Menu Close

Câu chuyện tháng tám năm 2014

Tôi bước vào ngày đầu tiên của Tháng Tám khi nói chuyện với Anne Marie Cloud – một người bạn thuộc nền văn hóa thứ ba “third culture kids.” Anne Marie cho biết lúc mới lên bốn tuổi, chị đã hỏi một câu mà tất cả các bậc cha mẹ đều e ngại: “Cha, con từ đâu đến?” Nhưng thay vì bối rối, cha của chị đã trả lời: “Cha là người Mỹ, mẹ là người Ái Nhĩ Lan, còn con sinh ra tại Paris, nước Pháp.” Trí khôn của một bé gái lên bốn không thể giúp chị hiểu sự khác biệt về quốc tịch của gia đình, nhưng khi Anne Marie 16 tuổi, chị đã có lời giải đáp cho câu hỏi ngày xưa: “Tôi là công dân thế giới.” Những người như Anne Marie Cloud không hiếm. Càng ngày càng có nhiều trẻ em được mệnh danh là “lưu dân,” sinh ra và lớn lên tại khắp mọi nơi trên thế giới. Họ là con của những nhà ngoại giao, giáo sư quốc tế, các quan chức về thương mại…, di chuyển theo công việc của cha mẹ, hấp thụ một nền văn hóa “trung tính”giữa văn hóa của cha mẹ và văn hóa của những quốc gia mà họ sinh trưởng. Ngược lại với những trẻ em của các gia đình nhập cư, những em bé này không bao giờ ở quá lâu trong một quốc gia – nhiều lắm là ba năm – và thường sống trong điều kiện ưu đãi: Ở những ngôi nhà tiện nghi theo chức vụ của cha mẹ, học tại những trường học có uy tín, các em hội nhập dễ dàng với môi trường sống, nhưng không hoàn toàn hòa mình vào nền văn hóa địa phương.

Với sự gia tăng của các tổ chức phi chính phủ, hay những chương trình nhân đạo, sự phát triển của các công ty đa quốc gia, sự củng cố nhân sự ngoại giao và tăng cường hoạt động quân sự, vì thế con số gia đình sống tha hương cũng nhiều hơn. Trong vòng mười năm, số giấy thông hành Hoa Kỳ cấp ở hải ngoại đã tăng gấp đôi. Sách báo và trang Internet dành cho cộng đồng “lưu dân” cũng gia tăng. Năm 2.000 quyển sách có nhan đề “Những Thiếu Nhi Thuộc Nền Văn Hóa Thế Giới: Kinh Nghiệm Sống Giữa Nhiều Thế Giới – Third Culture Kids: Growing Up Among Wolrds” của David C. Pollock và Ruth E. Van Reken bán rất chạy. Tác phẩm  “When Abroad – Do AsThe Local Children” của Hilly Van Swol-Ulbrich và Bettina Kaltenhauser dành cho trẻ em từ tám đến mười hai tuổi, đề cập thực tiễn đến mọi vấn đề, từ việc trở về quê hương cho đến nghệ thuật sống xa cách bạn hữu. Trang Internet Expat Moms.com tìm cách báo cho trẻ em biết, chúng sẽ có những lần “dọn nhà” mới. Trong khi đó trang ExpatExpert.com bàn nhiều hơn về vấn đề hội nhập, xã hội hóa, cú sốc văn hóa, và sự xa cách đối với họ hàng, thân hữu.

Những mối quan tâm nói trên, khiến cái nhìn của người đời đối với thiếu nhi thuộc nền văn hóa thứ ba đã thay đổi. Trước đây mọi người nghĩ các em là những lưu dân giàu có, hay những “tay chơi” may mắn. Giờ đây các em được công nhận là những cá nhân tháo vát, có nền văn hóa đặc biệt, có thể thích nghi dễ dàng với các môi trường sống khác nhau. Đa số trẻ em trực tiếp lãnh hội những kiến thức phong phú từ địa lý thế giới đến ẩm thực quốc tế, từ tham khảo văn hóa cổ điển đến chính trị toàn cầu. Các em nhanh chóng học thông thạo ngôn ngữ của các quốc gia lưu trú, tiếp xúc dễ dàng với người lớn, có mốiquan hệ tự nhiên với những người thuộc đủ mọi chủng tộc. Kiến thức lịch lãm và sâu rộng này thật hữu ích, giúp các em thành công trong nghề nghiệp khi đã trưởng thành. Một cuộc điều tra cho thấy, 70% số người Mỹ được nuôi dạy ở nước ngoài theo đuổi việc học lâu hơn, nắm bắt những vị trí cao hơn so với bạn hữu chỉ sống ở Hoa Kỳ. Những trường đại học danh tiếng cũng “săn lùng” nhân viên cao cấp, trong số những người thuộc nền văn hóa thế giới. Bên cạnh những ưu thế hơn người, những người thuộc nền văn hóa thế giới thường không thoát được cảm giác là “kẻ suốt đời lang thang.” Anne Marie tâm sự: Khi trở về Mỹ Quốc vào mùa hè hay những ngày lễ lớn, chị thường cảm thấy hụt hẫng. Những người như chị có thiên hướng nghiêng về các công việc quốc tế,  nhưng không quá “ái quốc” đối với xứ sở. Tuy nhiên họ là những người dễ thích nghi và dễ cảm thông nhất. Cội nguồn dân tộc chính là truyền thống gia đình, là những lễ hội mà một nhóm nhỏ trong các tòa đại sứ, hay trong các công ty tổ chức, để những người “lang thang” biết rõ xuất xứ và tổ tiên.

Tháng Tám 2014. Tôi có dịp trao đổi với người bạn được xem là thành đạt, có chỗ đứng ưu việt trong xã hội, nhưng xem ra trong lòng của chị vẫn có những khoảng trống cô đơn. Những người như chị Anne Marie thường được cõi người ta trầm trồ ngưỡng mộ, có đôi chút ghen tỵ vì cho rằng họ sinh ra đời dưới ngôi sao bản mệnh tốt. Nhưng tận đáy sâu nội ngã, nào ai biết có những lúc họ buồn không thiết nói, vì mặc dù rất thân mật hòa đồng họ vẫn bị cô lập trong hoàn cảnh đặc biệt riêng. Tôi chợt nhớ câu nói: “Cái cây tìm sự cô đơn ở trên cao, ngọn cỏ tìm sự đông đảo ở dưới đất.” Phải chăng đây cũng là nỗi niềm riêng của những ai xuất chúng hơn người.

HV
11:30am Thứ Bảy ngày 16 tháng 8 năm 2014