Có một truyền thuyết về ngày rằm Tháng Bảy âm lịch mà một số người khi nghe tới không khỏi băn khoăn, đó là chuyện thiên đường, địa ngục. Thực ra, mục đích của câu chuyện này mang ý nghĩa khác. Đơn giản chỉ đề cao sự hiếu thảo, để con cái nên tìm mọi cách báo hiếu cha mẹ mình. Một trong những đệ tử của Đức Phật, Ngài Mục Kiền Liên, tu hành đến mức thượng thừa, có thể nhìn thấy mọi việc trên trời dưới đất. Ông dùng huệ nhãn tìm thân mẫu thì thấy bà đang bị đày dưới địa ngục. Thấy mẹ đói khát khổ sở, ông dùng phép dâng cơm lên cho bà nhưng hễ gần đến miệng thì cơm hóa thành lửa. Quá thương mẹ, ông cầu xin Đức Phật giúp đỡ. Đức Phật dạy rằng tội của bà quá lớn, phải nhờ các bậc Cao Tăng trong thế gian đồng tâm cầu nguyện thì mới giải được. Mục Kiền Liên đã thỉnh các Chư Tăng khắp mười phương về cầu nguyện và cuối cùng thân mẫu của Ngài được giải thoát khỏi địa ngục.
Giả sử bà Thanh Đề, thân mẫu của Mục Kiền Liên, không bao giờ được giải thoát thì Ngài sẽ cảm thấy như thế nào? Cho dù tu thành Phật, đạt đến Niết Bàn, liệu Ngài có thể hạnh phúc được không? Nói rộng ra, những người con hiếu thảo, dù ở bất cứ nơi đâu, khi thấy cha mẹ của mình sống đau khổ thì họ có thể hạnh phúc được không? Nếu một người được lên Thiên Đàng nhưng tìm không thấy cha mẹ của mình thì có thể an tâm tận hưởng hạnh phúc? Ngược lại, một người bị đày xuống địa ngục nhưng biết rằng cha mẹ (hoặc con cái) mình được lên Thiên Đàng thì vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc. Giống như nhiều cha mẹ sống khổ cực, sau năm 1975, gửi con đi vượt biên và được đến Mỹ. Nhiều đứa trẻ quá nhỏ không thể đi làm để gửi quà về nhà nhưng cha mẹ của chúng vẫn cảm thấy vui sướng. Thành ra, vật chất (và ngoại cảnh) có thể giúp người ta vui sướng nhưng chính tinh thần mới làm con người hạnh phúc. Nói khác đi, hạnh phúc từ tâm mà ra, như triết lý của đạo Phật.
Tùy theo tâm tính mỗi người, hạnh phúc ấy dễ đạt được hay không. Một kẻ ích kỷ, mặc kệ cha mẹ có bị đày dưới địa ngục hay không, bản thân mình được lên Thiên Đàng là đủ hạnh phúc rồi. Một người hiếu thảo, nếu biết (trước) cha mẹ bị đọa đày dưới địa ngục, có khi lại cầu nguyện được xuống địa ngục để phụng dưỡng cha mẹ, cho dù (khi chết) được lên Thiên Đàng. Vào Tháng Tư năm 1975, nhiều sĩ quan VNCH đủ điều kiện để ra đi nhưng đành phải ở lại vì kẹt cha mẹ già đang đau yếu. Ở tù, khi thấy cha mẹ già cả lặn lội lên (rừng) thăm, họ khuyên cha mẹ lần sau đừng đi nữa. Thành ra, khái niệm Thiên Đàng và Địa Ngục chỉ mang tính tương đối, nhất là đối với những ai sống theo đạo lý làm người. Đạo lý ấy thì hầu như tôn giáo nào cũng có. Vậy thì nhiều tôn giáo đưa ra khái niệm Thiên Đàng, nhất là Địa Ngục, để làm gì? Có lẽ họ làm vậy để răn đe những ai làm chuyện xấu và khuyến khích mọi người làm việc thiện.
Tuy nhiên, có một khía cạnh về chuyện này mà có lẽ một số tôn giáo không giải thích rõ nên kẻ phàm nhân như chúng ta đành phải suy luận và phỏng đoán thôi. Đó không phải là Thiên Đàng và Địa Ngục nằm chính xác ở đâu mà là mất bao lâu mới tới được. Giả sử linh hồn có thể bay nhanh như… chớp (bằng tốc độ ánh sáng) và hai nơi này ở quanh quanh đâu đó gần (quỹ đạo) Mặt Trời thì chỉ mất độ mươi phút. Nếu ở xa tít gần mấy ngôi sao được nhìn thấy vào ban đêm thì có khi mất cả triệu năm mới bay thấu tới đó. Giả sử chỉ mất chừng một… ngàn năm thôi, liệu tính răn đe và khuyến khích của hai nơi đó có hiệu quả không? Nếu một kẻ sắp giết người biết rằng nếu bị bắt và xử tử, một ngàn năm nữa mới “xuống” địa ngục thì hắn có sợ mà suy nghĩ lại hay không? Một người khác biết trước sẽ được lên Thiên Đàng mà nghĩ đến cảnh phải bay trong không gian lạnh lẽo cô quạnh của vũ trụ cả ngàn năm thì có còn hứng thú gì không?
Dầu sao vấn đề mất bao lâu chỉ là chuyện nhỏ. Cái chính Thiên Đàng có thể là Địa Ngục và Địa Ngục có thể là Thiên Đàng hay nói theo kiểu vừa triết lý, vừa… “không đâu” Thiên đàng hay Địa ngục đều tại tâm.