“Ăn theo thói, nói theo thời.” Mỗi thời một kiểu. Ngày xưa, người Việt mình hay mắng, “Đồ nửa nạc nửa mỡ.” Còn ở Mỹ, có nhiều món ăn có bacon thì được quảng cáo rầm rộ, tuy lắm người vẫn phải dè chừng khi nghĩ đến chuyện cholesterol và sức khỏe.Ba rọi cũng lên voi xuống chó như ai. “Sông có khúc, người có lúc” là vậy.
Ba rọi thời nay
Ba rọi, trong nghĩa bóng thông thường, thì ám chỉ những cái nửa chừng, hàm ý chê bai. Thế nhưng trong một xã hội đa chủng với nhiều trào lưu văn hóa và những cơn sóng thời thượng của giới trẻ, ba rọi là một chuyện tất yếu. Có muốn chê thì đám trẻ vẫn tỉnh bơ. Thậm chí, những gì đi ngược với “social norms” hay những tập quán xã hội thì được coi là “có cá tính” và “ngầu.” Nếu “homie” quá thì sẽ bị đào thải một cách thỏa đáng, hay cô lập một cách thảm thương.
Những thế hệ chuyển tiếp, nôm na là thế hệ bắc cầu hay ‘một rưỡi,’ có thể nói là một dạng ba rọi thời nay. Ở những “quê hương thứ hai,” người dân gốc Việt hay sợ con cái mất gốc. Ăn mặc theo thời trang quá thì đôi khi cha mẹ cũng nhăn mặt lắc đầu. Nói năng thiếu cung cách Việt “gọi dạ bảo vâng” thì sẽ bị la rầy. Cái khổ là, thưa gửi phải đúng thứ bậc, mà những bạn lớn lên ở Mỹ thì cứ như bị lạc vào trong một matrix khi nghĩ đến những “chú, bác, cô, dì, thím, mợ, dượng, cậu…”
Người ta vẫn truyền miệng những giai thoại về con nít Việt ở Mỹ nói tiếng Việt. “Ông nội, thằng bạn của ông nội mới gọi đó!” Hay để an ủi ông bà cha mẹ rằng cảnh già sẽ không cô quạnh, một cô bé mười lăm nói, “Mai mốt, mấy người (ông bà, cha mẹ) già đi, tụi con sẽ mua một cái nhà để nhốt hết mọi người vào rồi nuôi.” Một cô giáo Việt ngữ thì khúc khích cười mỗi lần chấm bài luận của học trò, chẳng hạn như mỗi lần cô đọc những bài như vầy, “Con heo nam ở nhà em mỗi lần thấy con heo nữ thì đuôi nó chỏng thẳng lên trời mừng rỡ.” Heo với lợn mà gọi “heo nam” “heo nữ” nghe cứ thanh lịch hẳn ra.

Các bạn sinh viên Việt tại Phần Lan dạo phố Helsinki
Nghỉ hè Việt Nam
Trong hai thập niên gần đây, chuyện về Việt Nam thăm nhà trở thành một tập quán bất di bất dịch của cộng đồng Việt ở Mỹ, chỉ thưa đi khi SARS hoành hành hay cúm lợn bộc phát. Không kể đến những cá nhân bị liệt vào “sổ bìa đen” của chính quyền trong nước, người ta đi qua về lại như chuyện cơm bữa. Nhiều người vẫn về Việt Nam nghỉ hè như một lịch trình cố hữu, như chuyện ăn Tết hay mừng lễ Độc Lập vậy.
Gần đây, càng nhiều bạn trẻ về thăm quê hương, nhất là những cô cậu đã sống ở Việt Nam ít năm. Về gặp lại bà con, có đứa kể, “Bà dì nắm tay nắm chân, sờ đầu sờ cổ rồi nói, ‘Thằng cháu của dì đây ha! Nó lớn dữ quá!’ Mười ba năm mới gặp lại, nghe mà thương dì quá!”
Thoạt nhìn, việc về Việt Nam nghỉ hè xem ra chỉ là chuyện đi nghỉ mát cho vui. Nhưng suy cho kỹ, trẻ già đều bị một sợi dây vô hình nào đó kéo đi. Nhìn vào sự lặp lại và tần số lặp lại, hóa ra những chuyến đi đó còn có những nguyên nhân sâu xa hơn là chuyện đơn thuần đi du lịch mùa hè. Người ta về vì còn thương lắm người thân và quê hương ở bên kia Thái Bình Dương. Bây giờ, thì còn có nhiều nhà hoạt động dân chủ rất trẻ (và đã từng trẻ) trở về Việt Nam để tranh đấu cho đồng bào còn đang khốn khổ dưới chế độ độc tài.
Ba rọi thứ thiệt
Những cô cậu sinh viên quận Cam chưa thi giữa khóa cho mùa Xuân, đã lên chương trình nghỉ hè. Họ đi Việt Nam.
Càng ngày càng có nhiều sinh viên đi Việt Nam nghỉ hè, không phải theo kiểu đi Hạ Uy Di hay đến những bãi cát dài xanh sóng đại dương của Địa Trung Hải. Họ về thăm nhà, “check out” sinh hoạt thanh niên ở bên đó, khám phá một vùng trời mà khi trở lại Mỹ, họ cảm thấy mình “cool” hơn lắm lắm. Họ đã bắt được nhịp cầu với văn hoá gốc qua đời sống hằng ngày của người thân, hay hiểu rõ hơn lý tưởng dấn thân cho dân chủ tự do vì Việt Nam của mình trước nay.
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, mà nói tiếng Việt sõi thì không hiếm, nhưng cũng không phải là chuyện nhỏ. Chuyện ngôn ngữ chỉ mới là một. Chuyện ăn uống, cư xử, suy nghĩ, nhận thức, mới là điều làm cho người trẻ gốc Việt thật sự “ba rọi” với trọn vẹn cái oái oăm và quái gở của nó. Chẳng hạn, ăn chả giò với ketchup. Và họ về Việt Nam, tham gia những sinh hoạt thường ngày của giới trẻ, vẫn thấy nô nức và rộn ràng, dù chẳng có gì đặc biệt hơn ở Mỹ.
Ở quận Cam, sinh viên dạy nhau tiếng Việt qua những tổ chức học đường. Bạn nào ngọng tiếng Việt, thì sẽ tự giác nghe ngóng và nói theo. Có một em thuộc hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam nói, “Hồi đó, tụi em nói ba phần tư tiếng Anh, một phần tư tiếng Việt. Bây giờ thì nửa này nửa kia. Tụi em cũng cố gắng nói tiếng Việt thường xuyên hơn để dạy cho nhau. Có nhiều chữ hổng biết thì chêm tiếng Anh vào.” Cách dùng từ của các bạn tương đối khá hơn em học trò Việt ngữ trên, nhưng cũng không phải là tiếng Việt thuần túy. Ba rọi mà!
Nếu dùng ngôn ngữ là một yếu tố để giải mã mức độ văn hóa của một người thì đi tìm văn hóa là dấu hiệu chứng tỏ mức độ khao khát văn hóa đó. Vậy, bọn trẻ đi đâu tìm văn hóa? Những trại về nguồn, những chuyến đi tự túc hay thành nhóm do người trẻ chủ xướng, đều nhắm vào mục đích nhận diện mình là con cháu Lạc Việt. Họ muốn về, để đặt chân lên mảnh đất ấy, nói chuyện với đồng bào địa phương, và “giành” cho mình một cái gì đó Việt. Dù họ sẽ được thấy nhiều điều khác không tốt đẹp về chính quyền hiện nay.
Ba rọi tương lai
Những ba rọi tương lai của cộng đồng Việt Mỹ đang xoay mình theo một hướng đi mới. Ba rọi biết mình, biết giá trị của mình, và không tự ti về văn hóa gốc. Những bạn trẻ đến từ vùng Mississippi đã ghé qua Little Sàigòn một lần đều phải thốt lên, “Ở đây sướng quá! Nghe tiếng Việt, nói tiếng Việt cũng đủ vui rồi!”
Theo những thuyết về văn hóa của ngành nhân chủng học, đặc biệt là với Branislaw Malilnowski, thì một cá nhân chỉ thực sự chạm mặt với văn hóa của mình khi phải tồn tại trong một xã hội khác văn hóa gốc.
Ba rọi Việt hải ngoại, theo cái nhìn mới và xu hướng mới, vẫn qua, lại, và đưa chính văn hoá Việt về lại Việt Nam khi họ còn giữ được những bản sắc văn hoá truyền thống mà chính ở trong nước đã lâu không còn trân quý. Văn hóa Việt, nhờ đó, được khai màu giữa vườn hoa văn hóa nhân loại. Để ba rọi hơn.

Tuổi trẻ quây quần tại các Hội Xuân cộng đồng để tìm về nguồn