Một người Úc, một người Pháp và một người Việt Nam tị nạn bù khú với nhau trong quán nhậu, tán dóc về hạnh phúc của đời người.
Người Úc nói rằng không có gì hạnh phúc hơn là đi làm về nhà được con vợ nấu cho bữa ăn tối thiệt ngon. Ăn xong, nằm dài trên sa lông trong phòng khách, xem trận đá banh cà na kiểu Úc.
Người Pháp cắt ngang: mấy thằng Úc bây không lãng mạn như Tây gì hết! Với tao, đêm dắt người yêu đi dạo dọc sông Seine, rồi ăn tối cùng nhau dưới ánh nến lung linh trong một nhà hàng chọc trời, trên tầng cao của tháp Eiffel. Đó là hạnh phúc của cuộc đời.
Anh Việt Nam bác bỏ: Vậy mà hạnh phúc cái gì? Còn tui hả? Sau 75, đêm đang ngủ trong nhà ở Sài Gòn rồi nghe tiếng gõ cửa. ‘Nguyễn Bình An mở cửa ra mau!’
Run rẩy vì sợ, tui mở cửa ra thì có hai tay công an chìm ùa vào, tra còng vào cổ tay tui, rồi nói: Nguyễn… ‘Bình An’, ông đã bị bắt vì hoạt động chống phá nhà nước ta. Ông sẽ phải đi học tập cải tạo một thời gian dài.
Run run, tui trả lời: “Anh đội ơi! Nguyễn ‘Bình An’ là hàng xóm, sát vách, chớ hổng phải là tui! Tui là Nguyễn văn Tèo”
Nè hai anh bạn: Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhứt của đời tui khi nhớ lại. Và chính vì vậy bữa nay tui mới có mặt ở đây, ở Melbourne nè! He he!
Rồi khi vượt biên đến Úc tạm dung gần vài chục năm, làm ăn cực khổ nên cũng có chút tiền; bèn về quê cũ thăm lại người em năm ấy bây giờ ra sao; đôi má đào như ngày nào?
Trên chuyến bay từ Sài Gòn trở lại Melbourne, Tèo ngồi gần một thằng Úc mới đi du lịch Việt Nam trở về. Nó hỏi: Ông là ‘ese’ nào?
Tèo lịch sự hỏi: Xin lỗi! Tui hổng hiểu câu hỏi của ông!
Thằng Úc lên giọng làm cha: Thiệt là ngu! Tui hỏi ‘ese’ nghĩa là ông bạn là Vietnamese (người Việt), Chinese (người Tàu) hay Japanese (người Nhựt)! Có vậy mà cũng không hiểu!
À! Tui là Vietnamese!
Tèo tức lắm khi bị thằng Úc vô cớ chửi mình là đồ ngu. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn! Nhưng không chờ tới mười năm, chỉ hai tiếng đồng hồ sau, Tèo quay sang hỏi lại, lần nầy giận quá không ông bạn gì ráo mà: ‘Mầy là loại ‘ey’ nào?’ ‘Cái gì? Tui hổng hiểu!’
‘Mầy thiệt là ngu nhe, tiếng mẹ đẻ của mình mà còn không hiểu nữa! Ngu gì mà ngu vậy hổng biết! Ý tao muốn hỏi: Mầy là monkey (con khỉ), donkey( con lừa) hay Ozzie (Úc) vậy thôi! Hi hi!’
Công bình mà nói người Việt lúc mới tới đôi khi cũng bị vài thằng Úc kỳ thị, nhưng sau vài chục năm, thấy con cháu mình giỏi quá, bác sĩ, kỹ sư không hà nên Úc hết dám kỳ thị… lại đâm ra đố kỵ nhỏ nhen… ghen ăn tức ở?!
Chúng ta ra đi mang theo quê hương, người Việt mình luôn luôn tự hào là con cháu Lạc Hồng, bốn ngàn năm văn hiến, là dân tộc siêu Việt nhứt Á Châu; nên đối với các sắc dân khác dù hùng mạnh, có bom nguyên tử, bom khinh khí, máy in tiền đô Mỹ, (hết tiền cứ bật công tắc điện lên, in thoải mái ra xài, không cần vàng bạc làm bảo chứng gì hết trơn hết trọi. Ai biểu tụi bây tin vào giá trị của nó làm chi) cỡ Hoa Kỳ, yếu yếu hơn một chút như Pháp, Nhựt thì người Việt mình đều kêu bằng thằng hết ráo. Kêu bằng thằng không phải là mình hổng có lễ phép, hổng có nói năng đứng đắn đàng hoàng, cũng hổng phải là khi dể tụi nó (nghèo sặc gạch nào dám khi dể ai) mà vì lòng tự hào dân tộc, coi thiên hạ dưới trời nầy bằng nhau… bằng vai bằng vế!
Người Việt bỏ nước ra đi cũng vì cái vụ tối gõ cửa dẫn đi nói trên. Đất lạ quê người, cày sâu cuốc bẫm, làm ăn khấm khá: chủ tiệm giặt, tiệm neo hay mua nhà rồi cho mướn… mà người đến xin mướn nhà là thằng đen thì đừng có hòng! Còn mở thương vụ gì… chỉ khoái làm ăn với người Việt mà thôi, cùng lắm là với Á Châu, cùng màu da là hết hạng! Thì tinh thần dân tộc hơi quá ‘đô’ một chút là qua kỳ thị chủng tộc chỉ có một bước chân thôi!
Thí dụ như con gái muốn chồng hay con trai muốn vợ mà một hôm dắt về một đứa đen hay trắng, không phải là vàng, thì bất hạnh tình con rồi đó con ơi!
Cái đó là dở nhưng cái nầy là giỏi nè! Mấy ông tị nạn, thương vợ, thương con hết biết; dù hồi xưa ở Việt Nam có làm quan quyền gì đi chăng nữa… đến Úc, đến Mỹ đều lăn thân ra làm nuôi vợ, nuôi con. Với đàn ông Việt Nam, nghĩa vụ thiêng liêng nhứt của đấng nam nhi là không bao giờ để vợ con đói khổ. Thành thử mấy công việc hồi xưa là hạ đẳng theo thang cấp trong xã hội kim tiền, như nhân viên vệ sinh đi nữa, cũng làm… nhưng không để công việc mà thiên hạ coi thường nầy làm giảm đi niềm hãnh diện ta đây.
Như ông Cao Tần chẳng hạn: ‘Mai mốt anh về có thằng túm hỏi: Mầy qua bên Mỹ học được củ gì? Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi. Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li!’ Cu li mà có thượng đẳng nữa? Hí hí!
Đi làm mà lỡ có đụng chạm thì chẳng ngán ai, kể cả thằng boss, (vì bị đuổi chỗ nầy qua chỗ kia thì mình cũng cu li thôi, job thiếu gì… Úc có chịu làm đâu, vì ngại cực… nên người Việt dễ thương của chúng ta móc giấy 500 ra xài, nghĩa là chửi thề tá lả tà la và dĩ nhiên bằng tiếng Việt!
Johnny, người bạn Úc cùng sở, Johnny tâm sự rằng nó rất ‘kết’ phụ nữ Việt Nam vì mấy lần đến nhà chơi thì thấy con vợ cực mà ông chồng rất sướng… cứ nằm phè trên ghế sa lông, coi Paris by Night (dù đang ở Melbourne) hay mở internet lên nghe ra dô tiếng Việt!
Mệt và nuốt nhục kiếm cơm; về tới nhà, mình, vua lại là vua… ngồi cà nhỏng suốt cuối tuần; còn quý hoàng hậu thì làm tất cả! Rửa chén, giặt đồ, bồng con, nấu bếp! ‘Quân bây! Nghe lịnh Trẫm!’
Khi khách đến chỉ cần: ‘Em ơi! Có khách!’ là mười phút sau đã dọn ra món đầu trong loạt bò bảy món và trân trọng giới thiệu với người bạn Úc: món nầy là của Việt Nam?!
Ngoài ra nó cũng biết là người Việt mình có một số khoái, mê ăn thịt chó mà nó cho là rất dã man… Nên sau vài chai bia VB, thưởng thức bò bảy món do bà xã, em yêu, trổ tài nấu nướng, nó hứng chí kể câu chuyện tiếu lâm như vầy:
Có hai sinh viên Việt Nam, con ông cháu cha mới có tiền sang Úc du học. Thèm thịt chó, nên gọi: ‘Two dogs!’ Cho món ‘hot dog’. Khi giở miếng giấy bạc gói khúc bánh mì có ‘hot dog’ ra, đứa nầy hỏi đứa kia: ‘Mình ăn cái ‘phần’ nào của con chó vậy ta?’ Thấy… mà còn hỏi?
Mình biết nó đặt chuyện nầy để chơi khăm, xỏ ngọt người Việt mình nên người viết chờ cơ hội cho mầy một bài học nhớ đời nha con!
Johnny thường than thở, chán đàn bà con gái Úc lắm rồi! Tối ngày cứ đòi nam nữ bình quyền, nấu ăn thì không biết gì ráo. Rửa chén bằng máy cũng hổng chịu làm, mập thù lù như cái lu, chỉ chờ cuối tuần là dông ra ‘pub’ bù khú với bạn bè, bỏ thằng chồng ở nhà quạnh quẽ phòng không chiếc bóng với cái ti vi!
Trong khi đó, phụ nữ Việt Nam rất siêng năng, nấu ăn, giặt đồ, dùng máy rửa chén để làm sóng chén, đựng chén sạch, còn chén bát dơ em rửa bằng tay vì sợ hao nước, hao tiền. Thiệt là tam tòng tứ đức. Vợ như vậy mới là vợ chớ!
Johnny kết em Việt Nam tên Lan. Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo. Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi. Vì Lan ngoài tươi nên Johnny cứ tò tò theo khen em dễ thương (cute); xin số điện thoại nhưng em cứ lắc đầu. (Hey, babee, you cute! Can I hab yo fone numba?”)
Người viết hiến kế Johnny rằng: Con gái Việt Nam mà chú ‘dê’ kiểu Úc là thua rồi! Tại tui có vợ rồi nếu chưa thì…!
Muốn lấy lòng em thì phải lấy lòng ba em, anh em trước đã! Chú em nhảy ngang hông là không ăn thua gì đâu.
Nó hỏi gặp tía, gặp má, gặp anh em thì chào hỏi bằng tiếng Việt như thế nào? Người viết bèn dạy nó vài câu chửi thề. Kết quả hôm sau đi làm là thấy ngay lập tức! Bầm con mắt trái (giống y như tỉ phú Úc James Parker quánh lộn với người bạn nối khố David Gyngell, từng là phù rể cho y, đang làm xếp lớn của đài số 9) mà Johnny không hiểu tại sao lại bị ‘dợt’.
Tại sao! Cho chú em đừng giỡn mặt với tui khi tui đã nhậu sương sương! Tốn bia, tốn rượu, tốn mồi, tốn thời gian mà chú em không biết cám ơn (dù thi ân bất cầu báo) mà còn dám bày đặt chuyện xỏ xiên người Việt của tui ăn… chó!
Dù bị ăn vài đấm vô mặt như vậy nhưng Johnny chắc tuổi con đỉa nên bám hơi dai… Lần nầy xuống nước nhỏ nhờ tui dạy thêm cho vài mánh nữa.
Chẳng hạn như lại nhà người Việt được tía má em mời ăn cơm thì đừng có dại dột mà từ chối. Quất bốn chén, no cành hông rồi, mà má em bảo ‘Ăn thêm đi con!’ thì ráng làm thêm bốn chén nữa. Nói ‘không’ má em nghĩ mình chê bả nấu ăn dở ẹt! Thì phiền! Nên nhớ cho dù mình ba, bốn chục gì đi nữa mà muốn nhào vô làm rể nhà má thì má đối xử mình như mới 14, 15 tuổi thôi.
Nghèo, mua quà ít tiền tặng má thì nhớ mua dầu xanh hiệu con Ó; vì má Việt Nam nghĩ rằng dầu xanh con Ó trị bá bịnh: từ sổ mũi, nhức đầu, ăn không tiêu hay bị Tào Tháo rượt.
Còn nếu đua ngựa thắng nhiều tiền, rủng rỉnh, muốn giựt sộp mua chiếc xe tặng ba em chạy chơi lấy thảo thì cách tốt nhứt là mua xe Nhựt Bản, made in Japan, Toyota Camry chẳng hạn! Nhớ đừng mua xe Mỹ vì ba sợ hao xăng!
Còn cho má giải trí… thì chơi một dàn máy karaoke; tuy già rồi nhưng má rất thích làm ca sĩ. Tiền chưa đủ mà còn phải tài nữa! Ráng đi học lấy cái bằng bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư gì đó thì may ra. Cha mẹ Việt Nam rất không muốn gả con cho Tây ít học như chú mầy!
Johnny coi bộ tuyệt vọng trước những đòi hỏi cao quá tầm tay với. Thiệt là uổng công! Thôi bỏ cuộc! Johnny gặp lại em Lan lần cuối đòi lại những món đã trót nghe lời xúi dại của người viết mà đầu tư! Em Lan tiễn Johnny bằng một cái bạt tai. Người viết an ủi Johnny rằng: ‘Cuối cùng thì chú cũng đã toại nguyện vì Lan đã chạm đến thân thể của chú rồi… Thôi hãy quên em đi! Để đó cho tui!’
Kết luận là: Người Việt dễ thương! Nhưng thương không dễ!

Bảo Huân