Menu Close

Hai hàng hoa sứ

Chiêu hỏi tôi, “Mai em đi thăm mộ Cụ, anh thích đi không?”.

“Cụ nào?”

“Cụ Diệm. Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.”

Tôi thật ngạc nhiên khi nghe Chiêu bảo vậy. Ngay lập tức tôi tự hỏi vì sao một cô gái trẻ lại có ý định đó. Với tuổi của Chiêu, sanh sau 75, thì ngay cả việc biết đến vị Tổng Thống của nền Đệ nhất Cộng hòa, đã qua đời vào năm 1963, khi còn rất lâu sau đó cô mới chào đời, đã là một điều lạ rồi, nhất là hiện nay cô đang sống ở VN.

“Vì sao em lại muốn đi thăm mộ của Cụ? Em nghĩ về Cụ như thế nào?”

Chiêu nhìn vào mắt tôi, đáp ngắn gọn và xác tín: “Vì em kính trọng Cụ, em tin rằng Cụ là người yêu nước!”

“Em biết mộ của Cụ nằm ở đâu không?”

“Em biết. Em theo thông tin trên mạng.”

Chiêu mở iPad, vào Wikipedia, chỉ cho tôi xem.

“Tài liệu của phía Hoa Kỳ cho biết ông Diệm và ông Nhu được chôn trong những ngôi mộ không tên trong một nghĩa trang bên cạnh ngôi nhà của Đại sứ Hoa Kỳ. Sau này tìm hiểu, thì ông Diệm và ông Nhu được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (vị trí ở đường Điện Biên Phủ cắt với đường Hai Bà Trưng, ngày nay là Công viên Lê Văn Tám). Áo quan của Ngô Đình Diệm hình hộp, áo quan của Ngô Đình Nhu có nắp tròn. Một nhân chứng thời kỳ này giải thích vì người thân của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho ông Diệm, còn chiếc hạng vừa dành cho ông Nhu. Trong khoảng thập niên 1980, do nhu cầu phát triển đô thị trong nội đô Sài Gòn, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được di dời về nghĩa trang Lái Thiêu (Nghĩa trang Nhân dân số 6B) ngày nay. Hiện tại, mộ ông Diệm và ông Nhu chính thức đặt tại nghĩa trang Lái Thiêu. Mộ hai ông nằm hai bên mộ mẹ – bà Phạm Thị Thân. Ngoài ra, mộ ông Ngô Đình Cẩn cũng được dời về gần đó. Mộ hai ông ban đầu không có tên mà chỉ ghi tên Thánh và “Huynh” (chỉ ông Diệm) hoặc “Đệ” (ông Nhu), sau đó, theo đề nghị của một số người, mộ đã được đề đích danh.”

Chiêu nói tiếp: “Trong này người ta nói sai. Hiện nay bia mộ vẫn để chữ ‘Huynh’ và ‘Đệ’ chứ không có ghi tên và chức danh của các ông. Ba hôm trước em đã đi tìm, và tìm ra rồi, ở khu nghĩa trang Lái Thiêu. Em định lên trồng quanh khu mộ một hàng bông sứ trắng, cho đẹp và mát. Và để dễ nhận ra nữa.”

“Hay quá. Anh sẽ đi cùng em.”

 

alt

Chúng tôi dừng xe lại trước khu nghĩa trang.-

o O o

Sáng hôm sau, chúng tôi đi bằng xe gắn máy, 4 người đi 2 xe. Ghé ngang chợ, Chiêu mua nhang và ít trái cây. Qua cầu Bình Lợi, đến quốc lộ 13, rẽ trái về hướng Bình Dương, đến ngã tư Cầu Ông Bố chúng tôi rẽ phải, vào khoảng gần 3km thì đến.

Chúng tôi để xe bên ngoài cổng rồi men theo đường mòn vào chừng 10 mét.

5, 6 người, có lẽ là dân địa phương, thấy chúng tôi liền đi đến, họ nhìn chúng tôi, có vẻ dò xét.

“Kiếm mộ nào vậy cô?”, một người đàn bà hỏi.

“Tụi cháu đi chơi ngang đây, ghé tham quan rồi thăm mộ thôi.” Chiêu đáp, rồi đi thẳng đến dãy mộ mà cô đã biết vị trí.

Ba ngôi mộ nằm thẳng hàng, không khác mọi ngôi mộ khác quanh đây. Mộ Tổng Thống Diệm và ông Cố vấn Nhu nằm hai bên, mộ mẹ của họ, bà Phạm Thị Thân, nằm giữa.

Tuy đã biết trước chi tiết không có ghi tính danh trên hai tấm bia, tôi vẫn lặng người xúc động khi nhìn thấy tận mắt. Nơi yên nghỉ của một bậc đế vương mà đơn sơ như thế này sao.

 

alt

Ba ngôi mộ nằm thẳng hàng. Mộ Tổng Thống Diệm và ông Cố vấn Nhu nằm hai bên, mộ bà Phạm Thị Thân, thân mẫu của 2 ông-, nằm giữa.

 “Mà cô tìm mộ nào, à mộ nhà ông Tổng Thống! Người nhà hả?”, người đàn bà hỏi tiếp.

“Dạ, không.” Chiêu đáp.

“Ừa, đúng chỗ đó rồi đó. Tụi tui dọn cỏ hoài à. Giờ dọn lại cho sạch nghen cô?”

“Dạ, thôi. Cám ơn bà. Tụi cháu chỉ thăm mộ, thắp hương rồi về thôi.”

“Tụi tui dọn cho, rồi cho nhiêu thì cho à.” Vài người tiến tới gần hơn, người đàn bà nài nỉ nhưng Chiêu vẫn từ chối vì thấy không cần thiết, các ngôi mộ vẫn sạch sẽ. Chiêu đã hẹn gặp bà Tư, người đảm trách việc trồng cây, và được bà ấy dặn rằng đừng để cho họ vòi vĩnh, làm tiền.

Chúng tôi bày trái cây ra trước từng ngôi mộ. Về phía tay trái, bên mộ ông Nhu một đoạn là mộ ông Gioan Baotixita Ngô Đình Cẩn.

Sau khi bị xử bắn vào năm 1965, ông Cẩn được chôn ở chùa Phổ Quang rồi cải táng về đây. Vì khác thời điểm cải táng nên mộ ông không nằm sát bên 3 ngôi mộ kia.

Bà Tư đến, bà nhắc chúng tôi thắp hương cho mộ Bà Sơ với. Bà Sơ là người chăm sóc phần mộ của gia đình họ Ngô, khi bà qua đời thì được chôn cùng trong khu đất này.

Chúng tôi thắp hương cho từng phần mộ. Tôi và Chiêu là người Công giáo nên cùng đọc kinh. Nhìn cô và hai bạn trẻ kia đứng khấn nguyện thành kính, tôi thấy mắt Chiêu rưng rưng.

Hương sắp tàn, chúng tôi quay trở ra lấy xe vì Chiêu còn phải bàn với bà Tư về việc trồng cây. Tôi ngoái lại, thấy những người đang đứng quanh đó xô vào dập tắt hương và tranh nhau lấy hết trái cây mà chúng tôi vừa bày cúng.

Chúng tôi và bà Tư ngồi lại một quán nước bên đường, ở lối chính vào nghĩa trang. Bà kể, mấy năm trước có người đến viếng mộ và nhờ vợ chồng bà làm bia mới. Họ yêu cầu ghi rõ chức danh ‘Tổng Thống Ngô Đình Diệm’ và ‘Cố vấn Ngô Đình Nhu’, nhưng chồng bà không dám nhận, ông bảo chỉ có thể ghi tên họ thôi. Bia có ghi tên họ được làm xong thì bị tháo ra, đập bỏ, bắt làm lại như các tấm bia hiện nay.

Ngày 01/11/2013 vừa qua, rất nhiều người đã đến viếng mộ nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của hai anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Có Linh mục dòng Chúa Cứu Thế đến làm lễ, cầu nguyện. Mọi người có phần e ngại nhưng rốt cuộc họ không bị ngăn cản.

Chúng tôi ra về sau khi Chiêu bàn xong việc trồng cây với bà Tư.

Sáng nay, tôi thấy Chiêu post lên Facebook 4 tấm hình hàng bông sứ mới trồng. Cô viết, “Đã trồng được hai hàng Sứ trắng, đợi vài tháng sẽ phủ rợp mát.” Một người còm: “Mùa mưa năm nay ít mưa hẳn, không biết nó có sống qua những ngày chang chang nắng này không.” Một người khác nghi ngại: “Họ có để nó sống không?”

Bạn nghĩ sao? Liệu hàng bông sứ có sống không?

Chiêu tin nó sẽ sống. Tôi cũng tin như vậy. Mà nếu lỡ nó không sống thì tôi tin là Chiêu sẽ đến, rồi chính tay cô sẽ trồng lại.

 

alt

Bạn nghĩ sao? Liệu hàng bông sứ có sống không?

ND