Menu Close

Giữa lằn ranh mong manh – Kỳ 2

alt

Dưới  đáy sâu của đêm

Đêm đổ nhào cơn đói. Mãi đánh vật với nỗi sợ hãi tôi đã chẳng màng bỏ bất cứ thứ gì vào miệng. Khúc bánh mì lấy ra từ balô, giờ nhão nhoét như vừa nhúng nước. Cái đói như chợt đình công chỉ còn lại nỗi xâm xoàng, căng thẳng. Bồn chồn trên chiếc ghế trong phòng đợi bệnh viện. Hồn tôi như đang ở một góc trời cô quạnh. Đầy bất an.

“Bà cần đóng trước 4000 đô lệ phí bệnh viện,” một giọng nói lạnh tanh vẳng bên tai.  Tôi  ngước nhìn, một nữ nhân viên đang chực chờ với cái máy “cà” thẻ credit card. “Nhà thương hàng đầu của xứ đảo mà vẫn chẳng thể khá hơn tiêu chuẩn của một trạm xá cấp cứu”, tôi rủa thầm rồi chìa ra tấm thẻ nhựa. Vài trăm đô èo ọt dằn túi là cả một gia tài giờ đây. Ở một xứ sở, người nghèo khó sẽ tự hủy diệt mình trong nỗ lực tuyệt vọng của định mệnh.  Tôi nghiệm ra mãnh lực vô song của đồng tiền có thể mua được sinh mệnh.
Không tiền. Bất lực vẫn chỉ là bất lực.

Ký ức ghép lại những ký tự rời… Tất cả, cứ như nhoà đi… Trong cơn đột quỵ, anh như toa  xe lửa lao khỏi đường ray của sự sống. Thời gian như cơn bão và tôi cảm thấy mình đi lạc hướng gió…  

 “Chồng bà, chỉ có vài giờ để sống,” lời người bác sĩ như điềm báo của định mệnh. Chiếc Taxi bám đuôi xe cứu thương để chuyển anh từ “nhà thương thí” sang bệnh viện  tư. Tôi nuốt ngược từng giọt nước mắt. Đoạn đường như vô tận bám theo nỗi ám ảnh vật vờ. Không tôi cạnh bên, anh còn thoi thóp hay đã ngừng thở? Xe dừng, tôi lao ra để chỉ nhìn thấy anh. Từ phút giây ấy- Anh ngoi ngóp trên giường bệnh- Tôi ngập ngụa giữa một trời đau đớn…

Dr. Mark. vừa bước ra khỏi phòng cấp cứu với vẻ mặt đầy căng thẳng, “Chồng bà, vừa trải qua một cơn truỵ tim kịch liệt. Thường, những bệnh nhân bị cơn heart attack tấn công khó thể vượt quá 6 giờ đồng hồ đầu tiên. Người  lớn tuổi lại càng khó qua nổi cơn bão tố này.” Ông dừng lời, chăm chú vào vẻ mặt dường như đang nín thở của tôi, “Có thể nói là ông nhà may mắn vì còn trẻ, dù trái tim ông đã gần như chỉ còn thoi thóp.”

“Vâng, thưa bác sĩ. Tình trạng của chồng tôi giờ ra sao?”  Tôi lẩy bẩy, chỉ muốn biết kết quả cuối cùng.

“Sau 48 đến 72 tiếng đồng hồ thì bà mới có thể bình an được.” Áo blouse trắng kết thúc bằng cái vỗ vai đầy trấn an, “He’s in a good hands.”

Người y tá gọi tên. Tôi lảo đảo bước  theo. “Khu cấp cứu”  chỉ là căn phòng hẹp với hai dãy giường đối diện, ranh giới mỗi giường bệnh là một tấm liếp mong manh.

 Tôi như đã không gặp anh hằng thế kỷ.  Nỗi buồn như nhăn nhúm khi nhìn anh hao hốc, hoi hóp như ngọn khói loãng tan theo gió.  Mường tượng  anh trong cơn đau xé người, như một con cá ngoi ngóp trên bờ. Chiếc  đuôi vẫn khẽ quẫy. Và đôi mắt còn sót lại chút linh hồn của một thực thể sống. Bàn tay tôi run rẩy lần tìm những ngón tay anh. Những ngón tay lạnh buốt như đang trốn dần sự sống. Tôi gắng không để cảm giác đau đớn cuốn xiết tôi trôi dạt khỏi mình. Nước mắt, chẳng thể đong đếm như giọt nước nặng hơi thở của đám mây.

Đêm co cụm bó gối trên chiếc ghế nhỏ bên mép giường chờ từng cơn lạnh đi qua. Tôi trông đợi sự hồi sinh của một trái tim. Anh vẫn lặng thinh, như một ranh giới phân biệt giữa tôi và chiếc bóng. Như âm –dương cố nối tròn bi kịch. Trong im lặng ứ đầy tuyệt vọng. Từng khoảnh khắc, nỗi lo âu chẳng biết đổ về đâu. Tôi chẳng muốn đồng lõa với nỗi thống thiết hay những bế tắc còn chu lưu trong tư tưởng. Tôi muốn chạy khỏi nỗi ám ảnh từng đêm, ngày, từng khoảnh khắc… Tôi muốn tìm sự bình an trong giấc ngủ để siêu thoát mọi ưu phiền. Tôi thiếp bặt giữa cơn đau lấp lửng.

Biển trước mặt tôi, thẫm xanh, điệu nhạc Salsa ruồng rã trên khoang tàu. Thanh Mai “trang bị” với cái ống thở để lặn, Trần Vũ háo hức chuẩn bị làm “người nhái”. Tôi nhìn xuống làn nước rong xanh, chẳng thấy tăm hơi một bóng cá sắc màu. Anh chỉ cảm giác hơi bất ổn với những cơn mệt lả đột ngột, nên đành khước từ lời mời gọi của đôi bạn. Tôi thì như con mèo kỵ nước. Chưa bơi đã thấy đuối. 

Người đàn ông xứ đảo Jamaica, nửa người ngâm dưới làn nước mặn, cánh tay màu đồng bám chắc sợi dây thành tàu, những bím tóc tết lại như những sợi thừng lâu ngày trên con tàu cũ kỹ. Cổ, tay  lủng lẳng những chùm dây trang sức… “Tôi muốn mua vài món hàng”, tôi vẫy gọi ông lại.

“Gọi tôi là ‘sea man’, những vòng dây đeo này sẽ đem lại cho bà sự may mắn,” người bán hàng rong dưới  biển mở lời chào hàng.

alt

“Sea man” -người đàn ông  đem lại sự may mắn của biển

“Tôi chưa từng thấy những người bán rong ‘ngâm người’ hàng giờ dưới nước biển như ông,” tôi nhìn chăm vào cặp mắt quắc màu hổ phách, chợt mường tượng đến hình ảnh “những tên cướp biển vùng Caribbean.” 

“Làng tôi ở trong đảo. Mỗi ngày, tôi bơi từ bờ ra biển để bán rong trên những du thuyền.” Ông cẩn thận mở gói tiền trong một bịch nhựa để hồi thối. Có cần phải “trả giá” khi mua những món hàng với cái giá nhọc nhằn của đời sống? “Hãy giữ lấy, tôi muốn tặng ông.”  Tôi gửi ông nụ cười thân thiện. Lời cảm ơn kèm theo cái vẫy chào. Tôi nhìn theo những sải tay nhịp nhàng trên sóng. Nhang nhác một nỗi cảm xúc khó tả.

Anh đến bên tôi, dịu dàng một vòng tay ấm áp. Nắng hoa vàng nhảy múa trên khoang tàu. Trái tim tôi bình yên trước biển.

Đêm ấy, biển đang lặng êm, bỗng con tàu chới với. Tôi rớt xuống  chấp chới trên con nước. Biển dìm tôi, siết tôi bằng những sợi rong ngột ngạt. Cánh tay anh, tuyệt vọng vây vẩy tôi như cố trườn qua từng chặng nỗi chia lìa. Và tôi thấy dải khăn sô, choàng vồng ngực nặng…

Tôi mở mắt. Thảng thốt với cảm giác sợ hãi ngợp rợn bủa vây. Giấc mơ với những ý tưởng dị dạng- chập choạng giữa ảo và thực. Đêm bệnh viện, dật dờ với những tiếng rên, ré, mớ. Tiếng khóc thét của một đứa bé bị hóc xương cá. Âm thanh rên rỉ của một bệnh nhân vừa bị xe cán gãy chân. Một cụ ông giường láng giềng đang ỉ ôi với  “nurse Linda”, chỉ để đòi bằng được cái bình phế thải cặn bã ai đó đã “tước đoạt” mất của cụ.

Những âm thanh u ám của một thế giới mất màu. Bưng bít. Tôi đang gắng dỗ sự bình tâm, gắng gồng mình qua truông ải. Dung dịch nước biển ứa theo sợi dây truyền tĩnh mạch – những ngón tay anh gần nhưng xa ngút ngàn trong khoảnh khắc kề bên. Nước mắt tôi chợt trào tuôn. Tôi áp trán vào cánh tay anh, mặc cho nước mắt đầm đìa. Anh vẫn như một cái xác dính trên mặt giường. Người y tá trực đêm xuất hiện như tìm kiếm những dấu hiệu sinh tồn.

“Mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều không ra khỏi cái giường bệnh,” ông nhấn mạnh, “Tất cả những bệnh nhân nghe theo lời tôi một trăm phần trăm, đều sống,” tôi chợt nhiên nhớ lại lời khuyên của bác sĩ Mark.

5 giờ sáng, tôi bị “đuổi” ra ngoài phòng chờ.

“Xin vui lòng cho tôi biết tin, tôi luôn ngồi ở phòng chờ đợi,” tôi nói như van vỉ người y tá.  Mùi nồng của viên thuốc an thần vẫn còn nơi cổ họng khô khốc. Tôi tìm một góc xó, gục đầu trên cái balô.

“Bà cần tìm một chỗ nghỉ qua đêm. Bệnh viện không cho phép thân nhân ngủ lại. Đêm qua là một ngoại lệ.” Quản đốc của bệnh viện nhìn tôi ái ngại. 

“Tôi chẳng biết về đâu.  Chỉ muốn được  gần bên chồng tôi trong những giờ phút sinh tử này,” tôi nói qua hàng nước mắt, cảm giác kinh khiếp sự cô đơn ở xứ người. Tôi không chắc mình có thể ngon giấc với chăn nệm êm ấm trong căn phòng hotel. Tôi chẳng thiết tha mọi thứ trên đời.  Tôi chỉ cần anh Sống! 

Cái đói trở lại dằn vặt. Đã hơn một ngày trời tôi khước từ mọi thứ. Cuộc đời và bóng tối, trong trái tim tôi giờ đây là nỗi u uẩn day dứt. Tôi đếm thời gian bằng con số, như trẻ thơ học đếm.  Tôi chờ anh ở con số 72- con số may mắn của định mệnh. Tỉnh thức hay mơ ngủ, những suy nghĩ về định mệnh cứ bám riết tôi. Sự tương phản kịch liệt giữa sống-chết.  Trong cơn thao thiếp, tôi nghe lời gọi của người y tá trực, “Bà Hanna, chồng bà đã tỉnh dậy. Và cần gặp bà gấp!”

alt

Andy Nguyễn trong những ngày đầu còn hôn mê ở Mobay Hope Hospital

ĐMH