Menu Close

Giữa lằn ranh mong manh – Kỳ 1

alt


Du thuyền và biển xanh. Cuộc vui đã gần như trọn vẹn. Nếu như…

1. Đời không là thiên đàng!

Khi tôi nhắm mắt – là du thuyền và biển xanh. Lúc tôi mở mắt, cuộc đời mang gương mặt của thần chết.

Nhịp chân xiêu xiêu, tôi cảm giác mình đang đi xuống con dốc đời.  Tôi trở về căn phòng hotel 1242 – con số quen thuộc của một tuần lễ mật ngọt vợ chồng. Tất cả, đều lắng đọng đến se lòng. Tôi cảm được hơi ấm từ chiếc ghế sofa – nơi anh ngồi theo dõi diễn tiến trận World Cup. Ly nước cam anh chỉ vừa nhấp môi. Chiếc khăn tắm lây lất trên sàn nhà, hơi hướm anh theo chân tôi.

Tai họa chẳng thể biến đi trong tư tưởng. Nó chỉ vừa xảy đến với anh và tôi. Đôi chân tôi hụt hẫng với nỗi lo chưa tháo kịp. Nước mắt tôi chưa  ráo hoảnh, lại vắn dài khi cầm lên chiếc áo còn hơi anh. Mọi suy nghĩ, âm thanh trở nên chậm chạp. Khi nỗi đau tự ôm mình khóc, như con cá quấn lấy sợi rong buồn. Tôi lắc đầu, từ chối hộp kẹo chocolate Trần Vũ đưa mang theo, “Hạnh không muốn ăn gì cả!”  Cái máy hình cầm trên tay, tôi phân vân rồi bỏ lại vào vali, “Vũ cầm hết đồ nghề máy ảnh về giùm Hạnh, nhớ cẩn thận.”
Tôi dặn bạn. Vũ chu đáo nhét vào balô tôi mấy cái vòng chống muỗi, “Cái này Hạnh cần.” Tôi im lặng, thầm biết ơn người bạn thân quý. Tôi vẫn còn chút sáng suốt để soạn vài bộ đồ bỏ vào balô. Giấy tờ tùy thân, passport, vé máy bay… Hai cái vali cá nhân, tôi nhờ bạn đem về trước hộ. Tôi chỉ  cần cái balô cất giấu niềm hy vọng để tồn tại.

alt

Tìm chút lãng mạn với hoàng hôn trên biển. Bó bông cầm tay “lượm”của một đám cưới ai đó còn rớt lại trên cát.

Tôi hiện diện nơi căn phòng này, như kẻ mất hình bóng. Nghe tim phấp phỏng, thấy mình trốc gốc. Hụt hẫng. Anh đang đợi tôi trong cơn đau xé người trên giường bệnh. Tôi cần phải quay lại gấp.

Đôi bạn thân tiễn chân tôi, những cái ôm siết đầy lo âu, áy náy.  Thanh Mai ôm hôn tôi, Vũ luôn chu đáo hết mực, “Hạnh cầm theo ăn, lỡ đói.” Tôi cầm khúc bánh mì từ tay Vũ, cảm giác cô đơn gấp bội khi những người bạn đồng hành thân thiết bỗng rời tôi…
Đêm lạc loài trên xứ người. Lòng tôi như biển đen, dạt trôi vùi lấp. Tôi lả mệt vì khóc.

“Ông làm ơn đưa tôi trở lại bệnh viện trước 10 giờ đêm nay, tôi cần biết tình trạng của chồng tôi ra sao,” tôi  run giọng nói với người tài xế taxi. Cái gật đầu đồng tình với cú phóng như điên trên xa lộ đen, “Với tốc độ này,  nếu cảnh sát hỏi thăm sức khoẻ, tôi sẽ rất phiền toái!” Bác tài taxi đang gắng rút ngắn khoảng cách của gần 2 giờ đồng hồ trên xa lộ. Một người lái xe ở xứ lạ, vô tình cùng tôi đi chung một đoạn đường u tối.

“Sự tuyệt vọng, đem can đảm đến cho chúng ta, có phải vậy?” người tài xế, bất chợt với câu hỏi như một sự trấn an, xoa dịu cơn bấn loạn trong tôi.

“Tôi tin vậy. Điều đen tối sẽ chẳng tiếp tục mãi.” Tôi gượng đáp. Dẫu khi nỗi đau còn tươi rói, tôi mang một ngôn ngữ câm lặng…

“Ở xứ sở Jamaica này, bệnh tật đồng nghĩa với cái chết. Vô số những người nghèo kiết xác nằm trong một cái danh sách dài thậm thượt, họ chờ đợi để được chữa trị ở nhà thương chính phủ. Đa số những con bệnh đã bị thần chết dẫn đi trước khi đến lượt mình được gọi tên.” Ông nói như tự sự, mắt vẫn đăm đăm vào khoảng tối hun hút. Tôi nhắm mắt, nghe mọi lời lắng xuống sâu, cảm giác một nỗi sợ hãi chậm chạp, thấp thoáng tràn về. Buổi sớm nay, tôi vẫn tràn đầy yêu đời mặc trên người mảnh áo tắm nằm hưởng gió biển. Buổi chiều, tôi chuẩn bị làm goá phụ? 

alt

2. Chỉ vài giờ trước…

Có những ngày, nắng Jamaica hoi hóp đến dễ ngươi. Tôi thèm rán nắng như con khô mực muốn nướng mình trên cái lò than. Căn phòng deluxe quay lưng về hướng biển. Hàng dừa đổ bóng trên cát. Hotel 5 stars, thiên đàng của ẩm thực và rượu. Rượu từ phòng ra tới in-pool bar rồi ra tới biển… Mặt trời trải bóng tôi trên cát. Trưa thẫm sóng xanh. Tôi nằm nghe sóng với hơi men tequila rần rần trong máu thịt, nghe cảm giác bình yên đốt những muộn phiền.

Tôi chưa bao giờ mường tượng được mình ở thời khắc sướng vui hay đau khổ. Dường như khóc, cười chẳng phải biểu tượng của một niềm hạnh phúc trong tôi. Một tuần lễ nghỉ mát để hâm nóng cảm giác vợ chồng. Tôi nghĩ về người đàn ông của mình. Và cái nắm tay nhăn nheo đến cuối đời. Chẳng có lý do gì để buông tay nhau, dù cay đắng hay gập ghềnh. Một ngày miệt mài cũng là vợ chồng, huống gì bao nhiêu năm âm khúc…

alt

Không chỉ biển. Dưới thác nước Dunn’s River Falls cùng người bạn đời Andy Nguyễn và đôi bạn thân. Từ trái (Trần Vũ, Thanh Mai, Đặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn)

Cơn nắng vẫn đang dụ dỗ mảnh lưng trần. Tôi thèm thuồng cảm giác của những cơn rêm êm ả. Mùi gió mặn. Tiếng hải âu quang quác. Muối toé lên da. Nhắm mắt, nghe như mình lênh đênh… 

“Honey, anh thấy không khoẻ, anh phải tìm  bóng mát nghỉ mệt”. Tôi hé mắt. Bóng anh liêu xiêu  như chực đổ xuống mình tôi. Chuyện gì đây? Anh chỉ vừa ê chề một bữa điểm tâm thịnh soạn. Lại chỉ mới đu cây như khỉ! Định tìm chút mơ màng của đời sống. Rồi như sực tỉnh, tôi vớ vội vài thứ đồ, luýnh quýnh đuổi theo cái dáng anh đang lảo đảo trên mấy bực tam cấp. Tôi tìm thấy anh đang xụi người trên chiếc ghế bành. Mồ hôi, như ai xối lên đầu anh một gáo nước. Anh như một con cá vừa bị hất ra khỏi mặt nước.

“Anh bị ngộp thở, hai cánh tay tê hết,” giọng anh đứt quãng. 

Trực giác của người vợ cho tôi biết một điều chẳng lành…

“Có ai cứu giùm chồng tôi.” Tôi thảng thốt nhìn quanh quất. Ai đó đã mau mắn gọi một cú điện thoại khẩn cấp từ cái bàn tiếp tân cạnh bên… Một chiếc xe lăn xuất hiện chỉ trong vài phút. Họ đẩy anh đi. Tôi lẽo đẽo như kẻ mất hồn.

Hotel chỉ có bác sĩ on-call. Cô y tá trực cho biết, “bà phải trả $295 đô cho dịch vụ này.”

Nửa giờ đồng hồ, tôi hâm hấp với nỗi lo. Bà bác sĩ chẩn bệnh xong, đưa cái nhìn nghiêm trọng về phía tôi, “Chồng bà, cần đưa gấp vào bệnh viện.”

Chiếc xe cứu thương ò e như tiếng gõ cửa của định mệnh. Trần Vũ-Thanh Mai, vừa nhúng nước biển lên đã bị lôi vào cơn sôi lửa. Con tim đỡ hiu quạnh khi những người bạn đồng hành đang cùng tôi bước vào hành trình tăm tối… Khi linh hồn trải qua quá nhiều thống khổ, nó phát sinh sự nhạy cảm với bất hạnh.

alt

“Nhà thương thí” St. Ann’s Bay Hospital. Phó nhòm Andy Nguyễn bắt đầu cuộc sinh tử

Người gác cửa nhà thương nhất quyết “kỳ thị” với cái tank top gợi cảm đang dính trên mình cô nàng Thanh Mai. Trần Vũ lột áo đưa nàng. Văn sĩ mình trần làm mồi cho lũ muỗi Jamaica, và tắm hơi dưới mái tôn bên ngoài viện xá. Thanh Mai được vào cạnh tôi, tôi nắm tay chị, tìm chút bình tâm. Đứng chờ làm thủ tục nhập viện cho chồng. Lửa như đốt lòng khi nhìn hàng người rồng rắn đứng ngồi chen chúc. Tôi luống cuống chìa cái giấy chứng nhận của bác sĩ, “Chồng tôi bị heart attack. Trường hợp khẩn cấp!” $60 thủ tục nhập viện. $495 chi phí cho cái xe ò e. Ở cái xứ sở nghèo kiết xác thì thớ thá gì mấy cái bảo hiểm sức khỏe. Thẻ nhựa và tiền mặt. Hiệu ứng tức thời!

Tôi trở lại “phòng” cấp cứu, hoang mang như cơn bão rớt, “Anh ra sao rồi, anh ơi!”

Anh đang nhăn nhúm trong cơn đau đớn. Nhợt nhạt như một cái xác còn thoi thóp. Lớp da bụng phình lên, xẹp xuống theo từng nhịp thở hụt. Sự im lặng như mọc ra từ những bức tường trắng. Sự im lặng không mang khuôn mặt của an nhiên. Bác sĩ trực ca, lướt mắt lên chiếc kim đồng hồ đang tích tắc trên mặt tường… Mắt kiếng khoác áo blouse trắng, dẫu chưa mở lời; dường như đã cảm nhận nơi tôi sự bất an đang hồi ngất ngưởng, “Chồng bà, đang phải chịu đựng một cơn trụy tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Ông chỉ còn vài giờ để chống chọi”.

Tôi tối sầm. Tim loạn nhịp. Thời gian chạy đua với tính mạng. Trên màn ảnh monitor, cái số 201/135 mmHg áp suất máu đang áp đảo tinh thần mọi người. Âm thanh bất chợt dồn dập rung rinh chân giường cạnh bên. Một nữ bệnh nhân đang đành đạch giãy giụa, co quắp trong cơn động kinh. Mắt dã trắng trên màu da tím lịm. Một xác người dựng đứng. Bó chặt trong tấm ra trắng như một xác ướp Ả Rập vừa được đẩy ra trên một chiếc xe cút kít. Tôi ngó trân. Lả người trong nỗi ám ảnh kinh hoàng.  Tôi bất chợt mường tượng đến những chiếc xe quàn túc trực trước cổng bệnh viện chờ chực xác người. Nhà thương St. Ann’s Bay Hospital mang gương mặt của thần chết. Nhếch nhác. Hẩm hiu như phận số của những con bệnh mạt rệp. Trần Vũ gọi nó là “nhà thương thí.” 

Thanh Mai lùng thùng trong cái áo bệnh nhân tôi vừa mượn được. Cái T-shirt được trả lại cho khổ chủ. Vũ thoát khỏi sự oanh tạc của lũ muỗi Jamaica. Trong cơn bấn loạn, tôi quên khuấy cả những điều đơn giản. Thanh Mai vẫn luôn bên tôi,  ấm áp như một người chị. Anh vẫn trong cơn đau xé người trên giường bệnh. Mỗi phút giây chờ đợi như bóp nghẹt từng hồi thở trong tôi.

Áo blouse trắng lại tìm tôi, từ tốn giải thích, “Ở đây chúng tôi không đủ điều kiện dụng cụ và thuốc men để điều trị. Và không có cả bác sĩ chuyên khoa về tim. Nếu bà có đủ điều kiện tài chánh, chúng tôi sẽ chuyển chồng bà sang một nhà thương khác để có thể được chữa trị tốt hơn.” Tôi chỉ biết, khi nghe đến cái đơn vị “200 Ngàn…” Tôi đã thấy cả một trời tuyệt vọng. Cũng may, ông đính chính lại, “khoảng $4000 đô hay hơn nữa.”
Ở một thời khắc, mà tiền dẫu chẳng thể đem lại hạnh phúc, nhưng vẫn có thể hủy diệt sự tuyệt vọng! 

Chiếc cứu thương hú còi suốt con đường vô tận. Họ chuyển anh sang một bệnh viện tư. Bệnh nhân heart attack, nhà thương không cho phép thân nhân đi cùng xe cấp cứu. Một chiếc taxi được gọi khẩn cấp, nối đuôi chiếc ambulance như hình bóng. Đôi vai như buông xụi. Tôi sợ mình không đủ tỉnh. Bàn tay Thanh Mai ấm áp, ngấm ngầm nỗi trấn an dịu dàng.  Hơn một giờ đồng hồ trên xa lộ. Tôi thoi thóp niềm hy vọng. Anh sẽ vẫn sống. Vẫn thở với đời.
Khủng hoảng, như cơn đau tràn bờ thao thiết. Đời luôn chấm lửng những rưng rức khóc cười.

3. Và sau đó…

“Bà đã tới nơi rồi,” người tài xế đánh thức tôi đang trong cơn thiếp người mỏi mệt. Tôi hốt hoảng nhìn đồng hồ. Vẫn sớm hơn 10 phút dự tính. Hai, ba cuốc taxi đi/về lại ngốn hết gần $300 đô số tiền “dằn túi”.

 “Đây là số điện thoại  của tôi, xin bà vui lòng gọi. Tôi chỉ muốn biết tình trạng của ông nhà.” Tôi bất ngờ, gần như bật khóc khi nói lời cám ơn.  Điều tử tế vẫn tồn tại trên đời khi tôi cần sự thấu hiểu.

Tôi vác cái balô, loạng choạng bước chân về phía cửa bệnh viện. Văng vẳng tiếng còi xe cứu thương vọng từ con phố ngủ…

“Em đang về với anh đây, honey!”

alt

ĐMH