Menu Close

Đậu hũ – Testosterone

Gia đình chúng tôi thích ăn đậu hủ, hầu như hàng tuần hoặc đậu hủ nước đường, không biết đậu hủ họ làm bằng thạch cao hay bột “coagularit”. Người Nhật họ làm đậu hủ bằng bột đông (coagulant).

Xin hỏi bác sĩ thạch cao ăn có độc không?

Xin bác sĩ đọc tin nỗi lo đậu hủ có thạch cao. Xin thành thật cảm ơn. Nancy Phan

Đáp

Chào bà Nancy

Đậu phụ được làm từ đậu nành soy bean, mà đậu nành là một loại hạt có rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá cũng như rất ít chất béo nguy hiểm cho sức khỏe.

Hạt đậu nành chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15- 25% glucose, 15-20% chất béo, 35- 45% chất đạm với đủ các loại amino acid cần thiết và nhiều sinh tố, khoáng chất.

So với thịt động vật, đậu nành có nhiều chất dinh dưỡng hơn: 100 gr đậu nành cung cấp 411 calori,  34 gr đạm, 18 gr béo, 165mg calcium, 11mg sắt. So với 100g thịt bò loại ngon cũng chỉ có 165 calori, 21gr đạm, 9gr béo, 10mg calcium và 2.7 mg sắt.

Quan trọng hơn cả là trong đậu nành có một hóa chất tương tự như hormon nữ estrogen mà nhiều công trình khoa học chứng minh là rất tốt trong việc trị và ngừa một số bệnh. Đó là chất isoflavones, với công thức hóa học gần giống như kích thích tố nữ estrogen. Vì thế nó được mệnh danh là estrogen thảo mộc (phyto-estrogen) và được nghiên cứu về công dụng đối với cơ thể. Trung bình mỗi ngày ta cần khoảng 50mg isoflavones. Số lượng này có trong 30gr đậu nành rang, 1 ly sữa đậu nành, 1/2 miếng đậu phụ hoặc 1/2 ly bột đậu. Các sản phẩm khác chế biến từ đậu nành như sữa chua, pho-mát… cũng có một số lượng nhỏ isoflavones, nhưng dầu đậu nành thì hầu như không có. Trong việc nấu nướng thường lệ, isoflavones không bị nhiệt tiêu hủy vì nó khá bền vững.

Đậu hủ là một trong nhiều món ăn được làm từ đậu nành.

Theo truyền thống, đậu hủ được làm từ nước đậu nành xay nhuyễn bỏ phần cái rồi châm thêm giấm chua hoặc đậu phụ cũ ủ chua làm mồi để cho nước đậu kết tụ với nhau thành từng khối đặc. Như vậy đậu sẽ mềm và có hương vị thơm ngon tự nhiên.Nhiều bà nội trợ lại cho chất gelatin vào nước đậu nành khiến cho đậu phụ mềm, non hấp dẫn hơn.

Ngày nay, nhiều người làm đặc nước đậu nành bằng cách pha thạch cao, khiến cho phiên đậu trở nên cứng và mất hương vị tự nhiên thơm béo của đậu nành. Mà thạch cao là một loại vật liệu xây cất tô tường gạch hoặc đắp tượng. Nhiều loại thạch cao có chứa các kim loại nặng như đồng, kẽm, chì… Khi tiêu thụ quá nhiều thì các kim loại này bám vào thành ruột non, gây trở ngại cho sự tiêu hóa cũng như có thể gây ra sỏi thận. Và như vậy sẽ độc hại cho cơ thể.

Chúc bà và gia đình vui mạnh, có nhiều cơ hội ăn món đậu phụ tự làm, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa tiết kiệm được tiền mua đậu cứng thạch cao, lại “an toàn xa lộ”.

Chào bác sĩ,

Năm nay tôi ngoài bẩy chục tuổi. Vấn đề sinh lý có vẻ hơi yếu cho nên mấy ông bạn già mao tôn cương cho là thiếu kích thích tố nam và khuyên tôi nên dùng thêm testosterone để “tăng cường”. Bác sĩ thấy sao, có nên dùng thêm testosterone không? Vinh Nguyễn

Đáp

Thưa ông Vinh,

Testosterone là kích thích tố nam có vai trò điều hòa một số chức năng trong cơ thể như về ước muốn dục tình, tạo khối xương vững chắc, phân phối chất béo trong cơ thể, tạo ra hồng huyết cầu…

Nhiều người khi tới tuổi cao đều lo ngại là ước muốn tình dục giảm lần thì cũng đúng một phần nào, vì theo nghiên cứu của Mayo Clinic, lượng testosterone cao nhất vào tuổi chớm trưởng thành rồi giảm dần mỗi năm khoảng 1% sau tuổi 30.

Tuy nhiên, ở người tuổi cao, sự giảm ước muốn cũng thường kèm theo với tuổi già, vì các chức năng bộ phận trong cơ thể cũng giảm hoạt động ở tuổi này. Cho nên nếu muốn dùng thêm testosterone thì cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình, vì testosterone cũng gây ra một số rủi ro cho sức khỏe, như là kích thích tế bào nhiếp tuyến tăng sinh nhiều hơn kể cả tế bào ung thư, tăng rủi ro heart attack, mụn trứng cá, làm vú phì đại, khó thở khi ngủ, giảm tinh trùng, teo ngọc hành, tạo máu cục tĩnh mạch…Cần yêu cầu bác sĩ đo coi xem mức độ testosterone trong máu có thiếu thật không rồi hãy dùng. Theo tôi nghĩ, ông nên dè dặt khi tự bổ sung testosterone vì có thể có các rủi ro kể trên.

Một số phương thức có thể giúp ta tăng cường testosterone một cách tự nhiên như là:

– Ngủ đầy đủ. Theo bác sĩ George Yu, Đại học y khoa George Washington, sự thiếu ngủ ảnh hưởng tới nhiều hormone trong cơ thể trong đó có testosterone. Cho nên, cần ngủ khoảng 7, 8 giờ mỗi đêm.

– Duy trì cân nặng cơ thể trung bình: Theo bác sĩ Alvin M. Matsumoto, Đại học Y khoa George Washington, Seattles, người mập phì thường có lượng testosterone thấp. Cho nên nếu quá ký mà giảm được vài ba cân cũng giúp nâng cao mức độ testosterone trong máu.

– Hãy luôn luôn hoạt động: Vì cũng theo bác sĩ Yu, khi con người luôn luôn hoạt động thì não bộ cũng đưa ra tín hiệu tăng nhiều hormone trong đó có testosterone trong máu.

– Giảm stress: Khi tinh thần quá căng thẳng thì cơ thể sản xuất nhiều stress hormone cortisone và ít sản xuất testosterone, theo bác sĩ Marin Miner, bệnh viện Miriam ở thành phố Providence, Rhode Island. Vị bác sĩ này khuyên nên giảm làm việc quá lâu, như trên 10 giờ mỗi ngày, dành thì giờ giải trí, chơi âm nhạc hoặc đọc sách.

– Coi lại các thuốc đang dùng, vì có mấy loại làm giảm testosterone, như thuốc có chất á phiện, loại corticosteroid…

Riêng với các sản phẩm chứa testosterone bán tự do trên thị trường, các bác sĩ Miner và Matsumoto đều cho là chẳng giúp được gì. Bác sĩ Miner nói thêm là ông không bao giờ biên toa cho bệnh nhân dùng testosterone mà không đề cập tới thay đổi nếp sống.

Hy vọng các ý kiến của các nhà chuyên môn y học kể trên giúp giải đáp thắc mắc mà ông nêu ra. Vừa đỡ tốn tiền mà các phương thức thay đổi nếp sống lại hữu hiệu và ít rủi ro cho sức khỏe.

Chúc ông và gia đình vui mạnh.

NYD