Menu Close

Cò Đùm – Doãn Quốc Sỹ

Nói đến nhà văn và cũng là nhà giáo Doãn Quốc Sỹ, người ta nhớ ngay đến “Khu Rừng Lau” –  một trường thiên tiểu thuyết gồm có “Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Đàm Thoại Độc Thoại (1966),” và những truyện dài như  “Giòng Sông Định Mệnh , Sầu Mây, Đốt Biên Giới,”  hay những truyện ngắn như  “Gìn Vàng Giữ Ngọc, Cánh Tay Nối Dài, Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều…” Cũng giống như các tác phẩm in ấn trước đây,“Cò Đùm” – tuyển tập truyện ngắn dày 137 trang do nhà sách Văn Nghệ  xuất bản tại hải ngoại của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã thu hút người đọc bằng giọng văn đằm thắm, bình dị, đầy ắp tình người. Dù là Miên, Hãng, Hiền, Tân Kha, Khiết, Hóa, Lãng, hay Cò Đùm, mỗi một nhân vật của Doãn Quốc Sỹ là một vũ trụ và cũng là một cù lao, vì thế ông “không dám phê bình ai, không dám khinh khi ai, không dám chê trách ai, kể cả khi – nhiều khi rồi – tôi bị chửi oan, tôi bị ăn cắp, tôi bị lạm dụng.” [trang 23] Tác giả mượn lời nhân vật “tôi” kể câu chuyện có liên quan đến nhà tiến sĩ giáo dục – chính là hóa thân của ông –  để ghi lại những điều ông cảm nhận, khi hồi tưởng thời khốn khó xa xưa.  

alt

“Khoảng thời giam từ 1945 đến 1947 Cò Đùm như nhân vật một truyện cổ tích diễm phúc nhất. Tại cả vùng  Phủ Quảng quê hương, thuở ban đầu kháng chiến, Cò Đùm là một trong số hiếm hoi những người đã thể hiện được đủ năm E: Diện bộ đồ ka-ki ăng-LE, tay đeo đồng hồ Vi-LE, đi xe đạp Luy-xi-FE bằng thứ nhôm rất nhẹ của Tây, bút máy gài túi áo nhãn hiệu Oe-re-VE, và, chao ôi, điều này mới là vinh dự, sau khi đã cống hiến rất hậu hĩ cho chính phủ kháng chiến trong tuần lễ vàng, anh được đóng thuế cho chính phủ hạng E, tức là hạng cao nhất sau bốn hạng A, B, C, D.” [trang 32].

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Giấc mộng đẹp phù du qua mau. Chỉ mới sang khoảng giữa năm 1947, Cò Đùm đã hiểu “thuộc thành phần địa chủ như gia đình anh, gặp nhiều khó khăn lắm trong cuộc sống song hành với những đảng viên đảng Lao Động đương lãnh đạo cuộc kháng chiến. Biết rằng sống lộ liễu ở quê hương không nổi, anh đơn độc lẳng lặng dọn đến làng Cốc khoảng thời gian này. Mảnh đất biệt lập tại ven rừng đó, anh chọn; căn nhà tranh hình chữ H. đó, anh tự vẽ kiểu và đích thân điều khiển dựng lên.”  [trang 32].

Điều làm tác giả đau đớn buồn bã khôn nguôi, đó là ông đã không thể mang đứa con đầu lòng đã được 9 tuổi của Cò Đùm vào thành, như lòng mong ước của anh. Một người đàn ông tự biết mình không thể thoát khỏi vòng kim cô của cộng sản, không còn có ngày mai, nhưng vẫn hy vọng đứa con của anh có được tương lai xán lạn, được sống làm người đúng nghĩa dưới sự chăm sóc của một nhà giáo trí thức. Và người thầy giáo không thể nào quên lời gửi gắm của Cò Đùm. “Thưa thầy, xin thầy nhìn con, cháu nó giống con như đúc, cũng một cái răng khểnh và một bên mắt híp.” [trang 48] Năm tháng qua đi, di cư vào Nam người thầy giáo từng dạy Pháp Văn cho Cò Đùm, hàng tuần chờ xem chương trình “Phỏng Vấn Người Tìm Tự Do,” như một hòn đá vọng phu. Ông nhìn nhiều hơn nghe, vì ông ưa thích những khuôn mặt ra hồi chánh. Họ hầu như đều trẻ, như đám sinh viên của ông. Ông  đã chờ chương trình này,  chỉ vì ông từng nhìn thấy một thanh niên “có chiếc răng khểnh, thoang thoáng hình như một bên mắt híp. Cò Đùm!”
[trang 25]. Cò Đùm còn sống hay đã chết. Con của anh đã vào được miền Nam, có phải đã xuất hiện trong chương trình “Phỏng Vấn Người Tìm Tự Do” hay không…? Đây là một câu hỏi theo đuổi tác giả đến cuối đời. Nhưng nhà văn Doãn Quốc Sỹ tin rằng, Cò Đùm sẽ không bao giờ tiếc nuối vì đã không bỏ Phủ Quảng vào thành, bởi vì ngay từ những năm 1947 anh đã “phủ nhận chính sách Đảng và Bác…”, có nghĩa là chính sách Đảng và Bác đã thất bại ngay trong lòng anh tự ngày đó, anh có gì phải tiếc nuối đâu…! [trang 54]
Ngày xưa Cò Đùm đã phủ nhận chính sách Đảng và Bác, bây giờ những thường dân như anh Đoàn Văn Vươn, như dân làng Dương Nội, như hàng trăm người dân tỉnh Đồng Nai đã dùng ghe nhỏ dàn hàng giữa mặt sông, chống đoàn cưỡng chế của ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa. Họ là những Cò Đùm hiện tại, đã đang phủ nhận chính sách Đảng và Bác tuyệt nhiên không hề nuối tiếc.

HNP
4:25am Thứ Sáu ngày 1 tháng 8 năm 2014