Menu Close

Khách ngồi đồng…

Hình ảnh những khách hàng ngồi đọc báo, nhấm nháp một ly cà phê hay tán chuyện với bạn bè cả tiếng đồng hồ là hình ảnh quen thuộc của những quán cà phê trên đường phố Âu Châu, nổi tiếng nhất là Paris. Khách hàng chỉ cần gọi một ly cà phê là có thể ngồi hàng giờ ngó ông đi qua bà đi lại, chẳng ai để ý đến. Và đó có lẽ cũng là cái thú nhàn tản của người Âu Châu, chẳng có gì để vội vã.

Hình ảnh này trái ngược với người Huê Kỳ xuôi ngược tất bật, món ăn thức uống mua rồi đem ra khỏi hàng quán để ăn uống vội vã trong khi lái xe hay tại nơi làm việc là chuyện rất thường. Hình như người Mỹ sáng chế ra món “đem về” hay “to go” hoặc “take out”?

Tại Hoa Kỳ trong những thành phố lớn, thỉnh thoảng ta cũng thấy các quán cà phê, quán rượu bày bán trên vỉa hè, và khách hàng cũng nhâm nhi nhưng hiếm khi có chuyện ngồi đồng cả buổi. Nhưng đó là chuyện cũ, chuyện ngày xưa, cư dân New York bây giờ cũng bắt đầu dùng các hàng quán làm nơi gặp gỡ trò chuyện và chủ tiệm bắt đầu kêu trời!

Thoạt tiên là Starbucks, với việc cung cấp dịch vụ lượn sóng mạng ảo cho khách hàng, các quán cà phê này đang trở thành nơi tụ họp của những người trẻ, họ mua một ly cà phê rồi thủng thẳng lướt sóng thỏa thích… Những khách hàng đến sau không có chỗ ngồi đành bưng ly cà phê ra về, hay bực bội tìm chỗ khác để uống. Ngoài chuyện “ngồi đồng”, việc dùng nhà vệ sinh của hàng quán khiến mấy cửa hàng Starbucks bên Amsterdam mắc luôn một cái ổ khóa vào cửa phòng vệ sinh. Người dùng phải bấm những nút in trên hóa đơn mua hàng mới mở được cửa. Đại khái là hàng quán chỉ cho phép khách hàng đã trả tiền sử dụng phòng vệ sinh của họ.

Cà phê tại Starbucks không rẻ và nơi này thu hút nhóm người trẻ, người trẻ thì thường ít thời giờ nhàn tản so với người già nên chuyện ngồi đồng ít xảy ra tại hàng quán này. Nhưng với đại tửu lầu McDonald thì câu chuyện khác hẳn. Nhất là mấy cửa hàng McDonald trong quận Queens của thành phố New York.

Đằng sau chú hề McDonald kia là những món hàng rẻ mạt, con nít tụ tập sau giờ học, người già kiếm người nói chuyện và cả những kẻ không nhà tìm nơi ấm áp để nghỉ chân. Mọi người đều tìm về McDonald!

 

alt

Một cửa hàng McDonald ở Flushing, quận Queens, NY, than phiền nhóm khách hàng ngồi rất lâu, nhưng mua rất ít. nguồn dailymail.co.uk

Giá cà phê tại McDonald khá rẻ ($1.09) mỗi ly trung bình nên bá tánh dễ dàng cáng đáng, và tại khu Flatbush của quận Queens, khách hàng đã rủ nhau đến đó, chọn cửa tiệm làm nơi gặp gỡ, tụ họp, mua một ly cà phê rồi ngồi đồng suốt ngày! Những khách hàng ngồi đồng kia hầu hết là những người lớn tuổi. Ngày trước họ ngồi trước hiên nhà và nói chuyện với nhau, ngày nay họ đến McDonald! Nói giản dị, văn hóa cà phê tuốt trời Âu đã lan sang đến Huê Kỳ (?) và tạo ra những khó khăn cho hàng quán

McDonald bán những món ăn nhanh ăn lẹ, bàn ghế trong tiệm thường là những thứ không thoải mái, ghế thẳng lưng, không có nệm… Thiết kế như thế tất nhiên là đại tửu lầu có mục đích: khách hàng không ngồi lâu vì chỗ ngồi không thoải mái chút nào. Và họ ăn nhanh, ăn lẹ rồi đi, dành chỗ cho khách hàng mới. Đây là kế sách làm ăn của các hàng quán bán thức ăn nhanh. Khi khách hàng ngồi đồng thì tất nhiên kế sách ấy không còn hiệu quả nữa. Khách hàng mới mua xong thức ăn không có chỗ ngồi để ăn, có người mang đi, có kẻ đòi tiền lại vì không có chỗ ăn!

Khách hàng ngồi đồng nói rằng họ có quyền ngồi bất kể bao lâu trong khi chủ tiệm méo mặt vì mất khách (khác). Từ đó khách hàng và chủ tiệm khó chịu với nhau.

Mới đây, chủ tiệm McDonald tại Flushing, Queens, đã phải gọi cảnh sát để… mời khách ra khỏi tiệm. Việc làm này khiến những người khác bất nhẫn và đòi tẩy chay đại tửu lầu vì tội “vô lễ”!

Văn hóa cà phê là thứ văn hóa mới mẻ đối với dân Huê Kỳ và người ta tụ họp chưa hẳn vì… cà phê! Theo ông Don Mitchell, giáo sư xã hội tại Syracuse University, gặp gỡ tụ họp tại một số địa điểm nhất định là hiện tượng phổ thông của người sinh sống trong thành phố (nhà cửa chật hẹp, đâu có chỗ để tụ họp?). Cư dân thường chọn một địa điểm công như công viên, phòng xã hội (civic center) hoặc tư như hàng quán để tụ họp, tán chuyện. Ngồi đồng là một hình thức đòi “chỗ đứng” hay thông báo “có tui đây”!

Tại một số các cửa hàng McDonald, có khoảng 235 cửa hàng McDonald trong thành phố New York, khách hàng nói rằng họ chọn McDonald làm quán cà phê cho mình và bạn bè bất kể nhà hàng muốn buôn bán làm ăn theo kiểu mẫu nào. Tui đến và tui cứ ngồi đó! Nhà hàng phản ứng bằng cách treo bảng yêu cầu thực khách chỉ nấn ná khoảng 30 phút là hết giờ!

Tất nhiên là khách hàng ngồi đồng đánh bài lờ, và cảnh sát phải đến giải tán, có hôm cả 3 – 4 lần vì hễ giải tán xong, khi cảnh sát đi rồi, khách hàng lại tụ họp!

Khách quen ngồi đồng sau một thời gian dài nghiễm nhiên trở thành “đồ đạc” trong tiệm, không ai còn “nhìn” thấy những khách hàng này nữa, và họ tự động chọn một chỗ khác trong tiệm như một phản xạ!

Khi được phỏng vấn khách hàng bị “xua” khỏi McDonald nói rằng họ cô đơn và buồn chán khi phải ở nhà, McDonald là nơi họ thấy mặt bạn bè hầu tán gẫu cho qua ngày đoạn tháng… McDonald không chỉ là quán ăn mà đã trở thành một phòng xã hội nơi tụ họp của khách ngồi đồng! Họ chia nhau một túi khoai chiên $1.34 và ngồi cả ngày!

Tất nhiên là chủ quán McDonald không mấy vui vẻ vì nhà hàng của họ bị dùng làm nơi hội họp; họ cần khách hàng mới, mua hàng để có thể tiếp tục việc buôn bán!

Khi một nhóm khách hàng Đại Hàn bị xua đuổi tại McDonald thì ông Hoick Choi, 76 tuổi, một mục sư tại New Power Presbyterian Church, phân trần rằng tại nhà xứ, họ đạo có cả một phòng hội họp, mở cửa suốt ngày ai cũng có thể đến và uống cà phê miễn phí. Nhưng phòng hội họp của nhà xứ lại vắng như chùa Bà Đanh, người ta đến ăn trưa miễn phí rồi kéo ra McDonald ngồi đồng! Không biết tại sao?

Phân trần xong thì mục sư Choi gãi đầu, tui phải ra McDonald mà quan sát xem tại sao người ta thích đến đó dù chủ tiệm không vui?!

Về phía các khách hàng bị mời ra cửa, họ đi vòng quanh rồi… trở lại, và họ cũng không thể giải thích tại sao họ thích tụ họp tại McDonald? Có lẽ vì họ sinh sống trong vùng quá lâu và hàng quán kia là một nơi quen thuộc nên những khách hàng này xem như “nhà” mình chăng?

Trong khi chủ tiệm nhăn nhó, khó chịu trước hiện tượng khách ngồi đồng và tạo ra việc đình trệ trong sự buôn bán thì các nhân viên trong tiệm lại âm thầm bất nhẫn, họ lý luận rằng những khách hàng kia cần chỗ ra vô, và có thể là… chính tui khi gặp lúc không may, xua đuổi họ làm chi?

Văn hóa cà phê có lẽ là chẳng thâm nhập mọc rễ tại Huê Kỳ như người ta đoán vì đời sống tại đất nước này vội vã quá chừng, chẳng mấy ai ngồi nhâm nhi một ly cà phê mấy tiếng đồng hồ như bên Tây và hàng quán cà phê chỉ là một nơi nghỉ chân hay tụ họp? Dế Mèn nhìn ngắm hiện tượng khách hàng ngồi đồng với sự tò mò, tò mò lắm vì có nơi tụ họp đàng hoàng như phòng xã hội, tại sao người ta không dùng?

TLL