Menu Close

Chiếc cối xay

Thời gian trôi trên sông đời bất tận. Bao nhiêu điều đã đến và đi trong ý thức nhưng  thời gian trú ngụ ở chùa Viên Giác Hội An sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn tôi.

Nơi đó, mái ngói cong, tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tiếng lá đa xào xạc, tiếng kinh khuya vọng về đã trở thành một kho tàng sinh động cất chứa một phần đời suy tư sâu thẳm của tuổi học trò.

Một buổi chiều mùa hè 1968, tôi từ Đà Nẵng vào Vĩnh Điện, rồi đón xe lam xuống Hội An. Sau khi ngủ một đêm trong trại lính ở tiểu khu Quảng Nam với người anh cô cậu, buổi sáng tôi đến chùa Viên Giác. Hôm đó là ngày thường, không lễ lộc gì nên chùa yên tĩnh hơn những lần tôi đến trước đây. Tôi bạch với thầy trụ trì hoàn cảnh mồ côi của mình và xin cho tôi ở lại chùa để ăn học dù lúc đó tôi chưa biết sẽ học ở đâu. Sư phụ hơi ngạc nhiên về những thay đổi quá nhanh đã diễn ra trong đời tôi nhưng lắng nghe đến hết câu chuyện buồn. Với giọng ôn tồn, sư phụ bảo tôi ở lại chùa. Ngài chỉ sang phía khu nhà Đông và bảo tôi qua đó ở chung với các Chú.

Khu nhà Đông gồm ba phòng có diện tích giống nhau. Không ai có phòng riêng và cũng không có tiêu chuẩn đặc biệt dành riêng cho mỗi người ngoại trừ các Chú lớn tuổi ở chung một phòng, đám học trò như tôi và các Chú điệu nhỏ ở chung một phòng. Mỗi phòng trong khu nhà Đông có bốn chiếc giường. Một Chú dắt tôi về phòng cuối cùng trong ba phòng của khu nhà Đông và chỉ cho tôi chiếc giường gỗ hẹp. Một người học trò đến trước cho tôi chiếc chiếu rách viền và một chiếc mền cũ. Đêm đầu tiên ở chùa Viên Giác, dù tiếng muỗi vo ve và bầy rệp đang bày dạ tiệc trên thân thể thằng bé ốm oi, tôi vẫn cảm thấy an tâm. Sau mấy tháng trời bơ vơ ở Đà Nẵng, tôi đã có một nơi để ngủ mà không phải lắng nghe tiếng la, tiếng mắng và nhất là tôi biết chắc ngày mai sẽ có cơm ăn.

Như thường lệ, nếu không có việc phải làm sớm như đánh chuông hay gánh nước tưới rau, chúng tôi cùng thức dậy một lần, quây quần chung quanh chiếc giếng nước sau chùa. Chúng tôi ăn sáng và ăn chiều chung với nhau. Phòng ăn ở phía nhà Tây sau giảng đường. Hai chiếc bàn dài nối nhau. Thức ăn nhiều nhất là rau lang. Lang luộc, lang xào, lang nấu canh, nói tóm lại là lang bảy món. Những ngày Rằm và Mùng Một có thêm đậu khuôn chiên vì chùa làm đậu khuôn ra chợ bán.

Mỗi lần làm đậu khuôn, ngoại trừ sư phụ, cả chùa đều dậy rất sớm. Sản xuất đậu khuôn gồm nhiều bước phụ thuộc vào nhau và mang tính dây chuyền. Giai đoạn xay đậu cần ít nhất hai hay ba người. Một Chú khỏe mạnh hay hai Chú nhỏ phụ trách xay và một người làm công việc tém đậu vào lỗ cối xay. Xay xong, nước đậu được chuyển sang một người khác để lọc hết xác bằng một chiếc khăn vải trắng, giai đoạn này gọi là bòng đậu. Sau khi bòng tới bòng lui mấy đợt, nước đậu được đun sôi có thêm một chút thạch cao để đông đặc nhanh sau khi đổ vào khuôn. Người phụ trách công việc cuối cùng và khổ nhất là Chú Ngô. Chú Ngô phải gánh đậu ra chợ Hội An để bán.

Tôi và một em học trò khác cũng trọ học trong chùa làm công việc xay đậu. Em học trò đó tên là Nhiêu. Nhỏ hơn tôi hai tuổi. Tôi thương Nhiêu nhất và nó cũng thương tôi nhất. Nhiêu là đứa bé có tâm hồn phong phú. Giống như tôi, Nhiêu là con duy nhất của bác Bảy ở Phú Chiêm. Ngày tôi ra đi, Nhiêu ra tận Đà Nẵng để tiễn đưa. Tôi bảo em về nhưng em nhất định chờ xe bus rời trạm hàng không Việt Nam mới đón xe về lại Hội An.

Tôi vào Sài Gòn không được bao lâu thì nghe tin Nhiêu chết. Em đạp phải mìn trên đường từ cầu Câu Lâu đi xuống phía dốc Phú Chiêm. Năm đó Nhiêu mới chừng 16 tuổi. Tôi biết tin trễ, mà dù biết sớm cũng không về được. Học hành bận rộn, đi lại khó khăn và đời sống của tôi cũng vô cùng chật vật nên chỉ biết ngậm ngùi thương nhớ em. Thời gian trôi đi theo những thăng trầm của tôi và đất nước. Mới đây, thầy trụ trì chùa Viên Giác, Hội An vừa gởi tặng bức hình chiếc cối xay. Bây giờ chiếc cối xay trông rất nhỏ mà ngày xưa to lớn và nặng nề làm sao.

Nên bây giờ, nếu ai hỏi đồ vật gì trong chùa để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm nhất, tôi sẽ trả lời ngay đó là chiếc cối xay. Tôi không còn trẻ nữa, giòng nước mắt của tuổi thơ đã cạn theo chiến tranh và tàn phá nhưng nếu nhìn lại chiếc cối xay, biết đâu tôi vẫn còn khóc được. Chiếc cối đá thân yêu đã giúp nuôi sống chúng tôi qua nhiều năm tháng khó khăn và là hình ảnh của một thời thơ ấu đầy tang thương và mất mát.

alt

Chiếc cối xay ở chùa Viên Giác

TTD