Menu Close

Giòng lệ

Tiếng khóc oa oa vang lên giữa không gian trắng của bệnh viện, báo hiệu một phận người vừa mới bước vào cõi thế. Bé thơ chào đời. Chuyển mình từ thế giới riêng tư, tĩnh lặng, dịu mát, đơn thuần trong lòng mẹ, sang thế giới chung đụng, phức tạp, nóng bỏng, đầy hệ lụy của cuộc sống, hài nhi than rất nhẹ. Với người thích văn chương, lời than rất nhẹ ấy được họ gọi bằng nhiều danh xưng bóng bẩy: Đó là tiếng hát trinh nguyên, là giọng ngâm khởi nghiệp, là ý ngỏ ban đầu, vọng về  từ vô lượng kiếp. Với những ai đơn giản, họ nói ngắn gọn: Em bé đã khóc khi tuyên thệ làm người. Dù gọi bằng cách nào đi nữa, tiếng khóc ban đầu ấy thật đã dẫn đưa người ta đi từ khúc quanh ngặt nghèo này, sang khúc quanh ngặt nghèo khác. Ở từng khúc quanh ngặt nghèo của thân phận, tiếng khóc hóa hiện hơi thở dài, tiếng khóc hóa hiện câu than vãn, tiếng khóc hóa hiện nỗi đau buồn…, khiến giòng sông định mệnh đánh mất ngả rẽ luân lưu, nên thuyền đời không còn có thể thong dong giương cao cánh buồm ra cửa biển. Có vẻ như vừa giã từ ấu thời vàng bướm bên ao, người ta đã phải trượt dài trên đường cong bất ngờ của may rủi. Có vẻ như vừa bước ra khỏi lâu đài của tuổi thần tiên, người ta đã phải sống vật vờ phiêu hốt, không nắm bắt được đích điểm của đời mình.

Từ đó tiếng khóc ban đầu thoát thai thành giòng lệ. Trong giòng lệ u buồn ấy, có vành khăn sô của vợ để tang chồng, đã chết tức tưởi trong lao tù thống khổ. Trong giòng lệ u buồn ấy, có hơn nửa đời hư của thế hệ đàn anh khi thế sự xoay vần, khi trại cải tạo triệt tiêu lý tưởng của những chàng trai Miền Nam Nước Việt. Trong giòng lệ u buồn ấy, có hình ảnh em thơ chưa biết nói đã sớm thành cô nhi, vì mẹ cha bị giết hại trên con thuyền vượt biển. Trong giòng lệ u buồn ấy, có nụ cười vong thân của những ai phải bỏ quê cha đất tổ ra đi. Phải chăng vì chào đời bằng tiếng khóc, nên người ta đành lầm lũi đi trong giòng lệ thảm? Tôi không nghĩ như vậy. Khi bé thơ vừa lọt lòng mẹ, tiếng khóc oa oa của em được gia đình đón nhận bằng nụ cười hạnh phúc. Điều này cho thấy dù bị trôi theo giòng xoáy thăng trầm được mất của kiếp người cùng khốn, người ta vẫn có thể hâm nóng niềm tin yêu hy vọng, khi nhìn thấy một mầm sống vừa xuất hiện trong cộng đồng nhân loại. Những nỗi đau nỗi khổ chằng chịt có trong đời, thật đúng là triều dâng sóng động. Nhưng khi bão táp qua đi, biển lại là thái bình dương, sóng bạc nhẹ trôi dưới ánh trăng vàng đẹp như huyền thoại. Giải khăn sô quấn ngang đầu người cô phụ là biểu tượng tình yêu, để mỗi người tự cảm nhận: Sự chết cũng không làm mất đi tình nghĩa thủy chung của hai tâm hồn đã nên một.

Cuộc sống của bất cứ ai cũng rất quý giá. Cuộc sống của cha mẹ phải chăng còn quý giá và đáng trân trọng hơn, bởi vì cha mẹ phải đương đầu với tất cả mọi hiểm họa, có khi phải thiệt mạng, vì muốn bảo vệ các con, vì muốn chúng được sống trong bầu trời tự do, hạnh phúc. Dấu tích tình yêu tuyệt vời này là gia nghiệp vô giá, để bé thơ lớn lên – cho dù là cô nhi –  vẫn sống làm người công chính để đền đáp công cha nghĩa mẹ sinh thành. Tháng năm phiêu bạt xứ người, bước chân khấp khiểng chơi vơi vì đường xa gánh nặng, hỏi ai không luyến nhớ quê hương? Bất ngờ trên đất khách giữa ráng chiều đỏ ối, hóa hiện nhịp cầu nho nhỏ, hóa hiện con đò thân quen, xui giục lòng tôi, lòng anh, lòng chị, và lòng của muôn ngàn lữ khách cất cao tiếng hát:

“Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre.
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè chào đón người về.
Mẹ lần mò, ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ.
Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa, vì quá đợi chờ.  
Ngày trở về, trong bếp vui anh nói chuyện nghe. Chuyện đời chiến sĩ sống say mê, đường xa lắm khi nương hồn về quê….! [*]

Những lúc như vậy nụ cười vong thân sẽ lại tươi sáng, niềm tin yêu hy vọng xanh tươi như lúa đương thì con gái, phất phới bay trên đồng ruộng. Lòng của tôi cũng như lòng của anh chị bừng sáng theo giai điệu ngàn thương, giòng lệ chảy vì cảm nhận hạnh phúc được sống làm người. Hiểu theo một nghĩa khác đúng vào lúc bé thơ chào đời, tiếng khóc oa oa của em vang lên. Tiếng khóc ban đầu này thật đã hóa thành giòng lệ. Nhưng không phải là giòng lệ chán nản, u buồn. Mà là giòng lệ của niềm tin yêu hy vọng, khi địa cầu đón nhận thên một công dân mới giữa ánh dương hồng.

HV – 5:15am Chủ Nhật ngày 3 tháng 8 năm 2014
[*].  Ca khúc “Ngày Trở Về” của nhạc sĩ Phạm Duy.