, là nên làm từ lâu. Các nước đông dân đều đã làm, Việt Nam đi sau có thể rút kinh nghiệm, thừa kế những thành tựu về kỹ thuật, mỹ thuật của họ. Thành phố Sài Gòn làm metro, dân gật đầu ô kê cái rụp. Một tiểu thương chợ Bến Thành nhận xét rằng đường ống nước ngầm Hà Nội chưa được mấy năm đã vỡ chín lần. Hầm Thủ Thiêm dưới đáy sông Sài Gòn mới làm đã nứt, đủ cho thấy “cái tài đào đất của ta” ra sao. Nay đòi đào sâu xuống 40 mét, dài 20 cây số, giữa những trục đường nhộn nhịp nhất, đẹp nhất Sài Gòn… Chưa kể chuyện cấm đường, giải tỏa nhà cửa, hạn chế việc làm ăn đi lại của dân, chỉ nói chuyện kỹ thuật đã thấy hơi ớn.

Còn đâu bùng binh Lê Lợi- Nguyễn Huệ ngày Tết, rực rỡ hoa thắm, liễu xanh
Không “lo bò trắng răng” xa xôi như dân trí thức, anh Quy là thợ chụp hình ở Nhà Thờ Đức Bà chỉ lo về việc cấm đường, đào đường dài ngày sẽ ít khách du lịch. Ông Trưởng Thuật người nhiều năm sống nước ngoài thì tỏ ra bất mãn vì nước người ta, diện tích cây xanh trên mỗi đầu người ít gì cũng 10 mét vuông. Sài Gòn chẳng có mét nào! Cây xanh thành phố, vốn đã quá hiếm. Cây gỗ quý, dáng đẹp, gắn liền với sự kiện lịch sử có tuổi đời nửa thế kỷ trở lên, càng hiếm. Những cây như thế phải hết sức nâng niu, giữ gìn.
Nếu có việc sửa sang đường phố, người ta phải tìm cách ‘mời cụ cây’ di dời an toàn tới nơi khác. Nhưng đó là xứ người. Còn xứ mình, chẳng ai nghĩ tới chuyện di dời (hay có nghĩ tới nhưng thấy tốn kém quá nên chặt phứt?) Những người chặt cây là thiên lôi chỉ đâu đánh đấy. Khi họ còn là hạt bụi phiêu du cõi vô thường, thì cây đã đứng đó, chứng kiến sự ra đời của Nhà Hát Lớn (1900), sự vui chơi huyên náo của khách thượng lưu, đa số là người Tây trên đường Catinat. Cây cũng từng vẫy chào những chuyến xe lửa chạy bằng than củi từ chợ Bến Thành qua đường Lê Lợi, trổ sang đường Hai Bà Trưng, lên Đất Hộ (đọc trại thành Đa Kao), chạy thẳng lên Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Thời chế độ Cộng Hòa, hai hàng cây dầu này nhiều phen chứng kiến những cuộc biểu tình của sinh viên, Tăng Ni Phật tử (1963), của tiểu thương, ký giả (Ngày Ký giả ăn mày 1974)… Đó là những sinh hoạt thông thường của xã hội dân chủ. Hệ thống nhà hàng khách sạn quanh khu Quốc Hội (là Nhà Hát Lớn) như Continental, Caravelle, La Pagode, Brodard, Vũ trường Queen Bee, Đêm Mầu Hồng… thường là nơi ăn dầm nằm dề của giới nhà báo, điệp viên, chính trị viên, công chức, sĩ quan cao cấp trong và ngoài nước… Bao nhiêu thước phim chính trị đã quay, đã chiếu dưới bóng hai hàng cây dầu này. Hôm nay, đến lượt mình, cây dầu- chứng nhân im lặng của lịch sử trăm năm cô đơn- cũng bị chết.

Cây phượng trên đường Lê Lợi
Một chị bán hàng bên thương xá Tax đối diện, miêu tả cặn kẽ: “Thợ dùng cưa máy cưa nhánh xong dòng dây hạ nhánh xuống. Hết nhánh, tới thân. Cuối ngày, khi tất cả cây đã bị cắt khúc, đào rễ, róc cành, tuốt lá, thợ chất hết lên xe, chở đi … (!?)”
Hiện tại, sau khi “cạo trọc” thì công trường Lam Sơn trống trải hẳn. Không còn cây lá rườm rà, hai dãy phố lầu đối diện nhìn nhau thông thống. Người bán hàng rong dạt đi nơi khác. Đầu Tháng Tám khi dẫn khách du lịch thăm viếng khu trung tâm Sài Gòn, cô hướng dẫn viên chỉ tay giới thiệu rằng: “Chỗ này, năm năm nữa sẽ là nhà ga metro Bến thành – Suối Tiên. Mới tuần trước, còn là công trường Lam Sơn được viền hai hàng cây cổ thụ. Chỗ kia từng là bùng binh phun nước có hàng liễu rủ chung quanh thơ mộng. Chỗ nọ, tác giả cuốn ‘Người Mỹ trầm lặng’ từng ngồi…” Nghe cô gái dùng thì quá khứ- “đã từng là” mà bàng hoàng! Cái tích tắc đó là trăm năm, ngàn năm. Sau cái tích tắc đó, có thể chẳng có tương lai gì mà chỉ có dấu chấm lửng, chấm hết không chừng!
Tất cả còn tùy thuộc vào ông nhà nước và… ông trời. Còn ông dân, không “bị” như cụ dầu là may rồi, còn dám nói năng chi.
