Menu Close

Richard Clayderman

Khoảng cuối Tháng Tám này, dương cầm thủ Richard Clayderman sẽ đến Hà Nội và trình diễn một đêm tại đây. Số vé dành để bán qua mạng đã hết sạch từ cuối Tháng Bảy. Đây là số vé có giá từ 6 trăm ngàn đến gần 4 triệu đồng. Mới rao bán trên mạng trong vòng 2 ngày người ta đã mua hết. Lâu nay, các buổi trình diễn nhạc thính phòng rất khó bán vé. Nếu ai chưa từng nghe nhạc “của” Richard Clayderman, có thể sẽ thắc mắc tại sao nhiều người Việt Nam ái mộ như thế.

Thực sự, không riêng gì người Việt, nhiều người trên thế giới, gần 40 năm qua, mê say nhạc “của” ông. Phải để chữ CỦA trong ngoặc kép vì ông toàn chơi nhạc do người khác viết và soạn hòa âm. Ông chỉ có việc đàn… cho hay! Tuy nhiên, rất nhiều người (không riêng gì ở Việt Nam) quá mê say tiếng đàn mà ngỡ ông cũng là tác giả của những bản nhạc ấy. Đặc biệt là những bản nhạc ông chơi trong thời kỳ đầu. Sau này ông chơi những bản nhạc đã nổi tiếng từ… xưa (như Moonlight Sonata của Beethoven) hoặc trong phim nên ít người bị nhầm lẫn hơn. Những bản nhạc ông đàn thường thuộc loại… dễ nghe. Sự “dễ nghe” này không phải vì chúng đơn giản, không cần trình độ cao để thưởng thức. Cái chính là giai điệu rất hay, đi thẳng vào lòng người. Giống như một người con gái đẹp, nhiều người nhìn vào là mê ngay. Không cần phải là chuyên gia về nhân tướng học hoặc thẩm mỹ học. Không ít những nghệ sĩ dương cầm, thường là cổ điển, có vẻ ganh tị về sự thành công của ông. Một nghệ sĩ dương cầm có tên tuổi trong làng nhạc cổ điển (Tây Phương) của Việt Nam là Bích Trà dường như cố che giấu cảm nghĩ thật của mình khi trả lời phỏng vấn về sự thành công của Clayderman: “Mỗi người có một sự lựa chọn cho mình. Thành công nào cũng có cái giá của nó.” Cô giải thích thêm: “Sống trong môi trường nhạc cổ điển, nếu không theo thương mại thì không được nhiều khán giả biết đến. Không nhiều người biết đến thì ít khán giả mua vé xem mình biểu diễn, mua đĩa của mình. Nhưng khi dính đến showbiz rồi thì mình phải đánh những bản nhạc mà quần chúng muốn. Đó là một cái vòng luẩn quẩn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự mình vượt qua, chọn con đường nào mình thích đi. Thú thật, để đánh những bài nhạc như Richard Clayderman thì tôi không thích đâu.”

Công bằng mà nói, nhạc cổ điển (Tây Phương) là loại nhạc ít người thích. Khán thính giả thường là dân có học. Tuy nhiên lý do để mà thích không phải vì cần có “trình độ” mới hiểu được (để thích). Nếu ví âm nhạc như một người con gái thì giai điệu chính là thể xác. Một người con gái dù nết na, tài cao, học rộng đến đâu mà không… đẹp thì cũng có người… mê nhưng… không nhiều! Ngược lại, một cô gái đẹp ra đường là người ta mê (ngắm nhìn) liền. Không cần biết cô này học tới… lớp mấy, tánh nết ra sao, tâm địa thế nào. Một bản nhạc dù hay về nhiều khía cạnh mà giai điệu quá dở thì không mấy người thích nghe. Trường hợp nhạc cổ điển na ná như vậy. Không ít bản nhạc cổ điển có giai điệu tuyệt vời, nghe (cả đêm) không chán. Tuy nhiên, đa số các bản nhạc mà các nghệ sĩ cổ điển chọn trình diễn có giai điệu khá khô khan đối với nhiều người.

So với nhạc cổ điển, các bản nhạc Richard Clayderman chọn thường đơn giản. Những người mới tập đàn piano chơi cũng được. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cho rằng trình độ để chơi mấy bản nhạc đó không cao bằng trình độ chơi nhạc cổ điển. Thực ra, trình độ không nằm ở nốt nhạc mà nằm ở khả năng truyền cảm của người chơi nhạc. Nếu đánh đàn piano mà như đánh… máy chữ thì dù giai điệu có mượt mà cách mấy cũng không tạo được nhiều cảm xúc cho người nghe.

Có lẽ nhiều nghệ sĩ dương cầm (và có thể nhiều nhạc cụ khác) không thấy giai điệu của bản nhạc và khả năng truyền cảm của người chơi nhạc là hai yếu tố chính hấp dẫn người nghe. Như Richard Clayderman, ông đã chọn được những bản nhạc có giai điệu hay cùng với lối chơi rất truyền cảm nên đã chinh phục được trái tim nhiều người trên thế giới. Sự thành công của ông có lẽ  không có cái giá nào cả.

 alt

Richard Clayderman