Nhạc sĩ Tô Hải tên đầy đủ là Tô Đình Hải sinh năm 1927 tại Hà Nội, hiện đang sống tại quận Bình Thạnh Sài Gòn. Sau khi bỏ đảng Cộng Sản ông đưa quyển “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” cho nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia ấn hành năm 2009. Tập hồi ký do tác giả giữ bản quyền đã gây nhiều tranh cãi, và là quyển sách được tìm đọc nhiều nhất trên Internet. Ở tuổi 87 sức khoẻ suy kém, di chuyển khó khăn, nhưng nhạc sĩ Tô Hải vẫn chứng tỏ sự minh mẫn qua những bài viết đăng trên khung trời cyber, và là một trong số những bloggers được nhiều người đọc nhất tại Việt Nam. Mở đầu tập hồi ký nhạc sĩ Tô Hải viết:
“Tập “Hồi Ký” này tôi đã viết xong từ năm 2000, nhưng do… hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do… hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa “Để xuất bản vào năm 2010.” Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã… chết! Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn còn rụt rè, vẫn còn lấp lửng. Mới biết mình vẫn còn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền “chuyên chính vô sản” mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình sẽ phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.Tôi thấy mình cần phải sửa lại cuốn sách – từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh tường về những sự kiện lịch sử – và viết thêm về những con người cần được nhắc tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh một thời đại.Và viết thêm một chương “TÔI ĐÃ HẾT HÈN!” (*)

Nhạc sĩ Tô Hải
Nhạc sĩ Tô Hải viết về nỗi đau của một người không được sống làm người đúng nghĩa. Ông từng nhìn thấy cả một xã không còn bóng đàn ông, trắng xóa khăn tang của các chị, các mẹ…Cả một đơn vị, một chuyến phà, một đoàn xe, một gương mặt, thậm chí một bà mẹ già còng lưng chở lính qua sông là “Mẹ Suốt,” một tiểu đội con gái đêm đêm san đường, lấp hố bom, mới gặp mặt hôm trước hôm sau đã thành tro bụi. “Đố ai tìm được cái xác nào sau khi bom B52 rơi trúng bến phà Xuân Sơn nhỏ bé ở Quảng Bình, ở ngã ba Đồng Lộc ấy! Bản thân tôi, khi trực tiếp gặp họ, tôi đều nghĩ: Chắc đây là lần gặp… cuối cùng. Và, quả là như vậy.”(*) Đó là hình ảnh miền Bắc Việt Nam, trong cuộc chiến dài gần thế kỷ mà người tự nguyện dấn thân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” như nhạc sĩ Tô Hải đã chứng kiến.
Trả lời những câu hỏi của báo chí hoặc truyền thanh truyền hình, nhạc sĩ Tô Hải luôn nói đến nguyên lý bất diệt của nghệ thuật: “Chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim.” (*) Nhưng thật bất hạnh trái tim của ông gần một thế kỷ qua lại không hề đập vì…ông! “ Nó bị trói buộc, bị cưỡng bức phải đập vì những cái xa lạ với tôi: Vì Đảng, vì hai cuộc chiến, vì những tín điều nhập khẩu từ các nước cộng sản Nga, Tầu.”(*) Biết bao tên tuổi lớn phải chịu sự hắt hủi, thậm chí săn đuổi, cách ly, của tập đoàn nắm quyền lực, kể cả bị lên án là “phản bội,” đã để lại cho dân tộc nhiều tác phẩm ghi lại những gì họ suy ngẫm khi trải nghiệm những đau khổ, những chịu đựng ghê gớm về vật chất lẫn tinh thần để tồn tại, để tìm tòi và sáng tạo. Trong khi đó hồi ký của các “lãnh tụ cách mạng” chỉ là những quyển sách viết ra cốt tự đề cao mình một lần cuối, để giải thích và chống chế cho những sai lầm, đổ tội cho người khác về những thất bại mang tính lịch sử mà kẻ viết hồi ký chính là tội phạm.
Nhạc sĩ Tô Hải hy vọng có ngày đất nước hoàn toàn “đổi mới” thật sự, để quyển hồi ký của ông “được in ra làm tài liệu lưu trữ về một thời cay đắng và tủi nhục nhất trong lịch sử Việt Nam.” (*) Ông hy vọng lúc ấy “những đại bàng… cánh cụt” (*) là ông và các bạn của ông được nhắc tới, như những chứng nhân lịch sử.

3:14am Chủ Nhật ngày 11 tháng 8 năm 2014
(*). Trích trong “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn.”