Cả tuần nay thế giới xôn xao về Ebola, nhiều người thắc mắc không biết virus này độc hại ra sao mà đã gây ra cái chết của hơn 700 bệnh nhân và làm dư luận hốt hoảng, đặc biệt là khi hai người Mỹ nhiễm bệnh mới được chuyển về Atlanta để chữa trị. Xin được ngưng loạt bài về “Thực phẩm gây ung thư” một kỳ để cùng nhau tìm hiểu về virus nguy hiểm này.
Ebola là gì?
Là bệnh rất dễ lây do virus Ebola gây ra, còn được gọi là EVD (Ebola Virus Disease). Virus này tạo ra những triệu chứng giống như cúm và có thể làm chảy máu bên trong nội tạng.
Ebola nguy hiểm chết người ra sao?
Tỷ lệ sống sót nếu bị bệnh rất thấp: từ 60% đến 90% người bị bệnh sẽ chết.
Triệu chứng của Ebola thế nào?
Triệu chứng giống như cúm, gồm có:
– Sốt.
– Yếu sức nhiều.
– Đau nhức bắp thịt.
– Nhức đầu và sưng cuống họng.
– Ói mửa, tiêu chảy.
– Nổi ban, gan thận hoạt động lệch lạc.
– Đôi khi xuất huyết bên ngoài cơ thể và trong nội tạng.
Ebola lây truyền ra sao?
Điều đáng mừng là Ebola không truyền qua không khí. Ta không bị lây nhiễm nếu người mắc bệnh ngồi gần hoặc hắt hơi. Bệnh lây lan qua các nước dịch của cơ thể, như máu. Người chăm sóc bệnh nhân sẽ bị nguy hiểm nếu không đeo các dụng cụ bảo vệ thích hợp, như mặt nạ, áo choàng và bao tay.
Thời kỳ ủ bệnh của Ebola bao lâu?
Thời gian từ lúc bị nhiễm virus cho đến khi có các triệu chứng khoảng từ 2 đến 21 ngày.
Ebola có trị được không?
Hiện nay thì chưa. Các bác sĩ thường chỉ cung ứng được các trợ giúp như cho oxygen để dễ thở, truyền máu và các chất lỏng cũng như điều trị sự nhiễm trùng sau đó. Mới đây, người bệnh được cho dùng loại serum thử nghiệm.
Bệnh nhân Ebola được sống sót sẽ tiến triển ra sao?
Người sống sót có thể bị các bệnh viêm sưng kinh niên của các khớp xương và mắt.
Người ta mắc bệnh Ebola từ năm nào?
Ebola xuất hiện lần đầu năm 1976. Có hai trường hợp xảy ra đồng thời với nhau, một ở Nzara (nước Sudan) và một ở Yambuku (nước Zaire, nay là nước Cộng hòa Dân chủ Congo). Bệnh bùng phát ở Congo xảy ra ở một ngôi làng gần sông Ebola, nên mang tên đó.
Người ta mắc bệnh Ebola lần đầu do đâu?
Những con dơi ăn trái cây ở vùng Tây châu Phi được coi là thủ phạm mang loại virus này. Ebola xâm nhập vào con người qua tiếp xúc với máu, chất bài tiết, các bộ phận và các nước dịch khác của con vật bị nhiễm.
Tại châu Phi, người ta bị lây nhiễm vì tiếp cận với những con vật đã nhiễm virus trước đó, như dơi ăn trái, vượn, tinh tinh, khỉ, linh dương, nhím… trong rừng, có khi đã chết.

Ebola có thể từ Tây Phi lan qua Mỹ hoặc châu Âu?
Theo lý thuyết, một người nhiễm Ebola nhưng không thấy triệu chứng gì, có thể bay từ vùng đó đến một nơi khác. Nhưng các chuyên viên cho rằng giả như người đó có đến Mỹ, bệnh cũng khó lây lan. CDC (Trung tâm Phòng và Chống Bệnh) đã yêu cầu các bác sĩ và bệnh viện khắp nước Mỹ hỏi những bệnh nhân có triệu chứng giống như Ebola xem họ có đi du lịch hay không. Bất cứ bệnh nhân nào mắc bệnh cũng sẽ bị cách ly ngay.
Tại sao không cách ly bệnh nhân tại Tây Phi?
Vấn đề là ở Tây Phi người ta không mấy tin cậy ở các bệnh viện, ở bác sĩ, và sự chăm sóc về y tế ở hạ tầng cơ sở chưa được tốt. Tỷ lệ những người bệnh chết tại các nhà thương rất cao có lẽ đã làm cho dân chúng sợ nên thường để người thân ở nhà thay vì đem đến bệnh viện chữa trị.