Menu Close

Vu lan thắng hội

Hàng năm đến Rằm Tháng Bảy, theo truyền thống và theo nghi thức của Giáo Hội Phật Giáo, ngoài lễ cúng “Mông Sơn Thí Thực” an ủi vong hồn thập loại chúng sinh, thiền viện còn tổ chức Vu Lan Thắng Hội, để người Phật Tử bày tỏ lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ và tổ tiên còn sống cũng như đã qua đời. Bất cứ ai dù không phải là Phật Tử cũng từng tham dự Lễ Vu Lan, từng cảm nhận hạnh phúc khi được cài hoa hồng trên áo. Mùa Vu Lan hay Rằm Tháng Bảy là thời điểm có nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng Bảy mưa ngâu. Nhịp cầu Ô Thước bắc ngang dải Ngân Hà. Ngưu Lang và Chức Nữ  -hai tâm hồn lẻ loi cô độc – hằng đêm tư lự trong nỗi sầu ly biệt thiên thu giữa trời cao đất rộng, đã chọn ngày Thất Tịch giữa mùa mưa sụt sùi để mừng ngày trùng hoan đoàn viên. Vì sao “tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, toát hơi may lạnh buốt xương khô. Não người thay buổi chiều thu, ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…,” [1] lại là ngày để người con chí hiếu nhớ đến công cha nghĩa mẹ sinh thành.

Một mùa Lễ Phật Giáo được tổ chức khắp Đông Nam Á trong khoảng Rằm Tháng Bảy. Ở Nhật Bản gọi là Lễ Obon. Chữ Bon là Urabon do người Nhật phiên âm từ  Chữ Phạn Ullambana. Người Trung Quốc phiên âm ra Hán Văn là Vu Lan Bồn, hoặc Ô Lam Bà Na. Người Việt Nam gọi tắt là Vu Lan. Nhiều người hiểu chữ Bồn theo âm Hán Việt, nghĩa là cái bồn, cái chậu, vì ngộ nhận trong mùa lễ này thiện nam tín nữ Cúng Dường Tam Bảo, để chú nguyện cho hương linh thân nhân được siêu thăng tịnh độ. Cái bồn là vật đựng thức ăn cúng dường. Nếu hiểu Vu là cái bát, Bồn là cái chậu, chắc chắn không ai hiểu chữ Lan trong ba từ Vu Lan Bồn mang ý nghĩa gì, mặc dù theo nghĩa thông thường Lan chính là hoa lan. Để hiểu đúng thuật ngữ Vu Lan Bồn, người ta phải quay về nguồn gốc Tiếng Phạn. Ullambana có nghĩa là “treo lên,” ngụ ý sự thống khổ của các vong linh đói khát bị đọa đày (bị treo lên) trong địa ngục. Trên thực tế chỉ là mượn âm Hán để phiên dịch Chữ Phạn (Sanskrit), không có liên quan gì đến “cái chậu hay cái bồn.” Theo các nhà Phạn Học và Phật Học, ba chữ “Vu Lan Bồn” có nghĩa là “giải thoát khỏi sự khốn khổ tột cùng.” Vu Lan Thắng Hội có nghĩa là lễ hội nói về chữ Hiếu, một lễ hội cao trọng nhất, vượt lên trên tất cả mọi lễ hội.

alt

Bông hồng cài áo là một tục lệ đẹp ngày Vu LanNGUỒN GIACNGO.VN

Cúng Dường Tam Bảo trong Rằm Tháng Bảy để kết thúc Mùa An Cư (=Vàrsika), chính là ba tháng mùa mưa tính từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy – thời gian Tăng-Ni tu học, niệm kinh, tham thiền liên tục trong Thiền Viện, không bước ra ngoài. Tại Việt Nam, Phật Giáo Bắc Tông tổ chức Mùa An Cư từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy, cùng thời điểm với Nhật Bản và Trung Quốc. Riêng Phật Giáo Nam Tông tổ chức từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm Tháng Chín. Mùa này cũng gọi là Kiết Hạ, Trung Quốc gọi là Tọa Hạ, còn Nhật Bản gọi là An Cư (= Ango), Tọa Hạ (= Zage). Cuối mùa An Cư Kiết Hạ là Lễ Vu Lan, chính thức cử hành vào Rằm Tháng Bảy, và trong cả Tháng Bảy Âm Lịch. Kinh Vu Lan hay còn gọi là Vu Lan Bồn Kinh – Ullambana-sutra, thường được cho là do Phật Thích Ca viết. Thật ra Kinh này đầu tiên được Trúc Pháp Lan dịch từ Chữ Phạn sang Hán Văn. Các khóa lễ tụng kinh này đến đời Lương Vũ Đế mới phổ biến.

Phật Giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc có pha trộn tín ngưỡng gia tiên (ancestor worship), hình thành phong tục cúng dường để độ trì cho vong linh gia tiên bảy đời (= cửu huyền thất tổ)  đói khát trong địa ngục. Người ta cúng tế thực phẩm, đốt y phục bằng giấy cho vong linh của thân nhân. Lễ Vu Lan rất phổ biến tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Ở Nhật Bản cuối mùa Vu Lan, trên các ngọn núi người ta đốt ngọn lửa xếp thành những chữ Hán, như chữ Đại, chữ Diệu, chữ Pháp…v.v…, xem như những ngọn lửa dẫn đường cho các vong linh trở về cõi âm. Hội Khởi Mông Sơn, hay Mông Sơn Thí Thực – một nghi thức chẩn tế do Ngài Mông Sơn thành lập, bắt nguồn từ hạnh nguyện từ bi của Đức Giác Hoàng, tức là Đức Phật. Ngài đã thiết lập nghi thức này, để làm lợi ích cho các cõi trời và cõi người ta.

Tập Quán Cúng Dường Tam Bảo để độ vong linh đói khát nơi địa ngục, không rõ bắt nguồn từ bao giờ. Nhưng người xưa liên tưởng đến câu chuyện Mục Kiền Liên – một đệ tử của Phật Thích Ca – hỏi Ngài cách cứu độ thân mẫu hiện là quỷ đói (preta) nơi địa ngục. Đức Phật dạy rằng, phải cầu sự hộ trì của thập phương chúng hội tức là các tăng lữ. Đó là nguyên nhân có Vu Lan Bồn Kinh. Và cũng từ đó Lễ Vu Lan là nghi thức được thực hiện, sau câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên tìm cách báo hiếu, cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Tìm hiểu về Lễ Vu Lan để hiểu sanh duyên từ, pháp duyên từ, và vô duyên từ. Sanh duyên từ xem tất cả chúng sanh giống như cha mẹ, để kẻ đáng oán trách và người thân thiết đều bình đẳng, như thế mới có thể buông xả sân hận, đem niềm vui đến cho mọi người. Pháp duyên từ xem tất cả các pháp từ duyên sanh, mọi người đều do Tứ Đại là đất-nước-gió-lửa hợp thành, không nhân ngã, không thọ mạng. Vô duyên từ biết rõ Tâm, Phật, Chúng Sanh cả ba chẳng có gì khác biệt, như vậy mới có thể đạt đến cảnh giới thân tâm thường an lạc trong mùa Vu Lan báo hiếu.

alt

Những ngọn lửa xếp thành những chữ Hán trên các ngọn núi Nhật Bản cuối mùa Vu LanNGUỒN WIKIPEDIA.ORG

HV
5:27am Thứ Bảy ngày 9 tháng 10 năm 2014