Hôm Thứ Sáu 22-8-2014 đánh dấu 24 năm quốc hội Đông Đức quyết định tự giải thể, sát nhập vào Tây Đức. Đây là một trong vài cặp quốc gia từng bị chia cắt thời Chiến Tranh Lạnh (Cold War).

Theo khởi xướng của Thủ Tướng Ấn Độ tiên khởi, ông Jawaharlal Nehru, chừng 120 xứ trong diện này hợp lại thành phong trào phi liên kết (Non-Aligned Movement hay NAM), ngụ ý không muốn theo phe nào, dù tư bản (NATO) hay cộng sản (Warsaw Pact). Chánh thức lập trường trung lập, nhưng trên thực tế các nước “Thế Giới Thứ Ba” không ít lần úp mở thiện cảm với Nga sô và phe cộng sản. Ngoài Ấn Độ, tùy thời điểm, các thành viên chánh của “NAM” có thể kể: Pakistan, Algeria, Libya, Ai Cập, Indonesia, Colombia, Venezuela, Nam Phi, Iran, Malaysia… Thậm chí, có vài nước cộng sản cũng từng xếp hàng vào nhóm này như Nam Tư (Yugoslavia), Cuba, hay Trung cộng.
Chiến xa Nga sô gần “Checkpoint Charlie”, khét tiếng cùng với bức tường Berlin Wall là những biểu tượng đối đầu căng thẳng giữa Nga sô và thế giới Tây Phương thời Cold War.
Khối tư bản còn được gọi nôm na là khối NATO. Tuy NATO chỉ gồm các quốc gia trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (Hoa Kỳ và Tây Âu), nhưng vì họ hùng cường nhất, nên được kể như là đại diện cho thế giới tự do. Một trong những nỗ lực chánh là cuộc tái thiết Âu Châu. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ George Marshall khởi xướng một chương trình lừng danh mang chính tên ông “Marshall Plan”. Với kế hoạch này, Hoa Kỳ viện trợ trên $13 tỉ cho 16 quốc gia Âu Châu thời hậu chiến, bao gồm cả Tây Đức. Đến giữa thập niên 1950, kể như Tây Âu hoàn toàn hồi phục, với tự do mậu dịch và thương mại phát triển mạnh mẽ.
Khối cộng sản “hiệp ước Warsaw” trên thực tế không đồng nhất.Vài nước Đông Âu chịu ảnh hưởng tuyệt đối của Nga sô gồm: Đông Đức, Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Tiệp Khắc (Czechoslovakia). Thời đó, nhiều tiểu quốc khác cũng ngưỡng vọng liên bang sô viết gồm: Cuba, Nicaragua, Mông Cổ, Angola, Ethiopia, Mozambique, Lào, Cam Bốt, Bắc Việt… Cũng có xứ, tuy là cộng sản, nhưng lạnh lẽo ra mặt với Moscow. Nam Tư (Yugoslavia) với lãnh tụ Tito không chịu bị Nga sô kiểm soát, thậm chí trở thành một trong những đồng sáng lập “Thế Giới Thứ Ba”. Trung cộng dưới quyền Mao Trạch Đông (Mao Zedong) cũng muốn đi đường riêng, từ năm 1961 thù địch Nga sô chẳng kém gì Tây Phương.
Thời Cold War, hai phe tư bản lẫn cộng sản dùng đủ mưu mẹo để chiêu dụ các nước “Thế Giới Thứ Ba” gia nhập vào liên minh của mình. Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương thường viện trợ quân sự, giúp xây trường học, nhà thương, đường sá, gởi thiện nguyên viên sang giúp các quốc gia nghèo, v.v… Nga sô lại chú trọng quân viện và trợ giúp kỹ thuật. Tuyên truyền, tâm lý chiến là một trận chiến ngoạn mục khác. Trong khi phe cộng sản miệt mài xướng bài ca “thiên đường XHCN”, thì Hoa Kỳ và đồng minh triền miên phát sóng đài Âu Châu Tự Do (Radio Free Europe) sang Đông Âu, hoặc đưa tri thức dân chủ tự do sang Á Đông với đài VOA…
Thời Chiến Tranh Lạnh cũng là đỉnh điểm của hoạt động tình báo, ám sát trong bí mật. Một trong những vụ nổi tiếng khi Nga sô bắn hạ phi cơ thám thính U-2 của Hoa Kỳ năm 1960. Hai bên cũng không ít lần dùng chiến thuật “đánh bài phé”, dọa sẽ cho nổ ra Đệ Tam Thế Chiến, chỉ để buộc đối phương lùi bước, như đã thấy qua vụ Hoa Kỳ buộc Nga sô dỡ bỏ các giàn hỏa tiễn trên đất Cuba trong cuộc khủng hoảng “Cuban Missle Crisis” nửa đầu thập niên 1960. Cả 2 bên NATO lẫn Warsaw Pact đều muốn tránh đối đầu trực tiếp để né chiến tranh hạch tâm tàn khốc khôn lường cho cả hai, nên quay sang yểm trợ các cuộc chiến nhỏ, lẻ tẻ khắp thế giới, qua đủ loại chiêu bài “giải phóng”, “cách mạng”, v.v…
Các cuộc đối đầu này, sử gọi là “chiến tranh ủy nhiệm” (Proxy War), đưa ta về lại với Đức Quốc. Đây là 1 trong 3 cặp quốc gia bị chia cắt bởi lằn ranh ý thức hệ Quốc-Cộng nổi tiếng thời Chiến Tranh Lạnh: Tây Đức (quốc gia) và Đông Đức (cộng sản); Nam Hàn (QG) và Bắc Hàn (CS); Nam Việt Nam (QG) và Bắc Việt Nam (CS).
Binh sĩ Nam Hàn (xoay lưng) và Bắc Hàn tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom), khu an ninh hỗn hợp, nằm trong vùng phi quân sự phân chia Nam-Bắc Hàn.
Sau khi Đức đầu hàng, kết liễu Đệ Nhị Thế Chiến, phe Đồng Minh chia nước này thành 4 vùng, giao cho 4 nước đồng minh thắng trận cai quản: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp Quốc, và Nga sô. Thủ đô Berlin cũng bị xẻ làm 4 phần. Nhưng những dị biệt, thậm chí cả thù địch, giữa 4 nước thắng trận, cuối cùng đưa đến sự kiện Hoa Kỳ và Tây Phương phải lập cầu không vận cứu cư dân Berlin trong sự kiện “Berlin Airlift”. Sau vụ này, Hoa Kỳ cùng Anh và Pháp gom 3 phần lãnh thổ trong tay họ kiểm soát hợp thành một quốc gia độc lập là Federal Republic of Germany (Cộng Hòa Liên Bang Đức hay ngắn gọn là “Tây Đức”). Nga sô phản ứng bằng cách biến phần đất còn lại do họ chiếm đóng thành German Democratic Republic (Cộng Hòa Dân Chủ Đức hay “Đông Đức”).
Binh sĩ và dân chúng Tây Berlin (phải) đứng nhìn “Bức tường ô nhục” Berlin Wall mọc lên gần như chỉ sau 1 đêm tháng 8-1961. Hồng quân Nga sô (trái) dựng tường rào, gài mìn, và các năm sau giết tại chỗ bất cứ người Đông Đức nào tìm cách vượt tường. Cuối cùng, người Đức giật đổ Berlin Wall cuối năm 1989.
Tây Đức là nước nhận được rất nhiều trợ giúp dưới chương trình tái thiết “Marshall Plan”. Đến 1955, Tây Đức chánh thức trở nên thành viên của NATO. Đến 1989, trong khúc dạo đầu cho cuộc sụp đổ đế chế cộng sản tại Âu Châu, Hungary quyết định mở cửa biên giới, để cho hằng ngàn người dân Đông Đức ào ạt bỏ chạy sang Tây Đức thông qua lãnh thổ Hungary. Không lâu sau đó, Đông Đức tự kết liễu.
Trên bán đảo Triều Tiên, với chiến thắng của phe Đồng Minh vào cuối Thế Chiến II, nền thuộc địa của Thiên Hoàng Nhật Bổn áp đặt lên dân chúng Đại Hàn cũng kết liễu. Phần lãnh thổ phía bắc, từ vĩ tuyến 38 trở lên, do hồng quân Nga sô chiếm đóng, trở thành xứ cộng sản Democratic People’s Republic of Korea (Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên hay ngắn gọn “Bắc Hàn”). Trong khi đó, nước Republic of Korea (Cộng Hòa Triều Tiên hay “Nam Hàn”) theo khuôn mẫu dân chủ Tây Phương thiết lập phía nam vĩ tuyến 38. Đầu thập niên 1950, Bắc Hàn với sự yểm trợ của Trung cộng, mở cuộc tấn công Nam Hàn. Hán Thành (Seoul) có Hoa Kỳ giúp, phản công lật ngược thế cờ. Đánh nhau qua lại đến năm 1953 thì các bên ký thỏa thuận hưu chiến.
Trên thực tế, bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Các bên chưa hề đạt hòa ước. Hòa bình chỉ được duy nhì nhờ lịnh ngừng bắn mong manh. Bắc Hàn đến nay đã gài ít nhất 3,700 gián điệp, biệt kích vào Nam Hàn. Nam Hàn cũng có hơn 200 nỗ lực “Bắc tiến mini”. Đặc biệt vào năm 1967, khi biệt kích Nam Hàn ra bắc phá hủy khoảng 50 cơ sở các loại của miền bắc. Từ đầu thế kỷ 21, phía Nam Hàn tỏ nhiều dấu hiệu hòa hoãn, như gởi viện trợ nhân đạo, hay khuyến khích dân chúng mở nhiều cuộc thăm viếng đoàn tụ gia đình với Bắc Hàn.
Cuộc chiến ngắn ngủi “Korea War” không phải là cuộc chiến tranh ủy nhiệm duy nhất thời Cold War. Ngay từ đầu 1947, Âu Châu đã nhen nhúm 2 cuộc khủng hoảng lớn. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sô yểm trợ các chiến binh cộng sản đánh nhau với quân đội quốc gia, chiếm cứ nhiều vùng lãnh thổ ở biên thùy vùng đông bắc. Tại Hy Lạp, chánh phủ quốc gia thân Tây Phương cũng suýt bị phiến quân cộng sản đánh bật gốc với võ khí lẫn quân binh tình nguyện từ Nga sô, Nam Tư, Albania, Bulgaria, v.v… Phe chánh phủ cuối cùng giành phần thắng, bảo toàn chánh nghĩa quốc gia, một phần cũng nhờ có sự thù địch nội bộ giữa lãnh tụ Nga sô Joseph Stalin và lãnh tụ Nam Tư Josip Broz Tito. Tito đóng cửa biên giới Nam Tư-Hy Lạp khiến quân cộng sản Hy Lạp mất đường tiếp viện, dẫn tới sụp đổ.
Quê hương Việt Nam tuy không bị chia cắt từ 1945 bởi các cường quốc thắng trận Thế Chiến Hai như trường hợp Đức Quốc và Triều Tiên, nhưng lại trở thành “chiến trường ủy nhiệm” đẫm máu nhất của Chiến Tranh Lạnh. Một bên, Hoa Kỳ và đồng minh (Úc, New Zealand, Nam Hàn, Thái Lan…) xúm vô yểm trợ Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam. Trong khi đó, Nga sô, Trung cộng, Cuba, Bắc Hàn và các đàn em XHCN khác chống lưng cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt Nam. Nếu như cộng sản Hy Lạp bị đóng cửa biên giới mất đường tiếp viện, và cộng sản Bắc Hàn chí ít chấp thuận ngừng bắn, thì Hà Nội luôn sẵn biên giới với Trung cộng trên ngàn cây số thênh thang, đều đặn tiếp nhận quân viện, võ khí vô giới hạn từ khối cộng sản. Chinh chiến điêu linh trên 20 năm, nhiều triệu sanh mạng người Việt ngã xuống, sau cùng kết thúc với các binh đoàn CSVN vào chiếm Sài Gòn ngày cuối tháng 4-1975.
Hà Nội-Bắc VN đầu thập niên 1960.
Có thể thấy kết quả tạm thời của 3 cặp quốc gia nổi tiếng bị chia cắt bởi lằn ranh Quốc-Cộng thời Chiến Tranh Lạnh. Hằng triệu Người Việt quốc gia từ 1975 phải sống đời lưu vong, trong khi nước nhà lao đao với vô vàn vấn nạn, trong đó có cả họa mất nước. Còn Nam Hàn từ thập niên 1960 kinh tế tiến triển vũ bão, ngày nay trở thành một trong những cường quốc Á Đông, trong khi tại Bắc Hàn có ít nhất 400,000 người chết trong các trại tập trung, và khoảng 240,000 đến 420,000 người khác thiệt mạng trong các trận đói. Phần Đức Quốc trở lại cương vị cường quốc thế giới, nhất là từ sau ngày hợp nhất 24 năm trước, uy tín lẫn vai trò trong Liên Âu và NATO ngày càng lên cao.
Vũng Tàu-Nam VN đầu thập niên 1960.
TD