Truyền thống người Việt có nhiều lễ hội vào dịp Tết Nguyên Đán như đua thuyền, đấu vật, múa rồng… Thế giới Tây Phương lại thường tổ chức các hội hè đồng quê, các lễ hội “carnival” lộng lẫy, các đại hội âm nhạc… vào thời điểm mùa hè vì đây là lúc thời tiết nắng ấm dễ chịu.

Một bé gái Nhật giữa rừng hoa hướng dương trong hội hè kéo dài 3 ngày tại thị trấn Nogi, phía bắc Tokyo. Ảnh Kazuhuro Nogi/AFP/Getty Images
Hội hè có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau, và lý do cũng rất đa dạng. Một số nguyên thủy từ sinh hoạt tôn giáo. Tiếng Anh cổ có từ “Festival Dai” nghĩa là một ngày lễ tôn giáo. Trong những lễ hội theo truyền thống Thiên Chúa Giáo lớn nhất có Phục Sinh (Easter) và Giáng Sinh (Christmas). Nhiều cuộc hội hè khác nhằm ăn mừng vụ mùa và xả hơi lúc chuyển mùa.
Cũng có những lễ hội để tưởng nhớ các cuộc chiến trong quá khứ, như lễ “Memories of August 1914” vừa diễn ra tại Liverpool, Anh Quốc để kỷ niệm đúng 100 năm ngày khai mào Đệ Nhất Thế Chiến. Các cuộc chạy… đua cùng bò tót mỗi năm ở Tây Ban Nha lâu nay đã nổi tiếng toàn thế giới. Những hội hè thời nay có thể thu hút rất nhiều du khách hiếu kỳ thập phương, góp phần không nhỏ vào nền kinh tế.
Lễ hội cuối tháng 7 hằng năm Fete du Goemon (Seaweed Festival) tại Brittany, tây bắc Pháp Quốc. Trong “Ngày Hội Rong Biển” này, dân chúng địa phương tái diễn cảnh thu nhặt rong biển từ bờ biển rồi đốt làm phân bón. Reuters/Mal Langsdon
Trong khung cảnh giữa mùa hè Bắc Mỹ rực rỡ, đang lúc trên thế giới còn nhiều tin tức bi quan: cuộc chiến giữa quân lực Do Thái và phe Hamas người Palestine ngày càng thảm khốc, Ukraine vẫn còn bế tắc, kỹ nghệ hàng không liên tiếp gặp tai nạn, v.v… mời quý độc giả cùng chúng tôi dăm phút… xả hơi, về thăm lại vài cuộc hội hè lừng danh trên thế giới.
Nhảy múa trong lễ hội “Guelaguetza” một sự kiện văn hóa kéo dài 9 ngày tại Oaxaca, Mexico, có truyền thống từ thời tiền thuộc địa. Ảnh Reuters/Jorge Luis Plata
“Summerfest”
Cũng còn có tên là “The Big Gig”. Summerfest là ngày nhạc hội thường niên lớn bậc nhất trên thế giới, diễn ra tại công viên Henry Maier Festival Park dọc theo bờ hồ Milwaukee, tiểu bang Wisconsin. Hội hè âm nhạc kéo dài đến 11 ngày (cuối Tháng Sáu đầu Tháng Bảy) với các màn trình diễn khác nhau của trên 700 ban nhạc.
Thổ dân Nam Mỹ trong một dịp hội hè tại Goias, Brazil. Ảnh Reuters/Ueslei Marcelino
Đây cũng là cơ hội cho kỹ nghệ nhà hàng tại Milwaukee trổ tài bếp núc vì mỗi năm Summerfest có khoảng 800,000 đến 1,000,000 người về tham dự. Các ban nhạc đủ loại từ nổi tiếng đến vô danh, và thể loại nhạc cũng muôn hình muôn vẻ. Những thể loại trình diễn hấp dẫn du khách khác còn có các show giễu chọc cười, các quầy hàng lưu niệm, bắn pháo bông vào đêm bế mạc, v.v…
Hội hè “Kok-boru” theo truyền thống Kyrgyzstan, một xứ Trung Á, với các nài ngựa chuyền nhau 1 chú dê đến khi thả trúng “khung thành” của đối thủ. Ảnh Reuters/Vladimir Pirogov
“Festival d’été de Québec”
Tổ chức hằng năm từ 1968 tại downtown Québec, trung tâm của miền đông Canada nói tiếng Pháp. Dân địa phương gọi tắt sự kiện này là “FEQ”, còn Anh ngữ gọi là “Quebec City Summer Festival”. Cũng như “Summerfest”, Quebec Festival dài 11 ngày, khởi sự từ đầu Tháng Bảy.
“Quebec City Summer Festival” là một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới, và mở rộng mạnh mẽ nhất trong vòng một thập niên qua. Năm 2007, đại hội âm nhạc Quebec đạt con số 1 triệu người xem, và các năm sau tăng đều đặn lên 1.5 triệu người tham dự. Khác Summerfest gói gọn trên khu đất công viên dọc bờ hồ Milwaukee, đại hội âm nhạc Quebec diễn ra tại hằng chục địa điểm khác nhau quanh downtown Quebec. Sân khấu chánh, và cũng nổi danh nhất của Quebec Festival đặt tại công viên lịch sử Plains of Abraham có thể đón nhận cả trăm ngàn người xem. Uy tín của hội hè âm nhạc Quebec lâu nay thu hút nhiều ban nhạc nổi tiếng như: Scorpions, Rush… hay các ca sĩ Bon Jovi, Stevie Wonder, Billy Joel, Lady Gaga…
“Oktoberfest”
Đây là hội chợ lớn nhất thế giới, tổ chức vào cuối mùa hè đầu mùa thu tại thành phố Munich, vùng Bavaria của Đức Quốc. Lễ hội Oktoberfest kéo dài đến 16 ngày, mỗi năm thu hút trên 6 triệu du khách.
Oktoberfest là sự kiện rất quan trọng trong văn hóa của người dân vùng Bavaria. Dân chúng ăn mừng dịp này từ đầu thế kỷ 19. Ngoài ẩm thực là thức ăn cổ truyền Đức Quốc, người ta còn đến Oktoberfest để chơi đủ loại trò chơi giải trí khác nhau. Song nét đặc biệt dễ nhận ra nhất của Oktoberfest là thú thưởng thức bia. Mỗi năm, ước lượng ít nhất 7 triệu lít bia được tiêu thụ trong vòng 16 ngày festival. Ngày nay, không ít nơi trên thế giới có nhiều người gốc Đức sanh sống cũng ăn mừng “Oktoberfest” cho… đỡ nhớ cố hương.
Ngày hội “Oktoberfest” bên Đức.
“Woodstock Festival”
Khác những cuộc hội hè nói trên, đại hội âm nhạc “Woodstock Festival” hay chỉ đơn giản là “Woodstock” chỉ diễn ra một lần duy nhất, nhưng để lại “lưu luyến mãi không thôi” cho nhiều thế hệ yêu thích âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc “POP” trẻ. “Woodstock Festival” diễn ra vỏn vẹn trong 3 ngày 15-8 đến 18-8-1969, tại thị trấn Bethel tiểu bang New York, cách Woodstock chừng 45 phút lái xe. Đó là một cuối tuần nhiều mưa, chừng như chỉ để thêm phần lãng mạn cho 32 màn trình diễn trước một cử tọa 400,000 người, đa phần là giới trẻ và dân “hippie” mang tư tưởng phản chiến.
“Woodstock Festival” về sau này được đánh giá là một trong những sự kiện thay đổi diện mạo âm nhạc trẻ hiện đại. Người mê nhạc trẻ, nhạc rock, ít ai không từng nghe biết đến “Woodstock”. Đây là đỉnh điểm của thái độ bài chiến tranh đưa đến tinh thần nổi loạn. Trong ba ngày đại hội, hằng trăm ngàn nam thanh nữ tú đã hoàn toàn thả lỏng, trôi mê man trong âm nhạc, ma túy, sắc dục, mặc kệ chiến tranh, mặc kệ mưa gió sụt sùi… Những thập niên về sau, tâm lý hoài cổ đã khiến hình thành vô số phim ảnh, sách, thơ, truyện… về những ngày đại nhạc hội Woodstock 1969.
Lễ hội Woodstock 17 tại sông Kostrzyn-upon-Odra, Ba Lan, ngày 06 tháng 8 năm 2011. Ảnh Reuters / Pawel Kopczynski
TD