Menu Close

Vẽ tranh không bao giờ là muộn

alt

Có nhiều người nghĩ rằng học vẽ rất khó, phải có nhiều hoa tay (vân tròn trên đầu ngón tay) mới vẽ đẹp được và phải học từ lúc còn nhỏ tuổi. Một doanh nhân Sài Gòn thành đạt, rất mê tranh, đang sở hữu một bộ sưu tập tranh của các danh họa Việt Nam vào loại hiếm có, nhưng lại tự xác định mình không bao giờ vẽ được “dù chỉ là cục gạch”. Vẽ, theo người sưu tập là một phụ nữ tuổi đã ngoài 50 này thì vào những năm 90 thật vô cùng khó khăn. Và chỉ dành cho những người thực sự có năng khiếu.

Một dòng suy nghĩ khác cho rằng muốn thành họa sĩ phải được đào tạo tại một trường đại học mỹ thuật, và vì thế những ai không có cơ hội được trúng tuyển vào học các trường này đều thấy mình “không có cửa” cho sự được thừa nhận là họa sĩ chính hiệu. Mặt khác, khi vẽ nguệch ngoạc, vẽ không ra hình thù gì và bị chê là vẽ dở, không biết vẽ, không có năng khiếu thì trở nên mặc cảm, sợ sệt và thôi không vẽ nữa. Nhưng cũng có người thấy Picasso vẽ lệch lạc, méo mó sự vật mà các nhà phê bình mỹ thuật gọi nó là trường phái Lập thể (Cubism) và Hartung vẽ trừu tượng (Abstract) – một thứ tranh không có hình thù gì, chỉ là cái vệt mầu đen – thì nghĩ ngay: vẽ như thế có gì khó đâu, ai vẽ mà chẳng được, nhất là đã có những người Việt danh tiếng, rất gần gũi với họ như Trịnh Công Sơn (nhạc sĩ), Văn Cao (nhạc sĩ), Lý Quí Chung (nhà báo), Trương Thìn (bác sĩ), Thân Trọng Minh (bác sĩ), Phan Vũ (nhà thơ), Lê Thị Kim (nhà thơ), Vũ Thanh Hằng,… cũng vẽ và triển lãm; họ sắm cho mình giá vẽ, mầu và các thứ để thực hiện các bức tranh dù kiến thức về hội họa và chất liệu vẽ còn rất giới hạn. Và đã có không ít những vị này đã mở triển lãm không thua gì các họa sĩ thành danh.

alt

Thật ra, từ những ý nghĩ khác nhau về vẽ tranh đã dẫn tới những chọn lựa hành xử khác nhau chỉ vì mỗi chúng ta đã trải qua các môi trường sống và cách tiếp cận hội họa khác nhau. Nếu như bà doanh nhân kia đã khẳng định là không thể vẽ được dù chỉ vẽ cục gạch là bởi vì cái định kiến cổ lỗ: vẽ giống như thật là điều bất khả, chỉ dành cho người có bàn tay bắt được của trời. Bà ấy (lúc chưa vẽ tranh) không biết rằng vẽ một cái lá còn dễ hơn viết được chữ a hoặc chữ b. Vẽ một sự vật đơn giản có khác gì làm một bài toán cộng hay trừ, bài vẽ phức tạp hơn thì chẳng khác gì bài toán nhân hay chia. Cái khó nhất trong vẽ tranh là vẽ được cái tình cảm của người vẽ hoặc cái thần của sự vật trước mắt họa sĩ, điều này không phải ai cũng làm được dù đã được đào tạo bởi trường mỹ thuật và đây mới là chỗ quan trọng nhất trong việc vẽ tranh. Trong trường hợp này, muốn giúp một người có tuổi dễ hội nhập vào thế giới của giá vẽ, phải tháo gỡ và vứt vào sọt rác cái định kiến tai hại ấy bằng cách cho họ thấy viết một lá thư còn khó vạn lần vẽ một bình hoa. Hãy cho họ thấy vẽ là một việc tự do, hồn nhiên, hạnh phúc như một cuộc đi dạo trong công viên đầy hoa lá và réo rắt tiếng chim. Lúc đó, đối với họ vẽ được cục gạch là chuyện nhỏ.

Tất nhiên, làm được việc này những người như bà cần phải có một người bạn là họa sĩ giỏi trong việc làm thay đổi cách nhìn hạn hẹp về vẽ tranh, biết cách khơi dậy và làm nảy nở tiềm năng mỹ thuật trong họ. Đối với những người có tuổi không nên hướng họ đến những kỹ năng vẽ phức tạp như hội họa cổ điển, nó vừa rắc rối trong xử trí vô số các chi tiết, vừa đòi hỏi sự cần cù và tập trung tối đa thị lực dễ làm họ mau mệt mỏi dẫn đến chán nản. Trên thực tế của thời đại ngày nay, trừ những người cần vẽ điêu luyện về hình họa để làm một nghệ nhân hoặc kiếm sống bằng khả năng vẽ chân phương thì dứt khoát phải học hành quy củ, ngoài ra không cần thiết phải theo lối vẽ tỉ mỉ, trau chuốt. Chỉ nên có những bài giảng nhẹ về tranh cổ điển và hiện thực để trang bị kiến thức, điều mà họ rất cần và cũng dễ tiếp nhận vì trình độ văn hóa của họ rất phong phú. Khi cuộc chơi mầu sắc, đường nét, hình khối, ánh sáng cuốn lấy họ rồi thì hội họa đã thực sự là một liệu pháp trẻ hóa không gì sánh được.

alt

Uống chung ly rượu này – TRANH TRỊNH CÔNG SƠN

Thực vậy, không chỉ rất ích lợi cho đời sống tinh thần của người vẽ tranh, những bức tranh được chính họ vẽ ra vô tình đã trở thành một di sản tinh thần cho gia đình họ. Những bức  tranh ấy chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng văn hóa rất lớn cho con cháu và thân thuộc của người vẽ ra nó. Đó là sự hiện hữu vĩnh hằng của một hình bóng, một thông điệp thân yêu của người vẽ gửi lại cho con cháu các đời sau. Sẽ là không quá đáng khi cho rằng những giá trị ấy để lại cho con cháu  mình rất quý. Và hãy treo đúng cách và đúng chỗ trong ngôi nhà mình. Một ngôi nhà dù kiến trúc và nội thất có đắt tiền và sang trọng cách mấy mà thiếu đi những bức tranh của những tác giả nổi tiếng.  Và nếu được treo những bức tranh được vẽ từ một tâm hồn của người sống trong ngôi nhà,  giá trị văn hóa sẽ không bị mất đi một phần quan trọng.

Sau cùng, việc coi hội họa như một sự nghiệp mới của mình hay đó là là một sở thích của người có tuổi là một chọn lựa rất riêng. Tuy nhiên, để  việc vẽ tranh mang lại cho chúng ta những giá trị đích thực thì phải chú ý đến những giới hạn mà mỗi chúng ta không thể vượt qua. Không nên quan tâm nhiều đến việc ta vẽ cái gì. Hãy chú trọng đến điều ta vẽ để làm gì? Nếu chúng ta đã quá mệt mỏi với lợi danh, nếu chúng ta đã để mình đi quá xa mình thì hãy vẽ tranh, chỉ có hội họa là con đường  trở về tốt nhất cho sự thất lạc đó.  Là con đường hóa giải cho những áp lực nặng nề từ một đời làm kinh doanh, làm chính trị,.. và hồi phục tuyệt vời sự tươi mát cho tâm hồn. Như vậy làm gì có sự muộn màng hay quá trễ để vẽ tranh!

alt

Từ Hải Thất VọngTRANH BÙI GIÁNG

TC