Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm Tháng Bảy thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ khuya ngày 16/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Người ta quan niệm trên dương thế có rất nhiều quỷ đói nên phải cúng cháo, gạo, muối hối lộ để chúng không quấy nhiễu cuộc sống. Tục cúng cô hồn từ đó mà xuất hiện. Ở nhiều địa phương, thời gian cúng cô hồn kéo dài nguyên một tháng. Có lẽ, người ta sợ những con quỷ ham vui nên trừ hao thời gian cúng tế.

Lâu lắm rồi, tôi chẳng còn nhớ tháng cô hồn khi chợt nghe một chị đi chợ nói chuyện với cô tính tiền. Chị càu nhàu ông chồng tuần nào cũng nhậu hai ba lần, đã vậy còn kêu chị mua giùm thùng bia. Thứ “cô hồn” gì đâu tối ngày ăn với nhậu. Lời nói của chị bâng quơ nhưng làm tôi “nhột” vì tôi đứng đằng sau chị đang chờ tính tiền mấy chai bia. Còn chị cashier lại bảo, mùa này là lễ Vu Lan thôi xí xóa cho ổng. Chị cằn nhằn riết, có ngày ổng đi mất. “Đi luôn” cho tui rảnh nợ, sống ở xứ này, cái tật nhậu nhẹt không chừa. Tôi nghĩ bụng, không biết chị đi chợ có hiểu nhầm lời của chị cashier nhưng hai từ “đi luôn” của bà vợ này không vừa. Lời nói cũng “cô hồn” thấy sợ!
Người Mexico cổ xưa cúng cô hồn vào Tháng Bảy nhưng ngày nay đổi sang đầu Tháng Mười Một để phù hợp ngày dành cho các linh hồn trong đạo Công giáo
Thật ra không ít người vẫn nhầm lễ Cô hồn và lễ Vu Lan là một bởi hai lễ này diễn ra trong cùng một thời điểm Tháng Bảy âm lịch. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của tôn giả Mục Kiền Liên. Mục Liên quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, và được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử. Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì. Nhìn mẹ thân hình tiều tụy, đói không được ăn, khát không được uống, Mục Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa. Không có cách nào khác, Mục Liên trở về bạch chuyện Ðức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ…
Còn lễ cúng Cô hồn bắt nguồn từ câu chuyện Phật A Nan Đà một hôm khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo rằng, ba ngày nữa Phật A Nan Đà sẽ qua đời và bị hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để sống đó là cúng cho bọn quỷ đói (ngạ quỷ) thức ăn để được tăng thọ. A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn. Nhắc đến Ngạ quỷ các thuyết Phật giáo cũng có giải thích rằng, Ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đày xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ…
Cúng cô hồn là chuyện của người lớn, còn “giật cô hồn” là chuyện của trẻ em
Trở lại chuyện tôi suy nghĩ hai từ “đi luôn” nói ở trên nghe thật “cô hồn” chẳng qua Tháng Bảy là tháng cô hồn nhiều người mê tín kiêng kỵ nói gở những điều không hay. Dường như tháng này có nhiều người chết hơn những thời điểm khác trong năm. Nhất là người già. Tất nhiên, già lão bệnh hoạn dễ “đi luôn” nhưng sao lại cứ rơi nhiều vào Tháng Bảy. Tôi để ý chuyện này từ hồi còn bé, đầu xóm đám tang, cuối xóm đám ma, giữa xóm đám chay. Năm nào cũng vậy, không nhà này cũng nhà khác. Mấy người lớn trong xóm vẫn bảo, Tháng Bảy cô hồn, ma quỷ đầy đường, vào nhà “bắt” người ta đi theo cho có bạn! Cho nên, hồi trước, xóm tôi hay nhiều xóm lân cận, vào Tháng Bảy rất nhiều nhà lập lễ cúng cô hồn.
Cúng cô hồn là chuyện của người lớn nhưng giật cô hồn mới là chuyện của trẻ em và cả đám thanh niên trong xóm. Tôi lại không có may mắn được đi giật cô hồn, đứng xem thôi cũng bị má tôi cấm. Ba tôi còn khó hơn nữa, không được bén mảng đến chỗ người ta cúng. Bất tuân ăn đòn roi mây nát đít. Tôi chẳng biết vì sao lại như vậy, hay là người ta cúng đồ ăn cho cô hồn chết, còn mình lại đến giật làm cô hồn sống, có khác gì mình cũng là bọn ngạ quỷ đói khát. Nhưng mấy đứa bạn gần nhà thì sướng, ba má nó không ngăn cấm. Tụi nó đi giật cô hồn về, len lén ghé trước cửa nhà, hú tôi ra sân rào chia cho một ít. Nào là đậu phộng nấu, khúc mía, bánh bò, bánh tét con, lại còn rủ rê ngày mai nhà tao cúng cô hồn, mầy qua giật chơi cho vui.
Nhưng vui nhất là chuyện đi xem cúng đình. Nhà tôi hồi xưa ở gần đình Chí Hòa bên trong một doanh trại Biệt động quân. Cứ đến đầu Tháng Bảy âm lịch, đình được sơn phết, trang trí bàn thờ, dựng rạp chuẩn bị cho mấy đoàn hát bội về hát suốt ba ngày đêm từ trước rằm cho đến Mười Sáu. Đứng xem người ta kéo nhau đi cúng đình thần, các bà các cô thanh niên trai gái bưng từng mâm quả, bánh trái, xôi màu thật thích thú. Đi xem hát đình thì ba má tôi lại không cấm. Thật ra tôi không thích xem hát bội. Nhìn những khuôn mặt xanh, đỏ, đen rằn ri của đào kép tôi lại thấy sợ ma, đêm ngủ mơ thấy mình rơi xuống chín tầng địa ngục. Hơn nữa tôi cũng chẳng hiểu lời hát tuồng nói gì chỉ biết hôm nay diễn tích này tích nọ. Đợi đến ngày cuối của buổi hát đình (thường là ngày cuối tuần), tôi lấy cớ chạy qua đình xem hát.
Cúng cô hồn ở đình làng
Cái tôi thích xem nhất là xem nghi lễ cúng cô hồn tổ chức ở phần cuối rạp vừa khi tuồng diễn kết thúc. Lúc này cả trăm mâm cỗ được dọn ra trên chiếu, các đào kép xếp hai hàng bước xuống sân khấu, tay cầm nhang, đèn, hoa sen, trà, mâm quả, và đoàn nhạc sênh tiền vừa đi vừa hát (Nhiều năm sau này tôi biết đó là Lục cúng Hoa đăng với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên và với người sống được hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc). Sau đó là phần cúng cô hồn. Mọi người lớn nhỏ kéo nhau đứng phía bên ngoài hàng rào chờ chủ tế cúng xong, cửa mở nhào vô giành giật.
Việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn. Tháng Bảy cô hồn còn gọi là Tết của những người Âm nên người ta thường thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa hay vãng sanh đường trong chùa chiền lưu giữ các hũ hài cốt cũng như đây là dịp người ta cúng tế các vong hồn không có người thân chăm sóc còn vất vưởng nơi dương thế.
Đúng ra mỗi tháng đều có lễ cúng cô hồn vất vưởng đầu đường xó chợ hai lần vào mùng Hai và Mười Sáu. Nhưng thường là những người làm ăn mua bán và cánh tài xế xe hơi xe tải. Lễ cúng đơn giản hơn, không có cô hồn sống giành giật với mục đích tỏ lòng thành mong cô hồn phù hộ tai qua nạn khỏi, mua may bán đắt. Không chỉ có văn hóa tín ngưỡng của người Việt mới cúng cô hồn trong Tháng Bảy, nhiều nước Đông Nam Á cũng coi trọng cô hồn Tháng Bảy như Trung Hoa, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Nhật, Malaysia. Người ta làm hình nhân các bộ thây ma, đốt nhang, cúng bái hương hoa trái cây đầy đủ.
Thế nhưng có lần tôi đi Mexico vào đầu Tháng Mười Một, thấy người ta cúng ma quỷ trong một cái am bên đường. Cũng bánh trái, hương hoa, nhang đèn. Hỏi ra mới biết đúng là lễ cúng người chết “Día de Muertos”. Một trong những gốc tích của lễ hội được nhắc đến nhiều nhất đó là lễ hội của người Aztec cổ xưa diễn ra vào cùng thời điểm tương tự tháng cô hồn của người Việt và kéo dài trong vòng một tháng. Trước khi có sự hiện diện của người Tây Ban Nha, lễ hội này được tổ chức vào khoảng trung tuần Tháng Bảy và Tháng Tám. Nhưng sau đó, người Tây Ban Nha đã chuyển lễ hội sang ngày 2/11 để phù hợp ngày dành cho các linh hồn trong đạo Công giáo. Người dân Mexico tin rằng chỉ có thể xác là tạm thời còn linh hồn là vĩnh cửu. Các linh hồn sau khi lìa khỏi thân xác sẽ tập trung ở Mictlan (một nơi lý tưởng để các linh hồn yên nghỉ). Ở nơi này, linh hồn yên nghỉ chờ đến ngày họ có thể trở về nhà thăm thân nhân của họ. Phần lớn các vùng ở Mexico đều tiến hành lễ hội theo hai ngày đầu của Tháng Mười Một. Theo tín ngưỡng cổ của người Mexico, ngày này là thời điểm các linh hồn chuyển giao sang một cuộc đời khác và cánh cổng giao tiếp giữa hai cõi âm dương sẽ được mở ra. Sự giao tiếp này chỉ xảy ra duy nhất một lần trong năm.
Có thể còn nhiều nước trên thế giới có tục cúng cô hồn Tháng Bảy. Và người ta quan niệm tháng này là tháng kiêng kỵ. Tuy nhiên, những quan niệm trên chỉ theo thói quen từ xa xưa, chưa có bất kỳ khoa học nào chứng minh là đúng. Nhưng với quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên người ta vẫn chú trọng làm theo.
Tháng Bảy cô hồn còn gọi là Tết của những người Âm nên người ta thường thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa
NT