Menu Close

Hoa Kỳ và Châu Âu mở rộng cấm vận nước Nga

Các biện pháp cấm vận nước Nga khác nhau đã được áp dụng từ khi nước này đơn phương thôn tính bán đảo Crimea của xứ láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, sau khi chuyến bay Malaysia Airlines MH17 bị các tay súng người Nga ly khai bắn hạ ở miền Đông Ukraine hôm 17-7-2014, cường lực cấm vận của Hoa Kỳ và đồng minh Âu Châu tăng lên thập phần.

 

alt

Tổng Thống Putin và nước Nga không còn được dự phần vào các cuộc nhóm họp cao cấp, bao gồm Hội Đồng Âu Châu (Council of Europe) hoặc nhóm cường quốc G8.

Sau nhiều thương lượng, cả Hoa Kỳ và Liên Âu đồng thuận ban bố 3 cuộc cấm vận lớn nhắm vào kỹ nghệ tài chánh, kỹ nghệ năng lượng, và kỹ nghệ võ khí của nước Nga. Đây là lần đầu tiên Tây Phương cấm vận cả kỹ nghệ khổng lồ thay vì chỉ trừng phạt vài cá nhân hoặc công ty đơn lẻ.

 

alt

Nước Nga cấm cửa rau quả Ba Lan để trả đũa nỗ lực cấm vận của Tây Phương. Ảnh  Reuters

Nước Nga là quốc gia xuất cảng võ khí nhiều thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Với chánh sách cấm vận võ khí, tất cả các trao đổi mua bán võ khí giữa Hoa Kỳ và Âu Châu với nước Nga đều bị cấm, ngoại trừ các hợp đồng võ khí gần sắp hoàn thành. Như vậy, Pháp Quốc vẫn sẽ tiếp tục hoàn tất và bàn giao 2 chiếc Hàng không mẫu hạm loại  Mistral cho Nga trị giá $1.6 tỉ.

 

alt

Sau khi Bộ Ngân Khố công bố mở rộng các biện pháp cấm vận, trong đó cấm công dân Hoa Kỳ mua bán võ khí của Nga, nhiều người đã đổ xô đi mua súng AK47 khiến nhiều tiệm bán súng hết sạch hàng.

Tương tự với kỹ nghệ dầu hỏa, lịnh cấm vận không ảnh hưởng tới mức sản xuất lẫn xuất cảng của Moscow hiện nay, nhưng nhắm đến ngăn trở, thậm chí triệt hạ hoàn toàn các dự án khai thác năng lượng trong tương lai của Nga.

Dư luận chung cho rằng đây là các cấm vận nặng nề nhất trước nay mà Liên Âu áp đặt lên nước Nga. Nó rất lớn và căn cơ, không chỉ đơn giản là cấm một cá nhân người Nga nào đó không được bay sang London, Paris, hay New York để làm ăn, thương thảo hợp đồng, hội họp, v.v… Tất cả nỗ lực này nhằm áp lực Moscow ngừng tay can thiệp, yểm trợ các tay súng thân Nga ở Đông Ukraine chống lại chánh phủ quốc gia tại Kiev. Về phần điện Kremlin đã mạnh mẽ cáo buộc Hoa Kỳ và đồng minh vừa khởi sự một cuộc “Chiến Tranh Lạnh” mới.

 

alt

Gazprombank là một trong những nhà băng Nga bị Hoa Kỳ và Liên Âu đình chỉ mọi giao dịch tài chánh. Ảnh Reuters

Các biện pháp cấm vận mới cắt đứt mọi giao dịch thương mại tài chánh với hệ thống nhà băng nhà nước của Nga, trong đó có việc vay mượn nợ, tái tài trợ đoản kỳ lẫn trường kỳ. Biện pháp này rất… thâm vì từ 2004 đến 2012, nước Nga đã vay mượn từ thị trường tài chánh Âu Châu $16.4 tỉ. Riêng trong năm 2013, những nhà băng nhà nước bị cấm vận lần này đã bán trên thị trường Âu Châu gần 50% số công trái phiếu trị giá trên $20 tỉ.

Phía Hoa Kỳ cũng đình chỉ vô thời hạn mọi giao dịch làm ăn với kỹ nghệ tài chánh nhà nước của Nga. Đến nay, Hoa Kỳ vẫn nắm vị thế bá chủ hệ thống tài chánh thế giới. Trong kỹ nghệ nhà băng có thuật ngữ “bị nhiễm phóng xạ”. Một khi hệ thống nhà băng Hoa Kỳ đã khóa cửa, rất khó cho các công ty người Nga làm ăn, nghĩa là họ đã “bị nhiễm phóng xạ”. Hiệu quả của cấm vận tài chánh đã có thể thấy qua thực tế các nhà đầu tư bi quan trước viễn ảnh làm ăn tại Nga liền mau lẹ  rút chân. Tính đến cuối tháng 6-2014, chừng $75 tỉ tiền đầu tư đã đội nón ra đi không hẹn ngày trở lại.

 

alt

Kỹ nghệ hàng không có thể thiệt hại hằng tỉ Mỹ kim nếu Nga đóng cửa không phận, đình chỉ đường bay xuyên Tây Bá Lợi Á (Trans-Siberian). Ảnh Reuters/Markku Ulander/Lehtikuva

Cấm vận kỹ nghệ năng lượng có thể nhiêu khê hơn. Lý do vì Âu Châu lệ thuộc nhiều nơi dòng mạch dầu hỏa chạy từ Nga. Nước này nắm trữ lượng dầu hỏa và khí gas hợp lại nhiều hàng đầu thế giới. Trong vài năm gần đây, xuất cảng dầu hỏa và khí gas chiếm khoảng 70% tổng số thu nhập cho quốc gia. Nói một cách nôm na, nước Nga giống như… cây xăng của Âu Châu. Các nước Âu Châu mua đến 85% lượng dầu thô nước Nga xuất cảng , và chừng 3/4 lượng khí gas. Đã từng có không ít lần trước đây, khi giữa Nga và Âu Châu phát sinh các tranh chấp căng thẳng, hầu như ngay lập tức xăng dầu và khí gas… lên giá. Âu Châu có thói quen mua dầu hỏa và khí gas từ thời còn Nga sô. Không ít nước ngày nay phải dựa hoàn toàn vào nguồn năng lượng nhập cảng từ Nga, hầu như bất khả thay thế một cách thình lình, với giá cả phải chăng.  

Vì vậy, không có gì thay đổi trong các mua bán dầu hỏa và khí gas trị giá hằng trăm tỉ Mỹ kim. Chiến lược cấm vận của Âu Châu và Hoa Kỳ nhắm đến khả năng phát triển kỹ nghệ năng lượng của Nga trong trường kỳ. Theo hướng này, các hệ thống kỹ thuật lẫn máy móc tối tân từ nay sẽ không được Hoa Kỳ và đồng minh bàn giao cho Nga nữa.

 

alt

Thủ Tướng Úc Tony Abbott (giữa) cũng đe dọa nới rộng cấm vận sau khi Nga cấm cửa nông sản của Úc.

Đây là lần Hoa Kỳ và Âu Châu cộng tác mở cuộc cấm vận lớn lên kinh tế nước Nga. Liệu nó có thành công ? Nước Nga có nhiều giao hảo thương mại quan trọng với Âu Châu, song sức mạnh kinh tế của Âu Châu mạnh áp đảo. Hoa Kỳ và Âu Châu hợp lại có tổng sản lượng nội địa là $33,000 tỉ, trong khi GDP của Nga chỉ vỏn vẹn chừng $2,000 tỉ. Nước Nga chánh yếu xuất cảng các sản phẩm thô. Âu Châu mua trên 45% tổng số xuất cảng của Nga, trong khi Nga nhập cảng hàng hóa từ Âu Châu chỉ có 3%.

Các con số này cho thấy khi cấm vận có hiệu lực, các giao hảo buôn bán cắt đứt, thì giới xuất cảng của Nga sẽ… mệt ngất ngư, trong khi nhà xuất cảng Âu Châu vẫn khá bình chân vì không bị ảnh hưởng nhiều. Cộng thêm các trừng phạt tài chánh, ngăn cản tài trợ, đầu tư, không mua công trái phiếu của Nga, có nhiều dự báo cho thấy các cấm vận này có thể gây thiệt hại cho kinh tế Nga đến $1,000 tỉ.

 

alt

Thỏa thuận cấm vận mới nhất của Hoa Kỳ và Âu Châu nhằm trừng phạt nước Nga vẫn để cho Pháp Quốc giữ hợp đồng trước đây, bán 2 chiếc Hàng không mẫu hạm Mistral cho Nga trị giá $1.6 tỉ.

Về phần Âu Châu, các ghi nhận đầu tiên cho thấy hiệu xe Renault của Pháp doanh số sụt giảm 4.5%. Nước Nga là bạn hàng lớn thứ ba của hiệu xe này. Hằng ngàn công ty hãng xưởng lớn nhỏ khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng. Đức Quốc có hằng ngàn công ty hãng xưởng làm ăn với Nga. Với cấm vận toàn phần, nước này có thể mất đến 350,000 công ăn việc làm tùy thuộc vào trao đổi thương mại giữa Đức Quốc và Nga có trị giá lên trên $110 tỉ mỗi năm.

Dù sao, cấm vận vẫn là con dao hai lưỡi. Nước bị cấm vận là Nga lãnh đòn trừng phạt, nhưng các nước mở cuộc cấm vận cũng sẽ tổn thương ít nhiều. Giữa Âu Châu và Hoa Kỳ thì Âu Châu thiệt hại nhiều hơn vì gần Nga hơn và mối liên hệ kinh tế cũng sâu đậm hơn. Đây là nguyên do chánh vì sao Âu Châu rất miễn cưỡng ban bố cấm vận Nga mạnh mẽ hơn.  

 

alt

Chủ tịch Liên đoàn đá banh thế giới (FIFA) ông Sepp Blatter (trái) đang chịu nhiều áp lực rút lại quyền tổ chức World Cup 2018 của nước Nga và TT Putin (phải). Ảnh Ria Novosti/Reuters

TD