
Có nhiều người vẫn nghĩ rằng muốn trở thành họa sĩ thì phải được đào tạo tại một trường Đại Học Mỹ Thuật, hoặc ít ra phải xuất thân từ một trường Trung Cấp Nhạc Họa, còn nếu không có may mắn lọt vào được các trường trên, có một số các bạn trẻ trở thành môn đệ của những phòng dạy vẽ, những nơi này thường là những phòng tranh vẽ truyền thần theo ảnh chụp hoặc chép lại tranh của bất kỳ danh họa nào.
Thật ra, những sự chọn lựa ấy không sai, nhưng đúng hoàn toàn thì chưa hẳn. Những điều học được chỉ là những phương pháp để tạo ra một hình vẽ giống như sự vật họ nhìn thấy. Điều này chẳng khác nào các thầy cô giáo dạy học trò biết viết 24 chữ cái sao cho cân đối, đúng nét rồi đến viết đẹp. Tất cả điều này phụ thuộc vào khả năng lãnh hội của mỗi người. Tuy nhiên, phần lớn các kiến thức căn bản để có thể áp dụng thực hiện ý muốn trong giới hạn và khả năng vốn có của mình. Không nên kỳ vọng nhà trường sẽ đào tạo những học viên trở thành những họa sĩ hoặc nghệ sĩ xuất chúng. Trường lớp chỉ trang bị cho học viên những kiến thức căn bản. Riêng đối với trẻ em, việc học vẽ quá sớm có khi lợi bất cập hại. Hội họa đối với lứa tuổi thiếu nhi chỉ có giá trị làm phát triển tâm hồn của trẻ, một trò chơi mầu sắc và tưởng tượng hơn là hướng nghiệp vì các cháu còn trải qua nhiều giai đoạn biến đổi tâm sinh lý cho đến khi qua tuổi dậy thì.

Đã có nhiều học viên trẻ có tranh đoạt các giải thưởng quốc tế nhưng khi học xong trung học lại theo các ngành chuyên môn khác như kinh tế, y khoa, luật khoa… vì nhiều lý do thực tế. Và nếu có theo đuổi hội họa thì cũng chỉ ở mức người vẽ giỏi, chứ không thành họa sĩ sáng tác theo đúng nghĩa đẹp của nó. Vì các cháu không phát triển óc sáng tạo do sớm bị những quy luật tạo hình nhà trường chi phối. Không may hơn nữa là có cháu lại bị dạy bởi những lò chép tranh. Theo kinh nghiệm của người viết bài này, hãy để các cháu được tự do vẽ theo những gì mà chúng cảm nhận bằng khối óc thơ ngây và khả năng tưởng tượng phong phú của mình. Chính cách vẽ ngây ngô của các cháu đã dạy cho người lớn một đường lối hội họa hiện đại từ những năm đầu của thế kỷ 20. Đó là tranh vẽ hay điêu khắc với những hình dạng con người và đồ vật bị méo lệch, không cân đối, không theo phép phối cảnh, phi hiện thực nhưng đầy tính thi ca mà chúng ta thường bắt gặp trong tranh của các bậc thầy của hội họa và điêu khắc hiện đại như: Jean Dubuffet, Paul Klee, Picasso, Miró, Max Ernst, Jean Arp… Cách vẽ nguệch ngoạc rất tự do của trẻ thơ và lối vẽ khắc đơn sơ của người tiền sử chính là nguyên thủy của nghệ thuật tạo hình hiện đại mà nay đã trở thành di sản văn hóa của cách mạng mỹ thuật thế giới.
Trở lại với các bạn trẻ, để trở thành một họa sĩ, nghệ sĩ (artiste peintre hoặc artist painter) nhà trường bất kỳ ở đâu cũng khó đáp ứng đầy đủ để bạn trở thành tác giả của những tác phẩm có giá trị sáng tạo, chưa nói đến mức độ cách thực hiện tác phẩm mang dấu ấn của riêng của người tác giả. Không một nhà trường nào, hoặc một ông thầy nào có thể dạy bạn vẽ được nỗi buồn hay niềm hân hoan của chính bạn. Và cũng không đâu có thể tạo cho bạn một phong cách hội họa mang phong cách riêng. Kinh nghiệm cho thấy suốt từ ngày có trường mỹ thuật Đông Dương – Hà Nội đến nay, mỗi khoá học chỉ trúng tuyển từ 15 đến 20 sinh viên. Và sau khi học cật lực 4 đến 5 năm phải qua một kỳ thi tốt nghiệp khó khăn, không mấy ai được thừa nhận là họa sĩ đáng kể. Thường thì mỗi khoá như vậy được dư luận đánh giá cao 1 hoặc 2 người.
Vì sao kết quả lại như vậy khi mà tất cả đều vẽ đúng và giỏi? Khi ra khỏi phạm vi nhà trường việc vẽ giỏi chỉ giúp các bạn kiếm được một chân vẽ quảng cáo hoặc chép tranh. Và nếu là họa sĩ nghệ sĩ, tranh bạn phải gây được sự chú ý của công chúng mỹ thuật bằng một cách vẽ mới lạ, không lặp lại cái cách người khác đã làm; một nội dung tạo được sự rung cảm mạnh mẽ đầy cá tính… Tất cả những điều này không phụ thuộc vào bất cứ một công thức nào. Người dạy dễ dàng trao cho bạn những công thức để vẽ giống một mặt người, một cái ly rượu, nhưng không thể chỉ bạn vẽ nỗi buồn trong khuôn mặt ấy hoặc nỗi nhớ về một kỷ niệm của bạn ẩn chìm trong cái ly ấy. Chỉ là do sự thông minh và nhạy cảm của một người có tâm hồn mới tạo ra nó. Vậy thì những ai có những tố chất dành cho sáng tạo nghệ thuật ấy không nhất thiết phải vào trường chuyên nghiệp mỹ thuật mà có thể tự học.

Women and birds at sunrise – Họa sĩ Miror – NGUỒN WIKIART.ORG
Tự học là một sự chọn lựa khó khăn nhưng nó mở rộng tầm nhìn nhiều hơn, tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm hơn và nhất là không bị đóng khung trong hệ thống quy luật của lối vẽ nhà trường. Muốn có một tiếng nói nghệ thuật riêng của mình, chắc chắn bạn phải gạt bỏ một phần những gì mà bạn được uốn nắn bởi trường lớp; trừ phi bạn đi theo con đường hội họa cổ điển. Tự học bằng cách đi xem tranh bản gốc ở các bảo tàng mỹ thuật và tại các cuộc triển lãm, đến xin thực tập tại một xưởng vẽ của một danh họa đương thời để được chỉ dẫn các kỹ năng cần thiết và trao đổi kinh nghiệm sáng tạo rồi từ đó nhận biết đâu là thế mạnh của mình. Thường xuyên đọc sách và tham khảo các bài viết phê bình mỹ thuật trên báo chí… Tuy nhiên, để trở thành một họa sĩ đích thực, bạn không thể thiếu đam mê, đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng và không thể thiếu, nó giúp bạn vượt qua tất cả mọi trở ngại có thể làm con đường hội họa của bạn trở nên “đứt gánh giữa đường”.
Trước khi chấm dứt câu chuyện mỹ thuật, có 3 điều tôi mong muốn với các bạn trẻ vừa tốt nghiệp trường mỹ thuật như sau :
1. Không bao giờ tự hẹn: khi nào có kinh tế dồi dào rồi mới sáng tác. Không bao giờ coi sự nghèo khổ của mình là một điều bất hạnh, nó chính là vị thầy lớn nhất của những người nghệ sĩ . Và nhất là đừng đánh mất thời đam mê lãng mạn và phiêu lưu của tuổi trẻ, nếu bạn muốn trở thành một họa sĩ nghệ sĩ.
2. Lịch sử mỹ thuật đương đại thế giới phần lớn được tạo ra bởi những nhà sáng tạo nghệ thuật tự học. Đây là kết luận của hàng chục nhà sử học mỹ thuật uy tín thế giới như các ông Jean-Louis Ferrier, Yann le Pichon, Madeleine Deschamps, Serge Fauchereau, Lionel Richard…
3. Không có tham vọng và dấn thân hết mình thì đừng bao giờ mong có một sự nghiệp hội họa lớn!
