Mấy hôm rồi, trước tin nhà nước ra dự luật cấm bán rượu bia sau 22 giờ, nhà văn / blogger Phạm Thị Hoài đăng trên blog pro&contra của chị bài viết thật thú vị: “Vì một tiền đồ dân tộc còn đứng trên hai chân”.
Sau khi dẫn ra những dữ liệu về số lượng rượu bia mà người Việt tiêu thụ, so sánh với số lượng rượu bia của người dân ở những quốc gia khác trên thế giới, chị viết:
“Ở Việt Nam, tửu thần là anh em ruột thịt của tử thần.
Nếu được quyền quyết định, tôi sẽ cấm, không phải chỉ cấm bán rượu bia sau 22 giờ tối như Bộ Y tế đang đề xuất mà cấm tiệt, 24/24 giờ, trừ đúng 3 ngày Tết phân phối theo khẩu phần người lớn, ít nhất trong vòng hai mươi năm. Tôi thà mang tiếng là một nhà độc tài – điều chẳng mới mẻ gì ở Việt Nam, một nhà quản lý cổ hủ, bất lực – cũng không có gì mới mẻ, còn hơn nhìn một tiền đồ dân tộc mỗi ngày một lảo đảo bởi gần 70% đàn ông Việt Nam ngày ngày chuếnh choáng.
Hai mươi năm nữa, chỉ hình dung đã thấy ngây ngất: đàn ông Việt Nam sẽ định nghĩa mình qua những chất kích thích khác. Họ sẽ trở nên thông minh, khỏe mạnh, lương thiện, can đảm, lịch lãm, đỏm dáng, sẽ metrosexual thay vì hùng hục lùng sục phong độ giống đực bên đĩa mực và vại bia; sẽ thơm tho thay vì sặc mùi cồn chua; sẽ có bụng sáu múi thay vì sáu lon; sẽ chứng minh đẳng cấp qua tài thuyết trình trước đám đông thay vì lảm nhảm luận anh hùng bên bàn nhậu; sẽ tôn trọng đồ ăn thức uống thay vì tọng vào ọe ra; sẽ trân trọng một tình bạn chân thành thay vì lấy mấy lần “dzô” đo lòng chiến hữu; sẽ quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt thay vì dốc túi mình và túi nhà nước cho bệnh xơ gan; sẽ biết tiếc thời gian thay vì quên ngày tháng trên vỉa hè; sẽ thực sự tự đọc một cuốn sách thay vì hóng hớt từ bạn rượu; sẽ yêu phụ nữ thay vì hoặc bất lực hoặc hiếp dâm; sẽ không cầm dao đâm người thân vì bị chê kém tửu lượng; sẽ không leo lên xe để giết thiên hạ và giết mình; sẽ xắn tay lên mà làm việc… Chỉ chừng ấy, đơn giản chỉ chừng ấy đã đủ để tiền đồ dân tộc và đất nước họ còn tỉnh táo đứng trên hai chân thay vì say bét nhè ngã xuống ở đâu không cần biết.”
Bảo Huân
Tôi cũng vừa đọc bài viết của blogger Nguyễn Đình Bổn, “Bia bia, rượu rượu” trên blog của ông. Xin trích dẫn như sau:
“…Có thể thấy bây giờ thì tại Việt Nam, cả 3 miền Bắc Trung Nam quán nhậu hàng hàng lớp lớp, đệ tử lưu linh nảy nòi khắp chốn cùng quê. Vì sao người Việt lại nhậu nhiều như vậy có lẽ cần có một nghiên cứu nghiêm túc, bài viết này trong những ngày nằm bệnh chỉ là những ký ức cũ vui vui và những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến rượu.
…Bây giờ thì sống ở Sài Gòn, có nhắm mắt cũng biết quán nhậu quá nhiều. Từ nhà hàng sang trọng đến quán cóc vỉa hè và những quán… bờ tường. Những buổi chiều có khi đi ngang qua khu vực Chùa Nghệ sĩ thấy gái xinh trai đẹp cứ thản nhiên ngồi tựa vách tường với cái vỉa hè rộng không quá 1m để vừa uống bia vừa gặm chân gà nhập từ Trung Quốc. Tôi không biết có nước nào trên thế giới người ta lại nhậu nhiều như nước mình? Nhậu nhiều đến nỗi thành “văn hóa nhậu”. Vừa làm quen: nhậu! Muốn thăng tiến: nhậu! Mưa buồn nắng đẹp, trưa rảnh tối mát đều nhậu. Đám ma, đám cưới, thôi nôi chi cũng nhậu…
Cái dự luật cấm rượu bia sau 22 giờ không biết có được thông qua hay không nhưng có lẽ với tính cách “sa lầy trong men” của người Việt hiện nay nó khó mà hiện thực. Nó rồi cũng như những luật “cấm hút thuốc nơi công cộng” hay… cấm đái bậy mà thôi!
Tôi có nhiều bạn bè và tôi cũng khoái những cuộc nhậu thân tình. Nhưng cứ nhìn đất nước như một bàn nhậu khổng lồ, lẽ nào chúng ta không tự hỏi: có bao nhiêu tiền của và sức mạnh tri thức trôi theo dòng bia rượu ê hề kia khi mà ở những vùng cao, vùng sâu, trẻ em vẫn phải ăn cơm với nòng nọc và đu dây qua suối đến trường?”
Họa sĩ Rừng thì nói rằng: “Nhậu ở VN là văn hóa, văn minh, văng thiêng mạng! Nhậu là nếp sống triết học… hiện xin!!!”
Gay gắt hơn, trong bài viết gây sóng gió trên mạng “Bao giờ anh thôi sống hèn?”, nhà văn Nguyễn Thị Từ Huy viết,“Tôi muốn hỏi tất cả đàn ông các anh, những người đàn ông của chúng tôi, câu này: ‘Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu? Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?’”
Lên Facebook, tôi thấy chắc cũng trên 30% hình ảnh được post lên là hình những cuộc nhậu.
Tôi nghĩ, những điều mà các nhà văn kia trên kia nói đều rất hợp lý: ngày nay nhậu là quốc nạn, nó tàn phá đất nước không kém gì nạn tham nhũng.
Nhưng rồi tôi băn khoăn: dẹp nhậu, tuyệt đối không ra quán, không lai rai, không bia rượu thì dân nhậu làm gì để lấp vào chỗ trống đó? Không nhậu thì họ đi đâu, làm gì? Tất nhiên, câu hỏi này sẽ được trả lời một cách nhanh chóng và dễ dàng rằng họ sẽ thay nhậu với / bằng nhiều sinh hoạt lành mạnh khác như: tập thể dục; chăm sóc bản thân và gia đình; thưởng thức các món ăn tinh thần như xem phim, đọc sách, du ngoạn; chơi những thú tiêu khiển lành mạnh: vẽ, nhiếp ảnh, làm thơ (à, mà thôi, có khi làm thơ còn nguy hại hơn nhậu à nghen!)…
Nhưng tôi e rằng những sinh hoạt kia khó mà thay được nhậu! Lý do vì sao ư? Hãy nhìn quanh thì sẽ thấy rằng người ta chưa được chuẩn bị tâm lý, giáo dục, cơ sở vật chất… để thực hiện thay đổi đó. Và tệ hơn, là nhà nước phải xây hàng ngàn viện tâm thần để nhốt đàn ông xứ này vào, vì nếu không nhậu thì họ biết xả những vui buồn, những cơn trầm uất, những bất mãn về thế sự, xã hội, chính trị… vào đâu?
Có khi không nhậu thì họ lại rảnh rỗi sinh nông nổi đi làm cách mạng, điều mà đảng và nhà nước này không muốn chút nào. Kẹt lắm! Dù chẳng biết đến bao giờ đất nước này mới thấy bóng dáng của thiên đường xã hội chủ nghĩa nhưng đảng hoàn toàn không muốn, thậm chí nghi ngờ mọi ý định dẫn đến bất cứ một cuộc cách mạng nào khác ngoài cuộc cách mạng mà họ đã chiếm trọn nước từ 40 năm nay, vì lỡ cái cuộc cách mạng nào đó đi quá tay lật luôn họ thì sao?
Có lẽ chẳng thà để cho dân có được một chút tự do say xỉn rồi chém gió trên bàn nhậu, làm cách mạng trên bàn nhậu, còn hơn là để họ đi làm cách mạng thật.
Ờ, nè bạn nhậu của tôi, mình thử tìm từ nguyên nhân ban đầu, thử tự hỏi 2 câu như vầy nghen: Vì sao ta đi nhậu? Nếu không đi nhậu thì ta đi đâu? Rồi trả lời xem sao nhé.
ND