Một thời gian dài, các nhà lập pháp đã đưa ra dự luật Giấc mơ (Dream Act) nhằm đem đến cơ hội nhập tịch cho những thanh niên nước ngoài đến Mỹ khi còn là trẻ em. Tuy nhiên, dự luật này không được Quốc hội chấp thuận. Những người đến Mỹ trái phép hoặc quá hạn visa khi họ là trẻ em thường được gọi là “người mộng tưởng”. Gần hai năm trước, dự luật Giấc mơ lại được thông qua tại Hạ viện, nhưng luôn bị phe Cộng hòa trong Thượng viện phản đối. Họ cho rằng, nếu được thông qua, đạo luật này sẽ khuyến khích người nước ngoài sang Mỹ trái phép.

Con đường đi đến “giấc mơ”
Giấc mơ không mất tiền mua nhưng để đạt được “giấc mơ” đối với người nhập cư trái phép là một cuộc đấu tranh giành quyền mộng tưởng suốt nhiều thập niên kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan đưa ra đạo luật di trú. Đạo luật đó chỉ giải quyết được cho ba triệu di dân nhập cư trái phép hội đủ điều kiện định cư và nhập tịch nhưng không thực hiện được cam kết bảo vệ biên giới, từ đó đến nay đã có thêm hàng triệu di dân bất hợp pháp vào Mỹ. Do vậy, đạo luật không còn phù hợp với làn sóng nhập cư trái phép ngày càng gia tăng khiến cơ quan lập pháp trong suốt nhiều năm không thể ngồi xuống đồng thuận quan điểm. Tiếp theo là áp dụng đạo luật Cải cách di trú do Tổng thống George W. Bush thực thi lệnh ân xá có thời hạn dành cho dân nhập cư bất hợp pháp được hưởng quyền định cư miễn sao họ không có vấn đề pháp lý, và làm việc trên nước Mỹ 10 năm.
Đến Mỹ bất hợp pháp, họ không có quyền làm việc mà phải bán sức lao động cho những ai có nhu cầu thuê mướn
Xin nhớ rằng ông Bush là người có ý định và thành tâm muốn thay đổi hệ thống di trú hiện tại ngay từ khi ông bắt đầu nhậm chức, nhưng mọi nỗ lực đã bị gác lại vì xảy ra biến cố 9-11-2001. Luật sư Henvez Hermandez có văn phòng luật tại thành phố Weatherford, người Mỹ gốc Guatemala từng có thời gian thực tập tại phòng Dịch vụ di trú thuộc USCC Fort Worth cho biết: “Thời gian ông Bush đắc cử Tổng Thống, ông thực hiện ngay chương trình cải cách di trú đã hứa với cử tri khi ra tranh cử. Không như Obama bây giờ coi việc cải tổ luật di trú là một trong những mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ hai. Nhưng tôi cho đó là sự cố gắng tốt đẹp của Obama sau nhiều năm nỗ lực cải cách về vấn đề di trú không đi đến kết quả”.
Hai năm trước dự luật “Dream Act” được Hạ viện thông qua nhưng lại bị phe Cộng hòa trong Thượng viện phản đối. Và cuối Tháng Sáu vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cải cách di trú sâu rộng cho phép hơn 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp có thể trở thành công dân Mỹ. Mọi khó khăn về quan điểm của một số dân biểu chính khách Cộng hòa và Dân chủ đạt được nhiều đồng thuận hơn. Nhiều nhà lập pháp Cộng hòa mạnh mẽ ủng hộ cải tổ chính sách di dân nhưng số chống đối vẫn còn nhiều. Dù sao tinh thần hợp tác lưỡng đảng đã có những bước tiến hợp tác đáng kể. Trong thông cáo báo chí, ông Obama cho rằng, đây là một thỏa hiệp đúng đắn dù không ai được đủ mọi điều mình muốn. Thế nhưng cuộc họp kín mới đây nhất hôm 10/7 tại Quốc hội, các Nghị sĩ được bầu vào Hạ viện đồng ý tạm gác lại dự luật cải cách toàn diện hệ thống các quy định về di trú vốn được Thượng viện thông qua.
Dự luật cải cách di trú với nội dung cải thiện hệ thống visa đã hết hạn của những người nhập cư tại Mỹ và giúp các công ty Mỹ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn lao động nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực từ người làm nông nghiệp, công nhân xây dựng đến lao động có tay nghề cao. Theo dự luật, hàng triệu người nước ngoài hiện đang sống không đủ giấy tờ ở Mỹ có thể được phép ở lại, thậm chí có thể trở thành công dân Mỹ. Nội dung chính của dự luật yêu cầu người nhập cư không đủ giấy tờ phải kê khai với chính quyền, qua kiểm tra lý lịch, truy nộp thuế, các khoản lệ phí và tiền phạt để được sống và làm việc hợp pháp; sau vài năm thử thách có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch. Dự luật cũng yêu cầu siết chặt an ninh các tuyến biên giới, nhất là biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Những người mộng tưởng từ các nước Trung Mỹ vào Hoa Kỳ qua biên giới Mexico (AP. photo)
Giấc mơ không dễ mơ
Luật sư Henvez Hermandez kể lại thời gian thực tập tại USCC Fort Worth rằng, đó là khoảng thời gian ngắn, nhưng thật sự có ý nghĩa. Bản thân gia đình cha mẹ anh cũng là di dân với visa hết hạn, ở lại Mỹ hy vọng tìm được con đường tương lai cho con cái. Nhờ luật cải tổ di trú 1986 mà gia đình anh có thể kiếm được chiếc thẻ xanh, cha mẹ được đi làm, con cái học hành đàng hoàng và anh có thể trở thành luật sư di trú để giúp những người di dân trong tình trạng như gia đình anh trước kia thực hiện hoàn tất “giấc mơ Mỹ”.
“Nhưng giấc mơ không dễ mơ chút nào. Nhớ lại thời T.T Bush, lệnh ân xá di dân được Bộ Di trú bật đèn xanh cho phép các tiểu bang hợp thức hóa tình trạng di trú của di dân hết hạn giấy tờ hoặc di dân lậu vào Mỹ, người Mexico và các người nước Trung Mỹ rần rần kéo đến các văn phòng dịch vụ hoàn tất hồ sơ rất đông. Như văn phòng USCC Fort Worth chẳng hạn, họ phải đến từ năm giờ sáng xếp hàng lấy số. Tuy thế, sau khi xem xét giấy tờ thì gần như hơn phân nửa không đủ điều kiện. Chuyện này cũng dễ hiểu, làn sóng vào Mỹ của người Mexico có hai loại. Một là sử dụng thẻ Border Passing qua lại biên giới, hai là vượt biên lậu không có giấy tờ. Người sử dụng thẻ qua biên giới ở lại luôn dễ kiểm tra lý lịch hơn những người vào Mỹ sử dụng giấy tờ giả, di chuyển chỗ ở thường xuyên nên không hội đủ điều kiện ân xá. Tiền phạt hay truy thu thuế đối với họ không là vấn đề để hoàn tất hồ sơ”, Luật sư Henvez Hermandez bổ sung thêm.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, ứng cử viên tiềm tàng của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống năm 2016, cho rằng không có chuyện “ân xá” di dân trái phép gì ở đây mà tất cả những gì họ đang làm là cho mọi người cơ hội tiếp cận hệ thống cải cách nhập cư hợp pháp mới đã được cải cách của Mỹ.
Tuy dự luật Cải cách di trú toàn diện hiện thời bị gác lại nhưng có thể nói sự ủng hộ đối với vấn đề cải cách nhập cư tại Mỹ đã tăng lên kể từ dự luật cải cách bất thành gần đây vào năm 2007 dưới thời Tổng Thống George W. Bush. Kết quả một cuộc thăm dò tiến hành vào Tháng Ba vừa qua cho thấy cứ trong 10 người Mỹ thì có 6 người ủng hộ tiến trình hợp pháp hóa cho những người nhập cư không có giấy tờ.
Ông Santos đến Mỹ bằng Border Passing hồi năm 1997, khách hàng của Luật sư Henvez Hermandez bộc bạch: “Cứ mỗi lần quốc hội đưa dự luật ra thảo luận, thì mỗi thời kỳ có sự tiến bộ nhân đạo cao hơn. Thí dụ vào thời lệnh Ân xá di dân bất hợp pháp của T.T Bush (Bush Amnesty for Illegal Immigrant) khi mới nhận nhiệm kỳ, cho phép hợp pháp hóa di dân cư trú bất hợp lệ ở Mỹ trước ngày 1/1/1996, tiếp theo luật S. 1348 tức An ninh biên giới và Cơ hội kinh tế và Cải cách di trú năm 2007 (Secure Borders, Economic Opportunity and Immigration Reform Act) cho di dân lậu đến Mỹ trước ngày 1/1/2007 có công ăn việc làm chưa hề phạm tội. Những người phạm tội hình sự phải bị trục xuất và hiện nay theo dự luật Cải cách toàn diện (Comprehensive Immigration Reform), những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp đến Mỹ trước ngày 31/12/2011 ở lại liên tục có thể nộp đơn xin hưởng quy chế không phải “ân xá” mà là “hợp pháp tạm thời” sau 6 tháng kể từ khi dự luật trên được Tổng Thống ký thành luật, nộp phạt hành chính và bất kỳ khoản thuế đến hạn nào. Với quy chế “hợp pháp tạm thời”, người nhập cư trái phép có thể làm việc, lái xe, đi lại mà không sợ bị trục xuất nhưng họ không được hưởng bất cứ phúc lợi liên bang nào. Sau 10 năm, những người thuộc diện này mới có thể xin cấp thẻ xanh, tức quy chế định cư lâu dài, và ba năm tiếp đó họ mới có thể đề nghị được hưởng quy chế công dân. Nhờ vậy tôi có thể hội đủ điều kiện để hy vọng”.
Ngay cả đảng Cộng hòa cũng đã có sự nhìn nhận lại về vấn đề người nhập cư bất hợp pháp sau hai lần thất bại tại các cuộc bầu cử Tổng Thống gần đây mà nguyên nhân được họ đúc kết, là do xem nhẹ lá phiếu của cử tri thuộc các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha cũng là những đối tượng nhập cư đông nhất. Sự thay đổi này cùng sự coi trọng ưu tiên cải cách nhập cư trong nhiệm kỳ cuối của Tổng Thống Obama có thể mang lại hy vọng về một cuộc cải cách toàn diện trong chính sách nhập cư. Và theo đó, giấc mơ trở thành “công dân Mỹ” của những người nhập cư không có giấy tờ song làm ăn chính đáng và tuân thủ pháp luật như ông Santos có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Một người nhập cư trái phép được hợp pháp hóa tình trạng di trú và mong muốn những người khác cũng sẽ được như vậy
TN