Menu Close

Suy nghĩ Mãn Thanh – Kỳ 2

Lý Hồng Chương

Trong tập nghiên cứu Câu hỏi Viễn Đông [9], Pierre Renouvin phân tích các nguyên nhân suy vi của đế quốc Trung Hoa so với Nhật Bản, trong suốt một thế kỷ trải dài từ 1840 đến 1940.

Nếu đế chế Mãn Thanh đã mở rộng tột bực biên cương, Nhật Bản hãy còn là một đảo quốc, nhưng cả hai đều nhận thức mối đe dọa đến từ Tây Âu. Mãn Thanh và Nhật ý thức phải xây dựng tức khắc một hạm đội viễn dương để tự phòng thủ và xâm lấn các phần đất còn lại ở châu Á. Giống nhau đến đây chấm dứt.

Với sử gia Tây phương, hiệu năng thuế khoá là điều kiện tất yếu để phát triển và duy trì phát triển. Củng cố ngân sách trở nên vấn đề sống chết của ba quốc gia Mãn Thanh, Đại Nam và Nhật Bản, cùng vừa thoát ra khỏi nội chiến thảm khốc Mãn Thanh – Thái Bình Thiên Quốc, Nguyễn Phúc Ánh – Tây Sơn, và loạn sứ quân. Cả ba quốc gia cùng đối diện nguy cơ xâm lăng của phương Tây với kho tàng trống rỗng. Nếu Mãn Thanh và Nhật Bản đã nghĩ đến canh tân, đã theo những con đường khác nhau, Đại Nam hoàn toàn thụ động. Khước từ điều trần cải cách của Nguyễn Trường Tộ, cầu viện nhà Thanh, chọn lựa của Hoàng đế Tự Đức tồi tệ hơn hết.

alt

Lý Hồng ChươngNGUỒN VI.WIKIPEDIA.ORG

Không quan tâm nhiều đến Đại Nam, Pierre Renouvin nhấn mạnh: Nguyên nhân dẫn đến sự suy vi của Mãn Thanh nằm trong khả năng thâu thuế yếu kém của triều đình Từ Hi. Không phải thái hậu đã không cải tổ. Từ Hi, được đánh giá quyết đoán, thông minh, tinh nhạy, tuy tàn ác, đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách: Phân loại nông phẩm, sản vật, tài nguyên chiến lược để phân giá thuế, đặc miễn hay lập các siêu ngạch nhằm khuyến khích sản xuất hoặc bảo vệ thị trường là những biện pháp khá mới mẻ ở thời kỳ này tại châu Á. Thái hậu nhìn thấy sự tụt hậu của nhà Thanh, nhìn thấy nguy cơ xâm lược của phương Tây, cần gấp một lượng tiền lớn để công nghiệp hóa và hiện đại hóa quân đội. Giấc mộng của Từ Hi tan vỡ vì không tập trung được tài, vật, lực của 350 triệu dân Trung Hoa sinh sống trên lục địa. Thất bại thuế khoá đưa đến thiếu hụt ngân sách, khiến hạm đội Bắc Dương phải mua các tàu cũ của Áo, Phổ, sẽ thảm bại thê thảm trước hạm đội Pháp và Nhật Bản về sau tại Phúc Châu và tại quần đảo Bành Hồ trên biển Hoàng Hải. Chính sách thuế khóa của Từ Hi được xem cấp tiến nhưng vẫn thất bại vì thái hậu đã không cải tổ cơ chế chính trị, mà trên mặt lý thuyết tuy phong kiến tập quyền nhưng trong thực tế phân vùng dưới sự cai quản của các đại nguyên soái đã được các tiên đế Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh ban phẩm trạch từ mấy đời. Các đại gia tộc của các nguyên soái cha truyền con nối chia nhau cát cứ từng địa phương khiến tiền thuế của dân Trung Hoa đã không về đến ngân khố Bắc Kinh. Pierre Renouvin không khảo sát cơ chế Đại Nam, nhưng dân Việt vẫn có thể tìm thấy trong hồi ký Đông Dương [10] của toàn quyền Paul Doumer, một hình ảnh khá tương đồng: Các quan tổng đốc, tuần vũ trách nhiệm thâu thuế, đã trực tiếp cắt giảm kinh phí của tỉnh, cắt giảm cả những “quốc phí” dành riêng cho bản thân, dòng họ, gia đình, trước khi chuyển về Huế. Những quan Kinh lược, Khâm sai, Án sát làm công việc thanh tra đã tự khấu trừ thêm một phần nữa, khiến ngày Paul Doumer sang trấn nhậm Đông Dương, triều đình của vua Thành Thái đã sống trong sự bần cùng, ngân quỹ chỉ đủ tu bổ lăng tẩm, dinh thự, cung điện mà không đủ sắm sửa binh bị hay cải tạo kênh đào, cầu cống, mở mang đường sá. Paul Doumer đã thực hiện một loạt cải cách: Viện Cơ mật bị thay thế bởi Hội đồng Bảo hộ (Conseil du Protectorat) ở Trung – Bắc kỳ và Hội đồng Thuộc địa (Conseil Colonial) ở Nam kỳ, toàn thể nền hành chánh Đại Nam nằm dưới quyền kiểm soát của các trú sứ (Résident supérieur), tổng trú sứ (Résident général), tổng ủy viên (Commissaire général) hay phó toàn quyền (Lieutenant gouverneur). Các chức quan Kinh lược (Vice Roy), Khâm sai (Commissaire) bị bãi bỏ, các chức Tổng đốc (tư lệnh miền), Án sát (thanh tra/ thẩm phán), Lãnh binh (quân trấn) chỉ còn là hư danh. Kể từ lúc này Hoàng đế Thành Thái chỉ còn là một vị Hoàng đế lãnh lương tháng cho chức vị thiên tử

Dân Việt thông cảm vua Thành Thái mà ngày lên ngôi báu, xã tắc đã rơi vào tay Pháp. Dân Việt càng nhìn thấy hiệu quả cải tổ cơ chế chính trị, hành chánh, quản trị của Paul Doumer, hiển nhiên nhằm mục đích củng cố chính quyền bảo hộ, tuy vậy, vẫn cho thấy tiềm năng cực kỳ lớn của bán đảo Trung – Ấn mà Đại Nam chiếm 4/5 dân số. Doumer nhanh chóng xây cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, bưu điện trung ương, công ty điện lực, nâng cấp đê điều, thiết lập tuyến đường xe lửa xuyên Việt và tráng nhựa các quốc lộ. Trong hồi ký, Doumer rất hãnh diện: “… cơ chế mới hoạt động hữu hiệu, đưa đến tình trạng ngân khố cải tiến, cho phép vay vốn từ các ngân hàng châu Âu xuyên qua Ngân hàng Đông Dương, giúp chuẩn y ngân sách xây dựng các công trình lớn khiến dân An Nam thêm thần phục. Hà Nội và Sài Gòn là hai thành phố có điện đầu tiên ở châu Á, chỉ sau Đông Kinh (Tokyo)”. [11]

Dân Việt đóng thuế, trả cả vốn lẫn lãi cho các ngân hàng châu Âu, rồi Ngân hàng Đông Dương, trả lương cho viên chức hành chánh Tây, cả lương bổng của quan lại triều đình Huế còn tại vị, nuôi quân viễn chinh, gửi nông phẩm về mẫu quốc, gửi 84 ngàn lính thợ sang chính quốc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh chống đế chế Phổ mà vẫn đủ để xây dựng những công trình lớn. Tiềm năng của Đại Nam, như thế, đã có thể đưa quốc gia đến vị trí hùng cường nếu triều Nguyễn sớm biết canh tân, không quá lệ thuộc vào động thái Mãn Thanh, để chọn con đường Nhật Bản.

Trong ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà làm nên thăng trầm của một quốc gia, thiên hoàng Mục Nhân, tức Mutsu-Hito, sở đắc hai điều kiện Thiên thời, Địa lợi ngay từ đầu. Địa lợi: Vị trí xa xôi cô lập ở bắc bán cầu của Nhật Bản khiến phương Tây lãng quên một thời gian. Không vì tham vọng đế quốc giới hạn, nhưng để xâm chiếm, cần những trạm trung chuyển làm căn cứ xuất phát mà kỹ nghệ tàu hơi nước vận hành bằng than đá chưa cho phép những thủy lộ dài, ở tầm mức lớn, khi phải vận tải nhiều trung đoàn thủy binh, nuôi ăn và tiếp tế đạn dược. Để chiếm Nhật Bản, Anh – Pháp với trạm chuyển tiếp châu Phi – Ấn Độ cần thiết lập thêm hậu cứ ở Mã Lai, Đông Dương; trong lúc Hoa Kỳ cần bình định Phi Luật Tân, trạm dừng thứ hai sau Hạ Uy Di. Quân đội Nga hoàng chỉ có thể xuất phát sau khi chiếm giữ Mãn Châu. Tất cả những vùng đất trên, vừa sở hữu, hay còn đang tranh chấp, đều chưa thật sự ổn định như một tiền trạm an toàn của các đế quốc. Chưa kể những cạnh tranh giữa Hoa Kỳ muốn triệt tiêu Tây Ban Nha, Anh – Pháp luôn bất hoà trong mọi đối sách, hai đế quốc Nga – Phổ cùng nhìn ngắm bán đảo Liêu Đông. Và vượt lên trên hết những mâu thuẫn này, là mối lợi Trung Hoa to lớn hơn Nhật Bản mà phương Tây luôn chịu ám ảnh. Trung Hoa, Eldorado của thế kỷ 19, quan trọng hơn Nhật Bản. Địa lợi, do vậy, hãy còn thuộc về Nhật hoàng trong một thời gian ngắn.

alt

Vua Thành TháiNGUỒN NGUYENPHUOCTOC.INFO

Thiên thời xảy đến với vị hoàng đế trẻ tuổi Mutsu-Hito dưới hai hình thức: Thế quyền Mạc Phủ suy vi khi sứ quân Iesada Tokugawa băng hà không có thế tử nối dõi. Hoàng thân Kikuchiyo lên thế vì, dưới niên hiệu Iemochi Tokugawa, thiếu chính danh của huyết thống, nên ít được thần phục. Iemochi Tokugawa nhanh chóng mãn phần để lại một chế độ Mạc Phủ mục rã cho sứ quân sau cùng Yoshinobu bất lực trước những uy hiếp của Âu – Mỹ và cả những chống đối của các lãnh chúa. Tình trạng Nhật Bản giống một triều Lê nhạt bóng Chúa Trịnh. Tuy nhiên, thiên thời này không quyết định. Những soán ngôi, bỏ chính lập thứ, hay phản nghịch thường xuyên xảy ra trong suốt mười thế kỷ Mạc Phủ. Thiên thời thật sự đã phát vang tiếng đại bác cảnh cáo từ các chiến hạm tối tân của phó đề đốc Matthew Calbraith Perry [12], sau khi đưa tối hậu thư của Hoa Kỳ buộc Nhật Bản phải mở cửa. Năm 1867 khi Mutsu-Hito đăng quang, vịnh Yédo hãy còn âm vang tiếng đại bác chấn động làm rung chuyển tinh thần Đại hòa của vương quốc Yamato [13]. Tình cảnh Thiên hoàng Mục Nhân không khác hoàn cảnh của Hoàng đế Tự Đức hay Thái hậu Từ Hi. Chiến hạm của hải quân Đô đốc Rigault de Genouilly đã bắn phá cảng Đà Nẵng gần như cùng thời gian với Perry [14]. Chiến hạm của Anh – Pháp – Hoa Kỳ nhiều lần khai hỏa bắn phá Trung Hoa và Chiến tranh Nha phiến đã bắt đầu. Khác Tự Đức và Từ Hi chỉ nhìn thấy thiên tai, xuống chiếu bế môn tỏa cảng và bài Tây dương; Mutsu-Hito nhìn thấy thiên thời giúp thâu gom quyền bính về trung ương, giải quyết nạn thuế khóa thất thoát, và hơn thế nữa, thay đổi Nhật Bản.

Theo học thuyết Khổng giáo, lòng dân sẽ đồng thuận khi minh quân xuất hiện, hay ngược lại thiên tử trở thành minh quân khi biết kết hợp lòng dân. Trong lịch sử Nhật Bản, chưa bao giờ một thiên hoàng được sùng bái như thần linh, đã đích thân hiệu triệu quốc dân: Tuyên ngôn của ngày 6 tháng 4-1868, với Đại hiến chương 5 điểm, gần như một lời đặc hứa, cam kết giữa thiên tử với thần dân, canh tân xứ sở không chậm trễ. Hơn một hiến chương, hơn một đặc hứa, gần như một khế ước, một hợp đồng giữa triều đình và dân chúng. Một bên ra sức, một bên nỗ lực cải cách. Để giữ cho lời đặc hứa là một lời thật, Mutsu-Hito hủy bỏ phân chia giai cấp xã hội, hủy bỏ thể chế phong kiến, hủy bỏ đặc quyền đặc lợi của sứ quân, lãnh chúa, và của cả giai cấp Samourai cảnh vệ của quyền lực. Đại hiến chương khai sinh ra quốc hội Nhật Bản, với thượng viện và hạ viện, do dân bầu ra để tránh tình trạng các lãnh chúa Damios sẽ ngự trị ngành lập pháp, mà thiên hoàng cam kết sẽ giữ cho mọi quyết định quốc gia mang tính chất phi đảng phái.
Mutsu-Hito còn cam kết sẽ từ bỏ quyền thống trị tuyệt đối hầu xây dựng nền tảng quân chủ lập hiến. Lịch sử thế giới đã bất ngờ chứng kiến dân Nhật đứng sau lưng thiên tử. Kể cả các sứ quân, lãnh chúa và Samourai. Dân tộc Nhật đã nhìn thấy hiểm họa mất nước, đã nhìn thấy nguy cơ trở thành nô lệ nhục nhã. Nhưng ở đây lòng ái quốc không đủ giải thích. Chính sự từ bỏ đặc quyền của giai cấp thống trị, công nhận quyền tham gia việc nước của toàn dân, và để bảo đảm quyền lợi này, một hiến pháp dân sự do dân chúng chuẩn y đã đem đến hy vọng và niềm tin của toàn dân vào khả năng thay đổi thực sự của tổ quốc. Sức mạnh của Mutsu-Hito là biết từ bỏ sức mạnh cai trị bằng quyền bính ngay sau khi thâu lại quyền bính từ sứ quân. Mutsu-Hito cai trị với đồng thuận của toàn dân. Một sức mạnh sẽ đánh tan hạm đội Bắc hải của Nga hoàng trong chiến thắng sấm sét Đối Mã [15].

Kể từ đây, Nhật Bản đi vào kỷ nguyên Minh Trị khai sáng. Nếu thảm bại Đệ nhị Thế chiến chấm dứt giấc mơ đế quốc của dân tộc này, công cuộc duy tân vẫn đem đến kết quả lâu dài. Thành công của chương trình hiện đại hóa nước Nhật nằm trong việc hiện đại hóa trước tiên thể chế chính trị, trước khi công nghiệp hóa toàn quốc. Chính cải tổ chính trị đã cho phép nối kết ba yếu tố Minh quân, Lòng dân, Bản sắc dân tộc thỏa mãn điều kiện Nhân hòa.

TV

[9]Pierre Renouvin, La question d’Extrême-Orient 1840-1940, nxb Librairie Hachette, 1947.
[10]Paul Doumer, L’Indochine française, Souvenirs, nxb Librairie Vuibert, 1905, tái bản 1930.
[11]Tổng vay vốn cho riêng tuyến đường sắt xuyên Việt lên đến 200 triệu quan Pháp, trả hết trong 5 năm từ 1897 đến 1902. Paul Doumer, sđd
[12]Commodore Perry khai hỏa thị uy trước vịnh Yédo ngày 8 tháng 7-1853.
[13]Yamato, mang hình ảnh những đồng ruộng và các đỉnh núi phủ tuyết vây quanh đế đô Nara, là danh xưng xưa cũ của vương quốc Nhật Bản tương tự Đại Việt dưới triều Lý, Trần.
[14]Hải quân đại tá Lapierre chỉ huy một hải đoàn của hạm đội Jurien de la Gravière bắn phá cảng Đà Nẵng lần đầu tiên ngày 15 tháng 4-1847. Lần thứ nhì, đô đốc Rigault de Genouilly tấn công Đà Nẵng ngày 1 tháng 9-1858.
[15]Đối Mã (Tsoushima), eo biển nằm giữa Đại Hàn và Nhật Bản, nơi diễn ra trận thủy chiến lớn đầu thế kỷ 20 giữa hạm đội Baltique của đô đốc Rojetsvensky và hạm đội Nhật của thủy sư Đô đốc Togo (Đông Hương Bình).