Hiện nay, trên các “Top News” của làng truyền thông thế giới đều có tin cuộc đối đầu giữa Do Thái (Israel) và nhóm phiến quân Hồi Giáo Hamas. Hôm Thứ Sáu 8-8-2014, sau 72 giờ hưu chiến, quân lực Do Thái tái pháo kích ít nhất 70 mục tiêu của Hamas trên Dải Gaza, nói rằng để đáp trả việc Hamas vừa bắn trên 50 hỏa tiễn sang lãnh thổ Do Thái. Đến nay, số thương vong cho đôi bên đã vượt con số ngàn người.

Đôi bên đổ lỗi qua lại cùng một cách lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt tháng qua. Với người ít chú tâm đến thời cuộc thế giới, có lẽ khó biết hư thực ra sao. Ngay cả giới truyền thông cũng không ít lần bị cáo buộc là bị… gài hay mua chuộc để nghiêng về bên này bên nọ. Tại Hoa Kỳ, xứ đồng minh trước sau như một với Do Thái, số dân chúng đổ lỗi cho phe Hamas nhiều gấp đôi những người kết án phía Israel.
Hôm 7-7-2014, quân lực Do Thái mở chiến dịch “Operation Protective Edge” tiến vào Dải Gaza. Israel muốn chấm dứt nạn hỏa tiễn Hamas bắn sang nhà mình, giải giới đối phương, cùng lúc phá hủy hệ thống địa đạo của phe Hamas. Mối họa hỏa tiễn có thể bắn đi từ Gaza bất cứ khi nào khiến xã hội Do Thái gần như tê liệt. Đáng ngại hơn là càng về sau này, hỏa tiễn của Hamas càng tối tân hơn, có thể bắn vào sâu trong nội địa Israel. Hệ thống địa đạo của Hamas thì ngày một thêm dầy đặc, kiên cố, được đổ bê tông hẳn hoi, thậm chí nhiều đoạn chui luôn qua phần đất bên Do Thái. Ngày nào còn các địa đạo này, ngày đó các tay súng Hamas còn có chỗ để lẩn trốn, giấu võ khí, buôn lậu, v.v…
Các nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) đến nay vẫn chưa thành công. Ảnh Charles Dharapak – AP
Trong cuộc đối đầu võ lực này, hoàn toàn vắng bóng Tổ Chức Giải Phóng Palestine (Palestine Liberation Organization — viết tắt PLO). Rất ít thấy truyền thông đề cập đến chánh đảng Fatah của PLO, hay Chủ Tịch Palestine ông Mahmoud Abbas. Tổ chức PLO thành lập từ 1964, được trên 100 quốc gia thừa nhận là tổ chức đại diện cho dân Palestine. Từ năm 1974, PLO đã có mặt tại Liên Hiệp Quốc trong vai trò quan sát viên. Năm 1993, PLO chánh thức thừa nhận Israel, tuyên bố từ bỏ con đường bạo lực và khủng bố. Đổi lại, Do Thái cũng công nhận PLO chính danh. Tuy nhiên, từ sau khi lãnh tụ PLO Yasser Arafat qua đời 10 năm trước, tổ chức này như rắn mất đầu, uy tín ngày càng xuống thấp. Nhất là từ sau 2006 thua bầu cử, PLO mất quyền kiểm soát Dải Gaza về tay Hamas, nay chỉ còn nắm quyền ở phần đất còn lại của dân Palestine gọi là West Bank.
Thay vì PLO, hay Fatah, hay Thẩm Quyền Palestine (Palestine Authority), hay Nhà Nước Palestine (Palestine State) — tất cả đều là một — thì tràn ngập trên mặt trận truyền thông lại là cái tên Hamas (nguyên tên “Islamic Resistance Movement” — tạm dịch Phong Trào Kháng Chiến Hồi Giáo). Hamas thành lập năm 1987 như một nhánh nhỏ của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) xuất phát từ Ai Cập. Mặc dù cũng có hoạt động bên West Bank, phe Hamas đặc biệt được cư dân Palestine tại Dải Gaza ưa chuộng. Cách riêng từ dạo 2006 sau bầu cử và Do Thái phong tỏa Dải Gaza, phe Hamas nắm toàn quyền kiểm soát về chánh trị, kinh tế, quân sự… trên phần lãnh thổ này của dân Palestine. Uy tín Hamas cũng… có vết sẹo không nhỏ vì bị gán danh khủng bố bởi Do Thái và các nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Liên Âu EU, Jordan, Ai Cập, Nhật Bổn… Ngược lại, có Iran, nước Nga, Trung cộng, và nhiều nước Ả Rập khác, lại không kể Hamas là khủng bố.
Người tị nạn Palestine tá túc tại một trường học biến thành trại tị nạn dã chiến tại Beit Hanoun, phía bắc Dải Gaza. Ảnh Lefteris Pitarakis/Associated Press
Ngân sách hoạt động của Hamas mỗi năm ít nhất $70 triệu. Đa phần là tiền quyên góp cá nhân tại Palestine và thế giới Hồi Giáo. Riêng vương quốc Saudi Arabia góp trên 1/2 ngân quỹ. Iran là một nhà bảo trợ khác của Hamas và mấy năm gần đây càng lúc càng đóng góp mạnh mẽ hơn. Hoạt động chánh của Hamas là cung cấp các dịch vụ xã hội cho dân Palestine trong hoàn cảnh Thẩm Quyền Palestine không làm được vì nhiều lý do (hệ thống chánh quyền thô sơ, thiếu ngân sách, v.v…) Trong những công việc của Hamas có tài trợ trường học – thư viện, lập trại tế bần, điều hành Thánh Đường Hồi Giáo, mở nhà thương, nấu bếp ăn từ thiện, thậm chí tổ chức các cuộc tranh tài thể thao, v.v… Ngay cả nhiều học giả Do Thái thù địch cũng ước lượng đến 90% hoạt động của Hamas liên quan đến các việc xã hội, từ thiện, văn hóa, giáo dục…
Nhưng bộ máy quân sự của Hamas, gọi là các Lữ Đoàn Izz ad-Din al-Qassam Brigade, lại thu hút mọi sự chú ý của công luận thế giới. Hamas có tối đa 10,000 tay súng. Mục tiêu quân sự là “giải phóng” hoàn toàn Palestine, thiết lập một Hồi Quốc trên phần đất Do Thái ngày nay, cộng thêm West Bank và Dải Gaza. Phe Hamas khăng khăng không chịu công nhận Do Thái, và đây là một trong những trở lực lớn trên bàn đàm phán. Các Lữ Đoàn Izz ad-Din al-Qassam Brigade thường thình lình tấn công Do Thái bất kể mục tiêu quân sự hay dân sự.
Hiện tại, người Palestine chưa có quốc gia riêng nhưng tạm xem có quyền tự trị giới hạn tại West Bank và Dải Gaza. Phần đất Gaza nhỏ bé, diện tích chưa đầy 360 cây số vuông (khoảng 1/5 thành phố Sài Gòn). Đây là địa danh lẫy lừng từ xưa, nơi khởi đầu câu chuyện người hùng Do Thái Samson sức mạnh vô song lại dính bẫy mỹ nhân kế với người đẹp Delilah. Samson chỉ mất hết sức mạnh, chịu sa lưới quân thù khi bị Delilah phản bội cạo đầu nhẵn nhụi. Câu chuyện Samson và Delilah là nguồn cảm hứng vô tận cho vô số nghệ sĩ qua hằng ngàn năm nay. Còn mảnh đất nơi hai người đã gặp nhau cũng trải bao thăng trầm, bị đủ loại thế lực thay phiên chinh phục, từ La Mã, Napoleon, Ottoman Empire, đến Anh Quốc thời Thế Chiến I. Năm 1967, sau cuộc chiến chớp nhoáng đánh bại liên quân Ả Rập, Israel độc chiếm Gaza. Đến tháng 9-1993, Do Thái và PLO đạt thỏa thuận triệt thoái quân Israel khỏi Gaza.
Bản đồ Dải Gaza và vùng Westbank nằm tách biệt, lẫn trong lãnh thổ Do Thái.
Đã rút đi, nhưng Do Thái vẫn kiểm soát không phận, hải phận, và mọi ngả ra vào Dải Gaza, viện cớ an nguy quốc gia. Sau gần 2 ngàn năm biệt xứ, năm 1947, dân Do Thái cuối cùng được Liên Hiệp Quốc chia một phần trên mảnh đất cố hương bên bờ Địa Trung Hải để tái lập quốc gia Do Thái. Lãnh thổ Israel rộng chừng 8,000 dặm vuông (gần 21,000 cây số vuông, chỉ khoảng gấp đôi diện tích tỉnh Quảng Nam, trung phần VN). Có thể kinh nghiệm lưu đày quá lâu, phải vừa sống còn vừa không đánh mất bản sắc riêng, đã làm nên dòng máu dân tộc Do Thái được tiếng là chắt chiu, khôn ngoan, đoàn kết, tổ chức chặt chẽ… vào bậc nhất thế giới.
So với người Palestine và phe Hamas trong tranh chấp hiện nay, rõ ràng phía Israel có nhiều lợi thế hơn, không chỉ về quân sự mà cả trong kinh tế cũng như chánh trị. Họ đánh trận rất khốc liệt, dùng uy lực thập phần trên cơ đối phương, nên ngoài mục tiêu triệt hạ Hamas, họ cũng thường gây nên những thiệt hại to tát cho thường dân lẫn các công trình công cộng. Trong xung đột hiện nay, cả tổ chức nhân quyền Human Rights Watch lẫn Hội ân xá quốc tế Amnesty International đều đã lên tiếng mạnh mẽ cáo buộc Do Thái vi phạm luật thời chiến, thậm chí có dấu hiệu tội phạm chiến tranh.
Về phần người Palestine và phe Hamas, từ tuần đầu tháng 7-2014, khi Do Thái mở chiến dịch “Operation Protective Edge” tiến vào Dải Gaza, yêu sách trước hết là Israel phải triệt thoái toàn bộ binh lực để đổi lấy một thỏa thuận hưu chiến dài hạn. Mục tiêu xa hơn, Hamas muốn Do Thái phải mở cửa biên giới, chấm dứt phong tỏa, để người Palestine có thể nhập cảng hàng hóa, thực phẩm, y cụ… Họ cũng sẽ đòi hỏi tuần duyên Do Thái tránh xa bờ biển Gaza một vùng 12 dặm để ngư phủ người Palestine tự do giong tàu đánh cá. Các thiệt hại tàn khốc cho phía Palestine và Dải Gaza, nhất là thương tích điêu linh cho thường dân, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, cách nào đó giúp cho phe Hamas ít nhiều chánh nghĩa trước con mắt dư luận thế giới.
Soi xét kỹ hơn, đằng sau cuộc đối đầu đẫm máu Do Thái – Hamas còn nhiều vấn đề phức tạp. Một dư luận xem Hamas là tổ chức khủng bố, trong khi với nhiều người khác họ lại là các “chiến sĩ tự do”. Ngay trong nội bộ người Palestine cũng có sự xa lạ, đố kỵ giữa Hamas và Thẩm Quyền Palestine Authority, cũng như đảng Fatah xuất thân PLO. Cuộc chiến Gaza cũng là một cách xác định phe nào bá chủ vùng Trung Đông. Nó chỉ là một phần của cuộc chiến lớn hơn chống lại Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood), một tổ chức cực đoan ngày nay có mặt tại trên 70 quốc gia. Đây thực chất là cuộc đối đầu giữa Hồi Giáo cực đoan — Huynh Đệ Hồi Giáo, Hamas, Hezbollah (bên Lebanon)… và người đỡ đầu Iran — chống lại các khuynh hướng Hồi Giáo trung dung hơn. Không ít xứ Ả Rập, trong đó có Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan… mang tâm lý… hồi hộp với khuynh hướng cực đoan còn hơn là… sợ Do Thái. Các nước này có thể thậm chí xem sự tàn lụi của Hamas có ích hơn cho an ninh của riêng mình và cho toàn vùng.
Cái khó của Israel là sự chính danh. Có 18 trong 22 thành viên của Liên Đoàn Ả Rập không thừa nhận quốc gia Do Thái. Iran sắt máu nhất, nhiều lần đòi xóa Do Thái khỏi bản đồ thế giới. Sau hiệp ước song phương năm 1979, Ai Cập thiết lập bang giao với Do Thái, có nhiều lần đứng trung gian đàm phán hưu chiến giữa đôi bên Israel và Palestine. Nhưng ngay tại Ai Cập, trên 90% dân số nước này vẫn coi Do Thái là quốc gia thù địch. Thậm chí, cả hai quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ và Tây Phương là Iraq và Afghanistan đều không công nhận Do Thái.
Thủ Tướng Do Thái hiện thời Benjamin Netanyahu là một cựu biệt kích có lập trường cứng rắn, không lùi bước. Tuy nhiên, vì nhu cầu tranh đấu tàn khốc để sống còn, Israel nhiều khi trở nên diều hâu, hiếu chiến, bạo tàn, thậm chí vô nhân đạo. Dó đó, dù có chánh nghĩa, Do Thái có thể mất mát cảm tình của công luận, ngay cả với nhiều người lâu nay không quan tâm. Cho dù có kiểm soát được kỹ nghệ truyền thông — bằng nhiều cách như làm chủ hoặc tài trợ — Do Thái vẫn khó tránh điều ngộ nhận.
Các nỗ lực ngoại giao hiện tại đều chỉ nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Chừng nào người Palestine chưa có một quốc gia riêng, chưa có nền kinh tế phồn vinh, chưa có nhiều công ăn việc làm… thì vẫn còn sự nghèo khổ, bần hàn, bế tắc, thù hận… Khi tuổi trẻ Palestine không nhìn thấy tương lai, họ dễ liều mạng đi theo Hamas hay các nhóm khuếch trương bạo lực khác. Trả thù Do Thái trở thành một lẽ sống. Và những cảnh tang tóc cho phụ nữ, trẻ em trước ống kính các đài truyền hình sẽ còn tái diễn nhiều lần nữa.
Qua trang báo này, Trẻ cố gắng phác họa đôi nét thực tế và gút mắt đằng sau cuộc đối đầu Do Thái – Hamas. Đặc biệt là trường hợp tổ chức Hamas: họ là ai, ân oán thế nào với Do Thái, gốc tích ra sao, đại diện cho ai, thế lực tới đâu, được hậu thuẫn bởi ai, v.v… Chúng tôi hy vọng đây là những kiến thức cần thiết cho độc giả tìm hiểu những sự kiện… hot đang diễn ra quanh mình, nhất là khi nó đang độc chiếm sự ưu tiên của giới truyền thông toàn cầu.
Một binh sĩ Do Thái bên trong địa đạo của Hamas hôm 25-7-2014. Ảnh Jack Guez/AFP/Getty Images
TD