Năm 1965, cậu bé Dann 10 tuổi của thành phố cổ Marysville có người bạn lớn đi lính sang Việt Nam chiến đấu. Nhận thư bạn lớn từ chiến trường Dĩ An, cậu bé 10 tuổi xúc động, bắt đầu sưu tập kỷ vật về Việt Nam để làm… bảo tàng. 50 năm sau, Bảo Tàng từ nhà để xe của Dann, nay đã thành một công viên bảo tàng, quốc kỳ người lính Việt Nam Cộng Hoà được trân trọng. Tác giả bài viết là nhà giáo Phương Hoa của thành phố cổ Marysville, California.
Hồi thời chiến tranh Việt Nam, tôi thật ghét cái bọn “ngồi mát ăn bát vàng” và bọn nhà báo tung tin “không đầu không đuôi” trong khi con tôi đang dấn thân vào súng đạn. Thằng Allan nói bọn chúng chỉ giỏi khua môi múa mỏ ở bên này chứ thật ra chúng chả biết cái đếch gì. Ai có đến Việt Nam, sống cùng người dân, và chiến đấu cùng những người lính Việt Nam Cộng Hòa thì mới biết rõ sự tình, mới biết cuộc chiến này có ý nghĩa ra sao. “Cuộc chiến mà chúng con không được quyền chiến đấu cho tới cùng để thắng mẹ ạ,” Allan nó nói vậy đấy!
Allan đã nói đúng. Tôi cũng từng nghe rất nhiều cựu chiến binh Việt Nam tôi quen nói như thế.
Một đài tưởng niệm với những bức bích họa tuyệt đẹp
Cho đến cuối năm 2009 thì bà Hellen đã quá già, sức khỏe kém lại chuẩn bị đi mổ thận. Mấy ngày trước khi vào bệnh viện Kaiser, bà nhờ người y tá chăm sóc đặc biệt chở đến rồi đẩy vào tiệm tôi trên chiếc xe lăn. Trông bà rất yếu, thở hổn hển từ ống dưỡng khí được gắn vào mũi. Tôi nhìn bà và chợt sững sờ. Trên đôi bàn tay run rẩy của bà là một chiếc xích lô nhỏ xíu có gắn hai lá cờ, cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng Hòa. Hai lá cờ giấy đã cũ sờn theo năm tháng với nhiều nếp gấp nhăn nheo. Lá cờ vàng ba sọc đỏ đã bạc màu bên góc trái và có một đường rách, nhưng được dán lại cẩn thận bằng miếng băng keo.
– Tôi sắp phải đi mổ thận, không biết lành dữ ra sao. Bà nói một cách khó nhọc. Những đường gân xanh trên cổ bà xê dịch liên hồi như thể muốn tách rời khỏi làn da tái mét. Bà đưa chiếc xích lô tí hon cho tôi:
– Chiếc “Pedi-cap” này là kỷ vật của thằng Allan để lại. Nó đã rất yêu quý và giữ gìn cẩn thận món đồ này cho đến ngày nó mất. Tôi sợ khi giải phẫu nếu lỡ có bề gì, đồ đạc của tôi bị đem bán “Estate sale” và nó sẽ lưu lạc. Bà dừng lại một lát để thở rồi nói tiếp: -Mới đầu tôi không biết phải làm gì với nó, nhưng rồi nhớ đến anh chị, tôi nghĩ anh chị là những người thích hợp nhất để tôi tặng lại món quà này. Làm ơn thay tôi giữ nó!
Tôi đỡ lấy kỷ vật từ tay bà Hellen, rồi đứng mân mê lá cờ vàng cũ rách. Kỷ niệm nào từ chiếc xích lô nhỏ màu xanh có chiếc đệm đỏ này đã làm cho người cựu quân nhân Mỹ tên Allan trân quý nó đến như vậy nhỉ. Tôi còn tần ngần chưa dám hỏi thì bà Hellen đã nói:
– Đây là món quà từ người bạn Việt Nam rất thân với Allan. Anh ta đến Mỹ theo “diện” Humanitarian Operation (HO), và bọn họ tình cờ gặp lại nhau. Chiếc “Pedi-cap” này anh ta mang theo từ Việt Nam, khi gặp lại Allan thì tặng cho nó. Nhưng anh ta đã chết sau đó vài năm vì bệnh hoạn do ở tù quá lâu trên rừng. Ngày Allan còn sống, tôi đến thăm nhiều lần bắt gặp nó ngồi lặng ngắm cái vật này bằng đôi mắt thật buồn. Do vậy mà tôi cất giữ nó bao nhiêu năm nay. Nhưng giờ thì không được nữa rồi…
Bà nghẹn ngào, dừng lại nửa chừng. Chiếc xích lô chỉ là vật vô tri, nhưng khi tặng cho Allan người bạn Mỹ đã từng cùng chung chiến tuyến, anh đã làm cho nó trở nên có hồn và đầy ý nghĩa với hai lá cờ Mỹ, Việt. Và Allan, người bạn Mỹ của anh đã trân quý, gìn giữ cho đến tận cuối đời. Điều này cũng có nghĩa, Allan đã rất trân quý cái tình bạn, tình đồng đội và đồng minh từ cuộc chiến cho tự do mà anh và anh ấy đã từng tham gia.
– Xin bà hãy yên tâm. Tôi nói với bà Hellen. Chúng tôi nhất định giữ kỹ món đồ này.
…Chiếc xích lô sau khi được lau xong nhìn sáng sủa, nhưng hai lá cờ giấy thì quá cũ kỹ.
Phía trước Viện Bảo Tàng
Tôi đến Walmart mua một lá cờ Mỹ bằng vải đem về. Nhưng lá cờ vàng không biết kiếm đâu ra. Thành phố chúng tôi ở chẳng có một cửa hiệu cửa hàng nào của người Việt cả. Ông ấy nói muốn mua cờ vàng ba sọc đỏ chỉ có nước đi San Jose hoặc là xuống Nam Cali, nhưng mình cần lá cờ bằng vải nhỏ xíu như thế này thì những nơi ấy cũng không dễ gì có bán. Cuối cùng, tôi phải mua hai cuộn ruy-băng satin vàng và đỏ loại lớn, dù chỉ cần có một đoạn.
Về nhà, tôi ủi thẳng những nếp gấp của ruy-băng rồi hì hục cắt may. Tôi trưng dụng luôn ông xã làm thợ phụ. Đến khuya thì tác phẩm của chúng tôi cũng hoàn thành, lá cờ vàng ba sọc đỏ nhỏ xíu nhưng đẹp rực rỡ, sáng chói. Ông ấy thích quá đem gắn ngay vào chiếc xích lô và lấy máy hình ra chụp.
Qua những thông tin và tài liệu từ bà Mary, tôi tìm hiểu và biết thêm về lịch sử nhà bảo tàng trước khi đến viếng. Việc cậu bé tên Dann hình thành Nhà Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam đã được cộng đồng Marysville và những vùng lân cận biết đến rộng rãi. Cậu bé thu thập kỷ vật và bắt đầu trưng bày bộ sưu tập về chiến tranh Việt Nam trong garage nhà cậu từ năm 1966.
… Khởi đầu, nó là một nhà bảo tàng tư nhân “tí hon” của cậu bé Dann. Năm 1977, Dann bắt đầu mang bộ sưu tập của mình đi xa hơn, lúc này cậu thu thập được khá nhiều kỷ vật của những chiến binh từ Việt Nam trở về, đem triển lãm tại các lễ hội truyền thống, hội chợ, triển lãm súng, căn cứ quân sự, cùng nhiều nhà bảo tàng chiến tranh khác.
Về sau Dann Spear và vợ, Roberta, đã tự vay tiền để xây dựng lớn thêm trên khu đất nhà của họ, không quyên góp hoặc nhận bất cứ ngân khoản tài trợ nào từ hội đoàn hay chính phủ. Và đến năm 1985, mười năm sau chiến tranh Việt Nam, nhà bảo tàng trong mơ ước của cậu bé Dann được chính thức khánh thành ra mắt công chúng với bài nói chuyện của thiếu tướng Donald Mattson, giám đốc Viện Bảo Tàng Quân Đội Tiểu Bang California, người cũng đã từng tham chiến ở Việt Nam.
Đến nay thì nhà bảo tàng đã được phát triển rất quy mô, tiếp nhận gần sáu chục nghìn kỷ vật, kể cả những kỷ vật từ các cuộc chiến khác quân đội Mỹ tham gia, như Thế Chiến thứ I, thứ II, Nội Chiến, Triều Tiên, Iraq, Afghanistan… và xây một gian phòng hơn 6000 square feet dành riêng làm thư viện. Nhà Bảo Tàng giờ đây chính thức trở thành tổ chức bất vụ lợi, là di sản văn hóa của Bắc Cali, quản trị bởi một Ban Hội Đồng mà Dann Spear là giám đốc, được phép nhận quyên góp, gây quỹ để mở mang.
Nhà Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam Marysville được xem là “Nhà bảo tàng của những chiến sĩ bị bỏ quên” (Museum of the Forgotten Warriors). Báo giới địa phương đã khen ngợi giám đốc Dann Spear, “Hình thành nhà bảo tàng này, Dann đã trả lại tên tuổi và mặt mũi cho các cựu chiến binh Việt Nam, những người đã từng bị bỏ quên sau cuộc chiến.”
… Nhà Bảo Tàng tọa lạc trên một khu đất rộng, thuộc vùng ngoại ô phía đông thành phố Marysville. Tấm bảng “VIETNAM-MUSEUM” trước cửa thì nhỏ, đơn giản, nhưng những chiếc Thiết Giáp, Trực Thăng, Súng Cối, những chiến cụ khổng lồ đã từng một thời “khạc ra lửa, mửa ra khói” cùng với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đang nằm “an dưỡng” trong sân. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, cờ Việt Nam Cộng Hòa, thật lớn được lộng trong khung kính song song với lá cờ Mỹ đồng kích cỡ, và được đặt trang trọng trên kệ dãy tủ kính cao tận trần nhà. Bên trái khung ảnh treo cái phù hiệu tròn lớn có khắc hình một quân nhân bồng súng và bên phải treo chiếc áo giáp với hai mẫu tự “MP,” nhìn có vẻ như là chúng đang “hộ vệ” cho hai lá đại kỳ Việt Mỹ. Bên dưới khung hình đứng một hàng dài các cô gái búp bê xinh đẹp mặc áo dài đủ màu sắc, kiểu eo thon truyền thống Việt Nam ngày trước, nhiều cô đầu trần với những mái tóc đen dài bện thành hình con rết và vài cô đội nón lá nghiêng nghiêng. Một sự trưng bày trang trí độc đáo như nhắn nhủ với người xem, chiến tranh đã từng nhẫn tâm giày xéo trên đất nước của các cô gái mỹ miều này.
Một góc bên trong Viện Bảo Tàng
DH & BH
theo Phương Hoa. Viet Tribune